GS.TS ĐẶNG HÙNG VÕ: NHÀ NƯỚC CẦN CÓ PHƯƠNG ÁN ĐỂ GIÁ TRỊ THỊ TRƯỜNG ĐƯỢC GHI TRÊN CÁC HỢP ĐỒNG CHUYỂN QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT ĐAI
PGS.TS PHAN TRUNG HIỀN: VIỆC ĐỊNH GIÁ ĐẤT PHẢI CÔNG KHAI, MINH BẠCH, DÂN CHỦ VÀ THỰC HIỆN TRÁCH NHIỆM GIẢI TRÌNH
Sau hơn 08 năm tổ chức thi hành Luật Đất đai năm 2013, công tác quản lý đất đai đã đạt được những kết quả quan trọng, tạo ra hành lang pháp lý đồng bộ, chặt chẽ và khả thi cho việc khai thác và sử dụng đất đai hợp lý, tiết kiệm và có hiệu quả, tạo ra những động lực mạnh mẽ cho phát triển đô thị, tăng đáng kể nguồn thu cho ngân sách, đóng góp tích cực cho việc phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh. Công tác quy hoạch sử dụng đất được thực hiện theo hướng tiếp cận tổng hợp, liên ngành và trở thành công cụ quan trọng để Nhà nước thống nhất quản lý, phân bổ và sử dụng đất đai.
Tuy nhiên, quá trình thực thi Luật Đất đai vẫn còn khá nhiều tồn tại, đặc biệt là tính thiếu đồng bộ, thống nhất giữa các luật có liên quan đến quy hoạch sử dụng đất như Luật Quy hoạch, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Xây dựng, Luật Đất đai.
Theo kế hoạch, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 4 vào tháng 10/2022 (ảnh minh họa).
Đóng góp ý kiến vào dự án Luật Đất đai (sửa đổi), trong cuộc trả lời phỏng vấn phóng viên Cổng Thông tin điện tử Quốc hội, TS. Đặng Việt Dũng- Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, hiện nay, việc phân loại đất còn chưa đồng bộ nên cần bổ sung đầy đủ trong Luật Đất đai (sửa đổi) những loại đất đã được quy định ở trong các luật khác để thuận tiện cho đơn vị thực thi pháp luật. Mặt khác, để quản lý tốt hơn quy hoạch đất đai thì Luật Quy hoạch đô thị, Luật Xây dựng, Luật đất đai cần có sự đồng bộ, thống nhất.
Phóng viên: Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tiên tại Kỳ họp thứ 4 tới. Xin ông cho biết nội dung quan tâm nhất trong dự án Luật này?
TS. Đặng Việt Dũng- Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam: Vấn đề tôi quan tâm nhất trong Luật Đất đai (sửa đổi) là việc thống nhất, đồng bộ giữa hệ thống pháp luật liên quan đến đất đai. Ví dụ như hiện nay, phân loại đất trong Luật Quy hoạch đô thị có đề cập về đất đô thị, đất xây dựng đô thị, đất dân dụng, đất ngoài dân dụng nhưng trong Luật Đất đai lại không đặt vấn đề này mà chỉ chia thành 3 nhóm gồm: đất nông nghiệp, nông nghiệp và đất chưa sử dụng. Do vậy, nếu địa phương đã tổ chức lập quy hoạch đô thị rồi nhưng khi chuyển sang quy hoạch sử dụng đất lại không có tiêu chuẩn, căn cứ để định hình thay đổi như thế nào.
Ngoài ra, sau khi tổ chức giao đất, chuyển quyền sử dụng đất thì thường là phải định giá đất. Tuy nhiên, tên gọi của các loại đất không được xác định một cách cụ thể nên nhiều khi người dân sẽ không có cơ sở để định giá. Hiện nay, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Xây dựng, Luật đất đai không có sự đồng bộ, thống nhất. Thế nhưng, theo quy định pháp luật hiện hành, người quyết định giá đất hiện nay là do đơn vị quản lý đất đai quyết định và sẽ căn cứ vào Luật đất đai để đưa ra mức giá. Trong khi đó, quy hoạch đô thị thì căn cứ vào Luật Quy hoạch nên địa phương sẽ không triển khai được hoặc kéo dài thủ tục hành chính và rất phức tạp trong quá trình quyết định.
TS. Đặng Việt Dũng- Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam.
Phóng viên: Với những bất cập trên, ông có đề xuất chỉnh sửa trong dự án Luật Đất đai (sửa đổi) như thế nào?
TS. Đặng Việt Dũng- Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam: Tôi cho rằng, cần có sự đồng bộ trong hệ thống pháp luật về Luật Quy hoạch, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Xây dựng, Luật Đất đai (sửa đổi) về nội dung quy hoạch, thời kỳ quy hoạch, phân loại đất trong quá trình quy hoạch.
Về hệ thống quy hoạch phải theo sự đồng bộ của Luật Quy hoạch. Về nội dung quy hoạch, những gì đã được quy định trong Luật Quy hoạch rồi thì trong Luật Đất đai (sửa đổi) có thể kế thừa. Đặc biệt, hiện nay, việc phân loại đất còn chưa đồng bộ nên cần bổ sung đầy đủ trong Luật Đất đai (sửa đổi) những loại đất đã được quy định ở trong các luật khác để thuận tiện cho đơn vị thực thi pháp luật.
Phóng viên: Theo ông, việc quản lý đất đai thực hiện theo quy hoạch nên như thế nào để người dân có thể dễ dàng giám sát được hiệu quả?
TS. Đặng Việt Dũng- Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam: Hiện nay, việc lập quy hoạch theo Luật Quy hoạch thì cấp lấy ý kiến khác với đối tượng lấy ý kiến của Luật Đất đai. Để người dân có thể giám sát được việc thực hiện quy hoạch đất đai thì phải có sự đồng bộ về đối tượng, hình thức lấy ý kiến. Theo đó, nên lấy ý kiến nội dung quy hoạch sử dụng đất, đối tượng nào chịu ảnh hưởng nhiều nhất khi lập quy hoạch đất đai. Mức độ quy hoạch khác nhau thì đối tượng lấy ý kiến khác nhau. Nội dung lấy ý kiến cần được quy định rõ. Ngoài ra, một vấn đề khác cũng rất quan trọng là việc phản hồi ý kiến của người dân.
Trong Luật Đất đai (sửa đổi) cần quy định rõ người dân tham gia giám sát việc thực hiện quy hoạch sử dụng đất. Việc quy hoạch đất đai, xây dựng công trình, dự án như thế nào cần được đưa lên các website chính thống của các Bộ ngành, cơ quan để người dân đóng góp ý kiến.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!