XÂY DỰNG HỆ THỐNG CHỈ TIÊU ĐO LƯỜNG KHẢ NĂNG CHỐNG CHỊU VÀ TÍNH TỰ CHỦ, TỰ CƯỜNG CỦA NỀN KINH TẾ

28/10/2022

Quan tâm đến nội dung về tình hình phát triển kinh tế xã hội tại Kỳ họp thứ 4, nhiều đại biểu Quốc hội, chuyên gia, nhà nghiên cứu cho rằng, cần xây dựng hệ thống chỉ tiêu đo lường khả năng chống chịu và tính tự chủ, tự cường của nền kinh tế; tăng cường phối hợp chính sách nhằm ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, phục hồi và phát triển bền vững.

TỔNG THUẬT SÁNG 24/10: QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ LUẬT KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH (SỬA ĐỔI)

Nội dung về tình hình phát triển kinh tế- xã hội luôn là vấn đề trung tâm nhận được nhiều sự quan tâm của các đại biểu cũng như cử tri tại các Kỳ họp. Kỳ họp thứ diễn ra trong bối cảnh kinh tế đang từng bước phục hồi mạnh mẽ sau hai năm chiu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, vậy nên nội dung này càng nhận được nhiều sự chú ý tại các phiên thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế xã hội.

Theo đánh giá của các đại biểu Quốc hội cũng như nhiều chuyên gia, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, kinh tế Việt Nam đã trải qua nhiều giai đoạn biến động do tác động bất lợi từ cú sốc bên ngoài cũng như những yếu kém nội tại. Việc nâng cao năng lực chống chịu, tính tự cường của nền kinh tế là yêu cầu cấp thiết trong bối cảnh phát triển mới bởi đây là một trong những yêu cầu, nhiệm vụ trọng tâm của Nghị quyết Đại hội Đảng XIII, tạo tiền đề để xây dựng kinh tế độc lập, tự chủ, giảm phụ thuộc, chi phối bởi các nguồn lực bên ngoài, đồng thời mở rộng không gian phát triển, nâng cao sức cạnh tranh, chất lượng, hiệu quả nội tại của nền kinh tế.

Các đại biểu Quốc hội tại phiên họp

Bối cảnh hiện nay và sắp tới còn phức tạp, nhiều bất định, rủi ro; sức chống chịu và khả năng thích ứng là yếu tố vô cùng quan trọng, tạo hệ thống phòng vệ vững chắc bảo vệ nền kinh tế - tài chính, hệ thống doanh nghiệp và thị trường trong nước. Sức chống chịu của nền kinh tế dựa trên 3 trụ cột (kinh tế, chính trị - xã hội và môi trường) sẽ giúp ứng phó linh hoạt, phù hợp, giảm thiểu rủi ro do các cú sốc về kinh tế, địa chính trị, biến đổi khí hậu, môi trường (kể cả các cú sốc kết hợp). Sức chống chịu, tính tự cường của nền kinh tế không tách rời hội nhập quốc tế sâu rộng và xu thế Cách mạng công nghiệp 4.0, nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo và vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu. Khơi dậy tinh thần và ý chí tự lực, tự cường của toàn thể hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân, kiên định mục tiêu trở thành nước phát triển thu nhập cao, phát triển bền vững.              

Để nâng cao khả năng chống chịu, tăng tính tự cường của nền kinh tế Việt Nam, phát huy thuận lợi, cơ hội và hạn chế tối đa rủi ro, thách thức trong quá trình phục hồi, phát triển bền vững, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị xây dựng và vận hành hệ thống chỉ tiêu đánh giá, đo lường khả năng chống chịu và tính tự chủ, tự cường của nền kinh tế. Cụ thể, Việt Nam nên tổ chức nghiên cứu, hoàn thiện Bộ chỉ tiêu đánh giá năng lực chống chịu và tính tự chủ, tự cường của nền kinh tế theo chuẩn quốc tế. Công bố kết quả đánh giá về khả năng chống chịu của nền kinh tế định kỳ hàng năm làm cơ sở để rà soát, đối chiếu với kết quả điều hành vĩ mô, kinh tế, tài chính, quản trị rủi ro, năng lực cạnh tranh của Việt Nam để có điều chỉnh phù hợp, linh hoạt.      

Nâng cao khả năng chống chịu, tăng tính tự cường của nền kinh tế Việt Nam là vấn đề đang đặt ra với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính

Quan tâm đến vấn đề này, TS.Cấn Văn Lực cùng nhiều chuyên gia đề nghị tăng cường phối hợp chính sách nhằm ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, phục hồi và phát triển bền vững. Nâng cao hiệu quả phối hợp chính sách theo hướng chủ động, linh hoạt  trong thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội 2022-2023, đảm bảo ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, các cân đối lớn… Xây dựng kế hoạch ngân sách trung - dài hạn và lạm phát mục tiêu và điều hành theo lạm phát mục tiêu, từ đó có cơ sở đánh giá, lượng hóa chính xác hiệu quả phối hợp chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ. Tiếp tục tăng dự trữ ngoại hối, điều hành tỷ giá linh hoạt; dùng nhiều công cụ gián tiếp hơn là hành chính; chú trọng kiểm soát rủi ro hệ thống tài chính – bất động sản…v.v.; Chú trọng các yếu tố bền vững môi trường, môi trường – xã hội – quản trị tốt trong các Chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cũng như của các doanh nghiệp, các ngành và lĩnh vực. 

Cùng với đó, nhiều đại biểu kiến nghị cần hoàn thiện thể chế, tạo môi trường thuận lợi hơn nữa cho phát triển kinh tế số, kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn. Đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hành lang pháp lý cho phát triển kinh tế số, tài chính số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kiến tạo đổi mới sáng tạo (đặc biệt là Luật giao dịch điện tử; Luật bảo vệ dữ liệu cá nhân; cơ chế thử nghiệm; quy định về quản lý dữ liệu, chia sẻ dữ liệu trên cổng dữ liệu quốc gia và các nền tảng số…). Xây dựng Bộ chỉ tiêu thống kê, đo lường quy mô nền kinh tế số theo tiêu chuẩn quốc tế, thống nhất thước đo kinh tế số là theo giá trị gia tăng, nhằm đảm bảo nhất quán thực hiện. Tăng cường phối hợp giữa Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số và Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia (NIC) trong hỗ trợ hệ sinh thái startups (đặc biệt là DN vừa và nhỏ); nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong phát triển kinh tế số, kinh tế xanh và tuần hoàn.

TS.Cấn Văn Lực đóng góp ý kiến về nâng cao sức chịu đựng, tính tự chủ, tự cường của nền kinh tế

Thêm vào đó, cần có chiến lược, giải pháp cụ thể nâng cao sức chịu đựng, tính tự chủ, tự cường của nền kinh tế, của các ngành, lĩnh vực và doanh nghiệp Việt Nam, chú trọng chất lượng tăng trưởng, phát triển cân bằng thị trường tài chính, tăng mức độ tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, tăng nội lực, nội địa hóa các yếu tố đầu vào; nhất quán chú trọng tháo gỡ ba rào cản tăng trưởng bền vững là chất lượng thể chế, hết sức chú trọng giải quyết các điểm yếu về xã hội – môi trường. Ngoài ra, việc xây dựng và nhất quán thực thi Chiến lược an ninh năng lượng, an ninh lương thực gắn với chiến lược phát triển khu vực ĐBSCL là hết sức cần thiết.

Các đại biểu Quốc hội, nhà nghiên cứu cũng cho rằng, cần có kế hoạch cụ thể huy động nguồn lực nhằm hiện thực hóa các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra về sức chống chịu, tính tự chủ và tự cường của nền kinh tế, nhất là các nguồn lực về tài chính, công nghệ - kỹ thuật, năng lực chuyên môn – kỹ năng, trong đó cần coi trọng nguồn lực kinh tế tư nhân trong nước, nguồn lực nước ngoài và nguồn lực từ ngân sách, Nhà nước. Quan trọng hơn, sử dụng hiệu quả và minh bạch các nguồn lực đó.

Ngoài ra, cần nâng cao hiệu quả công tác giáo dục, truyền thông về “văn hóa kinh tế tuần hoàn, văn hóa xanh, văn hóa tự chủ, tự cường” trong tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, doanh nghiệp. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, để xây dựng và thực hành tốt văn hóa này, có ba điều kiện không thể thiếu, đó là: kiến tạo môi trường khuyến khích, thúc đẩy văn hóa xanh; có cơ chế, chính sách, quy trình cụ thể để khuyến khích cũng như chế tài trong quá trình thực hiện; Tăng cường vai trò lãnh đạo, làm gương của các cấp, người đứng đầu.

Minh Hùng