NHỮNG PHÁT NGÔN ẤN TƯỢNG TẠI PHIÊN THẢO LUẬN VỀ TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI TẠI KỲ HỌP THỨ 4, QUỐC HỘI KHÓA XV
Đại biểu Trần Quang Minh – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình: "Thực thi chính sách tình trạng "đầu voi, đuôi chuột" thường dẫn đến sự lãng phí và không chỉ thế còn đem lại sự khó khăn, khó xử cho rất nhiều người đáng ra phải là đối tượng được hưởng lợi từ chính sách. Chính vì thế, để khắc phục tình trạng thiếu đồng bộ giữa chính sách và nguồn lực, cần có sự nghiên cứu đầy đủ, đánh giá tác động của chính sách từ khi ban hành và triển khai."
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga – Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương: "Một thực tế vẫn đang diễn ra là cùng một cá nhân nhưng cách ứng xử với tài sản công khác hẳn với tài sản tư, với tài sản của bản thân. Tiết kiệm, chống lãng phí không chỉ là việc chấp hành mọi quy định của pháp luật về tiết kiệm, chống lãng phí mà trước tiên phải thuộc về lối sống và ý thức. Đó là lối sống văn minh, văn hóa, là ý thức luôn luôn đặt lợi ích của cộng đồng, của tập thể, của quốc gia, của dân tộc lên trên."
Đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp: "Tôi muốn đề xuất với Chính phủ rằng đáng chi là phải chi. Chi mang lại hiệu quả để kích thích cho lao động sản xuất. Chi để tái năng suất lao động. Chi tăng lương cho công chức, viên chức, người lao động để ổn định cuộc sống. Chi cho hoạt động hợp lý để tạo điều kiện cho hoạt động ngày một tốt hơn. Tuy nhiên, không vì thế mà chi không đảm bảo quy định, chưa hết năm đã hết tiền hoạt động. Tiết kiệm là đúng nhưng tiết kiệm quá mức chưa hẳn đã hiệu quả."
Đại biểu Nguyễn Hữu Thông – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận: "Những ai có đất, có nhà trong vùng dự án treo, quy hoạch treo mới thấu hiểu được nỗi khổ của người dân. Đây là những lãng phí vô cùng lớn. Thứ nhất là lãng phí về nguồn lực đất đai, làm ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh và thu hút đầu tư của địa phương, làm mất cơ hội phát triển của đất nước. Nhưng lãng phí lớn hơn là làm suy giảm, lãng phí niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, đối với Nhà nước… Tôi đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương khẩn trương rà soát và tháo gỡ để những người dân trong vùng dự án treo, quy hoạch treo, giảm bớt những khó khăn. Cụ thể như: kiên quyết thu hồi, hủy bỏ những dự án treo chậm tiến độ; đánh thuế cao đối với những diện tích đất không sử dụng; quy định 3 hoặc 5 năm nếu quy hoạch không triển khai thực hiện thì đương nhiên quy hoạch đó không còn giá trị pháp lý, đồng thời xử lý nghiêm trách nhiệm đối với những cá nhân, tổ chức có liên quan."
Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa – Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn: "Năng suất lao động theo sức mua tương đương của Việt Nam chỉ bằng 9,1% của Singapore, bằng 26,2% của Malaysia, bằng 46,8% của Thái Lan và bằng 68,7% của Philippines. Theo báo cáo năm 2020 của Tổ chức Năng suất châu Á cũng cho thấy năng suất lao động của Việt Nam đi sau Thái Lan 10 năm, Malaysia 40 năm và đi sau Nhật Bản là 60 năm. Nếu không có giải pháp quyết liệt, năng suất lao động của Việt Nam sẽ bị tụt hậu xa hơn so với các quốc gia trong khu vực, nguy cơ lãng phí nguồn nhân lực của thời kỳ dân số vàng là hiện hữu…. Chúng ta sẽ có lỗi với các thế hệ mai sau nếu không có các chính sách chống lãng phí, sử dụng tiết kiệm hiệu quả và phát huy tối đa tài sản, nguồn nhân lực để phát triển đất nước trong thời kỳ dân số vàng."
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp: "Việc tinh giản biên chế liệu có thực sự đạt mục tiêu đề ra hay chỉ đạt chỉ tiêu về mặt cơ học... Có thể khẳng định chủ trương tinh giản là đúng, nhưng dường như kết quả thu lại là chúng ta đang giảm mà chưa bảo đảm được độ tinh. Vì đối tượng tinh giản chủ yếu đang tập trung ở những người nghỉ hưu đúng tuổi, chuyển công tác và chúng ta chưa tinh giản được những người cần đưa ra khỏi bộ máy. Đó là bộ phận sáng cắp ô đi, tối cắp ô về, có vị trí nhưng khó bố trí việc làm."
Đại biểu Nguyễn Công Long – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai: "Có vẻ như chúng ta đang thỏa mãn với kết quả đạt được trong sản xuất nông nghiệp nên đã có tâm lý lơ là về vấn đề bảo đảm đất lúa. Phải chăng thành tích xuất khẩu lúa gạo luôn là tốp đầu thế giới, mỗi năm thu về trên dưới 4 tỷ USD đang làm chúng ta ngây ngất mà không biết rằng nguy cơ bảo đảm lương thực đang rất hiện hữu....Cơn sốt chuyển đổi đất lúa sang làm khu công nghiệp thời gian qua đã cho thấy sự lãng phí rất nghiêm trọng và thể hiện ngay từ khâu quy hoạch. Nhiều nơi do nôn nóng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế đã dùng "bờ xôi, ruộng mật" để triển khai các dự án công nghiệp, dịch vụ, du lịch và hiệu quả mang lại không tương xứng....Bài học rất nhãn tiền về việc phá đất lúa để phát triển công nghiệp như Philippines từng là nước có thành tích rực rỡ về nông nghiệp nhưng qua cơn sốt công nghiệp thế kỷ trước thì nay đang phải vật lộn với tình trạng thiếu lương thực. Tình cảnh của nước bạn cho thấy rằng câu nói thấm thía của cha ông ta để lại là "hết gạo chạy rông" như thế nào."
Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa – Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên: "Cần phải rà soát các quy định; khắc phục, bãi bỏ các quy định đã lạc hậu và không đồng bộ. Trước hết là các quy định các về định mức kinh tế, kỹ thuật. Rất nhiều định mức của chúng ta đã lạc hậu và kéo dài hàng chục năm, thậm chí là hơn chục năm. Do đó, nếu làm và thực hiện đúng như vậy thì rất khó khăn. Nhiều đại biểu đã nói đến một ca mổ kéo dài đến 9 tiếng đồng hồ mà bác sĩ được hưởng 140 nghìn đồng thì rất bất cập. Những định mức như vậy sẽ kéo lùi sự phát triển và chúng ta thấy rõ rằng là phải chi đúng, chi đủ, chi hiệu quả thì mới phát huy được năng động, sáng tạo của cán bộ."
Đại biểu Trịnh Xuân An – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai: "Tình trạng lãng phí của chúng ta đã xảy ra một thời gian dài mà chúng ta đều nhận định được, đều nhận thấy được. Nhưng chuyên đề giám sát này sẽ giống như là một liều thuốc kháng sinh cực mạnh đặc trị để chúng ta xử lý dứt điểm; mà để xử lý vụ việc này thì chúng ta phải chỉ rõ được trách nhiệm của ai, của cá nhân nào, của tổ chức nào."