LUẬT SƯ PHAN CÔNG TIẾN: KHÔNG CÓ VÙNG CẤM ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG CHẤT VẤN TẠI QUỐC HỘI

03/11/2022

Hôm nay (03/11), Quốc hội sẽ tiến hành Phiên Chất vấn và trả lời chất vấn tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội, thủ đô Hà Nội. Để đảm bảo hiệu quả của hoạt động chất vấn, ThS.Luật sư Phan Công Tiến - Luật sư điều hành Công ty Luật TNHH Equity Law kỳ vọng sự hiệu quả từ Phiên họp để có góc nhìn đúng đắn, chính xác, đúng và trúng trong việc đề ra những quyết sách phát triển đất nước.

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ CÙNG 4 BỘ TRƯỞNG, TRƯỞNG NGÀNH SẼ TRẢ LỜI CHẤT VẤN TẠI KỲ HỌP THỨ 4, QUỐC HỘI KHÓA XV

ThS.Luật sư Phan Công Tiến - Luật sư điều hành Công ty Luật TNHH Equity Law

Phóng viên: Ngày 03/11, Quốc hội sẽ tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn đối với các nhóm vấn đề xây dựng, nội vụ, thanh tra, thông tin và truyền thông. Luật sư đánh giá như nào về 4 nhóm vấn đề được Quốc hội lựa chọn lần này?

ThS.Luật sư Phan Công Tiến - Luật sư điều hành Công ty Luật TNHH Equity Law: Với tư cách là một Luật sư, người thường xuyên hoạt động trong lĩnh vực pháp luật, tôi cho rằng 4 nhóm vấn đề được đưa ra chất vấn tại Kỳ họp Quốc hội lần này đều là những vấn đề quan trọng của xã hội. Đây cũng là những vấn đề còn nhiều tồn tại, cần phải được thảo luận, thông tin thường xuyên để tất cả mọi người thấy rõ được các vấn đề. Những vấn đề nêu trên không mới, nhưng việc áp dụng pháp luật có nhiều nội dung, nhiều vấn đề cần đưa ra chất vấn, nhìn lại. Những vấn đề chất vấn nêu trên sẽ thu hút sự quan tâm của dư luận, có tác động nhiều mặt đến xã hội, đặc biệt trong công tác quản lý Nhà nước.

Phóng viên: Trong các nhóm vấn đề trên, Luật sư quan tâm cụ thể đến những nội dung nào?

ThS.Luật sư Phan Công Tiến - Luật sư điều hành Công ty Luật TNHH Equity Law: Về nhóm vấn đề xây dựng, cá nhân tôi rất quan tâm đến các hoạt động quy hoạch, đầu tư xây dựng cũng như vấn đề quản lý hoạt động đầu tư xây dựng. Các hoạt động đầu tư xây dựng hiện nay đang được triển khai rất rầm rộ. Hầu như ở địa phương nào, cấp nào cũng có các dự án xây dựng. Lớn như dự án xây dựng đường cao tốc Bắc Nam, vừa vừa như các dự án xây dựng khu đô thị, nhỏ như các dự án cầu cống, đường giao thông.

Trong hoạt động lập quy hoạch, đầu tư xây dựng, mặc dù luật quy định cần phải lấy ý kiến của cộng đồng dân cư. Tuy nhiên, trên thực tế việc lấy ý kiến này chưa thực sự đi vào thực chất. Bản thân tôi đang hỗ trợ người dân trong trường hợp một khu dân cư được quy hoạch vào một dự án xây dựng khu đô thị nhưng các hộ dân tại khu dân cư này không được mời đầy đủ khi tham gia góp ý kiến quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch. Uỷ ban nhân dân chỉ mời đại diện một số hộ dân đến tham dự. Có trường hợp người được mời sinh sống ở các điểm dân cư khác, không liên quan đến khu vực lập quy hoạch dự án. Kết quả dĩ nhiên là toàn bộ hội nghị đều tán thành với chủ trương quy hoạch trong khi những người thực sự bị ảnh hưởng không có cơ hội phát biểu.

Như vậy, với những quy định về việc lấy ý kiến dân cư hiện nay, nếu đơn vị lập quy hoạch không thực sự lắng nghe ý kiến của những người bị ảnh hưởng, tác động của quy hoạch thì cũng không có cơ chế ràng buộc hay chế tài rõ ràng.

Việc quản lý quy hoạch cũng chưa có cơ sở cho việc tham gia của người dân. Trong trường hợp thực tiễn mà tôi đã tham gia tư vấn, hỗ trợ, khi người dân thấy việc lập quy hoạch có nhiều vấn đề đã có kiến nghị các cơ quan nhà nước các cấp thực hiện việc thanh tra quy hoạch. Tuy nhiên, các cơ quan ở cấp trung ương khi nhận được kiến nghị của tập thể công dân đã chuyển đơn về Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh giải quyết. Uỷ ban nhân dân tỉnh khi nhận được phiếu chuyển đơn của cấp trung ương lại chuyển hồ sơ giải quyết cho cấp huyện. Trong khi đó việc lập quy hoạch dự án, phê duyệt chủ trương đầu tư được thực hiện ở cấp tỉnh và cấp huyện.

Như vậy, để cấp huyện và cấp tỉnh thanh tra, xác minh việc lập quy hoạch, lập dự án do chính họ thực hiện không khác nào “vừa đá bóng, vừa thổi còi”. Tính khách quan của kết luận thanh tra là một chuyện, nhưng chuyện lớn hơn là hiệu quả của hoạt động giám sát, quản lý quy hoạch.

Về việc thực hiện các dự án đầu tư xây dựng, ngoài việc nhiều dự án trọng điểm đang bị kéo dài thời gian thực hiện, đội vốn, gây lãng phí nguồn lực quốc gia thì việc thu hồi đất thực hiện các dự án đầu tư xây dựng cũng gặp nhiều vướng mắc. Hiện nay, quy định các dự án phát triển kinh tế - xã hội sẽ được thu hồi đất. Nhưng dự án phát triển kinh tế - xã hội là dự án như thế nào thì vẫn chưa có định nghĩa một cách rõ ràng. Cách định nghĩa hiện nay vẫn đang theo cách thức liệt kê, chưa đi vào bản chất, chưa buộc các chủ đầu tư phải đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội như họ cam kết.

Đơn cử như những dự án xây dựng khu đô thị. Hiện nay, theo Luật Đất đai thì chỉ có dự án xây dựng khu đô thị mới được phép thu hồi đất, còn dự án xây dựng khu đô thị không được thu hồi đất mà chủ đầu tư phải thỏa thuận với người có đất. Tuy nhiên, dự án khu đô thị mới khác gì với dự án khu đô thị thì chưa được phân biệt rõ ràng dẫn đến nhiều dự án xây dựng khu đô thị được cho là dự án khu đô thị mới và được thu hồi đất. Trong khi đó, việc đầu tư xây dựng khu đô thị tràn lan hiện nay dẫn đến hệ quả là đất đai bị sử dụng lãng phí, không hiệu quả, trong khi giá đất bị đẩy lên cao, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của đại bộ phận người lao động. Hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội của các dự án xây dựng khu đô thị hiện nay cần phải được xem xét, đánh giá một cách nghiêm túc, không né tránh, không có vùng cấm mới có thể tạo ra những thay đổi. Việc Quốc hội đưa nhóm vấn đề xây dựng vào Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 4 là một cơ hội để vấn đề này được đưa ra mổ xẻ.

Về nhóm vấn đề nội vụ, đây là vấn đề lớn, ảnh hưởng đến hàng triệu cán bộ, công chức, viên chức đang hoạt động trong khối cơ quan nhà nước. Tâm lý, sự gắn bó của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có tốt thì việc phục vụ nhân dân, phục vụ xã hội mới được đảm bảo. Trong các vấn đề nội vụ, tôi rất quan tâm đến nội dung xử lý hệ quả khi xử lý các quyết định miễn nhiệm, kỷ luật trái pháp luật.

Thực tế đã xảy ra trường hợp bà Nguyễn Thị Hằng Nga (nguyên Kế toán trưởng Trường Đại học Y Dược – Đại học Thái Nguyên) là viên chức bị miễn nhiệm chức vụ Kế toán trưởng trái luật. Sau nhiều lần khiếu nại, ngày 13/5/2020 đã được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quyết định giải quyết khiếu nại số 1146/QĐ-BGDĐT để hủy bỏ Quyết định miễn nhiệm trái pháp luật và yêu cầu khôi phục lại quyền lợi cho bà Nguyễn Thị Hằng Nga. Quyết định của Bộ trưởng là vậy nhưng cho đến nay cả Đại học Thái Nguyên lẫn Trường Đại học Y Dược đều chưa có phương án khôi phục quyền lợi thỏa đáng của viên chức do quyết định hành chính trái pháp luật. Quyết định giải quyết khiếu nại không được thực thi, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của viên chức cũng như gây mất niềm tin vào hoạt động giải quyết khiếu nại.

Bên cạnh đó, vấn đề tăng lương, tăng chế độ cho cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan, đơn vị Nhà nước cũng là vấn đề được quan tâm. Việc tăng lương không chỉ giải quyết vấn đề về tăng thu nhập, tăng mức sống, tăng điều kiện vật chất cho cán bộ, công chức, viên chức. Ở góc độ khác, đây cũng là cơ sở, tiền đề để hạn chế phần nào những tiêu cực, tham nhũng vặt ở một số bộ phận cán bộ, công chức Nhà nước.

Về nhóm vấn đề thông tin và truyền thông, đây là nhóm vấn đề không mới nhưng do sự phát triển, phổ biến của các phương tiện truyền thông và mạng xã hội nên nhóm vấn đề này đã phát sinh nhiều tính chất mới. Tốc độ truyền tin quá nhanh mà không có kiểm soát sẽ dẫn tới hệ quả rất lớn. Các tin giả, tin không có nguồn gốc rõ ràng được lan truyền với tốc độ chóng mặt khiến độc giả bị ngộ độc thông tin ở quy mô rất lớn. Độc giả hiểu sai thông tin nên một mặt có những hành xử không đúng, mặt khác các cơ quan nhà nước, đương sự liên quan phải mất nhiều công sức để “giải độc”.

Một vấn đề nữa trong truyền thông, mạng xã hội là vấn nạn bắt nạt qua mạng (Cyberbullying). Các đối tượng lợi dụng việc phần lớn cộng đồng không thể có thông tin đầy đủ về sự việc hoặc lợi dụng những cảm xúc nhất thời của đám đông, qua đó đăng tải những thông tin không đầy đủ, mang tính dẫn dắt, hướng người đọc vào những hành vi nhất định gây thiệt hại cho nạn nhân. Nạn nhân trong trường hợp này không thể chống cự lại số đông người dùng mạng xã hội nên chịu những tổn thương, thiệt hại rất lớn về uy tín nếu là tổ chức, danh dự, nhân phẩm; nhiều khi trực tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần nếu là cá nhân.

Có những doanh nghiệp chỉ vì một số thông tin không đầy đủ lan truyền trên mạng xã hội nên đã bị tẩy chay khiến hoạt động bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Có trường hợp phải thay đổi địa điểm kinh doanh hoặc thay đổi những chỉ dẫn thương mại khác để bắt đầu lại từ đầu. Phải bắt đầu lại từ đầu đã gây rất nhiều tốn kém cho doanh nghiệp, ngoài việc phải đầu tư lại cơ sở vật chất, doanh nghiệp còn phải xây dựng lại cơ sở marketing, truyền thông mới. Đối với nạn nhân là cá nhân, không ít trường hợp nạn nhân đã tự sát hoặc có những hành vi bạo lực chống lại xã hội.

Việc sửa chữa, khắc phục thiệt hại của vấn nạn bắt nạt qua mạng rất khó khăn và gần như không thể khôi phục nguyên trạng. Hiện nay cơ chế xử lý, phòng, chống vẫn chưa được nghiên cứu, quan tâm một cách cần thiết. Quan điểm giải quyết của nhiều cơ quan công an vẫn coi đây là tranh chấp dân sự trong khi ít nhiều đã có hành vi cố ý, ác tâm của đối tượng lan truyền thông tin, nghĩa là có dấu hiệu hình sự. Việc đánh giá thiệt hại cũng rất khó khăn bởi chưa có những nghiên cứu đầy đủ đánh giá tác động cũng như cơ chế của việc bắt nạt qua mạng ở Việt Nam, do đó chưa có quan điểm thống nhất hoặc quan điểm chung về cơ chế nhân quả của hành vi này.

Về nhóm vấn đề thanh tra, gần đây hoạt động thanh tra đã tỏ ra rất có hiệu quả trong việc phòng, chống tham nhũng. Nhưng đó là trong các vụ việc đã mang tính chất hình sự, dấu vết vi phạm còn mới. Tuy nhiên, các hoạt động thanh tra đối với trường hợp chưa có dấu hiệu hình sự rõ ràng thường gặp khó khăn, kéo dài. Một phần những vụ việc này chỉ ảnh hưởng đến một vài cá nhân nhất định, không ảnh hưởng quá lớn đến xã hội nên chưa được quan tâm xem xét. Nhưng một sự việc sai phạm dù nhỏ hay lớn cũng đều là những sai phạm, đều là việc bộ máy nhà nước có những sai phạm cần phải xử lý, làm rõ ngay lập tức để đưa bộ máy lành mạnh và quy củ. Nếu bỏ qua những sai phạm nhỏ thì những sai phạm này có thể tích lũy, tạo ra những hậu họa về lâu về dài, có thể dẫn đến việc phải xử lý cả một phòng, ban, đơn vị, cơ quan, tổ chức, phải cắt bỏ những khối u trong bộ máy.

Hơn nữa, những sai phạm nhỏ này ảnh hưởng trực tiếp đến công dân, doanh nghiệp gây ra những bức xúc, khó chịu. Những sai phạm, nhũng nhiễu, hành dân kéo dài sẽ gây mất niềm tin của người dân vào bộ máy công quyền, đồng thời làm tăng chi phí xã hội cả về thời gian và tiền bạc. Điều đó cũng ít nhiều tạo ra sự bất bình đẳng, những người có điều kiện sẽ được tiếp cận với các dịch vụ công quyền trong khi người có ít điều kiện hơn sẽ càng gặp khó khăn. Hiện nay, công cuộc phòng chống tham nhũng đang được đẩy mạnh. Công cuộc này nên được bắt đầu từ hoạt động thanh tra những sai phạm, nhũng nhiễu ở cấp cơ sở, góp phần tăng niềm tin của nhân dân đối với bộ máy nhà nước.

Phóng viên: Từ những phân tích trên, Luật sư có kỳ vọng như nào vào hiệu quả mang lại từ hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội Khóa XV?

ThS.Luật sư Phan Công Tiến - Luật sư điều hành Công ty Luật TNHH Equity Law: Tôi rất kỳ vọng vào hoạt động chất vấn tại các Kỳ họp Quốc hội. Những vấn đề được đưa ra chất vấn, mổ xẻ đều là những vấn đề lớn, quan trọng cần mọi người quan tâm. Hoạt động chất vấn sẽ giúp tất cả chúng ta đối diện với những vấn đề này một cách trực diện, không né tránh. Như vậy, muốn đảm bảo hiệu quả của hoạt động chất vấn, tôi kỳ vọng sẽ không có vấn đề nào bị cấm nêu ra và cũng không có nội dung nào bị cấm bàn đến. Sẽ không có vùng cấm nào đối với hoạt động chất vấn tại Quốc hội.

Tôi cũng kỳ vọng các vị đại biểu Quốc hội sẽ có đủ kiến thức, hiểu biết, có đủ thời gian và tâm trí để lắng nghe tiếng nói trực tiếp từ người dân, xã hội để hoạt động chất vấn mang lại hiệu quả cao hơn và thiết thực hơn nữa.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Luật sư!

Vũ Hà - Minh Thành