TỔNG THUẬT CHIỀU 09/11: QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ DỰ ÁN LUẬT PHÒNG THỦ DÂN SỰ
Dự án Luật Phòng thủ dân sự đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại 2 phiên họp là phiên họp thứ 14 và phiên họp thứ 15. Thông báo kết luận về nội dung này, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao trách nhiệm của các cơ quan soạn thảo và cơ quan chủ trì thẩm tra trong việc phối hợp nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lí dự thảo Luật. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu thể chế đầy đủ nội dung Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 30/8/2022 của Bộ Chính trị về phòng thủ dân sự đến năm 2030 và những năm tiếp theo. Theo đó, rà soát, chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng chỉ quy định những nguyên tắc, những vấn đề chung nhất, những nội dung đặc thù và những nội dung còn thiếu trong hệ thống pháp luật có liên quan đến phòng thủ dân sự.
Đại biểu Đoàn Thị Lê An – Đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng tham gia phát biểu
Tham gia đóng góp ý kiến về dự án Luật tại phiên thảo luận, đại biểu Đoàn Thị Lê An – Đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng cho rằng, phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật rộng, nhiều nội dung liên quan đến các luật chuyên ngành. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần rà soát kỹ các luật và hệ thống văn bản có liên quan để tránh trùng lắp hoặc mâu thuẫn với những quy định các đạo luật đã ban hành trước đó, như Luật Phòng, chống thiên tai; Luật Phòng, tránh bệnh truyền nhiễm; Luật Phòng cháy, chữa cháy; Luật Bảo vệ môi trường; Luật An toàn thông tin mạng; Pháp lệnh Tình trạng khẩn cấp.
Cùng quan tâm đến phạm vị điều chỉnh của luật và khái niệm phòng thủ dân sự, đại biểu Vương Quốc Thắng- Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam cho biết, vấn đề hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản, ổn định đời sống nhân dân, đưa hoạt động kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh trở lại bình thường được nêu ở Nghị quyết số 22 của Bộ Chính trị, nhưng chưa được thể hiện ở khái niệm phòng thủ dân sự tại khoản 1 Điều 2 trong dự thảo của luật.
Đại biểu Vương Quốc Thắng- Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam
Đại biểu cho biết, tại khoản 2, khoản 3 Điều 2 của dự thảo Luật có giải thích khái niệm sự cố, thảm họa nhưng không rõ ranh giới của sự cố, thiên tai, dịch bệnh được điều chỉnh trong dự án Luật Phòng thủ dân sự với các luật chuyên ngành khác, như sự cố được quy định tại khoản 14 Điều 3 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; khoản 1 Điều 82 Luật Năng lượng nguyên tử năm 2008; khoản 13 Điều 2 Luật An ninh mạng năm 2018; khoản 12 Điều 3 Luật Tài nguyên và Môi trường biển và hải đảo năm 2015; khái niệm thiên tai trong Luật Phòng, chống thiên tai.
Theo đại biểu, khái niệm thảm họa tại khoản 3 Điều 2 còn chưa phù hợp với các tiếp cận quốc tế, theo Hiệp định ASEAN về quản lý thảm họa và ứng phó khẩn cấp thì thảm họa có nghĩa là hoạt động của một cộng đồng hay một xã hội bị rối loạn nghiêm trọng, gây ra những tổn thất về người, vật chất, kinh tế hoặc môi trường trên quy mô rộng lớn. Luật của Liên bang Nga và Singapore cũng xác định biện pháp bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân khỏi ảnh hưởng trong tình trạng khẩn cấp, gây gián đoạn các hoạt động xã hội trên quy mô lớn.
Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần làm rõ các khái niệm, phạm vi điều chỉnh của dự án luật với các luật chuyên ngành, quy định quốc tế, đồng thời thể hiện sâu sắc hơn quan điểm được nêu tại Mục 2 Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị trong phạm vi điều chỉnh của dự án luật.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang
Giải trình ý kiến của các đại biểu Quốc hội về phạm vi điều chỉnh của dự án Luật, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang cho biết, Dự thảo Luật Phòng thủ dân sự đã có sự phân định về phạm vi điều chỉnh đảm bảo không chồng chéo với phạm vi điều chỉnh của các luật hiện hành.
Trước hết, dự thảo Luật Phòng thủ dân sự chỉ điều chỉnh về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục đối với thảm họa và sự cố có nguy cơ dẫn đến thảm họa. Việc phòng ngừa, ứng phó, khắc phục đối với sự cố, những loại hình thiên tai, dịch bệnh thông thường thực hiện theo quy định của luật hiện hành (Luật Phòng, chống thiên tai, Luật Đê điều, Luật Phòng cháy và chữa cháy, Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Luật Thú y, Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Hóa chất, Luật Năng lượng nguyên tử,…).
Theo Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, các luật hiện hành đã điều chỉnh hoạt động phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai, thảm họa, dịch bệnh theo từng lĩnh vực cụ thể. Tuy nhiên, khi các sự cố, thiên tai, dịch bệnh có tính chất nghiêm trọng, có tính thảm họa, vượt quá khả năng của lực lượng chuyên trách, cần sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền, của lực lượng vũ trang và của đông đảo người dân thì cần thiết triển khai các biện pháp quy định tại dự thảo Luật Phòng thủ dân sự. Thực tiễn cho thấy trong các tình huống thảm họa, dù ở bất kỳ lĩnh vực nào thì cơ chế chỉ huy, điều hành từ Trung ương đến địa phương và việc áp dụng các biện pháp ứng phó trên phạm vi rộng đều có nét tương đồng nên cần được luật hóa để thực hiện thống nhất, chính vì vậy Luật Phòng thủ dân sự điều chỉnh vấn đề này.
Quang cảnh phiên họp
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cũng cho biết, dự thảo Luật Phòng thủ dân sự là thể chế hóa Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 30/8/2022 của Bộ Chính trị về phòng thủ dân sự đến năm 2030 và những năm tiếp theo. Quán triệt quan điểm phòng thủ dân sự phải từ sớm, từ xa, từ trước khi xảy ra sự cố, thảm họa, dự thảo Luật có quy định về hoạt động phòng thủ dân sự trước khi xảy ra sự cố, thảm họa. Đây là các quy định có tính nguyên tắc và chung cho các loại hình sự cố, thiên tai, dịch bệnh. Đồng thời, dự thảo Luật bổ sung vấn đề mới là hoạt động phòng thủ dân sự trên các vùng biển Việt Nam không thuộc phạm vi quản lý của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (khoản 4 Điều 24).
Thêm vào đó, để tạo cơ sở cho việc triển khai các biện pháp phòng thủ dân sự phù hợp với mức độ thảm họa, sự cố, bảo đảm không chồng chéo với luật chuyên ngành thì dự thảo Luật Phòng thủ dân sự đã quy định cụ thể tiêu chí đánh giá mức độ rủi ro của sự cố (Điều 6) và các cấp độ phòng thủ dân sự (Điều 21), cũng như các biện pháp trong từng cấp độ phòng thủ dân sự (các Điều 25, 26, 27, 28, 30).
Từ những căn cứ trên, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nhấn mạnh, phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật Phòng thủ dân sự không chồng chéo với phạm vi điều chỉnh của các luật hiện hành; đồng thời, bảo đảm tính liên kết chặt chẽ với các luật khác liên quan đến phòng thủ dân sự, tạo thành cơ chế đồng bộ, thống nhất trong phòng thủ dân sự.