ĐBQH HOÀNG VĂN CƯỜNG: LẤP KHOẢNG TRỐNG PHÁP LÝ VỀ CĂN CỨ, NGUYÊN TẮC, PHƯƠNG PHÁP XÁC ĐỊNH GIÁ

11/11/2022

Chiều 11/11, tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, thảo luận tại hội trường về dự án Luật Giá (sửa đổi), đại biểu Hoàng Văn Cường – Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội chỉ rõ những hạn chế trong quy định của pháp luật hiện hành và đề nghị bổ sung các quy định nhằm lấp khoảng trống về các căn cứ pháp luật làm cơ sở cho việc xác định giá.

Đại biểu Hoàng Văn Cường – Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội

Đại biểu Hoàng Văn Cường nêu rõ, trong thời gian qua, rất nhiều những vụ án tham nhũng, tiêu cực bị phát hiện đều liên quan đến việc xác định giá không đúng với giá hàng hóa khi mua hoặc khi bán tài sản công. Hiện nay các tổ chức tư vấn định giá rất ngại, thậm chí không dám nhận nhiệm vụ định giá các tài sản cho khu vực công chỉ mua hoặc khi bán. Mặc dù có thể định giá rất vô tư nhưng sau một thời gian kiểm tra, giám sát lại có khi giá thị trường thay đổi thì đơn vị định giá lại mắc vào vòng lao lý.

Cùng với đó, nhiều cơ quan, nhiều đơn vị công hiện nay không mua sắm được các tài sản, vật tư hàng hóa. Điển hình như bệnh viện không mua được vật tư và thuốc chữa bệnh. Nhiều tài sản công của Nhà nước không thể chuyển giao cho khu vực tư như các dự án bất động sản không thể xác định giá đất nên các nhà đầu tư không thể đầu tư phát triển các dự án bất động sản.

Mặt khác, các cơ quan quản lý cũng e ngại, không biết xác định giá như thế nào là phù hợp, liệu rằng xác định giá để mua, bán hoặc cho đầu tư tài sản công hay chuyển giao tài sản công như thế đã phù hợp.

Đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng nguyên nhân căn bản của thực trạng trên là do quy định luật pháp hiện nay chưa có quy định một cách chặt chẽ, cụ thể những căn cứ, những phương pháp để xác định giá cả hàng hóa. Chính vì chưa có căn cứ một cách chặt chẽ và cụ thể nên khi định giá dẫn đến việc tìm các căn cứ có lợi cho việc định giá, tìm cách hạ giá hàng hóa khi bán hay tìm cách đưa giá trị lên cao khi mua. Cũng vì chưa có các quy định về các căn cứ định giá cũng chính là thiếu đi bảo chứng thuyết phục cho các cơ quan quyết định giá trong thực thi nhiệm vụ.

Do đó, theo đại biểu Hoàng Văn Cường, yêu cầu đầu tiên của việc hoàn thiện Luật lần này chính là phải lấp khoảng trống về các căn cứ pháp luật làm cơ sở cho việc xác định giá. Theo đó quy định rõ những căn cứ định giá, nguyên tắc định giá. Dự thảo Luật cần phải có một chương riêng về phương pháp, căn cứ và nguyên tắc định giá. Đại biểu nhấn mạnh, có những quy định cụ thể về vấn đề này thì khi đó những người làm chức năng tư vấn định giá không thể tùy tiện đưa các căn cứ định giá theo ý mình.

Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, để có được xác định giá cả đúng cũng như có cơ sở để quản lý giá thì chúng ta phải có cơ sở dữ liệu đầu vào. Do vậy, việc kê khai giá là một công việc vô cùng quan trọng để tạo ra cơ sở dữ liệu đầu vào cho tất cả các loại hàng hóa, dịch vụ đang tham gia trên thị trường. Từ đó, đại biểu đề nghị không nên giới hạn kê khai ở một số các loại hàng hóa như quy định hiện hành mà phải quy định tất cả các loại hàng hóa khi bắt đầu đưa vào lưu thông trên thị trường đều phải thực hiện kê khai giá. Đồng thời, xác định 2 đối tượng phải thực hiện kê khai mà không cần quy định quá nhiều. Đó là những doanh nghiệp sản xuất lần đầu tiên đưa sản phẩm vào thị trường và những doanh nghiệp nhập khẩu khi lần đầu tiên nhập khẩu hàng hóa đưa vào thị trường tiêu thụ.

Các đại biểu tham dự phiên họp tại Hội trường Diên Hồng

Làm rõ cho đề xuất kê khai giá như trên, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng với quy định trên thì khi hàng hóa vận động trên thị trường thì chúng ta hoàn toàn có thể nắm bắt được qua mỗi một khâu giá cả, chi phí tăng như thế nào. Thông qua đó không phải chỉ quản lý giá, không chỉ có cơ sở để cơ quan định giá xác định giá hợp lý mà các cơ quan thuế còn có thể quản lý được việc các cơ quan khai báo chênh lệch về thuế, nhất là thuế giá trị gia tăng.

Đại biểu nhấn mạnh, trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, việc quy định tất cả các hàng hóa bắt đầu đưa vào thị trường phải kê khai giá, công khai giá là hoàn toàn dễ dàng có thể thực hiện được. Đây chính là một cơ sở dữ liệu hết sức quan trọng trong công tác quản lý giá quốc gia.

Ngoài ra, đại biểu Hoàng Văn Cường cũng góp ý về các khái niệm sử dụng trong Luật. Theo đại biểu, giữa khái niệm “định giá” và khái niệm “thẩm định giá” đang có sự chưa rõ ràng. Đại biểu đề nghị điều chỉnh lại tên gọi cho phù hợp để cho phù hợp với nội hàm và đặc biệt là đảm bảo hội nhập quốc tế. Cụ thể, nên dùng khái niệm “định giá” để thay cho khái niệm “thẩm định giá” và khái niệm “quyết định giá” để thay cho khái niệm “định giá”.

Bảo Yến