QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ LUẬT BẢO VỀ QUYỀN LỢI NGƯỜI TIÊU DÙNG (SỬA ĐỔI)
Cho ý kiến tại phiên thảo luận, đại biểu Sùng A Lềnh – Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai cho biết, tại khoản 1 Điều 33 của Dự thảo luật quy định sản phẩm hàng hóa có khuyết tật bao gồm nhóm A và nhóm B. Tuy nhiên, tại Điều 5 của Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa đã có quy định về sản phẩm hàng hóa nhóm 1 và nhóm 2. Đồng thời, giao Chính phủ quy định cụ thể việc ban hành danh mục sản phẩm hàng hóa nhóm 2. Nay Dự thảo luật lại có sự phân nhóm mới với sản phẩm hàng hóa, đại biểu đề nghị cân nhắc có làm phức tạp thêm các công cụ phân loại và quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa hay không.
Đại biểu Sùng A Lềnh – Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai
Theo đại biểu, trường hợp thực sự cần thiết phải phân nhóm như Dự thảo luật cũng cần phải làm rõ cơ quan nào có thẩm quyền ban hành danh mục từng nhóm sản phẩm, hàng hóa, để doanh nghiệp có cơ sở áp dụng biện pháp thu hồi phù hợp, thống nhất, tránh trường hợp doanh nghiệp đánh giá không đúng về nguy cơ gây thiệt hại cho tài sản hay sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng, nên áp dụng không chính xác biện pháp thu hồi tại khoản 2 và khoản 3 Điều 33 Dự thảo luật.
Cũng quan tâm đến nội dung này, đại biểu Nguyễn Danh Tú – Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang cho biết, về trách nhiệm thu hồi sản phẩm hàng hóa có khuyết tật, Điều 33 dự thảo luật, đại biểu cơ bản nhất trí việc dự thảo luật chia sản phẩm hàng hóa có khuyết tật thành 2 nhóm là nhóm có khả năng gây thiệt hại cho tài sản của người tiêu dùng và nhóm có khả năng gây thiệt hại cho sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng. Trên cơ sở này, để quy định mức độ trách nhiệm tương ứng của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong việc thu hồi đối với từng nhóm sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật.
Đại biểu Nguyễn Danh Tú – Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang
Tuy nhiên, để tăng cường bảo vệ quyền lợi đối với người tiêu dùng, đại biểu đề nghị cân nhắc, bổ sung thêm trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm hàng hóa có khuyết tật. Cụ thể như sau:
Thứ nhất, đối với hàng hóa, sản phẩm có khuyết tật nhóm B liên quan đến tính mạng, sức khỏe của người tiêu dùng, bên cạnh việc quy định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh thông báo trên báo, đài như tại điểm b khoản 3 Điều 33 thì cần bổ sung quy định thêm trách nhiệm thông báo công khai về sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật vào việc thu hồi tại các địa điểm kinh doanh và trang thông tin điện tử hoặc các hình thức tương đương khác (nếu có) của tổ chức, cá nhân kinh doanh cho đến khi kết thúc việc thu hồi.
Thứ hai, đối với sản phẩm hàng hóa có khuyết tật nhóm A, dự thảo luật mới quy định trách nhiệm thông báo và việc thu hồi sản phẩm hàng hóa đó. Theo tôi, bên cạnh trách nhiệm này, để kịp thời bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì cần bổ sung quy định tại khoản 2 Điều 33 trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh kịp thời tiến hành mọi biện pháp cần thiết để ngừng việc cung cấp sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật trên thị trường.
Ngoài ra, liên quan đến trách nhiệm bồi thường thiệt hại do sản phẩm hàng hóa có khuyết tật gây ra tại Điều 34, đại biểu cho biết, khoản 1 Điều 3 dự thảo luật quy định người tiêu dùng là cá nhân mua hoặc sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng, như vậy người tiêu dùng bên cạnh việc mua, sử dụng sản phẩm, hàng hóa thì còn mua, sử dụng dịch vụ cho mục đích tiêu dùng.
Các đại biểu nghiên cứu tài liệu tại phiên họp
Tuy nhiên, Điều 34 của Dự thảo luật mới chỉ quy định trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật mà chưa quy định trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với dịch vụ không bảo đảm chất lượng. Điều 608 Bộ luật Dân sự năm 2015 cũng quy định cá nhân, pháp nhân sản xuất, kinh doanh dịch vụ không bảo đảm chất lượng mà gây thiệt hại cho người tiêu dùng thì phải bồi thường. Vì vậy để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, thống nhất với quy định của Bộ luật Dân sự và thống nhất ngay trong dự thảo luật, đại biểu đề nghị Điều 34 dự thảo luật cần bổ sung quy định về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh bồi thường trong trường hợp cung cấp dịch vụ không bảo đảm chất lượng, gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng.
Thảo luận tại phiên họp, đại biểu Trần Thị Vân – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh cho biết, quy định việc bồi thường thiệt hại được thực hiện theo quy định của pháp luật về Luật Dân sự. Dẫn chiếu điều này, tại Điều 585 Bộ luật Dân sự năm 2015 có quy định trách nhiệm bồi thường thiệt hại được áp dụng dựa trên 4 nguyên tắc. Đại biểu quan tâm đến nguyên tắc trách nhiệm bồi thường khi có thiệt hại thực tế xảy ra. Do đó, đại biểu đề nghị cần bổ sung vào Dự thảo luật việc áp dụng trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi hàng hóa có khuyết tật gây ra cho người tiêu dùng không chỉ khi có thiệt hại thực tế xảy ra mà ngay cả khi thiệt hại chưa xảy ra trên thực tế, chỉ cần có căn cứ chứng minh thiệt hại đó chắc chắn sẽ xảy ra.
Đại biểu Trần Thị Vân – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh
Bên cạnh đó, liên quan đến miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại do sản phẩm, hàng hóa khuyết tật gây ra tại khoản 1 Điều 35. Đại biểu cho biết, khi các tổ chức, cá nhân kinh doanh chứng minh được khuyết tật của sản phẩm, hàng hóa không thể phát hiện với trình độ khoa học, kỹ thuật tại thời điểm cung cấp cho người tiêu dùng. Như vậy, doanh nghiệp sẽ không phải bồi thường thiệt hại khi trình độ khoa học kỹ thuật không chứng minh được khuyết tật của hàng hóa tại thời điểm mà doanh nghiệp cung cấp cho người tiêu dùng. Đại biểu băn khoăn vấn đề này, đó là thời điểm chúng ta xác định khi doanh nghiệp không phải bồi thường, bởi vì sau khi sản phẩm được đưa vào lưu thông sau thời điểm cung cấp, doanh nghiệp phát hiện ra hàng hóa của mình sản xuất có nguy cơ gây thiệt hại cho người tiêu dùng thì doanh nghiệp không phải bồi thường, cũng không phải thu hồi sản phẩm đó.