PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC QUỐC HỘI TRẦN THANH MẪN DỰ DIỄN ĐÀN VĂN HOÁ VỚI DOANH NGHIỆP 2022

03/12/2022

Sáng 03/12, tại Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã dự Diễn đàn Văn hóa với doanh nghiệp năm 2022, với chủ đề “Chấn hưng văn hóa - nền tảng phục hồi và phát triển bền vững” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Hiệp hội Phát triển văn hóa doanh nghiệp Việt Nam tổ chức.

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự Diễn đàn Văn hóa với doanh nghiệp năm 2022.

Cùng dự có: Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng. Chủ tịch Nước Nguyễn Xuân Phúc gửi thư chúc mừng Diễn đàn.

Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, cộng đồng doanh nghiệp được xem như “trái tim của nền kinh tế”, đóng góp quan trọng vào những kỳ tích của nền kinh tế Việt Nam trong thời kỳ đổi mới. Đặc biệt, để thực hiện khát vọng xây dựng đất nước hùng cường, phồn vinh, hạnh phúc, vai trò của các doanh nghiệp, doanh nhân càng cần được đề cao và coi trọng. Trong sự phát triển bền vững của nền kinh tế nói chung, của các doanh nghiệp nói riêng, yếu tố con người là “trái tim, khối óc” của doanh nghiệp, văn hóa là nhân tố nền tảng.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng nêu rõ, văn hóa doanh nghiệp là hệ thống các giá trị, chuẩn mực, quan niệm và hành vi chi phối hoạt động của mọi thành viên trong doanh nghiệp, được các thành viên chia sẻ và tạo nên bản sắc riêng cho doanh nghiệp. Văn hoá doanh nghiệp được cụ thể hóa trong sứ mệnh, tầm nhìn, những giá trị cốt lại, triết lý kinh doanh, đạo đức kinh doanh, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.

Chính chiều sâu văn hóa giúp các doanh nghiệp không đơn thuần chạy theo lợi nhuận, làm giàu bằng mọi giá, mà còn biết tuân thủ đạo đức kinh doanh, trách nhiệm xã hội, thượng tôn pháp luật, cạnh tranh lành mạnh, bảo vệ môi trường. Các giá trị văn hóa giúp doanh nghiệp có nền tảng vững chắc để xác định đúng triết lý kinh doanh, sứ mệnh, tầm nhìn, các giá trị cốt lõi, nâng tầm trong các hoạt động quản lý, quản trị, điều hành, trong ứng xử với nhân viên, đối tác, khách hàng, từ đó tạo dựng được sự tin cậy, uy tín, thương hiệu của doanh nghiệp. Đó chính là chìa khóa và sự bảo đảm cho doanh nghiệp phát triển ổn định và bền vững.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng phát biểu khai mạc diễn đàn.

Nhận thức sâu sắc ý nghĩa này, trong thời gian qua, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với Hiệp hội Phát triển văn hoá doanh nghiệp Việt Nam, cộng đồng các doanh nghiệp đã xây dựng, báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ cho phép ban hành, triển khai rộng rãi Bộ tiêu chí Văn hóa kinh doanh Việt Nam với 5 nhóm tiêu chí, 40 chỉ số đánh giá đo lường, trong đó có các nhóm tiêu chí hết sức quan trọng như thượng tôn pháp luật và trách nhiệm đối với xã hội.

Trong thời gian qua, cộng đồng doanh nghiệp nước ta đang ngày càng lớn mạnh, tăng nhanh về số lượng và quy mô, đóng góp tích cực vào việc thực hiện các mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Cùng với đó, rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang nỗ lực xây dựng văn hóa kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp trên cơ sở kế thừa và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc như một sức mạnh văn hóa mềm chiếm lĩnh thị trường sản phẩm, dịch vụ. Trong giai đoạn hiện nay, đất nước ta đang đối mặt với các cơ hội, thách thức đến từ những tác động đa chiều của quá trình toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế.

Đặt vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng nêu rõ, “trước các cơ hội, thách thức đặt ra, chúng ta đã lựa chọn chấn hưng văn hoá dân tộc, bảo vệ bản sắc văn hóa, phát huy tiềm năng, sức mạnh văn hóa dân tộc trong xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa kinh doanh”. Chính vì vậy, Việt Nam cần tạo dựng môi trường kinh doanh lành mạnh để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, đồng thời cần phát huy sức mạnh nội sinh văn hóa để hình thành và phát triển các ngành công nghiệp văn hóa của Việt Nam, xây dựng những doanh nghiệp Việt lớn mạnh, không chỉ đủ sức cạnh tranh trên sân nhà mà còn vươn tầm khu vực và thế giới, mỗi doanh nghiệp cần trở thành những đại sứ quảng bá giá trị văn hóa, con người Việt Nam ra thế giới, lan tỏa “sức mạnh mềm” của văn hoá Việt Nam.

Theo Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Diễn đàn Văn hóa với doanh nghiệp năm 2022 là diễn đàn mở để các nhà khoa học, nhà quản lý, đại diện các doanh nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp nước ngoài có vốn đầu tư tại Việt Nam trao đổi, thảo luận, làm rõ nội dung, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện công cuộc chấn hưng văn hóa để phục hồi và phát triển kinh tế bền vững, xây dựng môi trường văn hóa kinh doanh lành mạnh, từ đó đề xuất với Chính phủ, Bộ, ngành các kiến nghị về cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển bền vững.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch bày tỏ hy vọng, Diễn đàn sẽ là hoạt động thiết thực lan tỏa sâu rộng những ý nghĩa, thông điệp của cuộc vận động; nêu cao vai trò của văn hóa trong sự phát triển bền vững của đất nước; khai thác tiềm năng, thế mạnh, nguồn lực văn hóa như là “đòn bẩy” và trợ lực quan trọng để phục hồi và phát triển kinh tế; đẩy mạnh phong trào xây dựng văn hóa kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp, hình thành đội ngũ ngày càng đông đảo các doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa kinh doanh Việt Nam, tiến tới tiệm cận với mặt bằng văn hóa kinh doanh thế giới để đất nước ta hội nhập quốc tế thành công và ngày càng trở nên phồn vinh và hạnh phúc.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tin tưởng rằng, sau Diễn đàn “Văn hoá với Doanh nghiệp”, cộng đồng doanh nghiệp sẽ có nhận thức toàn diện hơn về vai trò của chấn hưng văn hóa với phát triển kinh tế bền vững, tầm quan trọng của văn hóa doanh nghiệp, văn hóa kinh doanh.

Phiên toạ đàm “Vai trò của Nhà nước và doanh nghiệp trong xây dựng và phát triển văn hóa kinh doanh Việt Nam”.

Tại Diễn đàn, các đại biểu đã nghe các bài tham luận: “Vai trò của văn hóa kinh doanh trong công cuộc chấn hưng văn hóa và phát triển kinh tế bền vững” và “Chấn hưng văn hóa và khát vọng vươn tầm thế giới của doanh nghiệp Việt Nam”; tiến hành phiên toạ đàm “Vai trò của Nhà nước và doanh nghiệp trong xây dựng và phát triển văn hóa kinh doanh Việt Nam”.

Tại phiên toạ đàm, đại diện một số doanh nghiệp Việt Nam khẳng định, Nhà nước đóng vai trò quan trọng trong hoạch định, ban hành các chính sách nhằm xây dựng và phát triển văn hóa kinh doanh. Các đại biểu kiến nghị, Nhà nước cần có những chính sách cụ thể, rõ nét để hỗ trợ những doanh nghiệp làm tốt. Cần tin tưởng và trao cho các doanh nghiệp Việt Nam làm những việc lớn và khó; có những hình thức khen thưởng, động viên kịp thời đối với những doanh nghiệp có sản phẩm, dịch vụ tốt, có đóng góp quan trọng vào páht triển kinh tế - xã hội.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng trao chứng nhận “Doanh nghiệp đạt chuẩn Văn hóa kinh doanh Việt Nam” năm 2022 cho các doanh nghiệp.

Trong khuôn khổ Diễn đàn đã diễn ra Lễ tôn vinh và trao chứng nhận “Doanh nghiệp đạt chuẩn Văn hóa kinh doanh Việt Nam” năm 2022, do Hội đồng quốc gia xét duyệt “Doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa kinh doanh Việt Nam” lựa chọn.

Thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã trao chứng nhận “Doanh nghiệp đạt chuẩn Văn hóa kinh doanh Việt Nam” năm 2022 cho 24 doanh nghiệp đáp ứng xuất sắc các tiêu chuẩn của Bộ tiêu chí văn hóa kinh doanh Việt Nam./.

Dương Dung