ĐOÀN ĐBQH TỈNH THÁI NGUYÊN TIẾP XÚC VỚI CỬ TRI HUYỆN ĐẠI TỪ
Chú trọng tăng năng lực sản xuất, kinh doanh
Về giải pháp để GRDP đến năm 2025 của tỉnh đạt 150 triệu đồng/người/năm, ông Trần Quang, Cục trưởng Cục Thống kê giải trình: Năm 2023, Cục Thống kê tham mưu UBND tỉnh xây dựng chỉ tiêu phấn đấu GRDP bình quân đầu người đạt 120 triệu đồng/người/năm. Nếu chỉ tiêu này hoàn thành thì 2 năm tiếp theo (2024-2025), GRDP bình quân đầu người của tỉnh cần tăng thêm 30 triệu đồng/năm, bình quân tăng 15 triệu đồng/năm (tương ứng tăng11,8%) để đạt được chỉ tiêu GRDP bình quân đầu người 150 triệu đồng/người/năm theo mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đề ra.
Cục trưởng Cục Thống kê Trần Quang giải trình.
Để hoàn thành mục tiêu này thì chỉ tiêu quan trọng nhất là tốc độ tăng trưởng các năm 2024-2025 cần đạt từ 8,4% trở lên và chỉ số giá tiêu cùng tăng bình quân khoảng 4%/năm.
Vì vậy, tỉnh cần có các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế, tăng năng lực sản xuất, kinh doanh mới góp phần hoàn thành mục tiêu tăng trưởng 8% cả giai đoạn 2021-2025.
Vì sao chỉ tiêu tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế thấp?
Giải trình về kết quả thực hiện chỉ tiêu tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) năm 2022 đạt 92%, thấp hơn so với kế hoạch đề ra là 95%, ông Đặng Ngọc Huy, Giám đốc Sở Y tế, giải thích: Do thay đổi chính sách nên một bộ phận đồng bào sinh sống tại 85 xã trên địa bàn tỉnh không được hưởng hỗ trợ cấp thẻ BHYT từ ngân sách nhà nước; một số người dân tham gia BHYT theo hộ gia đình do hoàn cảnh kinh tế khó khăn, nên khi đến hạn mua thẻ BHYT chưa tham gia lại; còn 2,8% học sinh, sinh viên chưa tham gia BHYT; một số doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 giảm nhân lực khiến nhiều công nhân mất việc làm và các chế độ BHXH, BHYT…
Giám đốc Sở Y tế Đặng Ngọc Huy giải trình.
Nhằm nâng cao tỷ lệ dân số tham gia BHYT, thời gian tới, các cấp, ngành trong tỉnh sẽ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân mua BHYT, phấn đấu năm 2023 chỉ tiêu này đạt 95%.
Tối thiểu 8m2 sàn/người để đăng ký thường trú là phù hợp
Giải trình về căn cứ xây dựng quy định về diện tích nhà ở tối thiểu để đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ trên địa bàn tỉnh, ông Hoàng Đức Khánh, Giám đốc Sở Xây dựng, phân tích: Nghị quyết được xây dựng đảm bảo quy định theo Điểm b, Khoản 3, Điều 20 Luật Cư trú năm 2020; phù hợp với Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2040 đã được UBND tỉnh phê duyệt. Cụ thể, đến năm 2025, diện tích nhà ở bình quân đầu người trên địa bàn tỉnh là 29,5m2 sàn/người; đến năm 2030 đạt 34,4m2 sàn/người.
Giám đốc Sở Xây dựng Hoàng Đức Khánh giải trình.
Nghị quyết được thông qua sẽ góp phần đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân, nhất là công nhân, lao động tự do, người có thu nhập thấp chưa có nhà ở ổn định được đăng ký thường trú trên địa bàn tỉnh. Các trường hợp khó khăn về nhà ở, ở nhiều người không đảm bảo diện tích tối thiểu để đăng ký thường trú thì thực hiện đăng ký tạm trú (không quy định về điều kiện diện tích), đảm bảo công tác quản lý cư trú tại địa phương.
Hoàn thành giải ngân vốn chính sách trong tháng 12-2022
Giải trình kết quả thực hiện các chính sách cho vay ưu đãi theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ, ông Nguyễn Quang Thịnh, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, nêu: Tổng nhu cầu vốn của tỉnh (trong 2 năm 2022 và 2023) theo Nghị quyết là 1.151.560 triệu đồng. Năm 2022, Thái Nguyên được giao 215.340 triệu đồng.
Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Nguyễn Quang Thịnh giải trình.
Tính đến 30-11-2022, tổng doanh số cho vay đạt 184.159 triệu đồng, bằng 85,5% kế hoạch (KH), với 3.469 khách hàng. Trong đó, cho vay tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm 146.900 triệu đồng, với 2.624 khách hàng, đạt 86,4% KH; cho vay nhà ở xã hội 21.500 triệu đồng, với 58 khách hàng, đạt 100% KH; cho vay đối với học sinh, sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn để mua máy tính, thiết bị phục vụ học tập trực tuyến 9.025 triệu đồng, với 644 khách hàng, đạt 95% KH; cho vay cơ sở mầm non, tiểu học ngoài công lập 1.694 triệu đồng, 17 khách hàng, đạt 59,65% KH; cho vay thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi 5.040 triệu đồng, với 126 khách hàng, đạt 43,83% KH. Số còn lại, Chi nhánh sẽ hoàn thành việc giải ngân trong tháng 12-2022.
* Chất vấn nhiều chủ đề “nóng”
Cũng tại Kỳ họp này, nhiều vấn đề “nóng” được đông đảo cử tri, dư luận quan tâm đã được các đại biểu (ĐB) đưa ra chất vấn. Trong phiên chất vấn diễn ra sáng 8-12, các “tư lệnh” ngành đã trả lời, cung cấp nhiều thông tin liên quan đến những vấn đề này.
Đồng chí Phạm Hoàng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh điều hành phiên giải trình, chất vấn.
Vì sao chậm tuyển dụng biên chế?
Trả lời chất vấn của ĐB Trần Văn Khương (Tổ Võ Nhai) về nguyên nhân của tình trạng chậm tuyển dụng biên chế (BC) được giao ở một số cơ quan đơn vị, dẫn đến tình trạng thiếu người làm việc, Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Thành Minh khẳng định: Hiện số BC chưa tuyển dụng của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn không nhiều, chỉ khoảng 1-3 BC/đơn vị.
Có 3 nguyên nhân chính: (1) Phải để lại một phần để thực hiện tinh giản theo quy định của Trung ương (giai đoạn 2023-2026, tỉnh phải tinh giản 1.466 BC); (2) Một số đơn vị sau khi đã tuyển dụng đủ thì phát sinh BC do có người nghỉ hưu trước tuổi, chuyển công tác, xin thôi việc… nên chưa kịp thời bổ sung. (3) Quy trình thực hiện tuyển dụng công chức, viên chức tương đối mất thời gian (khoảng 3 tháng), có khi vừa thực hiện xong 1 kỳ tuyển dụng lại có BC chưa sử dụng do thôi việc….
Tinh giản biên chế đúng đối tượng, giữ chân người tài
Tiếp tục trả lời nội dung chất vấn của đại biểu Trần Văn Khương (Tổ Võ Nhai) về giải pháp để thực hiện tinh giản biên chế đúng đối tượng, đồng thời giữ chân công chức, viên chức có năng lực, chuyên môn giỏi, Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Thành Minh cho rằng cần thực hiện đồng thời 2 nhiệm vụ: Thứ nhất, vấn đề tinh giản biên chế cần được thực hiện một cách đồng bộ, thực chất. Công tác đánh giá cán bộ, công chức, viên chức phải đảm bảo chặt chẽ, công bằng, khách quan trên cơ sở chất lượng công việc được giao, bằng sản phẩm, kết quả cụ thể.
Thứ hai, việc tuyển dụng và sử dụng cán bộ, công chức phải đảm bảo công khai, công bằng, dân chủ, chỉ tuyển dụng đối với những người có năng lực, đáp ứng được yêu cầu theo vị trí công việc; bố trí sắp xếp cán bộ đúng người, đúng việc để phát huy năng lực và trí tuệ của cán bộ, công chức...
Nhiều phải pháp thúc đẩy phát triển cụm công nghiệp
Về giải pháp thu hút nhà đầu tư, thực hiện xã hội hóa công tác đầu tư hạ tầng các cụm công nghiệp (CCN), cũng như giải pháp để thu hút đầu tư, nâng cao tỷ lệ lấp đầy CCN đã hoạt động, do ĐB Ân Văn Thanh (Tổ Phú Lương) chất vấn, Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Bá Chính trả lời: Hiện nay, toàn tỉnh có 35 CCN được phê duyệt quy hoạch với tổng diện tích 1.335ha. Trong đó, 22 CCN có tổng diện tích 874ha đã có chủ đầu tư hạ tầng. Hiện 15/35 CCN đã đi vào hoạt động với diện tích 526ha, tỷ lệ lấp đầy đạt 39%.
Thời gian tới, nhằm thu hút nhà đầu tư, phát triển CCN, Sở Công Thương sẽ tham mưu UBND tỉnh thực hiện các nhóm giải pháp: Rà soát, lập quy hoạch, chuẩn bị những điều kiện tốt nhất để thu hút đầu tư; tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng kết nối với CCN… Về xã hội hóa công tác đầu tư hạ tầng các CCN, tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc công khai quy hoạch CCN; triển khai sâu rộng các chương trình xúc tiến, kêu gọi, thu hút đầu tư...
Khắc phục khó khăn trong chuyển đổi mô hình chợ
Trước ý kiến chất vấn của ĐB Nguyễn Thu Hương (Tổ Phú Lương) về kết quả chuyển đổi chợ trên địa bàn tỉnh, Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Bá Chính cho biết: Đến thời điểm này, toàn tỉnh có 24 chợ đã chuyển đổi. Về cơ bản, các chợ đã chuyển đổi đều được đầu tư cơ sở hạ tầng khang trang, đảm bảo các quy định về phòng cháy, chữa cháy, an toàn thực phẩm. So với mô hình hoạt động trước, chợ sau chuyển đổi đã tiết kiệm được ngân sách nhà nước trong việc chi trả lương cho đội ngũ quản lý chợ…
Tuy nhiên, việc chuyển đổi chợ cũng gặp một số khó khăn, như: Chưa hấp dẫn nhà đầu tư; nhiều tiểu thương chưa đồng tình cao với việc chuyển đổi mô hình…
Nhằm khắc phục khó khăn, với các chợ đã chuyển đổi, Sở Công Thương sẽ tiếp tục quan tâm, khuyến khích nhà đầu tư tăng cường xây dựng hạ tầng, bảo dưỡng, duy tu chợ; tăng cường thanh, kiểm tra, kịp thời khắc phục những tồn tại trong quá trình vận hành, khai thác chợ… Đồng thời tiếp tục thu hút các doanh nghiệp tham gia vào đầu tư, chuyển đổi mô hình chợ…
Quản lý chặt chẽ các cơ sở karoke, vũ trường
Trả lời ĐB Lê Thị Thu An (Tổ TP. Thái Nguyên) về giải pháp quản lý các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường, Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Tuân cho biết: Tính đến ngày 30-11-2022, toàn tỉnh có 552 cơ sở karaoke và vũ trường được cấp phép; thực tế đang hoạt động là 305. Thời gian qua, ngành Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã tăng cường quản lý loại hình này.
Cụ thể là: Sao gửi giấy cấp phép cho lực lượng Công an để cùng thống nhất phối hợp quản lý hoạt động; tích cực tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật; công khai thủ tục hành chính liên quan; chủ trì phối hợp thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực này...
Ngoài ra, vừa qua tỉnh cũng tổ chức đoàn liên ngành tổng kiểm tra các cơ sở có nguy cơ cháy nổ cao, trong đó chủ yếu là quán karaoke và vũ trường; phát hiện và xử lý nghiêm nhiều cơ sở vi phạm… Những hoạt động này sẽ được các ngành liên quan tiếp tục đẩy mạnh trong thời gian tới.