BÌNH DƯƠNG: CHỦ ĐỘNG KHẮC PHỤC NHỮNG HẠN CHẾ, TỒN TẠI THEO PHẢN ÁNH CỦA CỬ TRI

10/12/2022

Sau thành công của Kỳ họp thứ 8 HĐND tỉnh Bình Dương khóa X, đồng chí Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã giải trình một số nội dung cử tri và đại biểu HĐND tỉnh kiến nghị, phản ánh liên quan đến hoạt động điều hành của UBND tỉnh. Đồng thời khẳng định sẽ chủ động khắc phục những hạn chế, tồn tại theo phản ánh của cử tri.

BÌNH DƯƠNG: CỬ TRI GỬI GẮM NHIỀU Ý KIẾN TÂM HUYẾT ĐẾN KỲ HỌP HĐND TỈNH KHÓA X

Huy động tối đa các nguồn lực thực hiện nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công

Trước những ý kiến của cử tri về tồn tại, hạn chế của công tác đầu tư công, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh cho biết: Ngay từ đầu năm 2022, UBND tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo, Tổ công tác đôn đốc triển khai thực hiện các dự án trọng điểm; chỉ đạo xử lý các chồng chéo, khó khăn về thủ tục đầu tư; khẩn trương giải quyết vướng mắc trong giải phóng mặt bằng thi công, công tác thẩm định giá đất và định kỳ tổ chức họp để kịp thời giải quyết vấn đề cấp bách, bức xúc. Đến 30/11/2022, tổng giá trị giải ngân vốn đầu tư công là 4.719 tỷ đồng, đạt 45,8% kế hoạch; phấn đấu đến 30/01/2023 tỷ lệ giải ngân đạt trên 95% kế hoạch. Tuy nhiên, hiện nay còn một số vướng mắc trong công tác thẩm định giá đất để triển khai công tác đền bù giải phóng mặt bằng; tiến độ thực hiện và giải ngân của một số dự án trọng điểm còn chậm.

Để phấn đấu đạt được kế hoạch đầu tư công ở mức cao nhất theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại buổi làm việc với tỉnh Bình Dương, UBND tỉnh đã triển khai chiến dịch cao điểm 55 ngày đêm "Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công" đến hết ngày 31/01/2023 (là một nội dung đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ công chức, viên chức và người lao động năm 2022), tập trung cao độ và huy động tối đa các nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Trong đó giao cụ thể chỉ tiêu giải ngân và nhiệm vụ thực hiện cho từng sở, ban, ngành, địa phương, chủ đầu tư. Đồng thời tỉnh sẽ tiếp tục điều chuyển kế hoạch vốn từ các công trình, dự án có tỷ lệ giải ngân thấp sang các dự án có nhu cầu và khả năng hấp thụ vốn trong cuối năm để tăng tỷ lệ giải ngân chung của tỉnh.

Trong năm 2023, tỉnh sẽ nhanh chóng triển khai các thủ tục thực hiện dự án; tập trung giải ngân vốn các dự án đền bù, giải phóng mặt bằng các công trình trọng điểm, các dự án có khả năng hoàn thành, đưa vào sử dụng trong năm; thẩm định giá đất kịp thời và hợp lý; chỉ đạo, phối hợp di dời các hạng mục cơ sở hạ tầng (điện, nước, viễn thông,…); chủ động xây dựng khu tái định cư phục vụ cho công tác bồi thường, giải tỏa; rà soát tiến độ thực hiện và khả năng giải ngân của từng dự án để điều chuyển vốn cho phù hợp; tăng cường trách nhiệm các chủ đầu tư, ngành chuyên môn, chính quyền địa phương; đề cao công tác kiểm tra, giám sát việc thực thi pháp luật về đầu tư công, tránh tình trạng gây thất thoát, lãng phí ngân sách Nhà nước.

UBND tỉnh Bình Dương luôn đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh "xem khó khăn của doanh nghiệp là khó khăn của chính quyền tỉnh, xem thành công của doanh nghiệp là thành công của tỉnh" . (Ảnh minh họa: CM)

Năm 2022, dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát, hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã chủ động chuyển đổi mô hình, thay đổi chiến lược, ứng phó linh hoạt; mạnh dạn chuyển đổi số, nhanh chóng ổn định lại hoạt động sản xuất kinh doanh, ký kết được các đơn hàng, mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa trong nước và xuất khẩu. Tuy nhiên, từ quý III/2022 đến nay, một số doanh nghiệp bắt đầu gặp khó khăn do ảnh hưởng chung của tình hình thế giới.

Với tinh thần trách nhiệm cao, UBND tỉnh luôn đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh "xem khó khăn của doanh nghiệp là khó khăn của chính quyền tỉnh, xem thành công của doanh nghiệp là thành công của tỉnh"; tiếp tục duy trì và thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc hoạt động của Tổ công tác hỗ trợ doanh nghiệp; tổ chức buổi gặp gỡ, đối thoại với các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp, đại diện tổ chức Công đoàn.

Đồng thời chỉ đạo các ngành, các cấp tập trung hỗ trợ doanh nghiệp, nghiên cứu, có nhiều giải pháp tích cực, cụ thể của từng khâu (từ nguồn nguyên liệu, lao động, sản xuất, tiêu thụ,…) với tinh thần sẻ chia, cầu thị nắm bắt tình hình, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp phục hồi, phát triển; thực hiện kịp thời, đầy đủ các gói hỗ trợ cho doanh nghiệp, người lao động để tác động mạnh mẽ hơn nữa quá trình phục hồi sản xuất - kinh doanh sau đại dịch; hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số; hạn chế thanh, kiểm tra chưa thật sự cần thiết. Hiện tại nhiều doanh nghiệp hoạt động ổn định và cũng đã có một số doanh nghiệp mở rộng sản xuất, có nhu cầu tuyển dụng nhiều lao động. UBND tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện hiệu quả kế hoạch phục hồi sản xuất kinh doanh trong thời gian tới.

Tạo điều kiện tối đa cho các nhà đầu tư và người dân sống, làm việc trên địa bàn tỉnh

Thông tin tại Kỳ họp, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã giao Sở Xây dựng phối hợp các địa phương rà soát về hồ sơ pháp lý và việc giải quyết các nội dung khiếu nại, tố cáo và các nội dung liên quan khác tại các dự án bất động sản, nhất là các khiếu nại, tố cáo phức tạp, đông người. Quan điểm của tỉnh là hỗ trợ, tạo điều kiện tối đa cho các nhà đầu tư và người dân sống, làm việc trên địa bàn tỉnh; trong đó có các nhà đầu tư và người dân mua, sinh hoạt tại các dự án khu dân cư, phát triển nhà ở. Để giải quyết căn cơ, dứt điểm trình trạng trên, UBND tỉnh đã thành lập đoàn thanh tra, kiểm tra một số dự án. Qua đó làm rõ hiện trạng dự án, các hạn chế, khó khăn,… để có chỉ đạo tháo gỡ và xử lý theo quy định pháp luật.

Trong thời gian tới, UBND tỉnh tập trung chỉ đạo nắm bắt tình hình tại các dự án bất động sản trên địa bàn tỉnh nói chung và các dự án có dấu hiệu phát sinh tranh chấp, khiếu nại để kịp thời phát hiện, xử lý và ngăn chặn việc lôi kéo, tụ tập đông người gây ảnh hưởng tình hình an ninh trật tự.

Tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế là vấn đề nóng, được dư luận xã hội và cử tri quan tâm trong những năm gần đây, đồng chí Võ Văn Minh cho rằng đây là tình trạng không chỉ riêng của tỉnh Bình Dương, một vài bệnh viện mà là của hầu hết các địa phương và ngành Y tế cả nước do cả nguyên nhân khách quan và chủ quan; trong đó nguyên nhân chính là cơ chế pháp lý chưa rõ ràng, thiếu minh bạch, thiếu văn bản hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền từ Trung ương,… Vấn đề này, tỉnh đã thực hiện đúng các quy trình đấu thầu mua sắm tuy nhiên vẫn còn một số vướng mắc và đã báo cáo cụ thể với Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế, Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ xem xét, hướng dẫn.

Ngoài ra, hiện nay ngành Y tế tỉnh và cả nước đang đối diện với rất nhiều khó khăn, đội ngũ bác sĩ, nhân viên y tế gặp phải nhiều áp lực trong công việc, nhất là ảnh hưởng tâm lý sau một số sai phạm diễn ra trong ngành gần đây.

Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị ngành Y tế chủ động khắc phục những hạn chế, tồn tại theo phản ánh của các Tổ đại biểu và cử tri trong tỉnh; khẩn trương hoàn thiện Đề án tổng thể phát triển ngành Y tế tỉnh đến năm 2030; sớm đưa Bệnh viện đa khoa 1.500 giường vào hoạt động và triển khai thủ tục đầu tư bệnh viện tuyến cuối 2.000 trên địa bàn tỉnh; quan tâm tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng, thực hiện các chính sách chăm lo về vật chất, tinh thần đối với nhân viên ngành Y tế. Kịp thời báo cáo UBND tỉnh những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, phấn đấu phục vụ tốt hơn nhu cầu khám, điều trị bệnh của nhân dân tỉnh nhà.

Từ đầu quý III/2022 đến nay, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh do sụt giảm nhu cầu tiêu dùng tại các thị trường lớn (Mỹ, EU, Nhật Bản…), tỷ giá, lãi suất vay, giá nguyên, nhiên vật liệu tăng cao, bất ổn chính trị tại các khu vực trên thế giới dẫn đến đơn hàng bị cắt giảm vì vậy người lao động bị giảm giờ làm, nghỉ luân phiên, tạm hoãn hoặc kết thúc hợp đồng đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới thu nhập, đời sống của nhiều người lao động.

Lãnh đạo UBND tỉnh đã tổ chức nhiều buổi gặp gỡ, đối thoại với các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp, đại diện Công đoàn để trao đổi, thảo luận tình hình khó khăn của doanh nghiệp... qua đó động viên và có chỉ đạo các sở, ngành, địa phương triển khai các hoạt động hỗ trợ cụ thể.

Trước mắt, UBND tỉnh giao Sở Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp Liên đoàn Lao động tỉnh, các địa phương tổ chức nắm bắt về tình hình nhu cầu tuyển dụng, tình hình cắt giảm sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp để có phương án tổ chức kết nối cung – cầu lao động. Tăng tần suất tổ chức các phiên giao dịch việc làm, ưu tiên các phiên giao dịch việc làm trực tuyến, hỗ trợ người lao động khi tham gia giao dịch việc làm; kịp thời hướng dẫn doanh nghiệp sớm xây dựng phương án nghỉ Tết, trả lương, trả thưởng và các chế độ, hỗ trợ huy động các nguồn lực hỗ trợ người lao động trong dịp Tết Nguyên đán 2023.

Về lâu dài, tỉnh sẽ hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm cả trong và ngoài nước (Ấn Độ, các nước Nam Mỹ); hỗ trợ lao động chuyển đổi nghề nghiệp, nâng cao tay nghề, giới thiệu việc làm; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định để tạo việc làm cho người lao động.

Trong năm 2022, tình hình tai nạn giao thông (TNGT) trên địa bàn tỉnh tuy giảm về số vụ, nhưng số người chết tăng 107 người, trong đó số vụ TNGT nghiêm trọng xảy ra nhiều, nguyên nhân chủ yếu do ý thức chấp hành pháp luật về an toàn giao thông của người tham gia giao thông vẫn chưa cao; lực lượng Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông chưa đáp ứng đủ so với số lượng phương tiện, mật độ giao thông trên địa bàn; ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành, giám sát, xử lý vi phạm giao thông đường bộ chưa đáp ứng được yêu cầu.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương đề nghị Công an tỉnh phối hợp Ban An toàn giao thông tỉnh tăng cường rà soát, kiểm tra kết cấu hạ tầng giao thông, hệ thống báo hiệu đường bộ (biển báo, đèn tín hiệu giao thông, vạch kẻ đường...); kịp thời duy tu, sửa chữa nền đường, hệ thống chiếu sáng, thoát nước để gây mất an toàn giao thông; đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án, công trình giao thông trọng điểm; phân luồng, điều tiết giao thông, đảm bảo giao thông được thông suốt, an toàn, không để xảy ra ùn tắc giao thông; bố trí lực lượng tuần tra, kiểm soát tải trọng phương tiện; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông; triển khai đồng bộ hệ thống camera giám sát an ninh, giao thông.

(Theo Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam)