QUỐC HỘI 24H: ĐIỂM TIN HOẠT ĐỘNG QUỐC HỘI NGÀY 09/12/2022
* Chiều 12/12, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng đoàn Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã dự hội nghị tổng kết công tác đảng năm 2022 của Chi bộ Vụ Thư ký, thuộc Đảng bộ cơ quan Văn phòng Quốc hội.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhất trí cho rằng, các báo cáo của Chi bộ đã được chuẩn bị công phu, trách nhiệm. Về công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn, Chủ tịch Quốc hội lưu ý bám sát chức năng, nhiệm vụ của Vụ Thư ký, trong đó có đánh giá, kiểm điểm chung từ khi còn là Chi bộ Vụ Tổng hợp chung trước đây và sau này khi tách khỏi Chi bộ Vụ Tổng hợp, thành lập Chi bộ Vụ Thư ký.
Nhắc lại sự cần thiết phải thành lập Vụ Thư ký, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần tiếp tục rà soát lại các nhiệm vụ cụ thể của Vụ có gì trùng lặp, chồng chéo với các đơn vị khác trong Văn phòng Quốc hội hay không để bảo đảm tính thông suốt, hiệu quả.
Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý cần tập trung rà soát vị trí việc làm, có kế hoạch tuyển dụng đủ số lượng cán bộ công chức, bảo đảm về chất lượng đáp ứng được tính chất, yêu cầu nhiệm vụ rất đặc thù của Vụ Thư ký; chuẩn hoá, quy trình hoá việc thực hiện từng chức năng, nhiệm vụ của Vụ. Nhấn mạnh khối lượng và áp lực công việc đối với Vụ Thư ký nói riêng và các Vụ, đơn vị của Văn phòng Quốc hội nói chung thời gian qua là rất lớn, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, cùng với áp lực cần phải hết sức quan tâm đến cơ chế, chính sách đãi ngộ, bảo đảm môi trường làm việc cạnh tranh, công bằng để cán bộ công chức, đảng viên phát huy năng lực, sở trường, trí tuệ, đổi mới, sáng tạo. Đây chính là động lực lâu dài để cán bộ đảng viên, công chức phấn đấu và cống hiến.
Xem nội dung chi tiết tại đây: CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: TẠO ĐỘNG LỰC ĐỂ CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN PHẤN ĐẤU VÀ CỐNG HIẾN
* Theo dự kiến, phiên họp thứ 18 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ khai mạc vào ngày 13/12/2022 và bế mạc ngày 16/12/2022 tại phòng họp Tân Trào, Nhà Quốc hội. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tham dự, phát biểu khai mạc và cùng các Phó Chủ tịch Quốc hội thay phiên điều hành nội dung phiên họp.
Tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến về công tác xây dựng pháp luật: Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành cho ý kiến về: việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); Chương trình công tác năm 2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; xem xét, thông qua: Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh về trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân; Nghị quyết ban hành Quy chế về việc bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng hoạt động của đại biểu Quốc hội.
Cũng tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, quyết định việc lấy ý kiến Nhân dân về dự án Luật Đất đai (sửa đổi).
Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ xem xét, cho ý kiến về hoạt động đối ngoại, về các vấn đề kinh tế - xã hội và về công tác khác…
Xem nội dung chi tiết tại đây: THÔNG CÁO BÁO CHÍ VỀ CHƯƠNG TRÌNH PHIÊN HỌP THỨ 18 CỦA UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
* Chiều 12/12, tại Nhà Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đã làm việc với Đại sứ Ai Cập tại Việt Nam Amal Abdel Kader Elmorsi Salama và Đại sứ Algeria tại Việt Nam Abdelhamid Boubazine.
Trao đổi với Đại sứ Ai Cập tại Việt Nam, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho rằng, Việt Nam và Ai Cập có nhiều điểm tương đồng, nhất là về ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý nguồn nước, các dòng sông lớn. Thời gian tới, hai nước cần tích cực thực hiện các giải pháp nhằm xóa bỏ rào cản đối với xuất khẩu của Ai Cập vào thị trường Việt Nam, thúc đẩy hoạt động hội đồng doanh nghiệp nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp.
Đối với Algeria, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải mong muốn hai nước sẽ là cầu nối của nhau để Việt Nam và Algeria phát triển ngoại thương sang châu Phi cũng như ASEAN. Đồng thời đề nghị Đại sứ Algeria hỗ trợ Việt Nam đầu tư nhiều hơn vào Algeria, nhất là trong các lĩnh vực ưu tiên như công nghiệp, ô tô, dầu khí, nông nghiệp hàng hóa tiêu dùng.
Xem nội dung chi tiết tại đây: PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN ĐỨC HẢI LÀM VIỆC VỚI ĐẠI SỨ AI CẬP VÀ ĐẠI SỨ ALGERIA
* Trước đó, sáng 12/12, tại Nhà Quốc hội, Văn phòng Quốc hội tổ chức buổi họp báo công bố thông tin về Hội thảo Văn hóa 2022 với chủ đề ''Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa''. Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh - Trưởng Ban Tổ chức Hội thảo chủ trì buổi họp báo.
Công bố một số thông tin cụ thể về hội thảo, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Bùi Hoài Sơn - Phó Trưởng Tiểu ban Nội dung Hội thảo Văn hóa 2022 cho biết, đây là diễn đàn để các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức có liên quan và các nhà quản lý, nhà khoa học trong, ngoài nước tham gia báo cáo, thảo luận nhằm làm rõ các căn cứ lý luận, thực tiễn; trên cơ sở đó, đề xuất, kiến nghị hoàn thiện thể chế, chính sách và các giải pháp đẩy mạnh việc huy động, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực cho bảo tồn, phát triển văn hóa.
Hội thảo Văn hóa năm 2022 sẽ diễn ra trong 01 ngày, khai mạc vào 17/12/2022 (từ 8h00 đến 17h30) tại Trung tâm Văn hóa Kinh Bắc, TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh. Hội thảo được chủ trì bởi Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng và các đồng chí đại diện Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức Hội thảo.
Xem nội dung chi tiết tại đây: CÔNG BỐ ''HỘI THẢO VĂN HÓA 2022''
* Cũng trong sáng 12/12, tại Trụ sở các cơ quan của Quốc hội, Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng (CECR) thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học & Kỹ thuật Việt Nam tổ chức Hội nghị “Sửa đổi Luật Tài nguyên nước năm 2012 - Một số chính sách nổi bật".
Thảo luận về nội dung này, các đại biểu chỉ ra rằng, mức độ ô nhiễm nguồn nước đang gia tăng. Ô nhiễm nguồn nước chủ yếu tập trung ở vùng trung lưu và hạ lưu các lưu vực sông (Nhuệ, Đáy, Cầu, Đồng Nai), hệ thống công trình thủy lợi (Bắc Hưng Hải, Bắc Đuống…). Nguồn gây ô nhiễm từ nước thải sinh hoạt, công nghiệp, nông nghiệp, làng nghề, y tế và chất thải rắn không được kiểm soát, trong đó, nước thải sinh hoạt, nông nghiệp, công nghiệp chiếm tỷ lệ lớn. Chất lượng nguồn nước dưới đất tại một số vùng trong thời gian gần đây đang phải đối mặt với nhiễm mặn và ô nhiễm.
Nhiều ý kiến đề nghị chú trọng vào huy động nguồn lực, ngân sách nhà nước tiếp tục ưu tiên đầu tư các công trình khó huy động nguồn lực xã hội, xây dựng công trình lớn, quan trọng đặc biệt, công trình ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng khan hiếm nước, vùng bị ảnh hưởng lớn của biển đổi khí hậu. Bên cạnh đó, cần sử dụng vốn đầu tư công mang tính dẫn dắt, là vốn mồi để thu hút lan tỏa vốn xã hội, hỗ trợ cho các dự án kém hấp dẫn nhưng có hiệu quả cho các vùng khó khăn nhằm chia sẻ rủi ro với các nhà đầu tư. Thu hút nguồn vốn ODA để đầu tư công trình trữ nước, liên kết, kết nối nguồn nước, công trình đảm bảo an sinh xã hội.
Xem nội dung chi tiết tại đây: SỬA ĐỔI LUẬT TÀI NGUYÊN NƯỚC: QUẢN LÝ, SỬ DỤNG TÀI NGUYÊN NƯỚC HIỆU QUẢ VÀ BỀN VỮNG
* Thực hiện Chương trình giám sát năm 2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội “về giám sát chuyên đề thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông”, chiều 12/12, Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang tổ chức họp Đoàn giám sát để triển khai các nội dung liên quan đến công tác giám sát chuyên đề tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh.
Đồng chí Ma Thị Thúy, Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Tuyên Quang, Trưởng Đoàn giám sát chủ trì cuộc họp. Giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang với mục đích nhằm đánh giá toàn diện, khách quan việc ban hành, triển khai, thực hiện chính sách, pháp luật về về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông: Công tác chỉ đạo và triển khai tổ chức thực hiện của Ủy ban nhân dân tỉnh, các cơ quan, đơn vị có liên quan. Làm rõ các kết quả đạt được, những vướng mắc, bất cập và nguyên nhân, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước Trung ương và các địa phương.
Qua đó, các đại biểu đề xuất những giải pháp, kiến nghị hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông trong giai đoạn tới.
Xem nội dung chi tiết tại đây: ĐOÀN GIÁM SÁT CỦA ĐOÀN ĐBQH TỈNH TUYÊN QUANG HỌP TRIỂN KHAI CÁC NỘI DUNG GIÁM SÁT CHUYÊN ĐỀ
* Cùng với sự phát triển, những đổi mới của tập thể Quốc hội, hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh trong năm 2022 hết sức sôi nổi, có nhiều đóng góp đáng ghi nhận tại các diễn đàn của Quốc hội. Những lời hứa, cam kết của Đoàn đối với cử tri và Nhân dân cơ bản được thực hiện… Các ĐBQH đã nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đại biểu, góp phần làm cho hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh ngày càng thiết thực, hiệu quả và chất lượng.
Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh tham dự Kỳ họp thứ Tư, Quốc hội Khoá XV
Góp vào thành công chung của Quốc hội năm 2022, các ĐBQH thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh đã dành hết tâm lực để làm tròn trách nhiệm của người đại biểu dân cử trước những vấn đề lớn của đất nước, của địa phương... Trong năm, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tổ chức 6 cuộc Hội nghị xây dựng pháp luật; 2 cuộc khảo sát xây dựng dự thảo nghị quyết; góp ý vào 12 dự án luật xem xét thông qua, 14 dự án luật cho ý kiến lần đầu và nhiều nghị quyết tại các kỳ họp (bất thường, thứ 3, thứ 4)
Cùng với tập thể Quốc hội, Đoàn ĐBQH tỉnh đã ghi dấu trong lòng cử tri thông qua việc tổ chức giám sát thành công 4 chuyên đề của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội về các vấn đề xã hội, xây dựng chính quyền; tổ chức khảo sát 1 chuyên đề về tuyên truyền, phổ biến pháp luật; hoàn thiện báo cáo giám sát và tham gia phiên làm việc trực tuyến của Đoàn giám sát của Quốc hội về công tác quy hoạch…
Năm 2022, hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh đã cơ bản đáp ứng được mong mỏi của cử tri và Nhân dân. Năm 2023 tiếp tục mở ra hứa hẹn nhiều đổi mới nơi nghị trường Quốc hội cũng như hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh…
Xem nội dung chi tiết tại đây: ĐOÀN ĐBQH TỈNH HÀ TĨNH: DẤU ẤN MỘT NĂM HOẠT ĐỘNG
* Tại Hội thảo về “Tình hình ban hành và thực hiện pháp luật ứng phó với Biến đổi khí hậu ở Việt Nam trong giai đoạn 2016 - 2021 và giải pháp trong thời gian tới” diễn ra tại Cần Thơ vừa qua, nhiều đại biểu đề xuất cần hoàn thiện hệ thống pháp luật, nỗ lực thực hiện các giải pháp để thực thi các chính sách và cam kết quốc tế về biến đổi khí hậu (BĐKH).
Tại Hội thảo, các chuyên gia đã chỉ ra những kết quả đạt được và một số hạn chế, vướng mắc trong việc thực hiện Chương trình mục tiêu ứng phó với BĐKH và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016-2020, từ đó kiến nghị một số giải pháp khắc phục những hạn chế còn tồn tại.
Trong khuôn khổ Hội thảo, các đại biểu cũng tập trung cho ý kiến vào việc thực hiện chính sách pháp luật về ứng phó với BĐKH trong các lĩnh vực nông nghiệp; kiến nghị nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới; Tình hình triển khai Đề án “Phát triển các đô thị Việt Nam ứng phó với BĐKH giai đoạn 2021-2030” và giải pháp cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; Giải pháp ứng phó với BĐKH trong quy hoạch phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long và kiến nghị bổ sung, hoàn thiện cơ chế chính sách, pháp luật để thực thi hiệu quả...
Xem nội dung chi tiết tại đây: HOÀN THIỆN HỆ THỐNG PHÁP LUẬT, NỖ LỰC THỰC HIỆN CÁC GIẢI PHÁP ĐỂ THỰC THI CÁC CHÍNH SÁCH VÀ CAM KẾT QUỐC TẾ VỀ BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU
* Tại Kỳ họp thứ 4 vừa qua, nhiều đại biểu Quốc hội đã đề cập đến vấn đề thực hiện tự chủ ở bệnh viện và đề nghị cần có những biện pháp phù hợp tháo gỡ khó khăn trong thực tiễn. Cùng quan tâm đến vấn đề này, nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu cho rằng cần có cách hiểu đúng, sâu sắc, toàn diện đối với vấn đề này để đảm bảo đưa ra những quy định phù hợp với thực tiễn hoạt động của các cơ sở y tế.
Tại Kỳ họp thứ 4 vừa qua, tại các phiên thảo luận tổ, thảo luận tại hội trường, nhiều đại biểu Quốc hội có đề cập đến vấn đề thực hiện tự chủ ở bệnh viện. Đây cũng là vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm của cử tri và nhân dân cả nước tại các phiên tiếp xúc cử tri trước và sau Kỳ họp. Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, việc thực hiện tự chủ bệnh viện là một quyết sách lớn của Nhà nước, cũng là xu thế được nhiều nước trên thế giới áp dụng. Việc thực hiện thí điểm tự chủ bệnh viện thời gian qua đã đạt được một số kết quả tích cực bước đầu, nhiều vấn đề nhận thức về tự chủ bệnh viện ngày càng được rõ hơn. Tuy nhiên, bện cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện tự chủ bệnh viện cũng còn nhiều hạn chế, vướng mắc. Đơn cử, sau 2 năm triển khai thí điểm tự chủ toàn diện, 2 bệnh viện tuyến cuối của cả nước là bệnh viện Bạch Mai và bệnh viện K đều đã xin dừng thí điểm.
Nhiều ý kiến từ phía các chuyên gia, các nhà quản lý y tế cho rằng, những vướng mắc trên là do cơ chế thực hiện tự chủ bệnh viện chưa đầy đủ, giá dịch vụ y tế không được tính đúng tính đủ, vấn đề liên doanh liên kết máy móc, trang thiết bị chưa rõ ràng, thậm chí vướng các quy định của pháp luật, dẫn tới thiếu trầm trọng trang thiết bị phục vụ chăm sóc sức khỏe của người dân…
Xem nội dung chi tiết tại đây: HIỂU ĐÚNG, LÀM TRÚNG TRONG THỰC HIỆN TỰ CHỦ TẠI CÁC CƠ SỞ Y TẾ CÔNG LẬP
* Đóng góp ý kiến vào dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, nhà ở không chỉ gắn kết trực tiếp với cuộc sống người dân mà còn là công trình có quỹ di sản lớn, giá trị văn hóa minh chứng cho quá trình phát triển kinh tế-xã hội, văn hóa cần được nhận diện đầy đủ để khai thác, phát huy giá trị hiệu quả.
Mặc dù Luật Nhà ở năm 2014 đã đi vào cuộc sống và đạt được một số kết quả nhất định, khá đồng bộ, tuy nhiên TS.Kiến trúc sư (KTS) Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, Luật cũng đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế.
TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm kiến nghị cần nhận diện rõ hơn vai trò nhà ở trong cuộc sống. Trong Hiến pháp hiện hành Nhà ở được xác định là một trong các quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân (điều 22 Hiến pháp 2013). Nhà ở không chỉ gắn kết trực tiếp với cuộc sống người dân mà còn là loại hình công trình có quỹ di sản lớn, có giá trị văn hóa minh chứng cho quá trình phát triển kinh tế-xã hội, văn hóa cần được nhận diện đầy đủ để khai thác, phát huy giá trị có hiệu quả. Nhà ở còn là tiêu chí, chỉ tiêu trong Quốc hội, định hướng phát triển, tạo lập diện mạo không gian đô thị và nông thôn. Với chức năng đa dạng như vậy, trong bối cảnh mới, việc sửa đổi, bổ sung Luật Nhà ở là cần thiết. Từ đó, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm đưa ra khuyến cáo, dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) đã được nghiên cứu nghiêm túc, có nhiều đổi mới song rất cần nâng cao tính thực tiễn.
Xem nội dung chi tiết tại đây: TS.KTS ĐÀO NGỌC NGHIÊM: CẦN NHẬN DIỆN ĐẦY ĐỦ VAI TRÒ NHÀ Ở GẮN VỚI CUỘC SỐNG NGƯỜI DÂN TRONG DỰ ÁN LUẬT NHÀ Ở (SỬA ĐỔI)