TỔNG THUẬT SÁNG 14/12: UBTVQH CHO Ý KIẾN VỀ VIỆC GIẢI TRÌNH, TIẾP THU, CHỈNH LÝ DỰ THẢO LUẬT KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH (SỬA ĐỔI) VÀ ĐÁNH GIÁ VIỆC THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT 30/2021/QH15
Dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 3 và Kỳ họp thứ 4 và dự thảo luật này dự kiến tiếp tục được cho ý kiến và thông qua tại Kỳ họp bất thường của Quốc hội tới đây.
Tại Kỳ họp thứ 3 và thứ 4, một số ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị quan tâm tạo cơ sở pháp lý để quỹ bảo hiểm y tế chi trả cho sản phẩm dinh dưỡng chuyên biệt điều trị cho trẻ dưới 6 tuổi bị mắc bệnh suy dinh dưỡng cấp tính (thể vừa và thể nặng); đề nghị xem xét quy định cụ thể trong văn bản luật về việc điều trị suy dinh dưỡng cấp tính nặng đối với trẻ em; làm rõ khái niệm sản phẩm dinh dưỡng là thuốc hay thực phẩm chức năng…
Đại biểu Lò Thị Luyến – Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên nêu thực tiễn tại địa phương, hiện nay tỷ lệ hộ nghèo chiếm tới 34,9%. Số trẻ suy dinh dưỡng cao (trong đó: thể nhẹ cân: 17,3%; thể thấp còi: 27%; thể cấp tính vừa: 7,5%; thể cấp tính nặng: 0,9%...). Từ năm 2019 đến 2021 Điện Biên được UNICEF và Tổ chức Tầm nhìn thế giới lựa chọn hỗ trợ thực hiện mô hình can thiệp dùng sản phẩm dinh dưỡng chuyên biệt điều trị cho trẻ bị mắc bệnh suy dinh dưỡng cấp tính (thể vừa và thể nặng), với tổng số trẻ được tham gia điều trị là 360 trẻ. Kết quả số trẻ được dùng sản phẩm dinh dưỡng chuyên biệt để điều trị của 2 mô hình đều đáp ứng rất tốt (tỷ lệ phục hồi hoàn toàn của trẻ ở mô hình UNICEF là 82,7%, Tổ chức Tầm nhìn thế giới là 68,7%).
Đại biểu Lò Thị Luyến – Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên.
Đại biểu Lò Thị Luyến cho biết, trong bản dự thảo ban đầu cơ quan soạn thảo đưa nội dung: đối với trẻ em bị suy dinh dưỡng cấp tính nặng được chỉ định sử dụng sản phẩm dinh dưỡng chuyên biệt để điều trị và được chi trả từ quỹ bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4 lại không đề cập sản phẩm dinh dưỡng trong điều trị, kể cả khái niệm, nguyên tắc trong việc chỉ định điều trị.
Theo dự thảo Luật Khám bệnh và trong Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng, các Chương trình mục tiêu quốc gia, việc phòng chống suy dinh dưỡng tới đây vẫn chỉ được thực hiện bằng tư vấn, hướng dẫn chế độ dinh dưỡng, truyền thông nâng cao nhận thức, thực hành dinh dưỡng hợp lý như những giai đoạn trước đã làm. Như vậy, hàng năm sẽ có 90% trẻ bị suy dinh dưỡng cấp tính nặng không được điều trị hiệu quả và nếu bị mắc các bệnh khác thì sinh mạng trẻ sẽ bị đe dọa, nguy cơ tử vong cao gấp 20 lần so với trẻ không bị suy dinh dưỡng. Đại biểu cho rằng, Quốc hội có đủ thẩm quyền để quy định một vài điều tại Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) để sửa đổi một vài điều của Luật Bảo hiểm y tế hiện hành.
Đối với ý kiến cho rằng, nếu được bảo hiểm y tế chi trả có thể sẽ bị lạm dụng kê đơn, đại biểu Lò Thị Luyến khẳng định, từ 2009 đến nay, Việt Nam đã có 22 tỉnh, thành phố được UNICEF và các tổ chức quốc tế khác hỗ trợ để thực hiện mô hình điểm sử dụng sản phẩm dinh dưỡng chuyên biệt điều trị cho trẻ. Quy trình phân phối và quản lý sản phẩm chặt chẽ được thực hiện như quản lý thuốc tại cơ sở, trẻ được khám, theo dõi định kỳ, cấp phát và cho ăn theo đúng liều lượng và cân nặng của trẻ tại thời điểm khám. Sản phẩm này nếu dùng tùy tiện lại có tác hại cho sức khỏe nên sẽ không có chuyện lạm dụng để kê đơn.
Theo đại biểu Lò Thị Luyến, sản phẩm dinh dưỡng chuyên biệt như là một loại thuốc cứu cánh trong điều trị. Trẻ dưới 6 tuổi được Nhà nước cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí nhưng sản phẩm này không được gọi là thuốc nên không được bảo hiểm y tế chi trả, trong khi gia đình thì khó khăn không có tiền mua nên rất cần có chính sách hỗ trợ từ ngân sách.
Đại biểu cho rằng, sản phẩm dinh dưỡng là thuốc hay thực phẩm chức năng không quan trọng, quan trọng nhất là điều trị trẻ bị suy dinh dưỡng cấp tính hiệu quả, chỉ có điều chúng ta có chấp nhận cho bảo hiểm y tế chi trả cho sản phẩm này hay không. Sản phẩm này đã được Tổ chức Y tế thế giới chính thức giới thiệu công thức từ 2007, khuyến cáo sử dụng sản phẩm để điều trị cho trẻ bị mắc bệnh suy dinh dưỡng cấp tính, hiện có 53 quốc gia trên thế giới đã phân bổ kinh phí chi trả cho sử dụng sản phẩm này điều trị cho trẻ.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý một số nội dung lớn dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).
Tại Phiên họp thứ 18 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, giải trình đối với ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị quan tâm tạo cơ sở pháp lý để quỹ bảo hiểm y tế chi trả cho sản phẩm dinh dưỡng chuyên biệt điều trị cho trẻ dưới 6 tuổi bị mắc bệnh suy dinh dưỡng cấp tính; cần thiết phải bổ sung dinh dưỡng trong chỉ định chế độ dinh dưỡng để điều trị phù hợp trong bệnh lý, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết: Thường trực Ủy ban Xã hội cho rằng, nếu Luật này đề cập một sản phẩm điều trị hay dịch vụ điều trị cụ thể đối với một đối tượng cụ thể thì sẽ không đảm bảo tính phổ quát, tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, tính công bằng với các đối tượng khác. Hơn nữa, Cơ quan chủ trì soạn thảo chưa làm rõ sản phẩm dinh dưỡng điều trị là thuốc hay thực phẩm chức năng để có cơ chế quản lý phù hợp.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại Phiên họp thứ 18 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Phát biểu tại Phiên họp thứ 18 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, vấn đề này nhận được sự quan tâm của một số tổ chức quốc tế như Ngân hàng thế giới, Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, chúng ta vẫn có danh mục chữa bệnh đối với trường hợp suy dinh dưỡng cấp tính. Đây là bệnh nên vẫn được tiến hành khám bệnh, chữa bệnh bình thường, bảo hiểm y tế chi trả, được chỉ định thuốc và các sản phẩm đặc thù, nhưng đưa nội dung thuộc y tế dự phòng vào Luật Khám bệnh, chữa bệnh là không phù hợp. Tuy nhiên, cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra cần có thuyết minh, giải trình thêm với Quốc hội và một số tổ chức quốc tế về nội dung này để tạo sự thống nhất và đồng thuận cao./.