ĐOÀN ĐBQH TỈNH HÀ TĨNH GIÁM SÁT CHUYÊN ĐỀ TẠI BĐBP HÀ TĨNH
Đầu buổi chiều, kỳ họp tiếp tục diễn ra với phần chất vấn và trả lời chất vấn Giám đốc Sở GD&ĐT Đặng Thị Quỳnh Diệp.
Đặt câu hỏi tại phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Thị Hà Tân (tổ đại biểu huyện Can Lộc) đề nghị lãnh đạo Sở GD&ĐT cho biết, ngành đã tham mưu như thế nào để thực hiện lộ trình đến năm học 2024-2025, các lớp tiểu học sẽ học 2 buổi trong điều kiện thiếu giáo viên?
Đại biểu Nguyễn Thị Hà Tân (tổ đại biểu huyện Can Lộc)
Bà Đặng Thị Quỳnh Diệp cho biết, việc học 2 buổi đối với học sinh tiểu học là quy định bắt buộc và sở cũng đã chuẩn bị các điều kiện để thực hiện. Tuy nhiên, lộ trình này phải có tính dài hơi, Sở GD&ĐT sẽ tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh Hà Tĩnh chỉ đạo thực hiện trong thời gian tới.
Trước câu hỏi về giải quyết vấn đề tại Trung tâm Anh ngữ Apax Leaders Hà Tĩnh của đại biểu Nguyễn Thị Hà Tân, người đứng đầu ngành giáo dục cho biết: Hiện toàn tỉnh Hà Tĩnh có tất cả 64 trung tâm Anh ngữ, tạo điều kiện cho giáo viên, phụ huynh và học sinh tiếp cận chương trình học ngoại ngữ theo chuẩn quốc tế. Với Trung tâm Anh ngữ Apax Leaders, Sở GD&ĐT đã đình chỉ giấy phép trong thời gian 3 tháng để có thể khắc phục hậu quả cho phụ huynh, học sinh. Sau thời gian nói trên, nếu trung tâm không thể tiếp tục hoạt động thì Sở GD&ĐT sẽ rút giấy phép.
Giám đốc Sở GD&ĐT Đặng Thị Quỳnh Diệp tiếp tục phần trả lời chất vấn
Sở sẽ tiếp tục rà soát, thanh ra, kiểm tra các trung tâm Anh ngữ trên địa bàn để đảm bảo “phòng bệnh hơn chữa bệnh”.
Liên quan đến nội dung đại biểu Nguyễn Thị Lệ Hà - tổ đại biểu thành phố Hà Tĩnh chất vấn về vai trò của ngành nhằm phát triển hệ thống giáo dục ngoài công lập, Giám đốc Sở GD&ĐT Đặng Thị Quỳnh Diệp cho biết: Hiện nay, toàn tỉnh Hà Tĩnh có 29 trường mầm non, liên cấp ngoài công lập, 217 nhóm trẻ; các nhóm trẻ, trường ngoài công lập đã thu hút 10% trẻ dưới 3 tuổi đến trường. Thời gian qua, tỉnh đã cung cấp mặt bằng sạch để các trường xây dựng cơ sở vật chất; ban hành nhiều chính sách hỗ trợ cơ sở vật chất, hỗ trợ cán bộ, giáo viên, nhân viên ngừng việc do COVID-19…
Trong quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh vừa được phê duyệt, ngành đã tham mưu phát triển 55 trường các cấp học dành cho khối ngoài công lập đề nghị các địa phương quan tâm hơn nội dung này. Ngoài ra, sở cũng tăng cường tập huấn bồi dưỡng nâng chuẩn cho giáo viên; tăng cường sinh hoạt chuyên môn liên cấp, liên trường… Thời gian tới, Sở GD&ĐT sẽ tham mưu giải pháp dài hạn hơn để khối ngoài công lập phát triển hơn.
Đại biểu Phạm Nghĩa (Tổ đại biểu Can Lộc)
Đại biểu Phạm Nghĩa cho rằng, vấn đề thừa, thiếu giáo viên trở thành căn bệnh trầm kha, cho thấy dự báo về nhu cầu giáo viên còn thiếu khoa học. Để có chiến lược dài hạn cho lĩnh vực giáo dục, Giám đốc Sở GD&ĐT đã có những giải pháp căn cơ, khả thi nào để gắn đào tạo sát với nhu cầu thực tiễn và đảm bảo chất lượng, số lượng giáo viên?
Người đứng đầu ngành giáo dục cho biết, theo dự báo, từ nay đến năm 2026, số lượng học sinh có thể tăng từ 9.000-11.000 và sau 2026, mức sinh lại theo chiều hướng giảm. Do đó, ngành đã tính toán nhu cầu giáo viên tương ứng theo dự báo.
Hiện nay, điểm thi đầu vào của các trường đại học sư phạm tăng dần qua từng năm và ngành giáo dục đã có chiến lược đào tạo, bồi dưỡng giáo viên gắn với chất lượng giáo viên. Sở GD&ĐT cũng đã tham mưu UBND tỉnh Hà Tĩnh có giải pháp đồng bộ để nâng chuẩn cho giáo viên nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới.
Chất vấn Giám đốc Sở GD&ĐT, chủ tọa kỳ họp nêu lên thực trạng hiện nay nhiều trường tiểu học có quy mô quá 30 lớp học, điều này không phù hợp với quy định Bộ GD&ĐT. Vậy sở có giải pháp như thế nào để khắc phục tình trạng này? Ngoài ra, vai trò của ngành như thế nào trong cung ứng sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông mới?
Trả lời chất vấn, Giám đốc Sở GD&ĐT thừa nhận: Quy định của Bộ GD&ĐT là quy mô 1 trường tiểu học không được quá 30 lớp, tuy nhiên hiện nay trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh còn có 14 trường có quy mô trên 30 lớp, trong đó có 2 trường do sáp nhập đơn vị hành chính mà tăng, còn lại nguyên nhân tăng do tăng học sinh ở mỗi năm học. Sở xin nhìn nhận hạn chế do chưa chỉ đạo tốt việc phân luồng học sinh. Sau kỳ họp này, sở quyết tâm tham mưu, chỉ đạo các phòng GD&ĐT làm tốt hơn nội dung phân luồng học sinh. Dài hơi hơn, sở sẽ tham mưu, xem xét đề xuất thành lập các trường mới trong điều kiện cần thiết nhằm tăng chất lượng dạy học và giảm tải cho các trường.
Đối với vấn đề cung ứng sách giáo khoa, các trường, phòng GD&ĐT tổng hợp nhu cầu phụ huynh; sách được cung ứng qua 2 kênh đó là các đơn vị cung ứng đến tận nhà trường và bán tại các điểm mua bán sách thiết bị giáo dục của các huyện, tỉnh. Sở sẽ tiếp tục tăng cường thanh tra, kiểm tra, rà soát cung ứng sách giáo khoa; công khai, minh bạch nội dung này, góp phần làm lành mạnh hơn các hoạt động giáo dục toàn diện ở các nhà trường.
Băn khoăn về bạo lực học đường diễn ra thời gian qua, đại biểu Đinh Thị Hồng Vân - tổ đại biểu thành phố Hà Tĩnh đề nghị Giám đốc Sở GD&ĐT làm rõ hơn những giải pháp nhằm giảm thiểu tình trạng này, giải pháp nào là cốt lõi nhất?
Giám đốc Sở GD&ĐT cho rằng: Đối với vấn đề bạo lực học đường, quan trọng nhất là tìm ra nguyên nhân để có giải pháp cụ thể. Không có giải pháp nào là chính mà phải triển khai đồng bộ các giải pháp từ gia đình, nhà trường, xã hội. Với vai trò nhà trường, sở đã thường xuyên chỉ đạo các trường, giáo viên quan tâm, sát sao với học sinh để khi phát hiện các khúc mắc trong bản thân học sinh, giáo viên sẽ cùng phối hợp với gia đình để tháo gỡ cho các em.
Sau phần chất vấn và trả lời chất vấn của giám đốc các sở NN&PTNT, VH-TT&DL, GD&ĐT, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Trọng Hải phát biểu tiếp thu, giải trình và làm rõ thêm một số vấn đề đại biểu quan tâm thuộc trách nhiệm của UBND tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Trọng Hải cảm ơn đại biểu, cử tri tỉnh nhà đã chất vấn trực tiếp và gửi câu hỏi đến kỳ họp. Các nội dung đã phản ánh đúng thực trạng, vấn đề trọng tâm, chiến lược của 3 ngành NN&PTNT, VH-TT&DL, GD&ĐT. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu, sau kỳ họp, giám đốc các sở phải tập trung chỉ đạo, tham mưu các giải pháp cụ thể, hiệu quả, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu.
“Các giải pháp nêu ra phải xem như là cam kết chính trị của tư lệnh ngành, phải được thực thi nghiêm túc, nêu cao trách nhiệm giải trình, báo cáo với đại biểu qua các kỳ họp sau” - Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh nhấn mạnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng chia sẻ quan điểm, làm rõ những nội dung cử tri, đại biểu quan tâm liên quan đến phát triển các mô hình liên kết; giải pháp phát triển văn hóa, du lịch; thực trạng thừa thiếu giáo viên; vấn nạn bạo lực học đường; việc xử lý dự án đầu tư chậm tiến độ; vấn đề xác định giá đất cụ thể của các dự án đầu tư.
Đánh giá tình hình kinh tế - xã hội năm 2022, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh chỉ ra các nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung. Đó là, triển khai có hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, nhất quán các định hướng phát triển theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh và Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; kịp thời xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 ngay từ đầu năm, bám sát các nghị quyết của trung ương, tỉnh.
Tổ chức thực hiện kịp thời, hiệu quả, trách nhiệm cao các nghị quyết được HĐND tỉnh Hà Tĩnh thông qua tại kỳ họp lần này, nhất là các nghị quyết về cơ chế chính sách giai đoạn 2022-2025.
Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu, các sở, ban, ngành, UBND các cấp cần tiếp tục đổi mới công tác chỉ đạo điều hành; nêu cao trách nhiệm người đứng đầu, trách nhiệm của cơ quan tham mưu. Quán triệt phương châm “5 rõ”, đó là: rõ người, rõ việc, rõ sản phẩm, rõ thời gian, rõ trách nhiệm.
Trước mắt, các địa phương, đơn vị cần tập trung chỉ đạo sản xuất vụ Đông - Xuân; phòng chống rét hại, phòng trừ dịch bệnh cây trồng vật nuôi; tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở giết mổ tập trung. Triển khai quyết liệt nhiệm vụ thu ngân sách, giải ngân vốn đầu tư công trong tháng còn lại của năm. Tập trung GPMB, tái định cư các công trình dự án trọng điểm. Làm tốt công tác an sinh xã hội; chuẩn bị tốt nhất các điều kiện phục vụ Nhân dân đón Tết Nguyên đán Quý Mão vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm.
Đánh giá phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng khẳng định: Các đồng chí Ủy viên UBND và lãnh đạo UBND tỉnh được phân công trả lời các nội dung thể hiện tinh thần cầu thị, nghiêm túc, không né tránh. Tuy nhiên, có đồng chí chưa nêu rõ vai trò của ngành chủ quản, trả lời còn dài; chưa tham mưu được các giải pháp đột phá trong thời gian tới.
Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Tĩnh đề nghị, UBND tỉnh, ngành NN&PTNT, các sở, ngành, địa phương cần tập trung phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng NTM; tiếp tục ứng dụng KHCN vào sản xuất; chủ động kiểm soát tốt dịch bệnh ở cây trồng, vật nuôi.
Tuyên truyền để người dân và doanh nghiệp thấy rõ xu hướng phát triển nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn là xu hướng tất yếu để phát triển nền nông nghiệp bền vững. Các ngành, địa phương chủ động tìm giải pháp hỗ trợ người nông dân tiêu thụ sản phẩm và triển khai tốt việc quảng bá, giới thiệu các sản phẩm trên môi trường số. Đề nghị UBND tỉnh, Sở NN&PTNT, Sở TN&MT chủ động phối hợp với các cơ quan, địa phương thường xuyên kiểm tra, rà soát, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các cơ sở chăn nuôi gây ô nhiễm.
Hệ thống chính trị các cấp phải tiếp tục tuyên truyền, tạo sự thống nhất cao về nhận thức, hành động trong Nhân dân; đề ra lộ trình, thời gian cụ thể cho việc xây dựng tỉnh Hà Tĩnh đạt chuẩn NTM. Kịp thời kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động văn phòng điều phối NTM cấp tỉnh, cấp huyện.
Liên quan đến vấn đề cung ứng giống, đề nghị ngành nông nghiệp phải đặc biệt quan tâm để người nông dân chọn được các loại giống phù hợp. Đối với việc sử dụng các loại giống, vật tư nông nghiệp của các dịch vụ cung ứng khác, các địa phương phải chỉ đạo cơ sở cam kết về chất lượng, chú ý hỗ trợ đầu ra.
Đề nghị UBND tỉnh Hà Tĩnh, Sở VH-TT&DL khẩn trương tham mưu xây dựng đề án, tham mưu các chính sách cụ thể để tạo những đột phá cho phát triển KT-XH. Cùng với nguồn lực của tỉnh, đề nghị ngành VH-TT&DL phải quan tâm tranh thủ được nhiều nguồn lực từ Bộ VH-TT&DL và các bộ ngành liên quan.
Sở VH-TT&DL nghiên cứu đề xuất các giải pháp đột phá hơn để đưa du lịch Hà Tĩnh trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; Sở VH-TT&DL, Sở TT&TT phối hợp để tiếp tục giới thiệu, quảng bá văn hóa, con người Hà Tĩnh trên môi trường số; quan tâm đúng mức việc kết nối du lịch vùng, tăng cường đào tạo nguồn nhân lực.
HĐND tỉnh Hà Tĩnh đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo để có thể triển khai xây dựng Bảo tàng Hà Tĩnh trong năm 2023; đề ra các giải pháp tổng thể và phương án xây dựng Bảo tàng.
Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Tĩnh đề nghị Sở GD&ĐT rà soát, đánh giá, trước mắt tiếp tục thực hiện giải pháp biệt phái, tạo điều kiện cho một số giáo viên đi đào tạo văn bằng 2. Về lâu dài, phải thực hiện cơ chế tự chủ trong trường học ở những nơi có điều kiện, đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, thu hút đầu tư giáo dục để giảm áp lực cho các trường công và biên chế về giáo viên.
Ngành GDĐT phải chủ động xây dựng kế hoạch, lộ trình, đào tạo đội ngũ giáo viên, đề xuất phương án tiếp nhận giáo viên là con em Hà Tĩnh hiện giảng dạy ở các tỉnh, thành. Cùng với đó, cho phép các trường hợp đồng lao động ngắn hạn đối với giáo viên theo Nghị quyết 102 của Chính phủ để cân đối và đảm bảo đủ giáo viên khi chưa tuyển dụng được.
Đề nghị ngành GD&ĐT quan tâm ngăn chặn bạo lực học đường; ngành Công an tăng cường chỉ đạo xử lý thật nghiêm các đối tượng buôn bán, vận chuyển thuốc lá điện tử. Đề nghị các địa phương bám sát quy định, chủ trương và thực tiễn để rà soát, sắp xếp lại trường lớp hợp lý, tạo thuận lợi cho học sinh học tập, rèn luyện.
HĐND tỉnh Hà Tĩnh đề nghị UBND tỉnh, các cấp, ngành tăng cường công tác quản lý, đề ra các giải pháp cụ thể, hiệu quả để thực hiện nghiêm túc các nội dung mà cử tri và đại biểu HĐND đã nêu ra tại kỳ họp.
Đối với các ban, các đại biểu HĐND tỉnh Hà Tĩnh, đề nghị tiếp tục theo dõi, giám sát việc thực hiện các vấn đề đã được đại biểu và cử tri chất vấn tại các kỳ họp.
HĐND tỉnh Hà Tĩnh mong muốn cử tri thường xuyên theo dõi, giám sát hoạt động của hệ thống chính trị; luôn ý thức vì sự phát triển chung, đồng hành, đồng thuận với các cấp ủy, chính quyền thực hiện các chủ trương, chính sách của đảng, pháp luật nhà nước.