ĐOÀN ĐBQH TỈNH NAM ĐỊNH TÍCH CỰC, TRÁCH NHIỆM THAM GIA CÁC KỲ HỌP
Tham dự buổi làm việc có đồng chí Trần Lê Đoài, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và các sở, ngành có liên quan.
Quang cảnh buổi làm việc.
Thời gian qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của UBND tỉnh Nam Định, sự vào cuộc tích cực của các ngành, địa phương, công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh được thực hiện hiệu quả. Kinh phí huy động từ ngân sách Nhà nước để phòng, chống dịch COVID-19 giai đoạn 2020-2022 trên địa bàn tỉnh là 578.708 triệu đồng, gồm kinh phí mua test kit; kinh phí mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, thuốc, vật tư, sinh phẩm; kinh phí khám, cấp cứu, điều trị bệnh nhân COVID-19. Đã tiếp nhận, thẩm tra, trình đề nghị UBND tỉnh Nam Định phê duyệt danh sách và kinh phí cho 261.908 người và 9 hộ kinh doanh bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 với số tiền trên 287 tỷ đồng... Về hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng, đến nay tuyến huyện có 1 bệnh viện đa khoa huyện (hạng II) và 10 trung tâm y tế (trong đó có 9 trung tâm y tế thực hiện chức năng khám chữa bệnh, y tế dự phòng và dân số phát triển); 223/226 (tỷ lệ 98,67%) xã, phường, thị trấn, 9/10 huyện có 100% xã đạt tiêu chí quốc gia về Y tế giai đoạn 2011-2020 (theo Quyết định số 4667/2014/QĐ-BYT); 186/226 (đạt 82,3%) trạm y tế có bác sĩ; 100% cán bộ y tế xã, phường, thị trấn đang hợp đồng trong định biên theo Quyết định 58/TTg của Thủ tướng Chính phủ được tuyển dụng thành viên chức y tế theo Nghị định 117/2014/NĐ-CP ngày 08-12-2014; 100% thôn, tổ dân phố có nhân viên y tế hoạt động. Tuy nhiên, chất lượng khám chữa bệnh tại tuyến y tế cơ sở có mặt chưa đáp ứng nhu cầu của nhân dân; một số bệnh không lây nhiễm như tăng huyết áp, đái tháo đường… có chiều hướng gia tăng. Khả năng cung cấp dịch vụ y tế còn hạn chế, chất lượng dịch vụ tại tuyến y tế cơ sở còn thấp.
Từ những khó khăn trên, UBND tỉnh Nam Định đề nghị Quốc hội sớm bổ sung, hoàn thiện các văn bản pháp luật về khám, chữa bệnh; tự chủ; liên doanh, liên kết xã hội hóa; đấu thầu mua sắm thuốc, hóa chất, máy móc, trang thiết bị và vật tư y tế theo hướng tiếp cận phù hợp với thực tế của chuyên ngành y tế và dễ thực hiện; xem xét, ban hành chính sách tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, cải thiện điều kiện làm việc; nâng cao thu nhập cho cán bộ, nhân viên y tế tuyến cơ sở và người làm công tác y tế dự phòng nhằm thu hút người về làm việc tại tuyến y tế cơ sở.
Tại buổi làm việc, các thành viên Đoàn giám sát đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng của UBND tỉnh Nam Định thời gian qua đã góp phần vào công tác phòng, chống dịch bệnh hiệu quả trên địa bàn tỉnh, đồng thời Đoàn cũng đề nghị UBND tỉnh làm rõ một số nội dung như: Công tác chi trả kinh phí hỗ trợ chế độ phòng, chống dịch cho cán bộ y tế; ngành BHYT cần có chính sách cụ thể hỗ trợ bù đắp cho người hưởng chế độ BHYT nhưng vẫn phải bỏ tiền mua thuốc, vật tư y tế trong mục được hưởng BHYT; việc triển khai lĩnh vực y tế số...
Kết luận buổi làm việc, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định Nguyễn Hải Dũng đề nghị UBND tỉnh tiếp tục rà soát, cập nhật số liệu đến hết năm 2022, đề xuất, kiến nghị cụ thể về các quy định, văn bản pháp luật để hoàn thiện báo cáo giám sát. Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục tuyên truyền, vận động các đối tượng tiêm chủng vắc-xin phòng COVID-19; phối hợp cùng các cơ quan chức năng thực hiện tốt công tác y tế cơ sở, y tế dự phòng phù hợp với đặc thù trên địa bàn tỉnh.
Trước đó, Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định đã giám sát về lĩnh vực y tế tại huyện Trực Ninh, Sở Y tế, Sở Tài chính.