ĐOÀN ĐBQH TỈNH NGHỆ AN GIÁM SÁT VỀ ĐỔI MỚI CHƯƠNG TRÌNH, SÁCH GIÁO KHOA GIÁO DỤC PHỔ THÔNG TẠI THÀNH PHỐ VINH
Đồng chí Thái Thị An Chung - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nghệ An, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh, Trưởng đoàn giám sát.
Cùng dự có các đồng chí: Đặng Xuân Phương - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội; Trần Nhật Minh - Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, đại biểu Quốc hội Chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An; đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan.
Quang cảnh cuộc làm việc. Ảnh: Kế Kiên
Thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, huyện Quỳ Châu việc triển khai về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông được thực hiện nghiêm túc, quy mô mạng lưới trường lớp quy hoạch phù hợp với điều kiện của địa phương.
Cơ sở vật chất từng bước được chuẩn hóa, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu giảng dạy của giáo viên và học tập của học sinh (tỷ lệ phòng học kiên cố đạt trên 85%, có 34/37 trường đã được công nhận trường đạt chuẩn Quốc gia, trong đó Giáo dục phổ thông có 23/25 trường đạt chuẩn quốc gia).
Đồng chí Vương Quang Minh - Bí thư Huyện ủy Quỳ Châu phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Kế Kiên
Theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, chương trình cấp tiểu học được thiết kế để dạy học 2 buổi/ngày (tối thiểu 32 tiết/tuần). Ngành Giáo dục đã tham mưu UBND huyện cấp hỗ trợ một phần kinh phí từ nguồn ngân sách để tổ chức dạy học 2 buổi/ngày ở tất cả các trường tiểu học. Riêng Trường Tiểu học thị trấn Tân Lạc tổ chức dạy học tăng cường ở các lĩnh vực và triển khai huy động nguồn lực xã hội hóa theo Nghị quyết 31/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Nghệ An.
Đại diện Phòng Giáo dục huyện Quỳ Châu báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết 88 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Ảnh: Kế Kiên
Trong năm học 2021-2022, thực hiện chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND huyện đã giao phòng Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm kiểm tra rà soát thiết bị dạy học tối thiểu hiện còn sử dụng được của các trường tiểu học, trung học cơ sở theo quy định của lớp 1, lớp 2, lớp 6.
Số lượng máy tính phục vụ dạy môn tin học lớp 6 cấp THCS theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 tại huyện là 150 bộ máy tính (Sở Giáo dục và Đào tạo cấp và mua từ nguồn ngân sách được cấp hàng năm).
Trong năm, UBND huyện đã thực hiện bố trí từ nguồn ngân sách bổ sung kinh phí mua sắm thiết bị dạy học cho các trường học trên địa bàn huyện với tổng kinh phí là 2,3 tỷ đồng.
Đồng chí Đặng Xuân Phương - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Kế Kiên
Tuy nhiên, trên địa bàn huyện vẫn gặp một số bất cập khi tổ chức lựa chọn sách giáo khoa các môn Nghệ thuật, Công nghệ, Tin học, Ngoại ngữ bởi một số trường còn thiếu giáo viên chuyên ngành nên phải liên kết với các trường có giáo viên chuyên ngành để góp ý, lựa chọn sách.
Do điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương còn khó khăn, nhất là đối với các xã đặc biệt khó khăn nên việc thực hiện xã hội hóa sách giáo khoa từ nguồn của nhân dân trong huyện còn rất hạn chế, chủ yếu dưới hình thức nhà trường tuyên truyền để phụ huynh nhượng lại sách đã qua sử dụng cho học sinh lớp sau. Đội ngũ giáo viên chưa đáp ứng đủ cả về số lượng và cơ cấu bộ môn theo yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới.
Một số giáo viên triển khai dạy chương trình mới chưa hiệu quả, còn lúng túng, còn hạn chế trong thực hiện đổi mới phương pháp dạy học và tổ chức dạy học theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất học sinh, sử dụng sách giáo khoa chưa linh hoạt. Một số học sinh vùng đặc biệt khó khăn chưa hình thành được một số năng lực như: Tự chủ, tự học, sáng tạo và giải quyết vấn đề…
Trước khi làm việc với UBND huyện Quỳ Châu, đoàn đã khảo sát thực tế tại Trường Tiểu học Châu Hội 2 (Quỳ Châu). Ảnh: Kế Kiên
Kết luận tại buổi làm việc, đồng chí Thái Thị An Chung - Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An ghi nhận huyện Quỳ Châu đã cố gắng khắc phục khó khăn về thiếu trang thiết bị, đồ dùng học tập, đội ngũ giáo viên thiếu về số lượng; một số giáo viên chưa được đào tạo, tập huấn kịp thời để triển khai chương trình theo đúng tiến độ của Bộ đề ra.
Đồng thời đề nghị với UBND huyện Quỳ Châu tăng cường chỉ đạo triển khai thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa mới; tổ chức lựa chọn sách giáo khoa các cấp học đối với các năm học tiếp theo khách quan, đảm bảo đúng quy trình, thủ tục; tiếp tục rà soát, đánh giá thực trạng, xác định nhu cầu đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên ở từng cấp học, môn học.
Cùng đó, huyện cần cân đối ngân sách địa phương và có các biện pháp xã hội hóa các nguồn lực đầu tư để đảm bảo cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu chương trình, sách giáo khoa mới; chủ động khắc phục một số khó khăn về đội ngũ giáo viên, trang thiết bị dạy học,… để thực hiện có hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông trên địa bàn huyện.