Dự họp báo Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh; Phó Tổng Thư ký Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Hoàng Mai; Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế Phạm Thị Hồng Yến; Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Tuấn Anh; đại diện lãnh đạo của Hội Đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, các Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại diện lãnh đạo các Vụ, Cục của cơ quan Văn phòng Quốc hội; cùng đại diện các cơ quan thông tấn, báo chí trong nước và phóng viên, báo chí nước ngoài thường trú tại Việt Nam.
Kỳ họp bất thường lần thứ 2 dự kiến xem xét, thông qua 01 Luật, 03 Nghị quyết
Giới thiệu chương trình và nội dung Kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khoá XV, Phó Tổng Thư ký Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang cho biết, Kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khóa XV sẽ họp phiên trù bị vào chiều ngày 04/01/2023 và khai mạc trọng thể vào ngày 05/01/2023. Theo dự kiến chương trình, Quốc hội sẽ họp tập trung trong thời gian 04 ngày (dự kiến bế mạc vào ngày 09/01/2023). Đây là Kỳ họp có ý nghĩa quan trọng nhằm xem xét, quyết định những vấn đề cấp bách, cần thiết, đáp ứng kịp thời yêu cầu của cuộc sống.
Cụ thể, về công tác xây dựng pháp luật, tại Kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).
Về quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 03 Nghị quyết, gồm: Nghị quyết về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2023, tầm nhìn đến năm 2050; Nghị quyết về tiếp tục thực hiện một số chính sách liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 và tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 01/01/2023 mà chưa kịp gia hạn theo quy định của Luật Dược.; Nghị quyết về việc bổ sung dự toán ngân sách nhà nước nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài (nguồn chi thường xuyên) năm 2021; điều chỉnh dự toán kinh phí bảo đảm hoạt động chưa sử dụng hết năm 2021 của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan; điều chỉnh kế hoạch vốn vay lại năm 2022 của các địa phương.
Về công tác nhân sự, Quốc hội sẽ xem xét công tác nhân sự đại biểu và nhân sự khác thuộc thẩm quyền của Quốc hội (nếu có).
Phó Tổng Thư ký Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang giới thiệu chương trình và nội dung Kỳ họp bất thường lần thứ 2
Đối với Dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), Phó Tổng Thư ký Quốc hội cho biết, Ngay sau Kỳ họp thứ 4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Cơ quan thẩm tra chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Cơ quan trì soạn thảo và các cơ quan, tổ chức có liên quan để tiếp thu, giải trình các ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội và chỉnh lý dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); tiếp tục xin ý kiến Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội và các cơ quan, tổ chức liên quan về việc tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật; lấy ý kiến và tiến hành khảo sát tại địa phương về việc thực hiện chính sách khám bệnh, chữa bệnh và về tài chính, nhân lực của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Tại phiên họp thứ 18, ngày 14/12/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến về việc tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật trên cơ sở Báo cáo số 477/BC-CP ngày 07/12/2022 của Chính phủ về việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Trên cơ sở tổng hợp ý kiến các đại biểu Quốc hội, ý kiến của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp tục chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp với Ban soạn thảo, các cơ quan liên quan tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật. Dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện gồm 12 chương, 123 điều, nhiều hơn 03 điều so với dự thảo trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4.
Các phóng viên, nhà báo tại cuộc họp báo
Đối với Dự thảo Nghị quyết về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2023, tầm nhìn đến năm 2050, Phó Tổng Thư ký Quốc hội cho biết, trên cơ sở Tờ trình số 475/TTr-CP ngày 06/12/2022 của Chính phủ kèm theo đầy đủ hồ sơ Quy hoạch tổng thể quốc gia trình Quốc hội xem xét, quyết định; Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã chủ trì phối hợp với các cơ quan của Quốc hội tiến hành thẩm tra đối với hồ sơ Quy hoạch tổng thể quốc gia tại Phiên họp thẩm tra ngày 16/12/2022 và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp cho ý kiến đối với Quy hoạch tổng thể quốc gia tại Phiên họp thứ 18 ngày 21/12/2022. Thực hiện kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Thông báo số 1882/TB- TTKQH ngày 22/12/2022 của Tổng Thư ký Quốc hội, Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu và giải trình toàn bộ các ý kiến để hoàn thiện hồ sơ Quy hoạch tổng thể quốc gia, đồng thời hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Quốc hội, trình Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp bất thường lần thứ hai.
Theo đó, dự thảo Nghị quyết thông qua Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 có những nội dung chủ yếu như sau: về phạm vi ranh giới quy hoạch; quan điểm, tầm nhìn và mục tiêu phát triển; những nhiệm vụ trọng tâm trong thời kỳ quy hoạch; định hướng phát triển không gian kinh tế - xã hội đối với các vùng động lực quốc gia, các hành lang kinh tế, các khu vực lãnh thổ cần bảo tồn, vùng hạn chế phát triển, định hướng phát triển và phân bố không gian các ngành quan trọng; định hướng phát triển không gian biển; định hướng khai thác và sử dụng vùng trời; định hướng phân vùng và liên kết vùng; định hướng phát triển hệ thống đô thị và nông thôn quốc gia, phát triển ngành hạ tầng xã hội cấp quốc gia, ngành hạ tầng kỹ thuật cấp quốc gia; định hướng sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu; quốc phòng, an ninh; định hướng sử dụng đất quốc gia; danh mục dự án quan trọng của quốc gia và thứ tự ưu tiên thực hiện; giải pháp, nguồn lực thực hiện quy hoạch về huy động nguồn lực, cơ chế, chính sách, khoa học, công nghệ, phát triển nguồn nhân lực, hợp tác quốc tế.
Bảo đảm sự ổn định của hoạt động sản xuất, kinh doanh, cung ứng thuốc
Cũng theo Phó Tổng Thư ký Quốc hội, đối với Dự thảo Nghị quyết về tiếp tục thực hiện một số chính sách liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 và tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 01/01/2023 mà chưa kịp gia hạn theo quy định của Luật Dược, việc Quốc hội ban hành Nghị quyết về tiếp tục thực hiện một số chính sách liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 và tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 01/01/2023 mà chưa kịp gia hạn theo quy định của Luật Dược là cần thiết nhằm đảm bảo quyền và lợi ích của người dân trong việc triển khai một số chính sách nhưng cần thêm thời gian để thực hiện hết cho các đối tượng và giải quyết các vướng mắc, tồn đọng đối với các hoạt động đã thực hiện nhưng chưa được chi trả, quyết toán. Đồng thời, tạo cơ sở tiếp tục bảo đảm việc cung ứng thuốc, sự ổn định của hoạt động sản xuất kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc.
Phó Tổng Thư ký Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang
Nghị quyết bao gồm các nội dung về: Đánh giá kết quả thực hiện quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28/7/2021 Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV về các chính sách phòng, chống dịch bệnh COVID-19; các chính sách trong phòng, chống dịch COVID-19 được tiếp tục thực hiện từ ngày 01/01/2023 đến hết ngày 31/12/2023; giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc. Theo đó, các chính sách trong phòng, chống dịch COVID-19 được tiếp tục thực hiện từ ngày 01/01/2023 đến hết ngày 31/12/2023, bao gồm: Các khoản chi cho hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 của cơ sở y tế và chi chế độ chính sách đối với người được điều động, huy động tham gia phòng, chống dịch COVID-19 đã thực hiện trước ngày 31/12/2022 mà chưa thanh toán xong thì được tiếp tục thực hiện theo các quy định tại Nghị quyết số 12/2021/UBTVQH15 ngày 30/12/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách trong lĩnh vực y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 và các văn bản hướng dẫn thực hiện. Các khoản chưa chi này được chuyển nguồn thanh toán sang năm 2023. Việc thanh toán chi phí phòng, chống dịch COVID-19 cho cơ sở y tế và chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho người bệnh COVID-19 được tiếp tục thực hiện theo Nghị quyết số 268/NQ-UBTVQH15 ngày 06/8/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc cho phép Chính phủ ban hành nghị quyết có một số nội dung khác với quy định của luật để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19, Nghị quyết số 12/2021/UBTVQH15 và các văn bản hướng dẫn thực hiện.
Về giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc, Quốc hội cho phép thực hiện giải pháp tình thế sau đây: Giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực trong khoảng thời gian từ ngày 01/01/2023 đến ngày 31/12/2024 được cơ sở đăng ký nộp hồ sơ gia hạn mà chưa được gia hạn kịp thời theo quy định của Luật Dược được tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành từ ngày hết hiệu lực đến hết ngày 31/12/2024, trừ các trường hợp: Thuốc, nguyên liệu làm thuốc bị thu hồi, thuốc có dấu hiệu không an toàn cho người sử dụng mà bị tạm ngừng kinh doanh, sử dụng và niêm phong bảo quản theo quy định của pháp luật về dược; Thuốc có giấy đăng ký lưu hành có thời hạn là 03 năm theo quy định của pháp luật về dược. Bộ Y tế công bố danh mục thuốc, nguyên liệu làm thuốc được tiếp tục lưu hành theo quy định tại khoản 1 Điều 3 dự thảo Nghị quyết.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường phát biểu tại họp báo
Phát biểu tại cuộc họp báo, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cảm ơn đại diện các cơ quan của Trung ương, đại biểu Quốc hội đã tham dự, phóng viên các cơ quan thông tấn báo chí đã đặt những câu hỏi tâm huyết, trách nhiệm; đồng thời bày tỏ mong muốn các cơ quan thông tấn, báo chí sẽ đồng hành với Quốc hội để chuyển tải thông tin, thông điệp, những quyết sách của Quốc hội tại Kỳ họp bất thường lần thứ 2 đến với cử tri, Nhân dân cả nước cũng như kiều bào ta ở nước ngoài và bạn bè quốc tế.
Trân trọng giới thiệu một số hình ảnh tại họp báo:
Toàn cảnh họp báo
Các phóng viên, nhà báo tại cuộc họp báo
Các phóng viên, nhà báo đặt câu hỏi về nội dung chương trình Kỳ họp bất thường thứ 2, Quốc hội khóa XV
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Hoàng Mai trả lời câu hỏi của phóng viên, nhà báo về vấn đề giá khám bệnh, chữa bệnh trong dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi)
Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh trả lời một số câu hỏi của phóng viên, báo chí về các nội dung liên quan đến công tác nhân sự, tổ chức bộ máy
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cảm ơn đại diện các cơ quan của Trung ương, đại biểu Quốc hội đã tham dự, phóng viên các cơ quan thông tấn báo chí đã đặt những câu hỏi tâm huyết, trách nhiệm
Tổng Thư ký Quốc hội mong muốn các cơ quan thông tấn, báo chí sẽ đồng hành với Quốc hội để chuyển tải thông tin, thông điệp, những quyết sách của Quốc hội tại Kỳ họp bất thường lần thứ 2 đến với cử tri, Nhân dân cả nước cũng như kiều bào ta ở nước ngoài và bạn bè quốc tế./.