TỔNG THUẬT SÁNG 05/01: KHAI MẠC KỲ HỌP BẤT THƯỜNG LẦN THỨ 2, QUỐC HỘI KHOÁ XV
Toàn cảnh phiên khai mạc Kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khóa XV
Trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát mạnh mẽ, bám sát thực tiễn, Quốc hội đã kịp thời ban hành Nghị quyết số 30/2021/QH15. Đây là sáng kiến lập pháp của Quốc hội có ý nghĩa lịch sử, đã tạo nền tảng pháp lý vững chắc tại thời điểm cấp bách của đại dịch COVID-19 để góp phần kiểm soát dịch bệnh, huy động sự chung tay, đồng hành, vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thể hiện sự lãnh đạo sáng suốt, chủ động, sát sao của của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Nghị quyết số 30/2021/QH15 được ban hành đã thống nhất việc Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ được chủ động, linh hoạt quyết định triển khai các giải pháp cấp bách đặc biệt, đặc thù, đặc cách trong phòng, chống dịch COVID-19. Với quyết định quan trọng này, Quốc hội đã nhận được sự đồng thuận rất cao của các đại biểu Quốc hội, của cử tri và Nhân dân cả nước.
Nghị quyết tạo điều kiện cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chủ động thực hiện các quyết sách sáng tạo, linh hoạt, thần tốc trong chỉ đạo, lãnh đạo hiệu quả các biện pháp chống dịch ở mức cao như trong tình trạng khẩn cấp mà vẫn bảo đảm ổn định tâm lý người dân. Đặc biệt, việc Quốc hội cho phép triển khai các biện pháp chưa được luật quy định hoặc khác với quy định trong các luật, pháp lệnh hiện hành để đáp ứng yêu cầu cấp bách của công tác phòng, chống dịch COVID-19 về áp dụng cơ chế đặc biệt, đặc thù, đặc cách đã tạo cơ chế pháp lý đầy đủ hơn để huy động tối đa nguồn lực vắc xin, thuốc, trang thiết bị, hóa chất, bệnh viện dã chiến, nhân lực, tài chính, quyết định những biện pháp đặc cách để tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp và cơ quan quản lý do có những nội dung chưa được luật quy định và do những hệ lụy của dịch bệnh COVID-19 gây ra.
Tại Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV, với 100% các đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 30/2021/QH15
Sau gần 1,5 năm triển khai một cách khẩn trương, kịp thời, hiệu quả, cùng với nhiều giải pháp đồng bộ khác, Nghị quyết 30/2021/QH15 đã góp phần đưa công tác phòng, chống dịch COVID-19 đạt được nhiều thành tựu, đất nước cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, kinh tế - xã hội đang trên đà phục hồi mạnh mẽ, bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, bảo vệ độc lập, chủ quyền quốc gia.
Do đó, Chính phủ đã đề nghị Quốc hội ghi nhận các kết quả đã triển khai thực hiện trong thời gian qua với sự tham gia tích cực, sự chung tay, đồng hành, vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị, của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, cộng đồng doanh nghiệp và sự hỗ trợ, ủng hộ của quốc tế, thể hiện rõ nét sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, sự lãnh đạo sáng suốt, chủ động, sát sao của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và ghi nhận sự nỗ lực, chủ động, quyết liệt, linh hoạt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15, từ đó đã kiểm soát thành công dịch bệnh, đưa đất nước trở lại trạng thái bình thường mới, ổn định và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.
Đồng thời đề nghị Quốc hội công bố hết hiệu lực toàn bộ đối với 08 Nghị quyết, hết hiệu lực một phần đối với 02 Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và giao cho Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương tiến hành rà soát, xử lý kết quả rà soát theo quy định trên cơ sở các nội dung đánh giá tại Báo cáo của Chính phủ.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan trình bày trình bày Báo cáo đánh giá việc thực hiện quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28/7/2021 Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV về các chính sách phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và Tờ trình đề xuất nội dung đưa vào Nghị quyết của Quốc hội về việc chuyển tiếp thực hiện một số chính sách theo quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 về các chính sách phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và cho phép tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 01/01/2023 mà chưa kịp gia hạn theo quy định của Luật Dược
Ngoài ra, Mục 3 Nghị quyết 30/2021/QH15 có hiệu lực đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2022. Tuy nhiên, đối với một số chính sách đã triển khai nhưng cần thêm thời gian để thực hiện hết cho các đối tượng và giải quyết các vướng mắc, tồn đọng đối với các hoạt động đã thực hiện nhưng chưa được chi trả, quyết toán và trong thời gian sửa đổi, hoàn thiện các quy định, Chính phủ đề xuất Quốc hội việc chuyển tiếp thực hiện đối với 02 chính sách để bảo đảm quyền, lợi ích của người dân.
Một là, các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 của cơ sở y tế và chế độ chính sách đối với người được điều động tham gia phòng, chống dịch COVID-19 đã thực hiện trước ngày 31 tháng 12 năm 2022 theo các quy định của Nghị quyết số 30 và các văn bản hướng dẫn mà chưa thanh toán xong thì được tiếp tục thực hiện thanh toán theo các quy định tại Nghị quyết số 30 và các văn bản hướng dẫn bảo đảm hoàn thành trước ngày 31 tháng 12 năm 2023.
Làm rõ lý giải cho đề xuất này, báo cáo của Chính phủ cho biết, thực hiện Nghị quyết 30/2021/QH15, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 12/2021/UBTVQH15, Chính phủ ban hành Nghị định số 29/2022/NĐ-CP quy định việc thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho bệnh nhân COVID-19 tại các cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 do ngân sách nhà nước bảo đảm theo chi phí thực tế; chi phí điều trị các bệnh khác trong quá trình điều trị COVID-19 thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế, khám bệnh, chữa bệnh. Trường hợp cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 không bóc tách được chi phí khám bệnh, chữa bệnh COVID-19 và các bệnh khác để thanh toán theo các nguồn hoặc không thu được các khoản chi phí mà người bệnh phải trả theo quy định do nguyên nhân bất khả kháng thì được ngân sách nhà nước chi trả theo quy định của Chính phủ tại Nghị định số 29/2022/NĐ-CP. Đối với các cơ sở y tế tư nhân được huy động tham gia phòng, chống dịch COVID-19: Việc thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho người bệnh COVID-19 do ngân sách Nhà nước bảo đảm theo từng người bệnh COVID-19 với mức thanh toán do Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định theo nguyên tắc không cao quá mức giá cao nhất của bệnh viện đa khoa tỉnh hoặc mức giá cao nhất của bệnh viện trung ương trên địa bàn.
Trong quá trình thực hiện, một số địa phương không xác định được số trường hợp chưa thanh toán, do việc thanh toán chi thường xuyên của cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 công lập bao gồm các chi phí bảo đảm hoạt động thường xuyên của cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 công lập, trong đó có chi tiền lương, tiền công, phụ cấp, mua sắm quần áo phòng hộ, khẩu trang phòng, chống dịch, hóa chất, xử lý rác thải ... nên khó xác định được số trường hợp chưa thanh toán. Kinh phí chi cho chế độ chính sách đối với người được điều động tham gia phòng, chống dịch COVID-19 bị nhiễm COVID-19 hoặc phải cách ly y tế sau thời gian tham gia phòng, chống dịch COVID-19 được thực hiện theo quy định tại khoản 1, 2 và 3 Điều 11 Nghị định số 29/2022/NĐ-CP được triển khai trong chi phòng chống dịch nói chung, các bộ, ngành, địa phương đều không phân tách riêng được ngay từ khi bắt đầu thực hiện do điều kiện chống dịch gấp gáp, thiếu nhân lực và phải triển khai ngay nên khi đánh giá cũng không đủ thông tin để bóc tách riêng được. Việc hồi cứu chi trả chế độ cho người thuộc khoản 4 Điều 11 Nghị định số 29/2022/NĐ-CP (đối tượng không hưởng lương từ ngân sách nhà nước được điều động, huy động tham gia phòng chống dịch COVID-19 bị nhiễm COVID-19) do khó xác định có phải nhiễm COVID-19 do phòng chống dịch hay nhiễm từ gia đình, đơn vị không có hồ sơ để làm thủ tục thanh toán.
Một số địa phương đang hoàn thiện hồ sơ, chứng từ liên quan để thanh toán theo quy định. Mặt khác, một số địa phương còn nhiều khó khăn nên ngân sách chưa kịp thời bố trí. Một số địa phương chưa được thanh toán hết, đang đề nghị cấp bổ sung. Một số địa phương đã gửi hồ sơ đến cấp có thẩm quyền, đang trong quá trình thực hiện cấp bổ sung kinh phí cho các đơn vị.
Theo báo cáo của 48 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thì việc chi trả kinh phí cho một số hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 vẫn đang triển khai, chưa hoàn thành như chi chế độ chính sách đối với người được điều động tham gia phòng, chống dịch COVID-19 bị nhiễm COVID-19 hoặc phải cách ly y tế sau thời gian tham gia phòng, chống dịch COVID-19, kinh phí chi thường xuyên của cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 công lập và hoàn trả chi phí phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với người bệnh COVID-19.
Bên cạnh đó, việc thanh toán bảo hiểm xã hội đối với người lao động mắc COVID-19 cũng chưa hoàn thành. Do đó, để bảo đảm quyền lợi cho quyền lợi của những đối tượng thụ hưởng các chính sách phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 thì cần thiết phải chuyển tiếp việc tiếp tục cho thanh toán theo Nghị quyết này và các văn bản hướng dẫn cho đến khi việc thanh toán hoàn thành.
Hai là về cơ chế thanh toán chi phí phòng, chống dịch COVID-19 cho cơ sở y tế và chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho người bệnh COVID-19 đang thực hiện theo Nghị quyết số 30 được hướng dẫn bởi Nghị quyết số 268/NQ-UBTVQH15 và Nghị quyết số 12/2021/UBTVQH15 xin được tiếp tục cho đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2023, cụ thể:
Cơ sở y tế công lập tiếp tục được sử dụng nguồn tài chính của đơn vị để chi phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 theo phân công của cơ quan có thẩm quyền và sau đó ngân sách nhà nước hoàn trả các chi phí này cho cơ sở y tế công lập. Tiếp tục thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho người bệnh COVID-19 tại các cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 do ngân sách nhà nước bảo đảm theo chi phí thực tế cho đến khi các cơ sở này chấm dứt hoạt động. Chi phí điều trị các bệnh khác trong quá trình điều trị COVID-19 thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế, khám bệnh, chữa bệnh. Trường hợp không bóc tách được chi phí khám bệnh, chữa bệnh COVID-19 và các bệnh khác để thanh toán theo các nguồn hoặc không thu được các khoản chi phí mà người bệnh phải trả theo quy định do nguyên nhân bất khả kháng thì được ngân sách nhà nước chi trả theo quy định của Nghị định số 29/2022/NĐ-CP.
Lý giải cho đề xuất này, Chính phủ cho biết, theo quy định của Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm thì chi phí điều trị bệnh COVID-19 (nhóm A) do ngân sách Nhà nước bảo đảm. Theo quy định của Luật Ngân sách thì kinh phí ngân sách chi cho các hoạt động phải được giao toán từ đầu năm. Theo quy định của Luật Đấu thầu thì khi xây dựng kế hoạch mua sắm, đấu thầu phải nêu rõ nguồn kinh phí.
Tuy nhiên, trong thực tế cơ sở y tế công lập mua sắm, cung ứng thuốc, hoá chất, vật tư y tế, máu, dịch truyền để sử dụng chung cho cả công tác khám chữa bệnh thường xuyên và phòng, chống dịch COVID-19 mà không thể tách được chi tiết nguồn kinh phí mua sắm riêng cho phòng, chống dịch COVID-19 do không thể ước tính trước số lượng bệnh nhân COVID-19, dịch bệnh này cũng chưa có tiền lệ, mới phát sinh nên rất khó xác định được cụ thể nguồn kinh phí để giao dự toán như các chương trình y tế khác được ngân sách chi (lao, HIV). Việc dự toán số lượng kinh phí theo số lượng bệnh nhân COVID-19 cũng làm phát sinh thêm thủ tục, nhân lực, thời gian và khó bảo đảm chính xác. Do đó, cơ sở y tế công lập sử dụng một nguồn tài chính của đơn vị để mua sắm, cung ứng dịch vụ cho tất cả các hoạt động của đơn vị, bao gồm cả điều trị bệnh nhân COVID-19 và khi kết thúc đợt điều trị thì mới xác định được chi phí thực tế điều trị bệnh nhân COVID-19 và báo cáo cấp có thẩm quyền để ngân sách hoàn trả khoản kinh phí điều trị bệnh nhân COVID-19 thuộc phạm vi ngân sách chi trả. Thời gian qua, các cơ sở y tế đã thực hiện theo cơ chế này chủ động, thuận lợi.
Đối với người bệnh COVID-19, nhiều trường hợp không bóc tách được chi phí điều trị COVID-19 và các bệnh khác do người bệnh cũng đồng thời mắc một số bệnh khác hoặc việc mắc COVID-19 làm phát sinh hoặc tăng nặng tình trạng của các bệnh khác. Trong trường hợp này ngân sách nhà nước chi trả toàn bộ chi phí khám chữa bệnh theo quy định của Nghị định số 29/2022/NĐ-CP để bảo đảm quyền lợi của người bệnh và giảm thủ tục, thời gian thực hiện.
Ngoài ra, Chính phủ cũng đề nghị Quốc hội cho phép tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc khác với quy định của Luật Dược. Đây là chính sách đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép thực hiện theo Nghị quyết 30/2021/QH15.
Chính phủ đề xuất áp dụng chính sách này trong giai đoạn tiếp theo từ ngày 01 tháng 01 năm 2023 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2024 cụ thể như sau: “Từ ngày 01 tháng 01 năm 2023 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2024, giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2023 đã nộp hồ sơ gia hạn mà chưa được gia hạn theo quy định Luật Dược thì được tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành từ ngày hết hiệu lực đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2024 đối với các trường hợp sau:
- Thuốc, nguyên liệu làm thuốc không thuộc trường hợp bị thu hồi giấy đăng ký lưu hành theo quy định tại Điều 58 Luật Dược 2016.
- Thuốc, nguyên liệu làm thuốc không thuộc trường hợp có dấu hiệu không an toàn cho người sử dụng theo quy định tại khoản 6 Điều 77 Luật Dược 2016.
- Thuốc, nguyên liệu làm thuốc không thuộc trường hợp cần phải tiếp tục theo dõi an toàn, hiệu quả theo kết luận của Hội đồng tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc theo quy định tại khoản 6 Điều 56 của Luật Dược 2016.
Giao Bộ Y tế có trách nhiệm rà soát, công bố danh mục trên trang thông tin điện tử các thuốc đáp ứng các tiêu chí nêu trên.
Quy định tại mục này có hiệu lực thực hiện từ ngày 01 tháng 01 năm 2023.”
Theo chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội sẽ thảo luận tại tổ về nội dung này vào sáng ngày 06/01, thảo luận toàn thể tại hội trường vào chiều ngày 07/01 tới./.