Trải qua hơn 76 năm hình thành, phát triển, Quốc hội Việt Nam đã, đang hoạt động hiệu lực, hiệu quả, ngày càng nhận được sự quan tâm, theo dõi của đông đảo cử tri, nhân dân cả nước. Kế thừa và phát triển truyền thống vẻ vang đó, việc đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, nhất là hoạt động lập pháp được thực hiện quyết liệt ngay từ đầu nhiệm kỳ, với những bước tiến hành thận trọng, chắc chắn, hiệu quả. Những đổi mới thể hiện đồng bộ từ cải tiến quy trình đến cách thức tổ chức triển khai công việc, đề cao tính chủ động, trách nhiệm của các cơ quan liên quan; chuẩn bị, xem xét kỹ lưỡng từng dự án luật, nghị quyết từ sớm, từ xa dựa trên căn cứ khoa học, thực tiễn thuyết phục, cùng với đóng góp ý kiến tích cực của các đại biểu Quốc hội, chuyên gia và các tầng lớp nhân dân... hoạt động lập pháp của Quốc hội Khóa XV đã có những bước tiến mạnh mẽ và đạt được nhiều kết quả tích cực.
Chia sẻ về hoạt động lập pháp của Quốc hội khóa XV từ đầu nhiệm kỳ, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, Quốc hội đã thông qua 14 luật, 37 nghị quyết có chứa quy phạm pháp luật; Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua 3 pháp lệnh, 28 nghị quyết quy phạm trên các lĩnh vực, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật, kịp thời giải quyết những vấn đề cấp thiết thực tiễn đặt ra, tháo gỡ các “điểm nghẽn”, “nút thắt” về thể chế, tạo động lực đưa đất nước bứt phá.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, một trong những dấu ấn nổi bật trong hoạt động lập pháp là ngay tại Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết số 30/2021/QH15 - quyết sách có tính lịch sử đáp ứng yêu cầu cấp bách trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, mức độ nguy hiểm lây lan chưa từng có. Mặc dù chúng ta đã có Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm và Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành, tổ chức thực hiện nhiều quy định để phòng, chống dịch nhưng thực tiễn cho thấy, cần công cụ pháp lý cao hơn, mạnh hơn để ngăn chặn đại dịch, ổn định đời sống và phục hồi phát triển kinh tế - xã hội. Trong bối cảnh cấp bách đó, thực hiện Kết luận số 07-KL/TW ngày 11/6/2021 của Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chỉ đạo, giao nhiệm vụ nghiên cứu ngay để trình Quốc hội có quyết sách lập pháp mạnh mẽ nhất, trao quyền chủ động cho Chính phủ áp dụng các biện pháp đặc biệt, cấp thiết phòng chống dịch và huy động mọi nguồn lực để ứng phó với dịch bệnh như trong “tình trạng khẩn cấp” quốc gia. Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội chỉ đạo các cơ quan xây dựng, báo cáo Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết 30 trong thời gian ngắn nhất.
Nghị quyết 30 quy định và cho phép áp dụng nhiều biện pháp đặc biệt, đặc thù, chưa có tiền lệ, chưa được luật định hoặc khác với quy định của luật nhằm đáp ứng yêu cầu cấp bách phòng chống đại dịch. Việc ban hành Nghị quyết 30 cũng là bài học kinh nghiệm quý trong hoạt động lập pháp. Đó là bài học về lập pháp chủ động, bám sát thực tiễn cuộc sống, kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng; là sự quyết liệt, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; là phương thức phản ứng chính sách trong những bối cảnh cấp bách, “không bình thường” về thiên tai, dịch bệnh... Chính tại những thời điểm này cần sự lãnh đạo tập trung, sáng suốt, tư duy giải pháp lập pháp nhanh nhạy, quyết đoán, vượt qua hạn chế của quy định, quy trình thông thường để hoạt động lập pháp vận hành phục vụ cuộc sống kịp thời nhất, đúng lúc cần thiết nhất. Đây cũng là thành công chung của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo kịp thời, sáng suốt của Đảng, phát huy sức mạnh tổng hợp để đẩy lùi đại dịch, bảo vệ sức khỏe, cuộc sống an lành của người dân và khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội.
Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, năm 2022, trên cơ sở bám sát Định hướng chương trình xây dựng pháp luật của nhiệm kỳ đã được Bộ Chính trị thông qua và yêu cầu thực tiễn, Quốc hội đã thông qua nhiều luật, nghị quyết nhằm tiếp tục hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, hệ thống pháp luật, khắc phục những bất cập, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong phát triển kinh tế - xã hội, phúc đáp các yêu cầu cần thiết, cấp bách thực tiễn cuộc sống đặt ra. Căn cứ Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh và nhiệm vụ được phân công, từng cơ quan của Quốc hội xây dựng kế hoạch nghiên cứu, chuẩn bị thẩm tra, chủ động phối hợp với cơ quan soạn thảo để triển khai, thường xuyên đôn đốc để bảo đảm chất lượng, tiến độ của dự án.
Yêu cầu xây dựng, hoàn thiện thể chế đòi hỏi phải rất khẩn trương, nhưng đồng thời phải coi trọng chất lượng, không chạy theo số lượng. Chỉ những dự án luật được chuẩn bị kỹ lưỡng, có căn cứ khoa học, thực tiễn, có cơ sở chính trị, pháp lý và đáp ứng được yêu cầu thực tiễn mới được xem xét, ban hành; dự án luật nào mặc dù cần thiết nhưng chuẩn bị chưa kỹ, còn nhiều ý kiến khác nhau, chưa đạt đồng thuận thì kiên quyết chưa trình Quốc hội thông qua để tiếp tục nghiên cứu, chuẩn bị. Đây chính là bước chuyển biến mạnh mẽ, tinh thần quyết liệt trong hoạt động lập pháp, vừa bảo đảm thực hiện chương trình, kế hoạch hàng năm và nhiệm kỳ, nhưng đặt yêu cầu cao về chất lượng, bảo đảm hiệu quả.
Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, tại 3 kỳ họp trong năm 2022, Quốc hội đã thông qua 12 luật, trong đó có những đạo luật rất quan trọng nhằm tiếp tục hoàn thiện đồng bộ thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phát huy quyền làm chủ, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, tăng cường cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước, bảo đảm quốc phòng an ninh, như: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ; Luật Dầu khí (sửa đổi); Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi); Luật Thi đua, Khen thưởng (sửa đổi); Luật Thanh tra (sửa đổi); Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở... Quốc hội cũng thông qua nhiều nghị quyết quan trọng hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch, thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của một số địa phương (thành phố Cần Thơ, tỉnh Khánh Hòa, thành phố Buôn Ma Thuột thuộc tỉnh Đắk Lắk)...
Đặc biệt, tại Kỳ họp thứ 4 vừa qua (tháng 10/2022), Quốc hội đã cho ý kiến lần đầu về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) nhằm kịp thời thể chế hóa Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XIII) về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao. Đây là đạo luật rất quan trọng, tác động toàn diện đến đời sống kinh tế - xã hội, được cử tri và nhân dân rất quan tâm. Chủ tịch Quốc hội chỉ đạo sát sao, nhiều lần làm việc trực tiếp với cơ quan soạn thảo, lắng nghe ý kiến chuyên gia, nhà khoa học. Các cơ quan của Quốc hội vào cuộc từ sớm, phối hợp chặt chẽ ngay từ quá trình soạn thảo để bảo đảm chất lượng nhất dự án Luật trình Quốc hội. Với tính chất quan trọng của dự án luật này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết về tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật, sau đó sẽ tiếp thu, hoàn thiện để trình Quốc hội tiếp tục cho ý kiến lần 2 tại Kỳ họp thứ Năm và thông qua tại Kỳ họp thứ Sáu vào cuối năm 2023.