Đánh giá cao những kết quả đạt được trong việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Đỗ Đức Hồng Hà, đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội cho rằng, trong thời gian tới, Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo các lực lượng chức năng tiếp tục tăng cường đấu tranh các loại tội phạm, vi phạm pháp luật; triển khai toàn diện công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Xử lý nghiêm tham nhũng về kinh tế, tham nhũng, buôn lậu, môi trường, sử dụng công nghệ cao. Làm tốt công tác thanh loại, truy bắt, vận động đầu thú đối tượng truy nã, nhất là số đối tượng nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm...
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh thực hiện Đề án 06 của Chính phủ về “phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030”, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, quản trị xã hội, cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, hạn chế tình trạng “tham nhũng vặt”, nâng cao hiệu quả phòng chống tham nhũng trên cơ sở kết nối dữ liệu, ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại.
Chính phủ cần nâng cao hơn nữa trách nhiệm của các cấp chính quyền, xây dựng văn hóa liêm chính của cán bộ, đảng viên và Nhân dân, trước hết là sự gương mẫu, quyết liệt của tập thể lãnh đạo và người đứng đầu trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Đỗ Đức Hồng Hà
Chính phủ, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện kiểm sát Nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, tập trung vào các lĩnh vực đấu thầu, đấu giá, quản lý, sử dụng đất đai, chứng khoán, quản lý thuế...; ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, “tham nhũng vặt”, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp; khắc phục triệt để tình trạng cơ quan thanh tra, kiểm toán đã tiến hành thanh tra, kiểm toán nhưng không phát hiện vi phạm, sau đó, cơ quan có thẩm quyền khác lại phát hiện có vụ việc vi phạm về cùng một nội dung.
Đẩy mạnh công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, nhất là đối với các vụ án tham nhũng thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, TC theo dõi, chỉ đạo. Nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác thu hồi tài sản tham nhũng. Tiếp tục nâng cao năng lực các đơn vị chuyên trách đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng chống tham nhũng. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động điều tra; công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao năng lực, đạo đức nghề nghiệp, ý thức trách nhiệm và các kỹ năng công vụ cho lực lượng thực thi pháp luật. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, công vụ; chấn chỉnh, xử lý nghiêm các hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, tham nhũng của cán bộ, công chức, viên chức.
Đề xuất giải pháp cho công tác xây dựng và hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Đỗ Đức Hồng Hà cho rằng, để kiểm soát được quyền lực cán bộ, để không xảy ra tham nhũng cần phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó cần hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực bên trong bộ máy Nhà nước. Đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội theo hướng đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động, phát huy dân chủ, pháp quyền, tăng tính chuyên nghiệp; Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng quy trình lập pháp, tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Quốc hội, các cơ quan thuộc Quốc hội, các Đại biểu Quốc hội tăng cường hoạt động chất vấn, giám sát chuyên đề về công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực…
Cần tiếp tục sắp xếp tinh gọn lại hệ thống cơ quan hành chính Nhà nước, xây dựng nền hành chính Nhà nước phục vụ Nhân dân, dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp, hiện đại, trong sạch, vững mạnh, công khai, minh bạch. Bảo đảm tính độc lập, có đủ thực quyền của hệ thống cơ quan thanh tra Nhà nước nhằm nâng cao chất lượng của hoạt động kiểm soát quyền lực trong nội bộ hệ thống hành pháp.
Xây dựng nền tư pháp Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân. Tiếp tục đổi mới tổ chức, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động và uy tín của toà án nhân dân, viện kiểm sát nhân dân, cơ quan điều tra, cơ quan thi hành án và các cơ quan, tổ chức tham gia vào quá trình tố tụng tư pháp.
Bên cạnh đó, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đề nghị tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng; hoàn thiện cơ chế pháp lý Nhân dân kiểm soát quyền lực Nhà nước. Theo đó, hoàn thiện cơ chế, chính sách phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các đoàn thể Nhân dân và các cơ quan thông tin đại chúng trong quá trình hoạch định chiến lược, chính sách phát triển kinh tế - xã hội và trong việc phát hiện, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Hoạt động kiểm soát quyền lực Nhà nước của các tổ chức chính trị - xã hội cần được thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, tránh tổ chức tràn lan, dàn trải. Đặc biệt cần tăng cường phối hợp, tiếp tục đồng hành cùng Chính phủ và chính quyền các cấp thực hiện tốt các hoạt động giám sát, đóng góp ý kiến xây dựng, hoàn thiện chính sách pháp luật và cung cấp thông tin cho các cơ quan chức năng để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm mọi biểu hiện tiêu cực, tham nhũng cả trong khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước theo quy định của pháp luật.