PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH CUNG CẤP ĐIỆN VÀ VẬN HÀNH HỆ THỐNG ĐIỆN QUỐC GIA NĂM 2023

01/02/2023

Nhằm triển khai thực hiện Luật Điện lực cùng một số Luật, Nghị định đã được Quốc hội thông qua, vừa qua Bộ Công thương đã ra quyết định số 2976/QĐ-BCT về việc phê duyệt Kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện quốc gia năm 2023.

Nhằm triển khai thực hiện Luật Điện lực cùng một số Luật, Nghị định đã được Quốc hội thông qua, vừa qua Bộ Công thương đã ra quyết định số 2976/QĐ-BCT về việc phê duyệt Kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện quốc gia năm 2023.

Theo đó, Bộ Công thương đã phê duyệt Kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện quốc gia năm 2023 do Tập đoàn Điện lực Việt Nam trình tại Văn bản số 7490/EVN-KH+TTĐ+KTSX+PC ngày 30 tháng 12 năm 2022 về kế hoạch vận hành hệ thống điện năm 2023 như sau: Tổng điện năng sản xuất của các nhà máy điện (tại đầu cực máy phát) và nhập khẩu của toàn quốc năm 2023 là 284,5 tỷ kWh, trong đó mùa khô là 137,1 tỷ kWh và mùa mưa là 147,4 tỷ kWh. Sản lượng mua bán điện thực tế của các nhà máy điện (theo hợp đồng mua bán điện, phương án giá điện) sẽ được xác định theo các quy định liên quan về giá điện và thị trường điện. Các đơn vị phát điện có trách nhiệm chủ động thực hiện công tác chuẩn bị phát điện, bao gồm đảm bảo công suất sẵn sàng của các tổ máy và thu xếp nguồn nhiên liệu sơ cấp (than, khí, dầu) đủ cho phát điện hàng tháng trong năm 2023.

Bộ Công thương phê duyệt Kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện quốc gia năm 2023 (Ảnh minh họa)

Tập đoàn Điện lực Việt Nam chịu trách nhiệm toàn diện về tính chính xác, hợp lý, hợp lệ của số liệu/thông số đầu vào và kết quả tính toán Kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện năm 2023, đảm bảo tuân thủ đúng các cam kết tại Hợp đồng/Thỏa thuận thương mại mua bán điện, cung cấp nhiên liệu đã ký kết, đặc biệt là các Hợp đồng/Thỏa thuận thương mại với các Dự án nhà máy điện được đầu tư theo hình thức xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT), chịu trách nhiệm toàn diện trong trường hợp xảy ra tranh chấp theo các điều khoản đã cam kết hoặc để phát sinh các nghĩa vụ pháp lý và tài chính bất lợi cho phía Việt Nam.

Về cách thức tổ chức thực hiện, Quyết định nêu rõ, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có trách nhiệm phát huy vai trò chủ đạo, chịu trách nhiệm chính trong công tác đảm bảo cung ứng điện cho nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội và đời sống sinh hoạt của người dân với chất lượng tốt, ổn định, tin cậy và an toàn; kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết những vấn đề vượt thẩm quyền. Bám sát và cập nhật liên tục diễn biến thực tế của phụ tải điện, các điều kiện vận hành hệ thống điện và thị trường điện, đảm bảo vận hành và cung cấp điện an toàn, ổn định và tin cậy cho hệ thống điện quốc gia trong năm 2023. Trường hợp có những ảnh hưởng bất thường đến việc đảm bảo an ninh cung cấp điện, kịp thời báo cáo Bộ Công Thương để xem xét, chỉ đạo;

Bên cạnh đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cần chỉ đạo các đơn vị trực thuộc chuẩn bị các phương án đảm bảo cung cấp điện cho các dịp nghỉ Lễ, Tết và các sự kiện chính trị, văn hóa lớn trong năm 2023. Lập phương thức vận hành và huy động hợp lý các nguồn điện (bao gồm cả nguồn năng lượng tái tạo) trong hệ thống điện quốc gia để đảm bảo cung ứng đủ điện trên cơ sở nguyên tác minh bạch, công bằng, tối ưu chi phí toàn hệ thống, phù hợp với điều kiện hạ tầng kỹ thuật của lưới điện và các quy định pháp luật. Đảm bảo công tác quản lý, bảo dưỡng các tổ máy phát điện vận hành an toàn, ổn định; vận hành an toàn hệ thống lưới điện, đặc biệt là hệ thống truyền tải điện 500kV Bắc - Nam; bố trí lịch sửa chữa nguồn điện phù hợp, sử dụng tiết kiệm nguồn nước thủy điện, nâng cao khả dụng các nguồn điện nhất là vào cao điểm mùa khô ở miền Bắc; phối hợp với khách hàng sử dụng điện, đặc biệt là các khách hàng sử dụng điện lớn chuẩn bị kịch bản, kế hoạch thực hiện chương trình điều chỉnh phụ tải điện trong trường hợp cần thiết nhằm đảm bảo an ninh hệ thống điện.

Theo Quyết định, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam có trách nhiệm chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện nghiêm túc việc đảm bảo ưu tiên cung cấp khí cho phát điện; Phối hợp chặt chẽ với Chủ mỏ, Chủ đầu tư các nhà máy điện khí và Tập đoàn Điện lực Việt Nam triển khai các giải pháp trong quá trình thực hiện phương án cung cấp, ưu tiên huy động khí cho sản xuất điện đáp ứng nhu cầu tiêu thụ điện, bảo đảm hiệu quả tối ưu của chuỗi khí-điện và lợi ích quốc gia. Tăng cường công tác phối hợp hiệu quả với các đơn vị có liên quan, tổ chức thực hiện nghiêm cam kết tại hợp đồng/thỏa thuận thương mại mua bán, cung cấp nhiên liệu đã ký kết.

Tập đoàn Công nghiệp Than & Khoáng sản Việt Nam, Tổng công ty Đông Bắc có trách nhiệm chủ động lập kế hoạch sản xuất nhằm đảm bảo ưu tiên cung cấp than đầy đủ, liên tục, đảm bảo khối lượng, chất lượng, đúng chủng loại cho các nhà máy nhiệt điện than theo các điều khoản hợp đồng đã ký để đảm bảo phát điện năm 2023. Tiếp tục thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ đã được Thủ tướng Chính phủ giao tại Chỉ thị số 29/CT-TTg ngày 02 tháng 12 năm 2019 về việc tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động sản xuất kinh doanh than và cung cấp than cho sản xuất điện. Tăng cường công tác phối hợp hiệu quả với các đơn vị có liên quan, tổ chức thực hiện nghiêm cam kết tại hợp đồng/thỏa thuận thương mại mua bán, cung cấp nhiên liệu đã ký kết.

Cũng theo Quyết định này, chủ đầu tư các nhà máy nhiệt điện sẽ tiếp tục thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ đã được Thủ tướng Chính phủ giao tại Chỉ thị số 29/CT-TTg ngày 02 tháng 12 năm 2019 về việc tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động sản xuất kinh doanh than và cung cấp than cho sản xuất điện. Chịu trách nhiệm thu xếp nguồn nhiên liệu sơ cấp để cung cấp trong suốt thời gian vận hành của nhà máy; thường xuyên rà soát, tính toán nhu cầu sử dụng nhiên liệu sơ cấp cho sản xuất điện để xây dựng và thực hiện kế hoạch bảo đảm cung cấp đủ, ổn định cho hoạt động của nhà máy điện. Tăng cường công tác kiểm tra, củng cố các thiết bị, khắc phục các khiếm khuyết đảm bảo nâng cao độ tin cậy vận hành, nâng cao khả năng phát điện của các tổ máy phát điện.

Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm phối hợp với các Tổng công ty Điện lực, Công ty Điện lực tại địa phương để tăng cường công tác tuyên truyền thực hiện Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 07 tháng 5 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2020-2025 và tổ chức, giám sát việc thực hiện tiết kiệm điện của khách hàng sử dụng điện tại địa phương. Tham mưu cho Ủy ban nhân dân các tỉnh để xây dựng kế hoạch và chỉ đạo các Tổng công ty Điện lực, Công ty Điện lực tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức thực hiện hiệu quả Chương trình quốc gia về quản lý nhu cầu điện đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 279/QĐ-TTg ngày 08 tháng 3 năm 2018. Giám sát Tổng công ty Điện lực, Công ty Điện lực tại địa phương trong việc thực hiện cung cấp điện, giải quyết các khiếu nại của khách hàng.

Ngoài ra, Quyết định cũng nêu rõ, Vụ Dầu khí và Than có trách nhiệm đôn đốc, chỉ đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam phối hợp chặt chẽ với Chủ mỏ, Chủ đầu tư các nhà máy điện khí và Tập đoàn Điện lực Việt Nam nghiên cứu và đề xuất các giải pháp trong quá trình thực hiện phương án cung cấp, huy động khí cho sản xuất điện bảo đảm hiệu quả tối ưu của chuỗi khí-điện và lợi ích quốc gia. Chủ trì giải quyết triệt để vấn đề liên quan đến phân bổ các nguồn khí theo nguyên tắc hài hòa lợi ích của các hộ tiêu thụ, đảm bảo đủ khí cho phát điện. Đôn đốc, chỉ đạo các đơn vị cung cấp than và các chủ đầu tư nhà máy nhiệt điện than thực hiện nghiêm các nội dung, nhiệm vụ được giao tại Chỉ thị số 29/CT-TTg ngày 02 tháng 12 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh than và cung cấp than cho sản xuất điện. Chỉ đạo Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Tổng công ty Đông Bắc xây dựng phương án đảm bảo cung cấp than cho các nhà máy điện theo nguyên tắc ổn định, lâu dài.

Minh Hùng