ĐOÀN ĐBQH TỈNH BẮC KẠN GIÁM SÁT VIỆC THỰC HIỆN ĐỔI MỚI CHƯƠNG TRÌNH, SÁCH GIÁO KHOA GDPT

09/02/2023

Từ ngày 06-09/02, các tổ giám sát của Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Bắc Kạn tiến hành giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.

ĐOÀN ĐBQH TỈNH BẮC KẠN GIÁM SÁT VIỆC THỰC HIỆN ĐỔI MỚI CHƯƠNG TRÌNH, SÁCH GIÁO KHOA GDPT TẠI PÁC NẶM

Các đồng chí: Hồ Thị Kim Ngân, Phó Trưởng đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Bắc Kạn; Nông Quang Nhất, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Triệu Thị Thúy, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh làm Tổ trưởng, giám sát tại huyện Pác Nặm, Bạch Thông, Na Rì, Chợ Mới, Chợ Đồn, TP. Bắc Kạn và Sở Nội vụ.

Đồng chí Hồ Thị Kim Ngân, Phó Trưởng đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Bắc Kạn cùng Đoàn giám sát làm việc với UBND huyện Pác Nặm.

Các địa phương đánh giá: Chương trình GDPT 2018 được xây dựng theo mô hình phát triển năng lực của học sinh thông qua mục tiêu yêu cầu cần đạt của các môn học, hoạt động giáo dục giúp học sinh hình thành và phát triển phẩm chất, năng lực; kết hợp với giáo dục ở gia đình và xã hội. Chương trình cơ bản phù hợp với địa phương, các cơ sở giáo dục trong tỉnh; việc lựa chọn SGK được tiến hành thuận lợi, công khai, minh bạch, lưu trữ hồ sơ đảm bảo...

Trong quá trình thực hiện, các nhà trường còn gặp những khó khăn, vướng mắc như: Trình độ, kỹ năng khai thác, ứng dụng công nghệ thông tin, tiếp cận công nghệ mới trong quản lý và dạy học ở một số cán bộ quản lý, giáo viên còn hạn chế; thiếu giáo viên dạy môn Tiếng Anh và Tin học; nhóm giáo viên khoa học tự nhiên có xu hướng dôi dư, thiếu giáo viên ở bộ môn nghệ thuật, âm nhạc, tiếng dân tộc; tỉnh gặp khó khăn trong việc bố trí đủ biên chế giáo viên/lớp theo định mức, tỷ lệ giáo viên trên lớp chưa bảo đảm theo quy định để dạy học 2 buổi/ngày; cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học chưa đáp ứng yêu cầu thực tế khi triển khai Chương trình; tài liệu giáo dục địa phương ban hành chậm, ảnh hưởng đến hoạt động tổ chức dạy học; giá thành một bộ SGK cao so với điều kiện kinh tế của đa số người dân; việc bố trí, sắp xếp giáo viên và tổ chức thực hiện hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp chưa thật sự khoa học; kinh phí phân bổ về địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu, công tác xã hội hóa còn nhiều hạn chế.

Đồng chí Nông Quang Nhất, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Bắc Kạn cùng các thành viên Đoàn giám sát làm việc tại Trường Tiểu học Sông Cầu (TP. Bắc Kạn).

Các đơn vị, địa phương kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với bộ, ngành liên quan sớm hoàn thiện, ban hành quy định về định mức biên chế giáo dục và đào tạo, trong đó phải tính đến yếu tố đặc thù của các tỉnh miền núi, vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, địa lý không thuận lợi... để quy định định mức giáo viên/lớp, sĩ số học sinh/lớp bảo đảm phù hợp với thực tế tại địa phương.

Đoàn giám sát làm việc tại huyện Bạch Thông.

Đoàn giám sát đề nghị cấp ủy, chính quyền địa phương cần tiếp tục quan tâm, dành nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất các trường học trên địa bàn; có kế hoạch sử dụng, tuyển dụng, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên phù hợp đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục; sớm khắc phục những khó khăn, hạn chế trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra tại cơ sở; đưa ra các giải pháp để giải quyết khó khăn, vướng mắc nhằm tổ chức thực hiện Nghị quyết hiệu quả.

Giám sát thực tế trang thiết bị thực hiện chương trình, SGK tại Trường TH&THCS Lạng San (Na Rì).

Đề nghị các đơn vị trường học tiếp tục duy trì và thực hiện tốt công tác dạy và học; báo cáo kịp thời và chủ động khắc phục những khó khăn phát sinh trong quá trình thực hiện; bố trí giáo viên phù hợp để bảo đảm thực hiện hiệu quả đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông trên địa bàn...

Đoàn giám sát làm việc với Trường THPT Chợ Đồn.

(Theo Báo điện tử Bắc Kạn)