CỤ THỂ HÓA QUY ĐỊNH CỦA LUẬT KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC VÀ LUẬT XỬ LÝ VI PHẠM HÀNH CHÍNH

12/02/2023

Tại Phiên họp thứ 20 tới đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến về dự án Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước. Thời gian qua, Kiểm toán nhà nước đã khẩn trương xây dựng dự án Pháp lệnh này nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả các quy định của Luật Kiểm toán nhà nước, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử phạt vi phạm hành chính.

THÔNG CÁO BÁO CHÍ VỀ CHƯƠNG TRÌNH PHIÊN HỌP THỨ 20 CỦA UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI

Tại Phiên họp thứ 20 tới đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến về dự án Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước. Thời gian qua, Kiểm toán nhà nước đã khẩn trương xây dựng dự án Pháp lệnh này nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả các quy định của Luật Kiểm toán nhà nước, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử phạt vi phạm hành chính.

Theo quy định của pháp luật hiện hành, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính giao Chính phủ ban hành các nghị định quy định về xử phạt hành chính theo từng lĩnh vực. Tuy nhiên, lĩnh vực kiểm toán nhà nước không thuộc thẩm quyền quản lý của Chính phủ. Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động kiểm toán nhà nước và hành vi cản trở hoạt động tố tụng. 

Trước đó, Ủy ban Pháp luật đã tổ chức phiên họp thẩm tra nội dung này. Tại phiên họp, đại biểu Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp đề nghị ban soạn thảo giải trình thêm về sự cần thiết ban hành pháp lệnh, đối tượng bị xử phạt là tổ chức, cá nhân, cơ quan nhà nước hay tổ chức, cá nhân khác vi phạm trong lĩnh vực kiểm toán.

Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị làm rõ việc xử phạt tổ chức, cơ quan hay cá nhân, bởi nếu xử phạt cơ quan, tổ chức vi phạm mà dùng tiền ngân sách để nộp vào ngân sách nhà nước là không khả thi. Trường hợp lãnh đạo của cơ quan đơn vị vi phạm trong việc chậm gửi tài liệu hồ sơ nhưng xử phạt cơ quan, đơn vị như vậy sẽ không công bằng đối với cán bộ, nhân viên thuộc cơ quan, đơn vị đó.

Đại biểu Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp.

Cho ý kiến về nội dung này, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Hải Nam nêu ví dụ một doanh nghiệp nhà nước một năm tiếp nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra, liệu có xảy ra sự chồng chéo trong xử phạt nếu doanh nghiệp đó vi phạm hay không, cần đánh giá kỹ tác động đối với quy định này. Ngoài ra, tại khoản 2, Điều 4 về đối tượng bị xử phạt là “tổ chức, cá nhân khác”, theo đại biểu quy định như vậy rất rộng, đề nghị ban soạn thảo chỉnh sửa về kỹ thuật lập pháp để đảm bảo rõ ràng, cụ thể hơn.

Theo Điều 8 của dự thảo Pháp lệnh, xử phạt từ 2 đến 7 triệu đồng đối với hành vi chậm gửi báo cáo quyết toán thu, chi ngân sách thuộc phạm vi quản lý từ trên 15 ngày trở lên so với thời hạn, đại biểu Nguyễn Hải Nam lo ngại mức phạt như vậy chưa đủ sức răn đe, nhất là những tổng công ty lớn, tập đoàn lớn mức phạt này sẽ gây khó khăn cho đoàn kiểm toán. Tương tự, mức phạt 7 đến 15 triệu đối với hành vi từ chối gửi báo cáo tài chính, không cung cấp thông tin tài liệu cần thiết, trả lời và giải trình không chính xác, không ký biên bản kiểm toán… cũng chưa thực sự phù hợp, ban soạn thảo cần có đánh giá, nghiên cứu kỹ hơn về quy định này.  

Đại biểu Nguyễn Hải Nam, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội

Bàn về các hành vi bị xử phạt, đối tượng bị xử phạt, mức xử phạt được quy định từ Điều 8 đến Điều 10 của dự thảo Pháp lệnh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Phương Thủy đề nghị ban soạn thảo tiếp tục rà soát các quy định về xử phạt hành chính đối với “tổ chức, cá nhân khác” quy định tại Điều 8 và “tổ chức cá nhân khác có liên quan” tại Điều 9.

Bên cạnh đó, tại Điều 8 có 5 khoản quy định về các hành vi, mức xử phạt là phù hợp với quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính, tuy nhiên đối chiếu với nhóm hành vi quy định tại Nghị định 41 năm 2018 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán độc lập cho thấy mức xử phạt đối với một số hành vi chưa có sự thống nhất và tương đồng.

Cũng tại Điều 8 có sự trùng lặp về mức xử phạt vi phạm hành chính đối với lĩnh vực thuộc kiểm toán nhà nước, cần có sự rà soát để đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ, hợp lý của dự thảo pháp lệnh.

Ngoài ra, cho ý kiến về việc giải quyết khiếu nại tại Điều 12: Trường hợp quyết định xử phạt vi phạm hành chính của Kiểm toán trưởng, Trưởng đoàn kiểm toán nhà nước bị khiếu nại thì việc giải quyết khiếu nại được giao cho Tổng Kiểm toán Nhà nước. Về vấn đề này, đại biểu Phạm Văn Hòa đặt câu hỏi, trong trường hợp đối tượng bị xử phạt không đồng tình với quyết định giải quyết khiếu nại của Tổng Kiểm toán Nhà nước thì cơ quan nào có trách nhiệm giải quyết? Các đại biểu cũng đề nghị bổ sung quy định trước khi ban hành quyết định phạt tiền các hành vi vi phạm hành chính đối với đơn vị được kiểm toán, tổ chức, cá nhân thuộc đơn vị được kiểm toán cần có hình thức nhắc nhở sẽ phù hợp và mang tính thuyết phục hơn.

Minh Hùng