CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: BẢO VỆ QUYỀN LỢI NGƯỜI TIÊU DÙNG NHƯNG KHÔNG LÀM PHÁT SINH THÊM GÁNH NẶNG TUÂN THỦ PHÁP LUẬT KHÔNG CẦN THIẾT

15/02/2023

Sáng 15/02, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 20, cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, dù là Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nhưng không có nghĩa là người tiêu dùng có quyền cao hơn người sản xuất hay người phân phối mà các chủ thể này bình đẳng với nhau trước pháp luật.

TỔNG THUẬT SÁNG 15/02: UBTVQH CHO Ý KIẾN VỀ MỘT SỐ VẤN ĐỀ CÒN Ý KIẾN KHÁC NHAU DỰ ÁN LUẬT BẢO VỀ QUYỀN LỢI NGƯỜI TIÊU DÙNG (SỬA ĐỔI)

Báo cáo một số vấn đề lớn về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết, tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). Đa số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành về sự cần thiết ban hành Luật và cơ bản nhất trí với nhiều nội dung của dự thảo Luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy trình bày báo cáo

Đề cập đến các vấn đề cần xin ý kiến, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy nêu rõ, về khái niệm người tiêu dùng (khoản 1 Điều 3), Thường trực Ủy ban đề xuất 2 phương án tiếp thu như trong dự thảo Luật để xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Phương án 1, giữ như Luật hiện hành, đồng thời bổ sung nội dung “và không vì mục đích thương mại”, cụ thể như sau: “Người tiêu dùng là người mua, sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng, sinh hoạt của cá nhân, gia đình, tổ chức và không vì mục đích thương mại”.

Phương án 2, giữ như dự thảo Luật Chính phủ trình: “Người tiêu dùng là cá nhân mua hoặc sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng, sinh hoạt của cá nhân, gia đình và không vì mục đích thương mại”.

Trong đó, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường thống nhất theo phương án 1.

Về giải quyết tranh chấp tại Tòa án hiện có 2 loại ý kiến khác nhau. Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề xuất 2 phương án dự kiến tiếp thu để xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Phương án 1 là tiếp tục quy định các điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn trong việc giải quyết các vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; sửa đổi, bổ sung Điều 317 Bộ luật Tố tụng dân sự. Phương án 2 là không quy định thủ tục rút gọn đối với vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong dự thảo Luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết Thường trực Ủy ban thống nhất theo phương án 1.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ghi nhận Báo cáo tiếp thu, giải trình của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường chuẩn bị khá công phu. Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý đối với quá trình xây dựng luật không chỉ đối với dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) mà cả đối với các luật khác, trong giai đoạn tiếp thu chỉnh lý dự thảo Luật lại có xu hướng tập trung vào những nội dung còn ý kiến khác nhau, mà ít quan tâm đến việc rà soát để bảo đảm các nội dung được chỉnh lý có bám sát các nguyên tác, quan điểm, định hướng, mục tiêu sửa đổi Luật đã đề ra ban đầu.

Do đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị các các cơ quan bên cạnh xem xét cho ý kiến các vấn đề có ý kiến khác cũng cần quan tâm rà soát những vấn đề lớn, vấn đề quan trọng của dự thảo Luật để bảo đảm đáp ứng được yêu cầu đặt ra khi xây dựng chính sách ban đầu và có định hướng tiếp tục hoàn thiện, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, bảo đảm căn cơ.

Về khái niệm người tiêu dùng, một trong những nội dung còn ý kiến khác nhau, Chủ tịch Quốc hội cho biết Luật hiện quy định khái niệm người tiêu dùng gồm cả cá nhân và tổ chức. Kinh nghiệm quốc tế cũng cho thấy một số nước quy định áp dụng cả 2 đối tượng này. Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị là cần phải đánh giá kỹ hơn về đặc thù của Việt Nam, thực tiễn áp dụng pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cả tổ chức và cá nhân; cân nhắc khi đề xuất loại bỏ chủ thể là tổ chức - chủ thể quan trọng và khá phổ biến ở Việt Nam có bảo đảm đủ căn cứ, tính hiệu quả và khả thi trong thực thi pháp luật nhằm bảo vệ tốt nhất quyền lợi của người tiêu dùng và thúc đẩy phát triển một cách lành mạnh kinh tế - xã hội của đất nước. Với phân tích trên, Chủ tịch Quốc hội bày tỏ nghiêng về phương án giữ như Luật hiện hành. 

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp

Về giải quyết tranh chấp tại Tòa án được quy định ở mục 5 Chương III dự thảo Luật, Chủ tịch Quốc hội bày tỏ đồng tình với việc lựa chọn phương án 1. Đồng thời lưu ý để đảm bảo tính thống nhất giữa Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và Bộ luật Tố tụng dân sự cần tiếp tục rà soát kỹ các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 69 của dự thảo Luật này với các điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn tại Điều 317 Bộ luật Tố tụng dân sự hiện hành. Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề có thể quy định cụ thể thêm ngay trong dự thảo Luật hoặc giao cho Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn chi tiết.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh khi ban hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tập trung vào vấn đề bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nhưng cũng cần chú trọng gắn với  nghĩa vụ và trách nhiệm, bảo đảm ngang bằng giữa quyền và nghĩa vụ. “Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng không có nghĩa là người tiêu dùng có quyền cao hơn người sản xuất hay người phân phối mà các chủ thể này bình đẳng với nhau trước pháp luật. Do đó, không được làm phương hại đến quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác có liên quan, nhất là vấn đề chi phí tuân thủ pháp luật”, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ. Từ đó cần “soi” lại các nguyên tắc, các quan điểm lớn đã đặt ra khi xây dựng dự án luật để có rà soát.

Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý đến một số quy định thiên về đưa thêm những điều kiện ràng buộc vượt ra ngoài khuôn khổ cần thiết, có thể tạo thêm gánh nặng tuân thủ pháp luật cho người sản xuất và nhà phân phối. Đây là những vấn đề cần báo cáo sâu với Quốc hội để xem xét và quyết định.

Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ như quy định tại Điều 39 về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh với người tiêu dùng trong các giao dịch trên không gian mạng, có ý kiến cho rằng dự thảo Luật vẫn có một số quy định, một số nội dung không thuộc phạm vi nghĩa vụ của tổ chức thiết lập, vận hành nền tảng số. Dường như dự án Luật đang giao quá nhiều nghĩa vụ vượt ra ngoài phạm vi của các tổ chức này, thậm chí có những quy định trùng lặp với nghĩa vụ của các tổ chức và cá nhân bán hàng về chi phí tuân thủ pháp luật. Cho rằng, điều này tạo thêm gánh nặng không cần thiết và chưa chắc đã khả thi, Chủ tịch Quốc hội đề nghị rà soát lại khoản 2 Điều 39 và toàn bộ Chương II dự thảo Luật quy định về trách nhiệm tổ chức, cá nhân kinh doanh đối với người tiêu dùng. 

Chủ tịch Quốc hội phân tích thêm, tại điểm 1 khoản 3 Điều 39 dự thảo Luật có quy định: "Kết nối cung cấp dữ liệu thông tin theo thời gian thực phục vụ hoạt động kiểm tra, giám sát của cơ quan nhà nước có thẩm quyền” là quy định mới về nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh trên không gian mạng. Một số ý kiến đề nghị rà soát lại, cân nhắc bỏ nội dung này và có thể quy định theo hướng báo cáo định kỳ theo tháng, quý để giảm bớt chi phí tuân thủ về pháp luật, gánh nặng về chi phí. 

Chỉ rõ các quy định về trách nhiệm tổ chức, cá nhân kinh doanh đối với người tiêu dùng ở từ Điều 13 đến Điều 36 trong đó có các nội dung về đảm bảo an toàn thông tin của người tiêu dùng, trách nhiệm của bên thứ ba, trách nhiệm thu hồi sản phẩm hàng hóa có khuyết tật, yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước xử lý vi phạm pháp luật liên quan đến quyền lợi người tiêu dùng…. Chủ tịch Quốc hội đề nghị các nội dung này nên có rà soát lại theo hướng không nên tạo thêm những gánh nặng chi phí vô lý và phải ngang bằng với quyền lợi, không phương hại đến lợi ích của người cung cấp hàng hóa sản phẩm, dịch vụ./.

Bảo Yến