TÂY NINH: CỬ TRI KIẾN NGHỊ NHIỀU BIỆN PHÁP ĐỂ CHỐNG THAM NHŨNG VẶT

21/02/2023

Cử tri kiến nghị có thể nghiên cứu giải pháp chống tham nhũng vặt tại các nước như Trung Quốc, Singapore để áp dụng vào thực tiễn Việt Nam.

ĐOÀN ĐBQH TỈNH TÂY NINH THĂM VÀ CHÚC TẾT CÁC ĐỒN BIÊN PHÒNG, CHỐT DÂN QUÂN BIÊN GIỚI

Trong kiến nghị gửi đến Thanh tra Chính phủ (TTCP) trước Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, cử tri tỉnh Tây Ninh đề nghị cần đánh giá khách quan và toàn diện hơn về bản chất của "tham nhũng vặt".

Tạo cơ chế để cán bộ không còn dám tham nhũng

Theo cử tri, bản chất tham nhũng vặt thường xảy ra trong mối quan hệ khép kín giữa chủ thể tham nhũng và chủ thể tiếp tay tham nhũng. Việc này rất khó phát hiện nếu không có tố cáo, tố giác từ những cá nhân tham gia mối quan hệ này.

Một số trường hợp chủ thể tiếp tay tham nhũng chủ động đề nghị tham nhũng (hối lộ để bỏ qua sai phạm) nên càng khó xảy ra việc tố cáo, tố giác.

Do đó, cùng với việc chủ động phát hiện, cải cách chế độ tiền lương, đẩy mạnh tuyên truyền hay tăng chế tài hình sự về hành vi tham nhũng thì có thể nghiên cứu giải pháp chống tham nhũng vặt tại các nước như Trung Quốc, Singapore để áp dụng vào thực tiễn.

Ví dụ, có thể tạo cơ chế miễn trừ trách nhiệm cho người tiếp tay tham nhũng, cơ chế cho phép khắc phục hậu quả sai phạm.... Từ đó thúc đẩy người tiếp tay tham nhũng tố cáo, tố giác, tạo hiệu ứng răn đe để cán bộ, công chức “không dám tham nhũng”.

TTCP sẽ tăng cường biện pháp, chế tài để bảo đảm tính răn đe đối với các hành vi tham nhũng, nhất là tham nhũng vặt. 

Trả lời kiến nghị này, TTCP nhìn nhận vẫn còn tình trạng cán bộ, công chức, viên chức vì động cơ vụ lợi đã lợi dụng vị trí công tác, lợi dụng kẽ hở về cơ chế, chính sách, pháp luật. Lợi dụng lòng tin, sự thiếu hiểu biết pháp luật của người dân để sách nhiễu, gây phiền hà, kéo dài thời gian giải quyết công việc, giải quyết không đúng quy định, không công bằng, thiếu khách quan, gây bức xúc, làm xói mòn lòng tin của người dân, doanh nghiệp.

Sau khi Quốc hội thông qua Luật Phòng, Chống tham nhũng (PCTN) năm 2018, Chính phủ, Thủ tướng đã rất quyết liệt trong việc chỉ đạo hoàn thiện các văn bản pháp luật hướng dẫn thi hành Luật PCTN; tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc, góp phần tích cực vào việc phòng, chống “tham nhũng vặt”.

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác PCTN nói chung và chống “tham nhũng vặt” nói riêng, TTCP sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thanh tra, kiểm tra, phát hiện, xử lý; tăng cường biện pháp, chế tài để bảo đảm tính răn đe đối với các hành vi vi phạm pháp luật này.

Chưa có quy định kỷ luật hành chính với tổ chức

Ngoài ra, cử tri Tây Ninh cũng cho rằng Bộ Chỉ số đánh giá công tác PCTN của TTCP còn một số bất cập về tiêu chí điểm; tiêu chí về kết quả xử lý kỷ luật hành chính đối với tổ chức; trong khi pháp luật hiện hành hoàn toàn không có quy định xử lý kỷ luật hành chính đối với tập thể cơ quan, tổ chức. Chính vì vậy để minh chứng việc xử lý, Thanh tra tỉnh buộc phải vận dụng lấy kết quả xử lý về mặt Đảng đối với tổ chức Đảng để xảy ra tham nhũng.

Tuy nhiên, việc xử lý này không thuộc thẩm quyền kiểm soát của chính quyền địa phương, thực tế có một số trường hợp tổ chức Đảng để xảy ra tham nhũng không kỷ luật mà chỉ kiểm điểm rút kinh nghiệm nên TTCP không đồng ý, từ đó trừ điểm của tỉnh.

Về kiến nghị này, Tổng TTCP Đoàn Hồng Phong cho hay Luật PCTN năm 2018 đã quy định việc đánh giá công tác PCTN được thực hiện hàng năm. Tiêu chí đánh giá về công tác PCTN được quy định tại Điều 17, Luật PCTN năm 2018. Gồm số lượng, tính chất và mức độ của vụ việc, vụ án tham nhũng; việc xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật về PCTN; việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng; việc phát hiện và xử lý tham nhũng; việc thu hồi tài sản tham nhũng.

Theo TTCP, Bộ chỉ số đánh giá công tác PCTN cấp tỉnh hàng năm do đơn vị xây dựng và ban hành căn cứ vào các tiêu chí nêu trên và được cụ thể hóa tại Nghị định 59/2019, trong đó, tiêu chí phát hiện và xử lý tham nhũng được quy định chi tiết tại Điều 19.

Bộ Chỉ số đánh giá này được áp dụng chung trên phạm vi cả nước. Các tỉnh đều tự đánh giá trên cùng một mặt bằng, cùng phương pháp tính điểm để có thể so sánh mức độ đạt hiệu quả của mỗi tỉnh đối với từng tiêu chí. “Kết quả đánh giá một số tiêu chí thành phần không đạt điểm tuyệt đối 100% là điều thường xảy ra đối với tất cả các địa phương” – TTCP nêu.

(Theo Báo Pháp luật Tp.HCM)