ĐOÀN ĐBQH TỈNH QUẢNG NINH GIÁM SÁT TẠI TP.CẨM PHẢ VỀ NĂNG LƯỢNG
Quang cảnh buổi làm việc.
Dự buổi làm việc có các đồng chí: Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, ĐBQH tỉnh Quảng Ninh; Vũ Hồng Thanh, Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, ĐBQH tỉnh Quảng Ninh; Ngô Hoàng Ngân, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; Cao Tường Huy, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh; Vi Ngọc Bích, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh.
Báo cáo về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam nhấn mạnh: Trong giai đoạn 2016-2021, mặc dù gặp nhiều khó khăn, bất ổn do tình hình thế giới và khu vực, hoạt động sản xuất, kinh doanh của Tập đoàn vẫn đạt được những kết quả tích cực. Tổng sản lượng than nguyên khai khai thác đạt trên 216 triệu tấn, trung bình 36 triệu tấn/năm; đảm bảo việc làm cho trên 9 vạn công nhân; nộp ngân sách trên 79.000 tỷ đồng. Đóng góp từ 35-40% số thu nội địa của tỉnh.
Thực hiện Chiến lược phát triển ngành công nghiệp than Việt Nam và Quyết định số 403 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển ngành Than Việt Nam đến năm 2020, có xét triển vọng đến năm 2030, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam đã thực hiện 21/21 đề án thăm dò, 32/39 dự án đầu tư các mỏ mới. Đồng thời nâng cấp các dự án sàng tuyển, cảng xuất, nhập khẩu than. Hoàn thành các mục tiêu đề ra trong công tác bảo vệ môi trường.
Tại hội nghị, lãnh đạo Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam đề nghị Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh báo cáo, kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương điều chỉnh quy định của pháp luật trong việc cấp phép thăm dò, khai thác, điều hành giá bán than và một số quy định khác. Xây dựng chính sách hỗ trợ ngành Than trong việc đào tạo lao động, chuyển đổi sản xuất khi kết thúc khai thác một số mỏ.
Đồng chí Ngô Hoàng Ngân, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh phát biểu tại buổi làm việc.
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Ngô Hoàng Ngân, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh khẳng định: Trong thời gian qua tỉnh Quảng Ninh và Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam đã triển khai công tác phối hợp một cách chặt chẽ, hiệu quả. Qua đó, đảm bảo ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh của các đơn vị trực thuộc Tập đoàn trên địa bàn. Đồng thời góp phần quan trọng trong kết quả phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đồng chí nhấn mạnh, để ngành Than có những bước phát triển bền vững trong giai đoạn tới, vấn đề quan trọng nhất lúc này là trên cơ sở Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030 và Quyết định số 403/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển ngành Than Việt Nam đến năm 2020, phải xây dựng quy hoạch chi tiết từng khu vực khai thác than trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở đó xây dựng lộ trình, kế hoạch thăm dò, khai thác cụ thể.
Đồng chí đề nghị Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam tiếp tục hoàn thiện báo cáo đối với Đoàn giám sát. Trong đó cụ thể hóa các nội dung đề xuất, kiến nghị, nhất là việc sửa đổi các quy định pháp luật hiện nay.
Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, phát biểu tại buổi làm việc.
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, ĐBQH tỉnh Quảng Ninh, ghi nhận, đánh giá cao những nỗ lực của ngành Than trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, bảo vệ môi trường. Những kết quả này đã có đóng góp quan trọng vào sự phát triển của tỉnh Quảng Ninh cũng như cả nước, đặc biệt là trong vấn đề bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, thu ngân sách, tạo việc làm cho người lao động.
Về định hướng phát triển trong giai đoạn tới, đồng chí nhấn mạnh nhiệm vụ quan trọng nhất của Tập đoàn là phải tiếp tục giữ vị trí là một trong ba trụ cột năng lượng của đất nước, đặc biệt là trong bối cảnh quốc tế đang có những diễn biến rất phức tạp, nhất là đối với việc cung ứng năng lượng. Trong công tác quy hoạch, Tập đoàn phải tiến hành thăm dò, xác định được toàn bộ trữ lượng than ở các tầng địa chất, từ đó xây dựng quy hoạch khai thác trên cơ sở bám sát quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và quốc gia. Đồng thời, phù hợp với quy hoạch của các ngành khác, nhất là ngành Điện, mục tiêu cuối cùng là vì sự phát triển chung của đất nước, vì lợi ích của quốc gia.
Đối với các đề xuất, kiến nghị, Tập đoàn tiếp tục báo cáo cụ thể các nội dung liên quan đến việc điều hành giá bán than. Đảm bảo vừa vận hành phù hợp với cơ chế thị trường, vừa đạt được mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Đồng thời có cơ chế, chính sách hỗ trợ để ngành Than xây dựng nhà ở cho công nhân. Tiếp tục đề xuất các giải pháp nhằm cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản và xử lý, tận dụng đất đá thải phát sinh trong quá trình khai thác để phục vụ cho các hoạt động kinh tế khác.