TUYÊN TRUYỀN ĐỂ LAO ĐỘNG NỮ PHÒNG TRÁNH TÁC ĐỘNG NGUY HIỂM TỪ MÔI TRƯỜNG LÀM VIỆC, BẢO VỆ SỨC KHOẺ, SỨC KHOẺ SINH SẢN

08/03/2023

Thu hẹp dần khoảng cách bất bình đẳng, tiến tới bình đẳng giới thực chất là một trong những vấn đề được các đại biểu Quốc hội và nhiều chuyên gia quan tâm. Theo đó, các đại biểu và chuyên gia cho rằng cần tuyên truyền để lao động nữ phòng tránh tác động nguy hiểm từ môi trường làm việc, bảo vệ sức khoẻ, sức khoẻ sinh sản.

PHỤ NỮ VIỆT NAM PHÁT HUY TRUYỀN THỐNG VẺ VANG, ĐÓNG GÓP LỚN LAO VÀO SỰ PHÁT TRIỂN CỦA ĐẤT NƯỚC

Vẫn còn bất bình đẳng giới trong lao động và tiếp cận việc làm

Theo Liên hợp quốc, bình đẳng giới có nghĩa là phụ nữ và đàn ông được hưởng những điều kiện như nhau để thực hiện đầy đủ quyền con người và có cơ hội đóng góp, thụ hưởng những thành quả phát triển của xã hội nói chung; là việc nam, nữ có vị trí, vai trò ngang nhau, được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình cho sự phát triển của cộng đồng, của gia đình và thụ hưởng như nhau về thành quả của sự phát triển đó. Bình đẳng giới được đánh giá dưới nhiều góc độ và được quy định tại Luật Bình đẳng giới số 73/2006/QH11 ngày 29/11/2006. Bình đẳng giới trong lao động và việc làm là một trong những nội dung quan trọng trong đánh giá bình đẳng về giới trong giai đoạn hiện nay. Ở nước ta, bình đẳng giới đã được cải thiện trong những năm gần đây. Tuy nhiên, vẫn còn khác biệt nhiều giữa thành thị và nông thôn; giữa các vùng kinh tế.

Theo số liệu của Tổng cục thống kê, quy mô dân số liên tục tăng trong các năm qua, cùng với lợi thế cơ cấu dân số vàng đã cung cấp nguồn nhân lực vô cùng lớn cho thị trường lao động tại Việt Nam, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động ở Việt Nam cao nhất trong khu vực Đông Nam Á với mức 76,8%, độ tuổi từ 25-49 tuổi tham gia vào lực lượng lao động rất cao từ 95,2%-96,7%. Trong đó, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động ở phụ nữ là 76,8% cũng là tỷ lệ khá cao có thể bị hiểu nhầm là một chỉ báo về mức độ bất bình đẳng giới tương đối thấp trong tham gia lực lượng lao động khi tỷ lệ này ở nam giới cũng chỉ ở mức 81,9%. Tuy nhiên, nhìn sâu hơn thì điều đó lại gây ra “gánh nặng kép” một cách không tương xứng và phụ nữ Việt Nam phải đối mặt với nhiều bất bình đẳng có tính chất dai dẳng do vị thế việc làm có sự khác biệt tương đối rõ ràng giữa nam và nữ và bất bình đẳng công việc không được trả công trong lao động gia đình.

Bình đẳng giới trong lao động và việc làm là một trong những nội dung quan trọng trong giai đoạn hiện nay (Ảnh minh họa)

Trong các vùng kinh tế, sự chênh lệch giữa tỷ lệ tham gia lực lượng lao động năm 2019 ở nam và nữ cao nhất là vùng Đồng bằng sông Cửu Long khi tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của nữ là 66,1%, nam là 83,8% (chênh lệch 17,7 điểm phần trăm), tiếp đến là Đông Nam Bộ có tỷ lên tương ứng là 64,2% và 79,1% (chênh lệch 14,9 điểm phần trăm), vùng Bắc trung bộ và Duyên hải miền trung có 75,2% và 83,3% (chênh lệch 8,1 điểm phần trăm), Tây Nguyên 80,3% và 87,7% (chênh lệch 7,4 điểm phần trăm), Đồng bằng Sông Hồng 70,8% và 76,8% (chênh lệch 6 điểm phần trăm), Trung du và miền núi phía Bắc có  mức chênh lệch thấp nhất cả nước là 3,5 điểm phần trăm khi các tỷ lệ tương ứng lần lượt là 84,5% và 88%.

Bất bình đẳng giới còn được thể hiện trong sự khác biệt về tiếp cận giáo dục và đào tạo nói chung và lao động đang là việc đã qua đào tạo nói riêng. Nguồn lao động dồi dào và tỷ lệ tham gia lực lượng lao động cao nhưng chỉ hơn 1/5 số lao động có việc làm đã qua đào tạo (22,6% năm 2019) và có sự khác biệt rõ rệ giữa nam giới và nữ giới khi cứ 4 lao động nam có việc làm thì có 1 người đã qua đào tạo (tỷ lệ 25%), ở nữ giới thì cứ 5 lao động có việc làm thì mới có 1 người đã qua đào tạo (tỷ lệ 20%). Tỷ lệ này đặc biệt thấp với lao động nữ thuộc khu vực nông thôn (chỉ đạt 12,3% năm 2019) chỉ bằng gần 1/3 tỷ lệ của khu vực thành thị (36,3%). Nhằm thúc đẩy việc thực hiện được Chỉ tiêu 2 mục tiêu 2 của Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới đề ra “Giảm tỷ trọng lao động nữ làm việc trong khu vực nông nghiệp trong tổng số lao động nữ có việc làm xuống dưới 30% vào năm 2025 và dưới 25% vào năm 2030”, các nguồn lực dành cho đào tạo, dạy nghề vẫn cần được ưu tiên nhiều hơn cho khu vực nông thôn, đặc biệt là nữ tại khu vực nông thôn. Theo vùng kinh tế, Đồng bằng sông Cửu Long có tỷ lệ lao động nữ đang làm việc đã qua đào tạo thấp nhất là 11,9%, tiếp đến là Tây Nguyên 13,6%, Trung du và miền núi phía Bắc 15,9%, Bắc trung bộ và Duyên hải miền trung là 18,4%, Đông Nam Bộ 25,1% và cao nhất là Đồng bằng sông Hồng với tỷ lệ 27,8%.

Bên cạnh đó, bất bình đẳng trong tiếp cận việc làm còn được thể hiện trên góc nhìn về tỷ lệ thất nghiệp. Có thể thấy tỷ lệ thất nghiệp ở Việt Nam tương đối thấp, tỷ lệ này chỉ 2% năm 2019. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động cao và tỷ lệ thất nghiệp thấp đã che lấp chất lượng việc làm tương đối kém hơn ở phụ nữ khi số liệu về vị thế việc làm đã chỉ ra phụ nữ chiếm đa số trong nhóm lao động gia đình không được trả công, đặc biệt phụ nữ tại khu vực nông thôn, những vùng kinh tế kém phát triển, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số nên chịu nhiều rủi ro, không được tiếp cận nhiều với các dịch vụ bảo trợ xã hội, thu nhập bấp bênh và dễ bị tổn thương. Điều này cũng phần nào lý giải lý do tỷ lệ thật nghiệp tại khu vực nông thôn 1,5% (nữ là 1,5%) thấp hơn đáng kể so với tỷ lệ 2,9% (nữ 3%) khu vực thành thị. Qua số liệu trên có thể thấy, dù đã có nhiều tiến bộ trong bình đẳng giới. Tuy nhiên, bất bình đẳng giới trong lao động và tiếp cận việc làm ở nước ta vẫn còn và có sự chênh lệch giữa thành thị và nông thôn; giữa các vùng kinh tế – xã hội. Như vậy, cần có sự cố gắng nhiều hơn nữa của các cấp, các ngành trong thu hẹp dần khoảng cách bất bình đẳng này.

Quy định người sử dụng lao động tạo điều kiện vệ sinh an toàn lao động, bảo vệ sức khỏe cho lao động nữ

Bàn về vấn đề này, các chuyên gia chỉ ra rằng, nhiều nước công nghiệp phát triển đều đã từng ban hành danh mục công việc không được phép sử dụng lao động nữ hoặc thông qua các Tổ chức lao động quốc tế (ILO) có quy định việc cấm và hạn chế sử dụng lao động nữ làm nghề công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc trong điều kiện lao động có hại cho sức khỏe và thiên chức làm mẹ. Ở Việt Nam cũng có các danh mục công việc cấm không được sử dụng lao động nữ bao gồm: Nơi có áp suất lớm hơn áp suất khí quyển; trong việc trong hầm lò; nơi cheo leo nguy hiểm; nơi làm việc không phù hợp với thần kinh, tâm lý phụ nữ; ngâm mình thường xuyên dưới nước, ngâm mình dưới nước bẩn, dễ bị nhiễm trùng; công việc nạng nhọc quá sức; tiếp xúc với phóng xạ hở; trực tiếp tiếp xúc với hóa chất có khả năng gây biến đổi gen…

TS.Bùi Thị Mừng, Đại học Luật Hà Nội

Theo TS.Bùi Thị Mừng, Đại học Luật Hà Nội, việc bảo đảm cho lao động nữ có thể làm việc trong một số ngành, nghề nặng nhọc, nguy hiểm hoặc tiếp xúc với chất độc hại là góp phần bảo đảm bình đẳng giới về cơ hội việc làm đối với lao động nữ. Quy định này thể hiện rõ quan điểm không loại trừ phụ nữ ra khỏi các công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm mà phải tạo điều kiện để họ được bảo vệ tốt khỏi những ảnh hưởng từ môi trường độc hại. Với tinh thần đó, Bộ luật Lao động năm 2019 đã quy định “các ngành, nghề công việc nguy hiểm, độc hại có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản của phụ nữ” thay thế quy định “những công việc không đượdc tuyển dụng lao động nữ” trong Bộ luật Lao động năm 2012. Điều này đã tạo ra sự thống nhất và đồng bộ trong các quy định của pháp luật về quyền bình đẳng trong việc lựa chọn việc làm của cả nam và nữ.

Tuy nhiên, việc quy định người sử dụng lao động tạo điều kiện vệ sinh an toàn lao động cho lao động nữ làm việc trong một số ngành, nghề nặng nhọc, nguy hiểm hoặc tiếp xúc với các chất độc hại với ý nghĩa là một biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới lại tạo ra sự mâu thuẫn với các quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn, vệ sinh cho lao động nữ. Bởi vì, xét về tính chất, biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới chỉ là biện pháp đặc biệt tạm thời, biện pháp này sẽ bị gỡ bỏ khi bình đẳng giới đạt được, khoảng cách giới được rút ngắn. Trong khi đó, việc tạo điều kiện an toàn, vệ sinh cho lao động nữ trong mọi trường hợp phải được tiến hành thường xuyên và liên tục. Vì vậy, cần phải có những sửa đổi cho phù hợp để đảm bảo tính thống nhất và đồng bộ trong hệ thống pháp luật để đảm bảo bình đẳng giới.

TS.Bùi Thị Mừng chỉ rõ, thực tiễn thi hành biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới nhằm tạo cơ hội cho phụ nữ có thể làm việc trong một số ngành nghề nguy hiểm, tiếp xúc với chất độc hại chưa có sự chuyển biến rõ rệt. Bởi lẽ, Luật Bình đẳng giới được ban hành từ năm 2006 nhưng phải đến Bộ luật Lao động năm 2019 mới có sự thay đổi đáng kể để tạo ra sự bình đẳng về cơ hội việc làm cho phụ nữ đối với một số ngành, nghề nguy hiểm, tiếp xúc với chất độc hại. Bởi vì, trước đó, Bộ luật Lao động năm 2012 vẫn quy định các ngành, nghề không được tuyển dụng lao động nữ. Như vậy, biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới này thực chất mới chỉ phát huy khi Bộ luật Lao động năm 2019 có hiệu lực.

Từ phân tích trên, TS.Bùi Thị Mừng nhấn mạnh, cần phải đẩy mạnh thực hiện nhiều giải pháp để triển khai hiệu quả việc tạo điều kiện để lao động nữ có thể tham gia làm việc trong một số ngành, nghề nguy hiểm tiếp xúc với chất độc hại, trong đó cần phải đặc biệt chú trọng việc tuyên truyền để người lao động nữ nâng cao ý thức phòng tránh những tác động nguy hiểm từ môi trường làm việc đến sức khoẻ, sức khoẻ sinh sản.

Hồ Hương