ĐOÀN ĐBQH TỈNH NGHỆ AN GIÁM SÁT VIỆC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT VỀ PHÁT TRIỂN NĂNG LƯỢNG TẠI CÔNG TY THỦY ĐIỆN BẢN VẼ VÀ THAN KHE BỐ

09/03/2023

Ngày 09/3, Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An do đồng chí Thái Thị An Chung - Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh làm trương đoàn giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng tại Công ty Thủy điện Bản Vẽ và Than Khe Bố.

ĐOÀN ĐBQH TỈNH NGHỆ AN GIÁM SÁT VIỆC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH PHÁP LUẬT VỀ PHÁT TRIỂN NĂNG LƯỢNG TẠI CÔNG TY ĐIỆN LỰC NGHỆ AN

Hoạt động giám sát thực hiện theo Kế hoạch số 355/KH-ĐGS ngày 28/10/2022 của Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021”.

Đoàn giám sát làm việc tại Công ty Thủy điện Bản Vẽ. Ảnh: Đ.C

Tham dự hoạt động giám sát có đại diện Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh, Sở Công Thương, lãnh đạo UBND huyện Tương Dương, Công ty Thủy điện Bản Vẽ và Công ty cổ phần Than Khe Bố.

Hòa vào lưới điện Quốc gia gần 13 tỷ kWh

Công trình thủy điện Bản Vẽ được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định đầu tư tại văn bản số 665/QĐ-TTg ngày 19/6/2003, giao cho Tập đoàn điện lực Việt Nam làm chủ đầu tư.

Đoàn giám sát tham quan khu điều hành Nhà máy Thủy điện Bản Vẽ. Ảnh: Đ.C

Nhà máy Thủy điện Bản Vẽ là công trình thủy điện lớn nhất khu vực Bắc miền Trung, với công suất 320 MW. Là công trình đa mục tiêu, ngoài nhiệm vụ cung cấp điện cho nền kinh tế quốc dân, nhà máy còn mang trọng trách cung cấp nước cho hạ du trong mùa kiệt, cắt và giảm lũ trong mùa lũ theo đúng quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Cả. Sau gần 13 năm đi vào hoạt động, Thủy điện Bản Vẽ đã hòa vào lưới điện Quốc gia gần 13 tỷ kWh, góp phần quan trọng vào nhiệm vụ bảo đảm an ninh năng lượng cho đất nước, nộp ngân sách Nhà nước lên tới hàng nghìn tỷ đồng và góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế - công nghiệp - du lịch khu vực miền Tây Nghệ An.

Đoàn giám sát đi thực tế cuộc sống người dân vùng lòng hồ Bản Vẽ. Ảnh: Đ.C

Bên cạnh việc thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, Công ty thủy điện Bản Vẽ đã luôn đồng hành với chính quyền địa phương trong mọi hoạt động vì cộng đồng. Cụ thể, đầu tư cho giáo dục, y tế; hỗ trợ khi người dân bị thiên tai, lũ lụt; Chương trình hỗ trợ người nghèo… Riêng từ 2018-2022, tổng số tiền chi cho công tác an sinh xã hội trên 26 tỷ đồng.

Về công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư dự án thủy điện Bản Vẽ được triển khai cơ bản hoàn thành với việc di dời, tái định cư, ổn định cuộc sống cho 3.022 hộ /14.341 nhân khẩu thuộc 34 bản/9 xã của hai huyện Tương Dương và Kỳ Sơn. Tại các khu tái định cư cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ từ điện, đường giao thông, trường trường học, nhà văn hóa, nước sinh hoạt, công trình thủy lợi, khai hoang đất sản xuất, xây dựng ruộng lúa nước. Các chế độ bồi thường, hỗ trợ được chi trả kịp thời, đúng quy định, mức hỗ trợ đều cao hơn quy định cùng thời điểm của địa phương, đã góp phần sớm ổn định đời sống cho đồng bào.

Tiêu thụ than đạt từ 13.000 - 17.000 tấn/năm

Công ty cổ phần Than Khe Bố tiền thân là Mỏ than Khe Bố được thành lập tháng 10/1960 trực thuộc ty công nghiệp Nghệ An. Trong quá trình hoạt động, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về khai thác tài nguyên có hiệu quả, tận thu triệt để tránh lãng phí, thất thoát, tổn thất tài nguyên, cũng như đảm bảo thực hiện tốt công tác đảm bảo môi trường, quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty đã có những biện pháp, chủ trương khai thác hiệu quả.

Đoàn giám sát tham quan khu vực hầm lò tại Nhà máy Than Khe Bố. Ảnh: Đ.C

Hiện nay, sản xuất than nguyên khai sản lượng khai thác hàng năm đạt từ 14.000 đến 17.500 tấn/năm; tiêu thụ than đạt từ 13.000 tấn đến 17.000 tấn/năm; doanh thu đạt từ 28 - 35 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, các công đoạn khai thác và chế biến than (sàng tuyển) ra thành phẩm còn mang tính thủ công cao, tốn nhiều sức lao động của công nhân, còn gặp nhiều khó khăn, các thiết bị phụ trợ phục vụ sản xuất hầu như đã lạc hậu, cũ kỹ, được sử dụng từ nhiều năm về trước.

Đoàn giám sát thăm hỏi công nhân tại khu vực sàng tuyển than tại Nhà máy Than Khe Bố. Ảnh: Đ.C

Quan tâm tháo gỡ những vướng mắc, tồn tại

Tại buổi làm việc, trên cơ sở báo cáo của Công ty Thủy điện Bản Vẽ và Công ty cổ phần Than Khe Bố, các thành viên trong đoàn giám sát đã đề nghị làm rõ một số nội dung. Trong đó, với Công ty Thủy điện Bản Vẽ gồm các nội dung liên quan đến tái định cư, vấn đề xả lũ,... Công ty cổ phần Than Khe Bố tập trung vấn đề đảm bảo an toàn lao động...

Theo đó, lãnh đạo hai Công ty đã giải đáp làm rõ, cũng như kiến nghị một số vấn đề.

Đại diện Công ty Thủy điện Bản Vẽ và Công ty cổ phần Than Khe Bố giải đáp, kiến nghị một số vấn đề với đoàn giám sát. Ảnh: Đ.C

Phát biểu kết luận tại buổi giám sát, đồng chí Thái Thị An Chung - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An đánh giá cao công tác thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng của 2 công ty. Đối với Công ty Thủy điện Bản Vẽ, đây là công trình thủy điện đa mục tiêu, trong những năm qua đã có nhiều đóng góp cho tỉnh.

Thời gian tới, Công ty cần tiếp tục có kiến nghị, phối hợp để sớm giải quyết các vấn đề liên quan đến đền bù giải phóng mặt bằng, những vấn đề phát sinh liên quan ngoài tổng mức đầu tư dự án...

Đồng chí Nguyễn Hữu Hiến, Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương nêu ý kiến với đoàn giám sát. Ảnh: Đ.C

Cùng với đó, trên cơ sở làm tốt trong thời gian qua, đơn cử vấn đề cảnh báo xả lũ, truyền thông... Công ty cần phát huy, tiếp tục thực hiện đúng quy trình vận hành hồ chứa và các phương án phòng chống lụt bão bảo đảm an toàn đập, phương án phòng chống lũ lụt vùng hạ du, chủ động ứng phó với thời tiết bất thường xảy ra. Tích cực tham gia công tác an sinh xã hội, cùng với địa phương giúp đỡ các hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn...

Đồng chí Thái Thị An Chung - Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh Nghệ An, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu kết luận. Ảnh: Đ.C

Với Công ty cổ phần Than Khe Bố, hiện nay khách hàng ngày càng nhiều, theo đó cuộc sống người lao động được đảm bảo. Tuy nhiên, với thực tế hiện nay Công ty cần quan tâm đầu tư dây chuyền, cải tiến năng suất lao động, giảm bớt sức người; quan tâm công tác đảm bảo an toàn trong lao động sản xuất, cụ thể cần thường xuyên kiểm tra, tập huấn công tác đảm bảo an toàn trong quy trình sản xuất. Cùng với đó, đảm bảo các quyền lợi, cải thiện môi trường nhằm đảm bảo sức khỏe cho người lao động.

(Theo Báo điện tử Nghệ An)

Các bài viết khác