CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: CHO Ý KIẾN VỀ CÁC NỘI DUNG LỚN LÀM CƠ SỞ CHO VIỆC TIẾP THU, GIẢI TRÌNH CÁC DỰ ÁN LUẬT

15/03/2023

Sáng 15/3, tại Nhà Quốc hội, phát biểu khai mạc phiên họp thứ 21, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết theo dự kiến chương trình phiên họp thường kì tháng 3 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiến hành trong 4 ngày từ 15/3 đến ngày 20/3 để chuẩn bị các nội dung rất quan trọng cho Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG 15/3: KHAI MẠC PHIÊN HỌP LẦN THỨ 21 CỦA UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI

PHIÊN HỌP THỨ 21 CỦA UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI: XEM XÉT, QUYẾT ĐỊNH NHIỀU NỘI DUNG QUAN TRỌNG

CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VƯƠNG ĐÌNH HUỆ NÓI CHUYỆN VỚI CÁN BỘ CHỦ CHỐT TỈNH HƯNG YÊN

Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên họp thứ 21

Nêu rõ các nội dung của phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, nhóm nội dung thứ nhất là Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về 8 nội dung dự kiến trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 gồm 7 dự án Luật và một dự án đầu tư. Trong đó cho ý kiến một số vấn đề lớn làm cơ sở cho việc tiếp thu, giải trình, chỉnh lý 3  dự án luật đã được trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 là Luật Hợp tác xã (sửa đổi), Luật Đấu thầu (sửa đổi) và Luật Giá (sửa đổi).

Theo kế hoạch, Luật Đấu thầu (sửa đổi) và Luật Giá (sửa đổi) tại phiên họp lần này sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề lớn, làm cơ sở cho việc tiếp thu và chỉnh lý. Nếu đảm bảo yêu cầu chất lượng có thể rút lại một số nội dung lớn để xin ý kiến của Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách. Trường hợp cần thiết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ nghe báo cáo trong phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 4. Điều này tùy vào chất lượng công tác chuẩn bị, Chủ tịch Quốc hội cho biết.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc phiên họp

Riêng đối với dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi), trước đó, Chủ tịch Quốc hội và các Phó Chủ tịch Quốc hội đã có buổi làm việc, nghe cơ quan chủ trì thẩm tra và cơ quan soạn thảo cho ý kiến một số vấn đề còn khác nhau. Đến nay cho thấy về cơ bản các vấn đề đã được thống nhất. Tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần cuối trước khi trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về 3 dự án luật khác trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của 2023 và dự kiến trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5, thông qua tại Kỳ họp thứ 6, bao gồm Luật Quản lý bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự, Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi).

Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét quyết định việc bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân, đồng thời cũng sẽ cho ý kiến về dự án luật này. Như vậy đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét theo quy trình “2 trong 1” vừa cho ý kiến để bổ sung vào chương trình theo thẩm quyền được quy định trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và cho ý kiến luôn đối với dự án luật này, Chủ tịch Quốc hội làm rõ.

Đối với dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi) có nhiều nội dung cũng sẽ liên quan đến dự án Luật Đất đai (sửa đổi) để bảo đảm sửa đồng bộ, tích hợp, tương thích giữa các luật, Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ giới thiệu các nội dung chương trình phiên họp

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về điều chỉnh chủ trương đầu tư đối với dự án Hồ chứa nước Ka Pét của huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận trên cơ sở đề nghị của Chính phủ để báo cáo Quốc hội xem xét quyết định theo quy định của Luật Đầu tư công. 

Nhóm nội dung thứ hai, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tổ chức hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Dự kiến nội dung này sẽ dành 1 ngày, vào ngày 20/3 bao gồm 2 nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực tòa án và kiểm sát. Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao trả lời chính. Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Tổng Thanh tra Chính phủ và Thủ tướng hoặc Phó Thủ tướng phụ trách ngành, lĩnh vực có thể tham gia báo cáo, giải trình thêm. Chủ tịch Quốc hội cho biết nội dung này đã được chuẩn bị khá kỹ lưỡng.

Nhóm nội dung thứ ba, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét cho ý kiến quyết định một số nội dung thuộc thẩm quyền, bao gồm 4 vấn đề:

Chủ tịch Quốc hội lưu ý một số nội dung của phiên họp 

Thứ nhất, xem xét đề nghị bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 đối với 2 dự án luật là Luật Căn cước công dân (sửa đổi) và Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Chủ tịch Quốc hội làm rõ, việc bổ sung 2 dự án luật này là rất cần thiết, nhất là Luật Căn cước công dân là một bước tạo tiền đề, nền tảng, đột phá trong công tác chuyển đổi số và quản lý dữ liệu về dân cư. Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) cần phải được trình và quyết định sớm để tránh được khoảng trống pháp lý đối với Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Nghị quyết này đã được Quốc hội đồng ý cho gia hạn đến hết năm nay và như vậy là từ 1/1/2024 dự án Luật Tổ chức tín dụng (sửa đổi) phải được có hiệu lực pháp lý.

Thứ hai, xem xét, ban hành Kế hoạch công tác đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ được quy hoạch đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách và các chức danh ở Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội và cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội để đảm bảo chất lượng, chuẩn bị nhân sự đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ở Trung ương và cả địa phương cho nhiệm kỳ khóa XVI.

Thứ ba, trên cơ sở đề nghị của Thủ tướng và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Đối ngoại, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, phê chuẩn việc bổ nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. 

Thứ tư, công tác dân nguyện vào tháng 3.

Nhấn mạnh phiên họp này chỉ có 4 ngày với các nội dung rất phong phú và nhiều nội dung quan trọng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội phát huy tinh thần đã có từ các kỳ họp trước đến nay, tích cực nghiên cứu, thảo luận, cho ý kiến về những vấn đề lớn hoặc những vấn đề còn có ý kiến khác nhau để chuẩn bị tốt nhất cho Kỳ họp thứ 5.

Bảo Yến