ĐOÀN ĐBQH TỈNH LÂM ĐỒNG GIÁM SÁT PHÁT TRIỂN NĂNG LƯỢNG TẠI NHÀ MÁY THỦY ĐIỆN YAN TANN SIEN
Đoàn ĐBQH giám sát phát triển năng lượng tại Nhà máy điện gió Cầu Đất
Cùng tham gia đoàn giám sát có ĐBQH K’ Nhiễu, ĐBQH Trịnh Thị Tú Anh, thành viên Tổ Tư vấn chính sách pháp luật, các sở ngành liên quan. Cùng tham dự buổi làm việc có đại diện lãnh đạo UBND TP Đà Lạt, các phòng, ban liên quan và đại diện Công ty CP Năng lượng tái tạo Đại Dương.
Nhà máy Điện gió Cầu Đất tại xã Trạm Hành, TP Đà Lạt có tổng vốn đầu tư 2.440 tỷ đồng, diện tích trên 23 ha, mục tiêu là sản xuất kinh doanh điện, dự kiến sản lượng điện hàng năm khoảng 216,292 GWh/năm.
Đại diện sở Công thương báo cáo một số nội dung thuộc thẩm quyền
Dự án hiện đã thi công hoàn thành 10/10 km đường nội bộ của dự án. Xây dựng hoàn thành trạm biến áp, tuyến đường dây 110 kv, nhà điều hành, khu vực nhà điều khiển về hệ thống cáp trung thế 22 kv nối giữa các tuabin với trạm biến áp 110 kv.
Công ty đã thi công xây dựng, lắp đặt hoàn thiện 15 tuabin gió và bãi cầu, đã đóng điện 15 tuabin gió, đã hoà lưới thành công 15 tuabin gió. Đến nay, dự án nhà máy điện gió Cầu Đất đã hoàn thành hoà lưới và phát điện ổn định, tuy nhiên vẫn chờ cơ chế giá mới từ Chính phủ, Bộ Công thương và EVN để vận hành thương mại. Khi đưa vào vận hành sẽ cung cấp sản lượng điện hàng năm hơn 193 triệu KWh, tạo nguồn thu, đóng góp ngân sách địa phương khoảng hơn 40 tỷ đồng/năm.
Ông Nguyễn Lâm Vũ - Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Lâm Đồng phát biểu tại buổi làm việc
Tại buổi làm việc, các thành viên đoàn giám sát đã chia sẻ với những khó khăn của nhà đầu tư, lắng nghe những kiến nghị, đề xuất nhằm tháo gỡ khó khăn; đồng thời, đặt vấn đề phía công ty cần nêu rõ cụ thể các khó khăn như về giá điện, quy hoạch nguồn năng lượng tái tạo…
Đại diện Công ty CP Năng lượng tái tạo Đại Dương báo cáo với Đoàn ĐBQH về những khó khăn hiện nay gặp phải và đề xuất tháo gỡ như: Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động thi công, sản xuất, quá trình vận chuyển thiết bị bị chậm trễ, trì hoãn, do đó làm chậm tiến độ chung của dự án. Phía Công ty kiến nghị dự án đã hoàn thành nhưng không đưa vào vận hành kịp thời gây lãng phí tài nguyên, các thiết bị của dự án đã hoàn thành lắp đặt nhưng không sử dụng dẫn đến hao mòn, máy móc hư hỏng, gây thiệt hại cho chủ đầu tư khoảng 450 tỷ đồng.
Thay mặt đoàn giám sát, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH Nguyễn Tạo kết luận: Ghi nhận những nỗ lực của doanh nghiệp thời gian qua và chia sẻ những khó khăn mà doanh nghiệp đang gặp phải. Đoàn sẽ kiến nghị về phía địa phương quan tâm hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư. Đoàn sẽ tổng hợp, kiến nghị Chính phủ sớm có chỉ đạo Bộ Công thương, EVN có quy định giá cụ thể để doanh nghiệp đi vào hoạt động nhằm phát huy hiệu quả, tháo gỡ khó khăn. Các ĐBQH sẽ chất vấn các bộ, ngành liên quan tại kỳ họp Quốc hội sắp tới.