ĐOÀN GIÁM SÁT CỦA UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI LÀM VIỆC VỚI TRƯỜNG PHỔ THÔNG DÂN TỘC BÁN TRÚ - TIỂU HỌC VỪ A DÍNH, TỈNH ĐẮK NÔNG
Quang cảnh cuộc làm việc
Dự cuộc làm việc có Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội Đinh Tiến Dũng; Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh; các thành viên Đoàn giám sát; Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ, đại diện Bộ Nội vụ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các bộ, ban ngành hữu quan.
Phát biểu khai mạc cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, thời gian qua, với sự nỗ lực, cố gắng của toàn ngành giáo dục cũng như của cả hệ thống chính trị và người dân, việc thực hiện Nghị quyết 88 đã đạt được những kết quả bước đầu theo đúng mục tiêu đề ra.
Tuy nhiên, thực tế việc triển khai còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, bất cập, cần có giải pháp điều chỉnh, khắc phục. Từ yêu cầu trên, Quốc hội khóa 15 đã quyết định chọn 1 trong 2 chuyên đề giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2023 là “Việc thực hiện Nghị quyết số 88 và Nghị quyết số 51 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông”.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nêu rõ, chuyên đề giám sát hướng tới mục đánh giá việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 88 và Nghị quyết số 51 về công tác chỉ đạo, triển khai tổ chức thực hiện của Chính phủ, các Bộ, cơ quan Trung ương, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trong giai đoạn 2014 - 2022. Làm rõ các kết quả đạt được, những vướng mắc, bất cập và nguyên nhân, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, các Bộ, cơ quan Trung ương và các địa phương.
Đồng thời, chuyên đề giám sát cũng hướng đến đề xuất những giải pháp, kiến nghị hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông trong giai đoạn tới; sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 88.
Báo cáo kết quả thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, Phó Chủ tịch UBND Tp.Hà Nội Vũ Thu Hà cho biết, các đơn vị trường học trên địa bàn Tp.Hà Nội đã chủ động rà soát, sắp xếp lại chương trình, kế hoạch dạy học phù hợp với điều kiện thực tế. Chủ động bố trí thời gian triển khai kế hoạch giáo dục trong năm bảo đảm tính khoa học, sư phạm, không gây áp lực đối với học sinh; tăng cường sinh hoạt chuyên môn, tổ chức hội thảo, tọa đàm trao đổi về tổ chức dạy học; đánh giả, rút kinh nghiệm điều chỉnh kịp thời kế hoạch dạy học.
Phó Chủ tịch UBND Tp.Hà Nội cũng cho biết, phương pháp kiểm tra, đánh giá cũng đã được đổi mới, việc tổ chức tập huấn đánh giá học sinh các cấp được thực hiện theo quy định; xây dựng kế hoạch kiểm tra, đánh giá phù hợp với kế hoạch dạy học. Việc xây dựng ma trận, bản đặc tả, biên soạn để kiểm tra theo hướng dẫn của Bộ. Thực hiện có hiệu quả các hình thức, phương pháp kiểm tra, đánh giá thường xuyên và định kì; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong đổi mới hình thức, phương pháp kiểm tra, đánh giá.
Phó Chủ tịch UBND Tp.Hà Nội Vũ Thu Hà báo cáo
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác này còn một số tồn tại, hạn chế. Cụ thể, quy hoạch mạng lưới trường học trên địa bàn Thành phố còn những bất cập do tình trạng dân số cơ học tăng nhanh, phân bố không đều; nhiều khu đô thị, khu công nghiệp được tiếp tục xây mới, gây áp lực về cơ sở vật chất và tình trạng thiếu trường, lớp học.
Tỷ lệ huy động học sinh học trường ngoài công lập của các cấp học còn thấp, đặc biệt là giáo dục THPT với ngoại thành, nhu cầu học tập của con em nhân dân trên địa bàn Thành phố vào trường lớp công lập tăng cao. Còn có sự chênh lệch giữa các vùng, giữa các quận nội thành và huyện ngoại thành trên địa bàn Thành phố về: Cơ sở vật chất, trang thiết bị ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác dạy và học; chất lượng, trình độ chuyên môn đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục.
Đưa ra giải pháp thực hiện trong thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND Tp.Hà Nội cho rằng, cần có những chính sách khuyến khích đối tượng đủ điều kiện đầu tư vào lĩnh vực giáo dục bằng quy định ưu đãi đầu tư cao hơn mức ưu đãi đầu tư trong các luật hiện hành; tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục công lập được quyền thực hiện liên kết giáo dục với các cơ sở giáo dục nước ngoài khi đủ điều kiện do Thành phố quy định. Thành phố ban hành cơ chế huy động nguồn lực phát triển các loại hình liên kết giáo dục, đào tạo trong nước - quốc tế trong các cơ sở giáo dục đào tạo công lập.
Cùng với đó, cần có chính sách quy định hình thức ưu đãi phát triển hệ thống trường học chất lượng cao, trường học thông minh, nâng cao chất lượng giáo dục ở các cấp học, bậc học; có những chính sách để ngành Giáo dục và Đào tạo được điều chính, bổ sung chương trình đối với một số môn học, hoạt động giáo dục để phù hợp với điều kiện Thủ đô, tiệm cận nền giáo dục của khu vực và quốc tế.
Các đại biểu tham gia thảo luận
Tham gia thảo luận, các đại biểu đánh giá cao báo cáo của UBND Tp.Hà Nội đã đánh giá tổng quan được tình hình thực tế, nêu rõ nguyên nhân và đề ra những giải pháp cụ thể để triển khai trong thời gian tới.
Đối với việc thực hiện việc đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông, báo cáo đã đề xuất kế hoạch bổ sung mới, xây dựng các trường, lớp học cần thiết để phục vụ việc đổi mới chương trình, sách giáo sách giáo khoa giai đoạn 2021 – 2025. Các đại biểu đề nghị báo cáo cần bổ sung phương án đảm bảo kinh phí thực hiện kế hoạch trên.
Cơ bản đồng tình với các giải pháp đề ra trong báo cáo, các đại biểu đề nghị nghiên cứu, tập trung thực hiện 2 nhiệm vụ lớn: lồng ghép quy hoạch hệ thống trường lớp vào quy hoạch thành phố; huy động các nguồn lực xã hội hóa bổ sung thay thế nguồn lực phát triển cơ sở vật chất, trường lớp phục vụ hoạt động giáo dục, đào tạo.
Các đại biểu đề nghị cần đánh giá kỹ lưỡng thực trạng huy động nguồn lực xã hội trong lĩnh vực giáo dục hiện nay. Một trong những nguyên nhân các đại biểu đưa ra là do các chính sách ưu đãi cho các nhà đầu tư trong lĩnh vực này còn chưa đậm nét, khiến nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài không mặn mà với việc đầu tư trong lĩnh vực giáo dục.
Tại phiên họp, các đại biểu cũng đóng góp nhiều ý kiến về vấn đề lồng ghép quy hoạch trường lớp trong quy hoạch của Thành phố; giải pháp tuyên truyền, vận động để tạo sự đồng thuận của các cấp, các ngành, của nhân dân nhất là các bậc phụ huynh trong triển khai thực hiện; vấn đề cơ chế huy động thêm lực lượng người dạy trong bối cảnh thiếu giáo viên; tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; những vấn đề cụ thể về thiếu giáo viên; về sĩ số học sinh, thiết bị dạy học, phòng thư viện, sân thể dục thể thao; giải pháp để giảm sự chênh lệch giữa các trường ở các khu vực của Thành phố; về lựa chọn sách giáo khoa, về thi chuyển cấp.
Các đại biểu cũng đã đưa ra nhiều ý kiến để có giải pháp căn cơ nhằm huy động nguồn lực thực hiện Chương trình có tính đến xây dựng chương trình mục tiêu về giáo dục, đào tạo và giải pháp xã hội hóa, thu hút nguồn lực tư nhân. Làm rõ hơn nguồn lực đầu tư, kinh phí thực hiện, số liệu phải thống nhất.
Kết luận cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, Đoàn Giám sát ghi nhận, đánh giá cao công tác chuẩn bị của Thành phố. Các báo cáo được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, phản ánh tương đối toàn diện việc thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông trên địa bàn Thành phố Hà Nội; tài liệu được cung cấp đầy đủ, kịp thời, nhiều số liệu, các kiến nghị cụ thể, đáp ứng đúng theo yêu cầu của Đoàn giám sát.
Đoàn giám sát ghi nhận, đánh giá cao sự nỗ lực, quyết tâm của Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Sở Giáo dục đào tạo Thành phố Hà Nội trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu kết luận
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị Ủy ban nhân dân Thành phố tiếp thu tối đa các ý kiến của Đoàn giám sát và hoàn thiện báo cáo bổ sung gửi Đoàn giám sát trong thời gian sớm nhất; đồng thời quan tâm chỉ đạo thực hiện rà soát, đánh giá quy hoạch cơ sở giáo dục trên địa bàn Thành phố để xem xét, điều chỉnh từng bước đáp ứng nhu cầu người học, tăng cường đầu tư, phát triển các cơ sở giáo dục công lập, khuyến khích phát triển hệ thống trường học chất lượng cao, nâng cao chất lượng giáo dục ở các cấp học, bậc học tiệm cận nền giáo dục của khu vực và quốc tế.
Bên cạnh đó, cần bố trí kinh phí để bảo đảm thực hiện tốt Chương trình; quan tâm bố trí ngân sách để thực hiện đào tạo, bồi dưỡng đối với đội ngũ nhà giáo, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học,... bảo đảm đủ điều kiện để triển khai chương trình có hiệu quả. Nâng cao chất lượng bồi dưỡng, tập huấn đội ngũ giáo viên; rà soát, đánh giá thực trạng để bố trí giáo viên dạy các môn học mới phù hợp.
Ngoài ra, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị đẩy mạnh công tác tuyên truyền về việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông nhằm tạo sự đồng thuận của phụ huynh học sinh và xã hội về việc triển khai thực hiện chương trình; sơ kết đánh giá, nhân rộng mô hình, cách làm hay đối với việc triển khai thực hiện nghị quyết. Phát huy sự chủ động của các cơ sở giáo dục và các nhà giáo trong xây dựng kế hoạch dạy học, đổi mới phương pháp giáo dục và đổi mới đánh giá chất lượng giáo dục để đạt được mục tiêu đề ra.
Trân trọng giới thiệu một số hình ảnh cuộc làm việc:
Quang cảnh cuộc làm việc
Các đại biểu tại cuộc làm việc
Phó Chủ tịch UBND Tp.Hà Nội Vũ Thu Hà báo cáo kết quả thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh phát biểu thảo luận
Các thành viên Đoàn giám sát đánh giá báo cáo được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, phản ánh tương đối toàn diện việc thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông trên địa bàn Thành phố Hà Nội
Các đại biểu đề nghị cần đánh giá kỹ lưỡng thực trạng huy động nguồn lực xã hội trong lĩnh vực giáo dục hiện nay
Kết luận cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị Ủy ban nhân dân Thành phố tiếp thu tối đa các ý kiến của Đoàn giám sát và hoàn thiện báo cáo bổ sung gửi Đoàn giám sát trong thời gian sớm nhất./.