KIÊN QUYẾT KHÔNG CHO PHÉP SẢN XUẤT, KINH DOANH VÀ LƯU HÀNH THUỐC LÁ ĐIỆN TỬ

26/03/2023

Tại hội thảo về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá do Ủy ban Xã hội tổ chức, nhiều đại biểu Quốc hội, chuyên gia, nhà nghiên cứu đã cho rằng cần kiên quyết không cho phép sản xuất, kinh doanh và lưu hành các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng tại Việt Nam.

HỘI THẢO VIỆC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT VỀ PHÒNG, CHỐNG TÁC HẠI CỦA THUỐC LÁ TẠI AN GIANG

Thuốc lá – tác nhân gây tổn hại nặng nề về sức khỏe và kinh tế

Vừa qua, tại hội thảo về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá do Ủy ban Xã hội tổ chức, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đỗ Thị Lan cho biết, sau 10 năm thực hiện Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá đã đạt được kết quả: Tỉ lệ sử dụng hút thuốc lá chung năm 2020 giảm 0,8 % so với năm 2015, nhận thức của người dân về phòng, chống tác hại của thuốc lá được nâng lên; việc tổ chức địa điểm không hút thuốc lá, mô hình không khói thuốc đã được thực hiện rộng rãi ở nhiều nơi trên cả nước góp phần giảm cầu thuốc lá, giảm tác hại thuốc lá, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đỗ Thị Lan phát biểu tại Hội thảo

Tuy nhiên, theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đỗ Thị Lan, tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về phòng chống tác hại thuốc lá vẫn còn một số hạn chế, một số địa phương, việc lập kế hoạch, tổ chức thực hiện phòng chống tác hại thuốc lá chưa thực sự được quan tâm; một số quy định của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá không còn phù hợp với thực tiễn như quy hoạch sản xuất, kinh doanh thuốc lá; một số bất cập trong thực hiện nhiệm vụ của Quỹ phòng chống tác hại của thuốc lá; sự xuất hiện của thuốc lá thế hệ mới, chưa có quy định phù hợp; thuốc lá nhập lậu trên thị trường còn diễn biến phức tạp…

Phòng, chống tác hại của thuốc lá không chỉ là vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm của các chuyên gia, nhà nghiên cứu trong nước, mà còn nhận được nhiều đóng góp từ các chuyên gia quốc tế. Nhiều nhà nghiên cứu từ Tổ chức Y tế thế giới WHO cùng các tổ chức về sức khỏe cho biết, hiện này Việt Nam là một trong 15 nước hút thuốc lá nhiều nhất trên thế giới. Việt Nam là quốc gia đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN có số người trưởng thành hút thuốc lá cao nhất, chỉ sau Indonesia và Philippines.

Bên cạnh đó, cùng với các tổn thất về sức khoẻ, sử dụng thuốc lá cũng gây ra các tổn thất về kinh tế và là một trong những nguyên nhân của sự nghèo đói. Tổng chi phí điều trị và tổn thất do mất khả năng lao động vì ốm đau và tử vong sớm 5 nhóm bệnh trong số 25 bệnh do sửa dụng thuốc lá gây ra là ung thư phổi, ung thư đường tiêu hóa-hô hấp trên, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, nhồi máu cơ tim, đột quỵ là 31 nghìn tỷ đồng/năm.

Tại hội thảo, nhiều đại biểu Quốc hội cho biết, Việt Nam là thành viên của Công ước khung của Tổ chức Y tế thế giới về kiểm soát thuốc lá từ năm 2004. Ngày 18/6/2012, Quốc hội thông qua Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá và có hiệu lực kể từ ngày 1/5/2013, và cho phép thành lập Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá tại Việt Nam, góp phần đảm bảo nguồn tài chính bền vững cho các chương trình can thiệp về phòng, chống tác hại thuốc lá.

Phán ảnh thực trạng sử dụng thuốc lá tại Việt Nam, nhiều đại biểu, chuyên gia cho biết, tỷ lệ sử dụng thuốc lá ở nước ta tuy đã giảm nhưng vẫn còn rất cao, đặc biệt là nam giới. Các sản phẩm thuốc lá mới  như thuốc lá điện tử, thuốc lá không đốt nóng, thuốc lá hút Shisha xuất hiện và được sử dụng, rao bán trên mạng xã hội. Các hoạt động can thiêp của ngành công nghiệp thuốc lá đa quốc gia ngày càng mở rộng và với nhiều hình thức.

Đưa ra đề xuất, kiến nghị để khắc phục tình trạng này, đại diện Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá cùng các chuyên gia cho rằng cần nghiên cứu, đề xuất đối với việc sản xuất, kinh doanh và sử dụng các sản phẩm thuốc lá mới theo hướng cấm kinh doanh và sử dụng các sản phẩm thuốc lá này; cần có lộ trình để tăng diện tích in cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá; thiết kế chính sách phù hợp để quản lý chặt chẽ các điểm bán lẻ thuốc lá.

Kiên quyết không cho phép sản xuất, kinh doanh và lưu hành thuốc lá điện tử

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng kiến nghị cần nghiên cứu giải pháp hỗ trợ, chuyển đổi cây trồng tại các vùng trồng cây thuốc lá, chế biến nguyên liệu thuốc lá, sản xuất thuốc lá. Tiếp tục tăng cường năng lực thực hiện công tác phòng, chống tác hại thuốc lá cho các cơ quan, đơn vị và các tỉnh, thành phố. Tăng cường hoạt động thanh kiểm tra việc thực thi Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá và xử phạt vi phạm theo Nghị định 117/2020/NĐ-CP và áp dụng công nghệ trong việc giám sát, theo dõi những hành vi vi phạm.

Đóng góp ý kiến, ông Nguyễn Nho Huy, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần nghiên cứu, đánh giá để sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, trong đó quy định cụ thể về quản lý và phòng chống tác hại của thuốc lá mới; kiên quyết không cho phép sản xuất, kinh doanh và lưu hành các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng tại Việt Nam.

Ông Nguyễn Nho Huy, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất, Bộ Giáo dục và Đào tạo

Thêm vào đó, cần có chính sách phù hợp để quản lý các điểm bán lẻ thuốc lá; Quy định, hướng dẫn chi tiết về cơ chế phối hợp giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Công Thương, chính quyền địa phương về quy định cấm buôn bán thuốc lá ngoài cổng trường học; chế tài xử phạt và trách nhiệm xử lý của các đơn vị có liên quan. Tiếp tục tăng cường hoạt động giám sát thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá tại trung ương và địa phương.

Các chuyên gia cũng cho rằng, các bộ, ngành hữu quan cần tiếp tục tăng cường chỉ đạo việc thực hiện công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá, thực hiện môi trường không khói thuốc trong toàn ngành/ cơ quan, đơn vị. Chủ động bố trí ngân sách cho công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá trong thẩm quyền, lĩnh vực phụ trách và bố trí kinh phí cho hoạt động thanh kiểm tra. Tích cực và chủ động phối hợp với Bộ Y tế và phối hợp liên ngành trong công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Với Ủy ban nhân dân các cấp, nhiều đại biểu cho rằng các cơ quan này cần tiếp tục tăng cường phối hợp liên ngành trong phòng chống tác hại của thuốc lá, chỉ đạo và có văn bản chỉ đạo, nhắc nhở thường xuyên để các Sở ban ngành, các cơ quan đơn vị trong tỉnh thực hiện nghiêm các quy định của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc tuân thủ quy định cấm hút thuốc: Thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành; lồng ghép việc kiểm tra việc thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá trong các đoàn kiểm tra liên ngành trên địa bàn quản lý.  Chủ động bố trí kinh phí cho hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá và thanh kiểm tra thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Ngoài ra, nhiều ý kiến đề nghị cần có quy định chi trả từ nguồn Bảo hiểm y tế cho công tác tư vấn cai nghiện thuốc lá. Tăng cường thực hiện nhiệm vụ tư vấn việc tổ chức nơi dành riêng cho người hút thuốc lá tại địa điểm công cộng. Tăng cường quản lý thu – chi hiệu quả, tránh lãng phí nguồn lực cho công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá. Tiếp tục nghiên cứu để từng bước mở rộng đối tượng được nhận hỗ trợ trực tiếp từ Quỹ để thực hiện các hoạt động phòng, chống tác hại thuốc lá.

Hồ Hương