TP. HỒ CHÍ MINH ĐỀ NGHỊ THÍ ĐIỂM CÁC CƠ CHẾ ĐỘT PHÁ, VƯỢT TRỘI
Đồng chí Hà Phước Thắng điều hành hội thảo
Tại hội thảo, các đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung điều luật quy định chung về công tác phòng thủ dân sự như: tuyên truyền, giáo dục về phòng thủ dân sự; đào tạo, huấn luyện, diễn tập phòng thủ dân sự; trang bị phòng thủ dân sự; biện pháp phòng thủ dân sự khi xảy ra sự cố, thảm họa, thiên tai, dịch bệnh; bảo dưỡng cơ sở, trang thiết bị phòng thủ dân sự; cứu trợ, hỗ trợ khắc phục thiệt hại các vấn đề khác liên quan đến công tác phòng thủ dân sự.
Góp ý về quyền tiếp cận thông tin của cá nhân, Phó Chủ tịch Hội Luật gia Tp. Hồ Chí Minh Ung Thị Xuân Hương cho rằng, thực tế, trong thời gian xảy ra dịch bệnh Covid -19 vừa qua, vấn đề thông tin rất đáng được quan tâm. Bên cạnh việc xảy ra nhiễu loạn thông tin, trong đó có không ít những “tin xấu”, “tin độc” do một số đối tượng có động cơ không tốt tung ra. Có nhiều thông tin về quy định, chính sách, thủ tục hành chính trong phòng, chống dịch chưa được đưa tới người dân một cách hiệu quả nhất, đặc biệt là có sự khác biệt giữa các địa phương, dẫn tới việc nhiều người dân lúng túng trong việc chấp hành quy định, thậm chí nhiều người không được bảo đảm về mặt chính sách và có những phản ứng tiêu cực trong xã hội về những thủ tục hành chính trong bối cảnh dịch bệnh.
Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng phòng Tham mưu Công an Tp. Hồ Chí Minh góp ý tại hội thảo
“Đây là bài học lớn để xây dựng Dự thảo Luật này, bởi nếu nhu cầu thông tin chính đáng của người dân không được bảo đảm, đặc biệt trong các tình huống mang tính khẩn cấp như thiên tai, dịch bệnh thì rất nhiều quyền khác cũng bị ảnh hưởng”- đồng chí Ung Thị Xuân Hương nhấn mạnh; và cho rằng, dự thảo Luật cần bổ sung quy định về “Chế độ thông tin trong hoạt động phòng thủ dân sự” vì khi xảy ra tình trạng khẩn cấp, vấn đề thông tin là rất quan trọng và nhạy cảm.
Một số ý kiến cho rằng, trong những năm vừa qua, đã có không ít hoạt động cứu trợ tự phát của người dân với nhiều cách thức, biện pháp khác nhau. Việc cứu trợ có thể bằng tiền, bằng hiện vật, bằng phương tiện, công cụ với quy mô cá nhân hay đoàn từ thiện đông người. Một mặt, những hoạt động này đã đem lại nhiều ích lợi cho xã hội và chính những người dân chịu ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh. Nhưng mặt khác, việc thiếu cơ chế quản lý theo hướng minh bạch, nhất là trong bối cảnh khẩn cấp, phức tạp lại khiến cho nhiều hoạt động mang tính trục lợi diễn ra, trong đó có cả việc giả mạo, lợi dụng danh nghĩa từ thiện để thực hiện những hành vi vi phạm pháp luật.
Hiện nay, khung pháp lý cho những việc này vẫn còn tương đối lỏng lẻo, dự thảo Luật lần này qui định có phần chặt chẽ hơn “Tham gia hoạt động ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa khi được huy động”. Tuy nhiên, quy định này sẽ làm bó hẹp việc huy động nguồn lực xã hội tham gia hoạt động ứng phó, khắc phục hậu quả, trong khi việc cứu trợ của nhiều tổ chức, cá nhân là cấp thiết khi thảm họa xảy ra. Vì vậy, đề nghị nghiên cứu quy định theo hướng mở hơn là “đăng ký và phối hợp với chính quyền địa phương nơi xảy ra sự cố”.
Quang cảnh hội thảo
Góp ý về Quỹ phòng thủ dân sự, một số ý kiến cũng cho rằng, quy định Quỹ phòng thủ dân sự là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách và được hình thành trên cơ sở điều tiết từ các quỹ ngoài ngân sách có liên quan đến hoạt động phòng thủ dân sự. Vì kinh phí để cứu trợ, ứng phó, khắc phục thảm họa, sự cố là rất lớn và cấp bách nên cần thành lập Quỹ để đảm bảo sự chủ động về nguồn kinh phí. Tuy nhiên, cần rà soát các loại Quỹ tương tự như: Quỹ phòng chống thiên tai và Quỹ phòng chống dịch bệnh... để tránh chồng chéo, trùng lắp. Đồng thời, bổ sung quy định về công khai, minh bạch Quỹ...
Góp ý về chính sách nhà nước trong phòng thủ dân sự, Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng phòng Tham mưu Công an Tp. Hồ Chí Minh cho rằng, việc huy động các nguồn lực để thực hiện hoạt động phòng thủ dân sự từ nguồn lực nhà nước và nguồn lực xã hội hóa đã được quy định các khoản còn lại của Điều 4 dự thảo luật. Ngoài ra, kiến nghị ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung Quy định cụ thể nội dung chương trình đào tạo phòng thủ dân sự tại các nhà trường, học viện và nội dung chương trình huấn luyện phòng thủ dân sự cho các lực lượng chuyên trách, kiêm nhiệm, rộng rãi để đảm bảo tính thống nhất và dễ áp dụng thực hiện.