ĐBQH NGUYỄN THỊ KIM ANH: NGƯỜI DÂN CẦN NÂNG CAO NHẬN THỨC VỀ GIAO DỊCH ĐIỆN TỬ ĐẢM BẢO AN TOÀN, TIN CẬY

06/04/2023

Để Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) đi vào cuộc sống đạt hiệu quả cao, ĐBQH Nguyễn Thị Kim Anh cho rằng, người dân cần nâng cao nhận thức về giao dịch điện tử đảm bảo an toàn, tin cậy. Các tổ chức, doanh nghiệp cần chuẩn bị sẵn sàng các công cụ, nền tảng, hệ thống liên quan đến ký điện tử, ký số, xác thực chữ ký số, tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân thực hiện giao dịch điện tử.

ĐBQH VƯƠNG QUỐC THẮNG: MỞ RỘNG PHẠM VI ĐIỀU CHỈNH CỦA LUẬT GIAO DỊCH ĐIỆN TỬ (SỬA ĐỔI) SẼ TIẾT KIỆM CHO XÃ HỘI NHIỀU CHI PHÍ

CÂN NHẮC MỞ RỘNG GIAO DỊCH ĐIỆN TỬ RA NHIỀU LĨNH VỰC TRONG ĐỜI SỐNG KINH TẾ-XÃ HỘI

Dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) gồm 08 chương và 54 điều sẽ tiếp tục được Quốc hội cho ý kiến, xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 5 diễn ra vào tháng 05/2023. Để dự án Luật được xem xét kỹ lưỡng trước trình Quốc hội thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị Đại biểu Quốc hội chuyên trách thảo luận về dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi).

Để hiểu hơn về quá trình hoàn thiện dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) và để Luật đi vào cuộc sống một cách hiệu quả, phóng viên Cổng Thông tin điện tử Quốc hội phỏng vấn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Thị Kim Anh - Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội.

Phóng viên: Thưa đại biểu, tại Hội nghị Đại biểu Quốc hội chuyên trách tháng 4/2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến đóng góp về dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi). Đại biểu nhận định như thế nào việc lấy ý kiến của các đại biểu Quốc hội chuyên trách trong việc hoàn thiện dự án Luật này trước khi tập hợp quan điểm của các Đoàn Đại biểu Quốc hội ở địa phương để trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 tới?

ĐBQH Nguyễn Thị Kim Anh: Tôi cho rằng, việc lựa chọn dự án Luật Giao dịch điện tử sửa đổi để lấy ý kiến tại Hội nghị Đại biểu Quốc hội chuyên trách vào thời gian này là rất phù hợp, nhằm hoàn thiện thêm một bước dự án Luật trước khi gửi xin ý kiến các Đoàn Đại biểu Quốc hội. Đây cũng là cơ hội để các đại biểu Quốc hội chuyên trách nghiên cứu kỹ lưỡng hơn, tham gia ý kiến, giúp Cơ quan chủ trì soạn thảo và Cơ quan chủ trì xây dựng dự án Luật tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật.


Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Anh - Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội.

Dự thảo Luật Giao dịch điện tử sửa đổi là một trong những dự án Luật khó, bởi có tính chuyên ngành, kỹ thuật chuyên sâu. Do vậy, việc tổ chức lấy ý kiến đối với dự án Luật tại Hội nghị Đại biểu Quốc hội chuyên trách sẽ giúp các đại biểu Quốc hội có thêm thời gian thảo luận, cho ý kiến. Cách làm này sẽ góp phần giảm thời gian họp trong kỳ họp tới, đồng thời nâng cao trách nhiệm của các Đại biểu Quốc hội chuyên trách trong công tác lập pháp, nhất là trong bối cảnh nhiệm vụ lập pháp của Quốc hội Khóa XV rất nặng nề.

Phóng viên: Qua những lần lấy ý kiến cho dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), đại biểu có thể cho biết, những nội dung trọng tâm, được sửa đổi, bổ sung đang cần được tiếp tục hoàn thiện trong dự án Luật này cho đến nay như thế nào?

ĐBQH Nguyễn Thị Kim Anh: Ngay sau Kỳ họp thứ 4, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã chủ trì, phối hợp với cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan quán triệt, bám sát các mục tiêu chính sách, quan điểm và yêu cầu đối với dự án Luật đã trình Quốc hội; tổng hợp, nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung dự thảo Luật theo ý kiến của các đại biểu Quốc hội; tổ chức nhiều hội thảo, tọa đàm để có thêm cơ sở lý luận và thực tiễn cho việc hoàn thiện dự thảo Luật.

Dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) có 08 chương và 54 điều, trong đó các nội dung sửa đổi, bổ sung bám theo 09 chính sách đã được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết số 152/NQ-CP. Luật chỉ quy định về những thành tố cơ bản có giá trị pháp lý sử dụng để thực hiện giao dịch bằng phương tiện điện tử. Đến nay, một số nội dung còn cần được tiếp tục hoàn thiện như: phạm vi điều chỉnh, trách nhiệm quản lý nhà nước về giao dịch điện tử, dịch vụ tin cậy...

Về phạm vi điều chỉnh, Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) mở rộng phạm vi đến mọi lĩnh vực: Việc mở rộng này so với 17 năm trước đây là dựa trên cơ sở nghiên cứu, đánh giá hạ tầng kỹ thuật, công nghệ tại Việt Nam hiện nay đã sẵn sàng, công nghệ số ngày càng trở nên phổ biến, an toàn, tin cậy và đáp ứng được các yêu cầu mà thực tiễn đặt ra. Việc mở rộng là để cho phép các lĩnh vực đủ điều kiện đều có thể áp dụng giao dịch điện tử, góp phần đẩy mạnh chuyển đổi số trong tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội theo chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Về quản lý Nhà nước: Sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng thực tiễn triển khai tại Việt Nam, kinh nghiệm quốc tế, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường thống nhất với phương án Chính phủ đã trình, có chỉnh lý để thể hiện nhất quán theo hướng Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước; giao một Bộ làm đầu mối chủ trì, chịu trách nhiệm trước Chính phủ; các Bộ, ngành và UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện quản lý Nhà nước trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được phân công; tách bạch giữa quản lý nhà nước với việc cung cấp dịch vụ.


Hội nghị Đại biểu Quốc hội chuyên trách thảo luận về dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi).

Về phân công quản lý Nhà nước dịch vụ tin cậy, pháp luật về thương mại điện tử hiện hành quy định dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử “là dịch vụ của bên thứ ba về lưu trữ và bảo đảm tính toàn vẹn của chứng từ điện tử do các bên khởi tạo trong quá trình giao kết và thực hiện hợp đồng”, cũng là một phần của loại hình dịch vụ chứng thực thông điệp dữ liệu trong dịch vụ chứng thực thông điệp dữ liệu đang được điều chỉnh tại văn bản cấp Nghị định và giao Bộ Công thương cấp phép bằng hình thức thông báo xác nhận. Trong khi đó, Giấy phép kinh doanh dịch vụ tin cậy trong đó có dịch vụ chứng thực thông điệp dữ liệu bao gồm: (1) Dịch vụ lưu trữ và xác nhận tính nguyên vẹn của thông điệp dữ liệu; (2) Dịch vụ gửi, nhận thông điệp dữ liệu bảo đảm thì dự thảo Luật trình Quốc hội quy định Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép.

Do đó, để đơn giản hoá thủ tục hành chính và tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp, dự thảo Luật đang được tiếp thu, chỉnh lý theo hướng chỉ giao một cơ quan có thẩm quyền cấp phép cho doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tin cậy, trong đó bao gồm dịch vụ lữu trữ và xác nhận tính nguyên vẹn của thông điệp dữ liệu. Đồng thời, rà soát bổ sung nội dung chuyển tiếp của Luật để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp đang cung cấp Dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử thương mại.

Phóng viên: Dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) sẽ tiếp tục được Quốc hội thảo luận, xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 5 tới. Để Luật đi vào cuộc sống đạt hiệu quả cao, theo đại biểu, các tổ chức, doanh nghiệp và người dân cần triển khai những nhiệm vụ cần thiết, bắt buộc gì để nâng cao ý thức trách nhiệm, thay đổi hành vi đến các giao dịch điện tử trong đời sống hiện nay?

ĐBQH Nguyễn Thị Kim Anh: Dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) chỉ quy định về những thành tố cơ bản có giá trị pháp lý sử dụng để thực hiện giao dịch bằng phương tiện điện tử, không quy định về nội dung của các lĩnh vực trong giao dịch điện tử. Nói một cách khác, giao dịch trong lĩnh vực nào sẽ được điều chỉnh bởi pháp luật chuyên ngành của lĩnh vực đó.

Người dân cần nâng cao nhận thức về giao dịch điện tử đảm bảo an toàn, tin cậy. Các tổ chức, doanh nghiệp cần chuẩn bị sẵn sàng các công cụ, nền tảng, hệ thống liên quan đến ký điện tử, ký số, xác thực chữ ký số, tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân thực hiện giao dịch điện tử. Các cơ quan Nhà nước có liên quan có trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến các chính sách của Luật ngay từ quá trình xây dựng cũng như sau khi Luật được ban hành; rà soát, hoàn thiện và tổ chức triển khai các quy định liên quan đến giao dịch điện tử trong lĩnh vực được phân công để có thể hiện thực hóa việc chuyển đổi số.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đại biểu!

Bích Lan