CẦN CƠ CHẾ ĐÀM PHÁN, MUA SẮM THIẾT BỊ, VẬT TƯ Y TẾ VỚI GIÁ TỐT NHẤT
GIÁM SÁT THỰC HÀNH TIẾT KIỆM CHỐNG LÃNG PHÍ: KHÔNG DÁM ĐẤU THẦU THUỐC, VẬT TƯ Y TẾ... VÌ SỢ SAI
Tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế tại nhiều bệnh viện công lập và tư nhân diễn ra trầm trọng trên diện rộng lại một lần nữa được nhiều lãnh đạo bệnh viện, đại biểu Quốc hội nhắc đến khi đề cập về dự án Luật Đầu thầu (sửa đổi) sẽ được Quốc hội tiếp tục cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 tới.
Một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên là không phải Sở Y tế ở địa phương nào cũng hoàn thành việc đấu thầu thuốc đúng thời hạn. Điều này đã khiến cho nhiều bệnh viện, trong đó có bệnh viện tư nhân khó tiếp cận với thuốc điều trị, vật tư y tế để khám, điều trị sức khỏe cho bệnh nhân.
Dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) được nhiều lãnh đạo cơ sở y tế, đại biểu Quốc hội kỳ vọng sẽ giải quyết được tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế hiện nay (ảnh minh họa).
GS.TS Nguyễn Văn Đệ - Chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam cho biết, trong nhiều năm qua, hầu hết các các cơ sở y tế tư nhân chủ yếu có quy mô nhỏ, không đủ năng lực, kinh nghiệm để tự chủ động tổ chức đấu thầu thuốc, vật tư y tế. Do vậy hàng năm, các đơn vị chủ yếu vẫn đang áp dụng giá trúng thầu thuốc, vật tư y tế tập trung do Sở Y tế địa phương tổ chức cho các cơ sở y tế công lập. Tuy nhiên trong giai đoạn giao thầu hàng năm, không phải Sở Y tế các tỉnh, thành nào cũng hoàn thành việc đấu thầu thuốc, vật tư y tế theo đúng quy định và kế hoạch được cấp có thẩm quyền chỉ đạo, mà luôn xảy ra tình trạng kéo dài việc đấu thầu thuốc, vật tư y tế hoặc phải gia hạn thời gian sử dụng kết quả đấu thầu thuốc, vật tư y tế của năm liền kề. Chính điều này gây nên tình trạng thiếu, hết thuốc và vật tư y tế phục vụ bệnh nhân, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động khám chữa bệnh của cơ sở y tế và quyền lợi của bệnh nhân bảo hiểm y tế.
Ngoài ra, còn có trường hợp, các nhà thầu dù đã trúng thầu nhưng lấy lý do khách quan để không cung ứng đủ thuốc, vật tư y tế theo đúng cam kết, để xảy ra tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế tại cơ sở khám chữa bệnh tư nhân. Tuy nhiên, không rõ nhà thầu có ưu tiên cung ứng thuốc, vật tư y tế cho cơ sở khám chữa bệnh công lập hay không?
Theo GS.TS Nguyễn Văn Đệ, việc tự tổ chức lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc, vật tư y tế theo quy định tại Luật Đấu thầu, các văn bản hướng dẫn Luật Đấu thầu khó thực hiện. Bởi hầu hết cơ sở khám chữa bệnh tư nhân có quy mô nhỏ, ít kinh nghiệm, không đủ năng lực để tổ chức đấu thầu thuốc, vật tư y tế nên hầu hết đều phụ thuộc vào kết quả mua thuốc, vật tư y tế tập trung của địa phương, kết quả mua thuốc, vật tư y tế tập trung cấp quốc gia, kết quả đàm phán giá hoặc kết quả trúng thầu của các cơ sở y tế công lập tuyến tỉnh trên cùng địa bàn.
GS.TS Nguyễn Văn Đệ - Chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam.
Ngoài các quy định nêu trên, các cơ sở y tế tư nhân được áp dụng hình thức mua sắm trực tiếp theo quy định tại Khoản 1 Điều 24 Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13. Việc mua sắm thuốc trực tiếp chỉ được cơ sở khám chữa bệnh tư nhân thực hiện khi mặt hàng thuốc, vật tư y tế đã được trúng thầu và việc lựa chọn doanh nghiệp cung ứng thuốc, vật tư y tế phải đáp ứng các điều kiện: là mặt hàng có cùng hoạt chất, hàm lượng, đường dùng, dạng bào chế, tên thương mại, nhà sản xuất, nước sản xuất, số đăng ký...
Tuy nhiên, do quy định không được áp thầu rộng rãi của các cơ sở y tế của các địa phương khác nên cơ quan bảo hiểm xã hội không thanh toán chi phí thuốc, vật tư y tế từ nguồn quỹ Bảo hiểm y tế cho người bệnh bảo hiểm y tế và người bệnh buộc phải tự chi trả tiền thuốc, vật tư y tế bảo hiểm y tế do cơ sở khám chữa bệnh tư nhân mua sắm trực tiếp.Hơn nữa, theo quy định nhà thầu phải có thông báo công khai là không đủ năng lực cung cấp thuốc. Điều này nằm ngoài mong muốn của nhà thầu, bởi sẽ ảnh hưởng tới hồ sơ năng lực đấu thầu trong các gói thầu mới.
Mặt khác, tại Điều 52 Luật Đấu thầu hướng dẫn cơ sở y tế ngoài công lập chỉ được cơ quan bảo hiểm y tế thanh toán chi phí mua thuốc, vật tư y tế từ nguồn quỹ bảo hiểm y tế trong trường hợp cơ sở khám chữa bệnh tư nhân không chọn áp dụng quy định tham gia mua thuốc, vật tư y tế tập trung (cấp quốc gia, cấp địa phương, đàm phán giá) mà được quyền áp dụng kết quả thầu của các cơ sở y tế công lập tuyến tỉnh trên cùng địa bàn. Tuy nhiên, Điều 52 chưa bao quát và giải quyết hết những mâu thuẫn, phát sinh, bất cập của hệ thống y tế tư nhân khi thực hiện mua sắm thuốc, vật tư y tế phục vụ người bệnh.
Ví dụ trong trường hợp kết quả đấu thầu thuốc, vật tư y tế tập trung (cấp quốc gia, cấp địa phương, đàm phán giá) không có thuốc, vật tư y tế, cơ sở y tế tư nhân sẽ áp dụng Điều 52 Luật Đấu thầu, nghĩa là áp dụng mua thuốc, vật tư y tế trên cơ sở kết quả trung thầu thuốc, vật tư y tế của các cơ sở y tế công lập tuyến tỉnh trên cùng địa bàn. Tuy nhiên, trong trường hợp các cơ sở y tế công lập tuyến tỉnh trên cùng địa bàn không có kết quả thực hiện đấu thầu mua sắm thuốc, vật tư y tế thì cơ sở y tế tư nhân không có cơ sở mua sắm thuốc, vật tư y tế phục vụ bệnh nhân bảo hiểm y tế, Như vậy, bệnh nhân bảo hiểm y tế bị mất quyền lợi khi đi khám chữa bệnh.
Trong trường hợp này, nếu Luật Đấu thầu sát thực tế, cơ sở khám chữa bệnh tư nhân có thể được áp dụng kết quả trúng thầu của các tỉnh, thành phố khác trong cả nước (không phải nơi cơ sở khám chữa bệnh tư nhân đóng trụ sở). Tuy nhiên, Điều 52 Luật Đấu thầu chưa đề cập đến trường hợp phát sinh này. Do vậy, tình trạng có địa phương có thuốc, vật tư y tế nhưng không cấp hết được, có địa phương không có thuốc, có tiền nhưng không thể mua thuốc, vật tư y tế phục vụ người bệnh được.
Từ những bất cập trên, GS.TS Nguyễn Văn Đệ kiến nghị với Bsoạn thảo Dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) nghiên cứu, bổ sung một số nội dung hướng dẫn thực hiện áp dụng phương thức đấu thầu mua sắm thuốc, vật tư y tế được thanh toán từ nguồn quỹ bảo hiểm y tế đối với cơ sở y tế tư nhân. Theo đó, cơ sở y tế tư nhân được mua sắm thuốc, vật tư y tế bảo hiểm y tế trong các trường hợp:
Thứ nhất: Được tham gia mua thuốc, vật tư y tế tập trung (cấp quốc gia, cấp địa phương, đàm phán giá) tại địa phương nơi đóng trụ sở.
Thứ hai: Được tự tổ chức lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc, vật tư y tế theo quy định của pháp Luật Đấu thầu.
Thứ ba: Được áp dụng kết quả đấu thầu thuốc, vật tư y tế của các cơ sở y tế công lập tuyến tỉnh trên địa bàn hoặc các cơ sở y tế và các địa phương khác trong cả nước.
Thứ tư: Được áp dụng hình thức mua sắm trực tiếp trong điều kiện giá mua các mặt hàng thuốc, vật tư y tế bằng hoặc không cao hơn giá trúng thầu thuốc, vật tư y tế tập trung, làm cơ sở cho cơ quan bảo hiểm xã hội thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế cho người bệnh.
GS.TS Nguyễn Văn Đệ nêu quan điểm, nếu việc sửa đổi Luật Đấu thầu mà giải quyết được 04 mục tiêu trên thì sẽ giải quyết dứt điểm tình trạng độc quyền, thiếu thuốc, vật tư y tế và không ảnh hưởng đến việc tăng chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Cần xem xét lại đấu thầu tập trung thuốc, trang thiết bị ý tế
Trước những bất cập trong việc cung ứng thuốc, thiết bị y tế cung ứng cho các bệnh viện, nhiều đại biểu Quốc hội đã nêu quan điểm và đưa ra các giải pháp để khắc phục tình trạng này trong dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) sẽ được Quốc hội tiếp tục cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 tới.
Đại biểu Tạ Văn Hạ - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam.
Đại biểu Tạ Văn Hạ - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam đề nghị xem xét vấn đề đấu thầu tập trung, đấu thầu quốc gia và đấu thầu địa phương. Theo đó, trong lĩnh vực này, người đấu thầu là người không sử dụng. Tại địa phương, Sở là đơn vị đấu thầu rồi mới cấp phát cho các đơn vị. Thực tiễn giám sát các địa phương vừa qua cho thấy có một số tỉnh do chậm trễ trong đấu thầu dẫn đến cả tỉnh chậm cung ứng thuốc, tương tự như vậy đối với vật tư y tế. Trong đó có những loại thuộc người bệnh rất cần, liên quan trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng Nhân dân. Trong khi có rất nhiều doanh nghiệp, bệnh viện có đủ cơ sở, có đủ khả năng để mua thuốc phù hợp với giá thị trường nhưng vẫn phải chờ Sở đấu thầu theo rất nhiều quy trình. Chỉ rõ bất cập này, đại biểu Tạ Văn Hạ đề nghị riêng với ngành Y tế là ngành đặc thù nên cần phải xem xét về quy định về đấu thầu tập trung, đấu thầu thuốc để có quy định phù hợp.
Đồng thuận với quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Anh Trí – Đoàn Đại biểu Quốc hội Tp.Hà Nội cho rằng, đối với các thiết bị, sinh phẩm, vật tư mà hiếm và ít thì phải đấu thầu tập trung. Tuy nhiên, quy định đấu thầu tập trung đối với những sản phẩm như với thuốc, thiết bị, vật tư mà dùng nhiều, dùng số lượng lớn mà thực hiện đấu thầu tập trung là rất cồng kềnh. Đại biểu Nguyễn Anh Trí cho rằng, nếu số lượng lớn, rất lớn thì nên quy định để các cơ sở y tế, các bệnh viện tự đấu thầu là chính, hạn chế đấu thầu tập trung vì họ sẽ chủ động hơn, sẽ không cồng kềnh, không chờ đợi, đặc biệt là không lãng phí.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí – Đoàn Đại biểu Quốc hội Tp.Hà Nội.
Đề cập về tình trạng thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế phục vụ cho công tác khám, chữa bệnh của Nhân dân trong thời gian qua, đại biểu Nguyễn Tạo - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng cho rằng, có nguyên nhân chính là tâm lý lo ngại, sợ sai, sợ thanh tra, kiểm tra nên không dám làm, không dám đấu thầu mua sắm tại một số địa phương và đơn vị. Do vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) rà soát lại những nội dung liên quan đến đấu thầu trong lĩnh vực y tế để kịp thời bảo đảm hoạt động khám bệnh, chữa bệnh trên cả nước.
Về lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc và trang thiết bị y tế, đối với những vùng gần đô thị, trung tâm, cảng biển, sân bay rất thuận lợi nhưng ở vùng sâu, vùng xa thì khó khăn vì chi phí vận chuyển cao, có tình trạng nhà cung cấp né tránh cung cấp cho những gói thầu tại vùng sâu, vùng xa… Bên cạnh đó, mua sắm tập trung đang gặp khó khăn, vướng mắc trong thẩm quyền ban hành danh mục trang thiết bị về y tế, vật tư đấu thầu tập trung cần phải tháo gỡ.
Đại biểu Nguyễn Tạo - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng.
Đối với quy định về lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt, đại biểu Nguyễn Tạo cho biết, các gói thầu thường được thực hiện trong tình trạng khẩn cấp thì nên áp dụng, như gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế, thuốc chữa bệnh nhằm phục vụ kịp thời trong tình huống khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại… theo quy định của cấp có thẩm quyền.
Tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế đã khiến cho các bệnh viện gặp khó khăn trong việc chăm sóc, điều trị sức khỏe cho bệnh nhân. Với những quan điểm, ý kiến, đề xuất nêu trên, các lãnh đạo bệnh viện, đại biểu Quốc hội kỳ vọng rằng, Ban soạn thảo dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) sẽ tiếp thu, bổ sung, chỉnh sửa vào dự án Luật để trình Quốc hội xem xét trong Kỳ họp tới. Điều này cũng là nhằm khắc phục tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế, sinh phẩm phục vụ khám chữa bệnh, điều trị cho Nhân dân tại các cơ sở y tế./.