VẪN CÒN NHÀ HÀNG CHẾ BIẾN ĐỘNG VẬT HOANG DÃ PHỤC VỤ NHU CẦU CỦA NGƯỜI DÂN
Công tác bảo vệ các loài hoang dã luôn được sự quan tâm của của Đảng, Nhà nước và cả nước và cộng đồng quốc tế. Nhận thấy sự cần thiết của sự đa dạng sinh học và động vật hoang dã đối với con người, Quốc hội, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách, văn bản pháp luật về bảo vệ, quản lý động, thực vật hoang dã, đặc biệt là các loài nguy cấp, quý hiếm, loài được ưu tiên bảo vệ như Luật Lâm nghiệp, Bộ luật Hình sự, Luật Đa dạng sinh học, Luật Bảo vệ Môi trường và các văn bản hướng dẫn thực thi luật. Các cơ quan thực thi pháp luật trong lĩnh vực này như kiểm lâm, cảnh sát môi trường, hải quan, bộ đội biên phòng và các đội quản lý thị trường cũng được giao quản lý và thực thi chính sách, pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã; phòng chống buôn bán, nhập khẩu, tiêu thụ động vật hoang dã.
Cần có giải pháp hữu hiệu để phòng chống, ngăn chặn tình trạng buôn bán, săn bắn, giết mổ động vật hoang dã (Ảnh minh họa: Internet).
Tuy nhiên, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã trong thời gian gần đây diễn biến rất phức tạp. Lợi nhuận từ hoạt động buôn bán trái phép động vật hoang dã rất lớn nên các đối tượng sẵn sàng bất chấp mọi thủ đoạn để thực hiện hành vi phạm tội. Tình trạng mua bán, vận chuyển, tiêu thụ, nuôi nhốt, săn bắt, buôn bán trái phép động vật hoang dã vẫn tiếp tục diễn ra đang trở thành mối quan ngại lớn đối với công tác bảo tồn, đa dạng sinh học, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của đất nước, ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự an toàn xã hội.
Trước những bất cập trên đòi hỏi các cơ quan chức năng cần có những giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn tình trạng buôn bán, vận chuyển động vật hoang dã. Vấn đề này cũng nhận được sự quan tâm, đóng góp của các đại biểu, chuyên gia tại Hội thảo đánh giá “Việc thực hiện các kiến nghị giám sát của các cơ quan Quốc hội về thực hiện chính sách, pháp luật thực thi công ước CITES” do Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức mới đây.
Đại tá Lê Thơm- Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Bộ Công an) cho biết, Việt Nam có vị trí địa lý thuận lợi, là cửa ngõ thông thương giữa ASEAN, Nam Mỹ, Châu Phi …với các thị trường tiêu thụ tại Châu Á và các khu vực trên thế giới, được xác định vừa là điểm tiêu thụ, vừa là tuyến đường trung chuyển các loài động vật, thục vật hoang dã trái phép. Với những phương thức, thủ đoạn hoạt động tinh vi. Hoạt động phạm tội vi phạm về bảo vệ động vật hoang dã không chỉ dừng lại ở quy mô nhỏ lẻ mà đã xuất hiện các đường dây, tổ chức, có sự cấu kết giữa các đối tượng trong nước và nước ngoài hoạt động xuyên quốc gia với số lượng rất lớn. Ví dụ như trong tháng 2 và 3/2023, tại cảng Hải Phòng, các lực lượng chức năng bắt giữ khoảng 7 tấn ngà voi.
Đại tá Lê Thơm - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Bộ Công an).
Tình trạng nhập lậu các loài hoang dã (không có giấp phép của CITES; không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ, không qua kiểm dịch) như: chim, rùa, bò sát… qua các đường mòn, lối mở giáp ranh biên giới vận chuyển về một số thành phố lớn để bán cho các cá nhân có nhu cầu nuôi làm thú cưng, làm động vật cảnh hoặc xuất lậu trái phép đến nước thứ ba ngụy trang bằng các hàng nông, lâm, thủy sản, hàng tiêu dùng. Cùng với sự phát triển nhanh của công nghệ thông tin, tình trạng rao bán động vật hoang dã và sản phẩm động vật hoang dã trên các trang mạng xã hội, các diễn đàn mạng gây khó khăn cho cơ quan Công an trong quá trình xác minh thông tin, dữ liệu để đấu tranh, xử lý đối tượng vi phạm...
Để phòng chống và ngăn chặn kịp thời việc buôn bán động vật hoang dã, Đại tá Lê Thơm nêu quan điểm: Cần có sự phối hợp chặt chẽ, tăng cường trao đổi thông tin với các lực lượng chức năng như Kiểm lâm, Hải quan, Bộ đội biên phòng, Quản lý thị trường… để nắm bắt kịp thời các hoạt động buôn bán, nuôi nhốt, săn bắt trái phép động vật hoang dã và xây dựng kế hoạch liên ngành về tuần tra, kiểm soát để phát hiện, ngăn chặn kịp thời, hiệu quả. Tích cực trong tiếp nhận, giải quyết nguồn tin, đơn thư, phản ánh về tội phạm và vi phạm pháp luật về động vật hoang dã để giải quyết nhanh các “điểm nóng” về buôn bán, vận chuyển động vật hoang dã; cương quyết đưa ra xử lý vi phạm để có tính răn đe đối với toàn xã hội.
Theo Đại tá Lê Thơm, cần mở rộng hợp tác quốc tế với mạng lưới thực thi pháp luật hiện có như INTERPOL, ASEANAPOL, ASEAN-WEN để kết nối các cơ sở dữ liệu tội phạm và chủ động các biện pháp công tác. Tranh thủ sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế trong đào tạo, tập huấn cho cán bộ trực tiếp thi hành việc quản lý, bảo vệ động vật hoang dã tại các địa phương về kiến thức pháp lý; kỹ năng phối hợp thực hiện; các biện pháp thu thập thông tin, điều tra, xây dựng kế hoạch xử lý vi phạm; định danh loài và sản phẩm bị buôn bán trái phép và trang cấp phương tiện kỹ thuật phục vụ công tác.
Để công tác phòng chống, phát hiện các vụ việc buôn bán, săn bắt, tiêu thụ động vật hoang dã, các cơ quan, đơn vị cần tích cực tiếp nhận thông tin, đơn thư tố giác, tin báo về và các phương tiện truyền thông, cơ quan báo chí về tình trạng mua bán, vận chuyển, nuôi nhốt trái phép động vật hoang dã để xác minh, xử lý thông tin kịp thời. Phối hợp và đề nghị các đơn vị truyền thông xây dựng các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã dưới nhiều hình thức khác nhau… để thu hút được nhiều tầng lớp xã hội quan tâm vấn đề bảo vệ động vật hoang dã đồng thời có thái độ tẩy chay, ngăn chăn mạnh mẽ đối với việc sử dụng động vật hoang dã làm thực phẩm, thuốc và đồ mỹ nghệ, trang sức…
Ông Vũ Duy Văn - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ninh.
Đóng góp vào việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, ông Vũ Duy Văn - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ninh đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành chức năng tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác quản lý, xử lý vi phạm hành chính. Trước tiên, sớm ban hành các văn bản hướng dẫn, sửa đổi, bổ sung một số những nội dung còn vướng mắc, chồng chéo như đã nêu để tạo điều kiện thuận lời cho lực lượng chức năng trong thực thi công vụ. Đồng thời đề nghị sớm triển khai cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính trong toàn quốc và cơ chế quản lý, sử dụng để lưu giữ, cập nhật, trao đổi thông tin phục vụ cho việc điều tra, xác minh, áp dụng mức xử phạt khách quan, chính xác. Đặc biệt là sớm ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung.
Đối với các Bộ ngành Trung ương, đề nghị các Bộ, ngành tổ chức rà soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác quản lý, xử lý vi phạm hành chính; kịp thời sửa đổi, bổ sung, thay thế để đảm bảo phù hợp với quy định hiện hành và đảm bảo tính khả thi trong quá trình thực hiện. Bổ sung thêm nội dung quy định chi tiết về quản lý cơ sở nuôi sinh sản, sinh trưởng động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm, cụ thể: Quy định cụ thể, chi tiết về các tiêu chuẩn của chuồng trại nuôi nhốt động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm phù hợp với đặc tính của loài nuôi (diện tích, quy mô...), vệ sinh môi trường, phòng ngừa dịch bệnh. Đề nghị chỉ rõ cơ quan chuyên môn cấp tỉnh (về thẩm định điều kiện nuôi, chuồng trại, phòng ngừa dịch bệnh, môi trường) là những cơ quan nào?
Ngoài ra, ông Vũ Duy Văn cũng đề nghị các cơ quan chuyên môn của các Bộ, ban, ngành có liên quan nghiên cứu quy hoạch và định hướng phát triển nghề nuôi động vật, dự báo được thị trường và nhu cầu về các sản phẩm từ động vật, thực vật hoang dã; Xây dựng các chính sách hỗ trợ về vốn, hỗ trợ kỹ thuật phòng, trị các loại dịch bệnh đối với các loài động vật hoang dã gây nuôi cho người dân, cá nhân, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực nuôi, trồng các loài động thực vật hoang dã, nguy cấp, quý, hiếm.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Thị Lệ Thủy.
Đề cập về vai trò giám sát của các cơ quan Quốc hội trong việc thực hiện chính sách, pháp luật thực thi Công ước CITES, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Thị Lệ Thủy khẳng định: Năm 2019, Ủy ban Khoa hoc, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đã giám sát chuyên đề và báo cáo việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực thi công ước CITES tại Việt Nam. Báo cáo chỉ ra rằng, Việt Nam đã nội hóa những luật pháp quốc tế và kiện toàn khung pháp lý toàn diện về bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ động vật hoang dã, thực thi CITES đã được thể chế hóa bằng luật (Luật Lâm nghiệp). Việt Nam cũng đã thiết lập một mạng lưới rộng khắp cho việc thực thi Công ước CITES với sự tham gia của rất nhiều các cơ quan bao gồm các cơ quan nhà nước, cơ quan tư pháp và cơ quan khoa học.
Là một trong những bên ký kết sớm nhất đối với Công ước CITES, Quốc hội cam kết xây dựng một Việt Nam ngày càng vững mạnh hơn với tinh thần trách nhiệm cao trong việc thực thi Công ước. Một khía cạnh của tầm nhìn đó là từng bước xóa bỏ tội phạm buôn bán động vật hoang dã. Với sự nỗ lực của hệ thống chính trị và các đối tác quốc tế, Việt Nam sẽ phát huy những thành công đã đạt được, cải thiện công tác quản lý và thực thi pháp luật về động vật hoang dã, kiểm soát chặt chẽ để giảm thiểu nhu cầu tiêu dùng đối với các sản phẩm bất hợp pháp, và cuối cùng sẽ mang lại một Việt Nam xanh hơn cho các thế hệ tương lai./.