SỬA ĐỔI LUẬT ĐẤT ĐAI: ĐẢM BẢO ĐỒNG BỘ, THỐNG NHẤT VỚI CÁC LUẬT CÓ LIÊN QUAN

11/05/2023

Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đã được xem xét, cho ý kiến tại phiên họp thứ 23 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Nhiều ý kiến cho rằng, việc sửa đổi Luật Đất đai cần đồng bộ, thống nhất với các luật có liên quan, qua đó bảo đảm tính căn cơ, ổn định, lâu dài của hệ thống pháp luật.

ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI CHO Ý KIẾN DỰ ÁN LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI)

Bảo đảm tính căn cơ, ổn định, lâu dài của hệ thống pháp luật

Tại phiên họp thứ 23 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đã được triển khai nghiêm túc, đồng bộ, dân chủ, khoa học, công khai, minh bạch, chuyên sâu, bảo đảm thực chất và hiệu quả với nhiều hình thức đa dạng, phong phú đến tận cơ sở xã, phường, thị trấn, khu dân cư, tổ dân phố, huy động được hầu hết các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị, các giai tầng trong xã hội tham gia, thu hút được sự quan tâm đông đảo của các tầng lớp Nhân dân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, thực sự trở thành cuộc sinh hoạt chính trị sâu rộng, sự kiện chính trị - pháp lý quan trọng. Các ý kiến tham gia của Nhân dân đều thể hiện sự quan tâm sâu sắc, tâm huyết, trách nhiệm.

Theo Phó Thủ tướng Chính phủ, đã có 12.107.457 lượt ý kiến, các nội dung được Nhân dân quan tâm tập trung góp ý nhiều nhất là về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (1.227.238 lượt ý kiến); giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất (1.064.464 lượt ý kiến); tài chính đất đai, giá đất (1.035.394 lượt ý kiến); quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất (1.008.494 lượt ý kiến). Việc tiếp thu ý kiến của Nhân dân được thực hiện ngay trong quá trình lấy ý kiến. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ động phối hợp với các cơ quan có liên quan của Quốc hội, Chính phủ để nghiên cứu tiếp thu, giải trình.

Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà

Trên cơ sở ý kiến của Đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ tư, ý kiến góp ý của Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), ý kiến của Hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách (ngày 06-07/4/2023), Chính phủ đã chỉ đạo cơ quan soạn thảo phối hợp các cơ quan có liên quan hoàn thiện Báo cáo Tổng hợp ý kiến của Nhân dân, Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến Nhân dân, Báo cáo Đánh giá tác động bổ sung đối với những nội dung mới và dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) với nội dung cơ bản.

Cho ý kiến về dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu rõ, việc sửa đổi các luật, pháp lệnh để phù hợp với Luật Quy hoạch có đối tượng điều chỉnh là các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia được quy định tại Luật Quy hoạch, đồng thời xác định các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành theo quy định tại pháp luật chuyên ngành để triển khai các nội dung của các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia.

Trong khi đó, Luật Đất đai và các luật có liên quan điều chỉnh về các quan hệ pháp luật giữa các chủ thể dưới góc độ quản lý chuyên ngành khác nhau, liên hệ mật thiết với nhau, đối tượng điều chỉnh của các Luật không có quan hệ giữa “tổng thể” và “bộ phận” mà là cùng một hoạt động của tổ chức, cá nhân có sử dụng đất cùng phải chịu sự điều chỉnh bởi Luật Đất đai và các luật khác có liên quan tùy thuộc tính chất của hoạt động đó, nhưng phải “khớp” với nhau.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh

Vì vậy, việc sửa đổi Luật Đất đai và các luật khác có liên quan phải mang tính đồng bộ, tránh để tình trạng ách tắc, hoạt động của tổ chức, cá nhân bị đình trệ vì phải “chờ” quy định tại các luật khác được sửa đổi. Cũng với tinh thần đó, Quốc hội đã quyết định đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022-2023 các dự án luật có liên hệ mật thiết với dự án Luật Đất đai (sửa đổi) như dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) theo tiến độ phù hợp; các cơ quan của Quốc hội đang thẩm tra, xem xét, cho ý kiến đồng thời các dự án luật để bảo đảm sự đồng bộ của hệ thống pháp luật. Cách tiếp cận theo hướng này cũng sẽ bảo đảm tính căn cơ, ổn định, lâu dài đối với hệ thống pháp luật; phân định rõ ràng, rành mạch phạm vi và đối tượng điều chỉnh của từng dự án luật có liên quan đến Luật Đất đai.

Sửa đổi Luật Đất đai đảm bảo thống nhất với các luật liên quan

Cùng tham gia ý kiến về tính thống nhất của luật Đất đai với các luật khác trong hệ thống pháp luật, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Hồng Nguyên cho biết, về quyền sử dụng hạn chế thửa đất liền kề, Điều 31, điểm k khoản 1 Điều 129 của dự thảo Luật quy định về quyền sử dụng hạn chế thửa đất liền kề. Trong khi đó, Bộ luật Dân sự năm 2015 đã có cách tiếp cận mới về quyền này so với quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005 và quy định rộng hơn là quyền đối với bất động sản liền kề. Nhận thấy giữa dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và Bộ luật Dân sự năm 2013 còn chưa có sự thống nhất, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, chỉnh lý dự thảo Luật cho phù hợp với Bộ luật Dân sự về tên gọi của quyền và việc liệt kê các quyền.

Điều 210 của dự thảo Luật quy định về đất xây dựng công trình ngầm, công trình trên không, trong đó đã tách biệt được quyền của người sử dụng đất đối với phần không gian ngầm, không gian trên không (khoản 2) và quyền của Nhà nước đối với phạm vi ngoài phần không gian này (khoản 3). Tuy nhiên, để hoàn thiện hơn nữa quy định tại Điều 210, đồng thời bảo đảm phù hợp với tính chất của quyền bề mặt trong Bộ luật Dân sự và tính khả thi khi thực hiện quyền, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị tiếp tục nghiên cứu quy định tại điểm a khoản 7 Điều 210 theo hướng Chủ đầu tư dự án xây dựng công trình ngầm được cấp Giấy chứng nhận đối với phần không gian phục vụ xây dựng công trình ngầm và được thực hiện quyền của người sử dụng phần không gian đó theo quy định của Bộ luật Dân sự, Luật này và luật khác có liên quan.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Hồng Nguyên

Bên cạnh đó, về mối quan hệ với dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết, khoản 2 Điều 115 và Điều 153 của dự thảo Luật không quy định giao đất không thu tiền sử dụng đất cho nhà ở công vụ mà chỉ miễn, giảm tiền sử dụng đất; tuy nhiên khoản 5 Điều 42 của dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) quy định: “Nhà nước không thu tiền sử dụng đất đối với diện tích đất được sử dụng để xây dựng nhà ở công vụ theo quy định tại Điều này.”. Đại biểu đề nghị quy định thống nhất giữa 02 dự thảo Luật.

Cùng đóng góp ý kiến về sự thống nhất trong hệ thống pháp luật, báo cáo tham gia thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách có nêu, khoản 2 Điều 149 dự thảo Luật quy định “Việc điều tiết nguồn thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất giữa Trung ương và địa phương thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước”.

Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách nhất trí với chủ trương mới này vì Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban chấp hành Trung ương về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao” đã quy định chính sách tài chính về đất đai như sau: “có cơ chế điều tiết hợp lý, hiệu quả nguồn thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất giữa Trung ương và địa phương;...”. Qua tình hình thu ngân sách địa phương trong những năm gần đây, khoản thu từ đất có xu hướng tăng lớn so với dự toán. Điều này đã tạo thêm nguồn lực cho địa phương để đầu tư phát triển bên cạnh nguồn lực mà ngân sách trung ương hỗ trợ. Thực tế hiện nay, nguồn thu của ngân sách trung ương đang giảm dần, ảnh hưởng đến vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương bảo đảm những nhiệm vụ chi quốc gia trong thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.

Các đại biểu nghiên cứu tài liệu tại phiên họp

Việc quy định mới như Dự thảo Luật sẽ điều tiết nguồn thu từ đất về ngân sách trung ương theo đó sẽ giảm gánh nặng cho ngân sách trung ương trong hỗ trợ cho những địa phương, khu vực khó khăn. Tuy nhiên, đây là nội dung mới nhằm thể chế hoá Nghị quyết 18-NQ/TW của Trung ương, do đó việc dẫn chiếu theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước như Dự thảo Luật sẽ tạo khoảng trống pháp lý trong khi Luật Ngân sách nhà nước chưa được sửa đổi. Do đó, Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị quy định 01 điều hoặc 01 khoản để sửa đổi Luật Ngân sách nhà nước ngay trong điều khoản thi hành của Luật này để đảm bảo nội dung trên sẽ được thực thi ngay khi Luật Đất đai (sửa đổi) có hiệu lực.

Ngoài ra, về việc sửa đổi Luật Ngân sách nhà nước đối với điều tiết nguồn thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất giữa Trung ương và địa phương, Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị làm rõ một số nội dung, cụ thể như: đối với thời kỳ ổn định ngân sách 2021-2025 thì các khoản thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất sẽ được tính tỷ lệ phân chia như thế nào khi Luật Đất đai (sửa đổi) có hiệu lực từ năm 2024. Với việc tính tỷ lệ phần trăm phân chia các khoản thu, đề nghị đưa khoản thu này vào việc tính số bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương để đảm bảo công khai, công bằng, minh bạch trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước.

Minh Hùng