CẦN DUY TRÌ NGUYÊN TẮC “NƠI Ở MỚI PHẢI TỐT HƠN NƠI Ở CŨ”

13/05/2023

Tham gia đóng góp ý kiến hoàn thiện dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị cần duy trì nguyên tắc “nơi ở mới phải tốt hơn nơi ở cũ”. Đây vừa là vấn đề chính sách đối với người dân bị thu hồi đất để phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng; vừa là nguyên tắc để quá trình thực hiện việc di dời, tái định cư đảm bảo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm quyền và lợi ích của người dân.

HỘI THẢO “BẢO ĐẢM TÍNH ĐỒNG BỘ, THỐNG NHẤT CỦA DỰ THẢO LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI) VỚI HỆ THỐNG PHÁP LUẬT”

Thực hiện Nghị quyết số 671/NQ-UBTVQH15, tại Nghị quyết số 170/NQ-CP ngày 31/12/2022, Chính phủ đã ban hành Kế hoạch tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân được thực hiện từ ngày 03/01/2023 đến ngày 15/3/2023. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đăng tải nội dung dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và các tài liệu liên quan trên website lấy ý kiến Nhân dân (luatdatdai.monre.gov.vn). 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đều ban hành Kế hoạch tổ chức lấy ý kiến Nhân dân. Nhiều bộ, ngành mặc dù Nghị quyết số 170/NQ-CP không yêu cầu nhưng cũng đã ban hành Kế hoạch lấy ý kiến Nhân dân để triển khai trong bộ, ngành mình.

Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà

Theo đó, Chính phủ đã chỉ đạo tổ chức nhiều hoạt động để đẩy nhanh tiến độ và bảo đảm chất lượng lấy ý kiến như: tổ chức các đoàn công tác kiểm tra, đôn đốc việc triển khai lấy ý kiến Nhân dân, đồng thời tiếp nhận các ý kiến góp ý trực tiếp của các địa phương đại diện cho các vùng, miền có tính đặc thù. Cơ quan chủ trì soạn thảo đã chủ trì, phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội đồng Dân tộc, Ủy ban Kinh tế và một số Ủy ban khác của Quốc hội; Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung ương Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, các Bộ, ngành, địa phương và các tổ chức có liên quan để tổ chức các Hội nghị lấy ý kiến Nhân dân

Để bảo đảm tính chặt chẽ, phù hợp và có tính khả thi cao của dự án Luật, Thường trực Ủy ban Xã hội tiếp tục có một số nội dung góp ý về một số nội dung trong dự thảo luật. Cụ thể, về hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất (Điều 103), Dự thảo Luật quy định các quy định về hỗ trợ hướng tới các cá nhân bị ảnh hưởng khi nhà nước thu hồi đất mà chưa tính đến việc hỗ trợ các cơ sở xã hội tổ chức hoạt động phi lợi nhuận (như các tổ chức giúp người khuyết tật, người già, trẻ em, cơ sở cai nghiện…).

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh

Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị, Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu bổ sung quy định để bảo đảm lợi ích của nhóm đối tượng này, đồng thời, bổ sung chính sách hỗ trợ đối với có công với cách mạng, người cao tuổi, người khuyết tật, phụ nữ đơn thân nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi, trẻ em thuộc diện đối tượng bảo trợ xã hội.

Về hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề, tìm kiếm việc làm cho hộ gia đình, cá nhân khi Nhà nước thu hồi đất (Điều 104), khoản 2 và khoản 3 sử dụng cụm từ “trong độ tuổi lao động”:  Theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Luật Việc làm quy định: “Người lao động là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên, có khả năng lao động và có nhu cầu làm việc”; khoản 1 Điều 3 Bộ luật Lao động có quy định: “Độ tuổi lao động tối thiểu của người lao động là đủ 15 tuổi, trừ trường hợp quy định tại Mục 1 Chương XI của Bộ luật này”.

Như vậy, không có khái niệm “trong độ tuổi lao động”, hơn nữa, việc quy định như dự thảo Luật sẽ hạn chế quyền được hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và giải quyết việc làm của lao động là người cao tuổi, đặc biệt là trong bối cảnh già hóa dân số. Do vậy, Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bỏ cụm từ “trong độ tuổi lao động” để bảo đảm phù hợp với khoản 1 Điều 3 của Bộ luật Lao động.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Đất đai (sửa đổi)

Điểm a khoản 1, Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị không nên quy định chỉ hộ gia đình “trực tiếp sản xuất” vì thực tế nhiều người sử dụng đất, có đất do được tặng cho, thừa kế… nhưng không sản xuất, những đối tượng này mặc nhiên bị loại trừ, mất quyền sử dụng đất là không phù hợp. Đề nghị quy định Quỹ hỗ trợ giảm thiểu khó khăn cho người bị thu hồi đất tại khoản 5.

Về những vấn đề liên quan đến tái định cư/ nơi ở mới, Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị cần duy trì nguyên tắc “nơi ở mới phải tốt hơn nơi ở cũ”. Đây vừa là vấn đề chính sách đối với người dân bị thu hồi đất để phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng; vừa là nguyên tắc để quá trình thực hiện việc di dời, tái định cư đảm bảo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm quyền và lợi ích của người dân.

Cùng với quy định như trên, Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị bổ sung các quy định về tiêu chí, tiêu chuẩn có thể đo lường được để đáng giá về diều kiện kiện và cơ hội đối với người dân ở khu tái định cư (như diện tích đất hay nhà ở/1 người, giao thông và liên kết giao thông, điện, nước, môi trường cảnh quan); cùng với việc đánh giá các thay đổi liên quan đến phong tục tập quán, đặc trưng văn hóa và khả năng khắc phục những thay đổi này ở nơi ở mới. Đề nghị quy định cụ thể cơ quan nào có thẩm quyền xác định, đánh giá về điều kiện của nơi ở mới; đồng thời nên cân nhắc có quy định về việc tham gia của cộng đồng dân cư đối với việc đánh giá này, tránh bị áp đặt một chiều.

Bên cạnh đó, về lập và thực hiện dự án tái định cư (Điều 105), Khoản 3 quy định lựa chọn tái định cư là không phù hợp, cần có quy định bắt buộc phải bố trí tái định cư tại địa bàn của xã, phường, thị trấn nơi có đất bị thu hồi. Trường hợp xã, phường, thị trấn không có đất để bố trí tái định cư thì mới bố trí sang xã, phường, thị trấn khác. Quy định này không bảo đảm tính khả thi, chỉ phù hợp trong trường hợp bố trí đối với các dự án liên tỉnh, liên vùng còn các trường hợp khác thì rất khó bố trí, liên quan đến quy hoạch.

Nguyên tắc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất (khoản 5 Điều 86 và khoản 2 Điều 105): Việc hỗ trợ, tái định cư nên được xem xét ở ngưỡng phù hợp, tái định cư cần tính đến phong tục, tập quán của từng vùng miền. Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị, Cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đối với nhà ở tái định cư.

Ngoài ra, về bố trí tái định cư cho người có đất ở thu hồi mà phải di chuyển chỗ ở (Điều 106), khoản 1 bổ sung nguyên tắc hộ được bồi thường đất theo khoản 1 Điều 93 thì không được bố trí tái định cư để tránh hưởng theo 2 quyền lợi. Khoản 4 chỉ mới quy định ưu tiên vị trí thuận lợi khi bố trí tái định cư, đề nghị bổ sung quy định về ưu tiên giao hoặc thuê đất cho một số đối tượng người có công với cách mạng và thân nhân của người có công trong dự thảo Luật.

Minh Hùng