KIÊN QUYẾT CHỐNG TIÊU CỰC, “LỢI ÍCH NHÓM” TRONG CÔNG TÁC XÂY DỰNG PHÁP LUẬT

20/05/2023

Trước tình trạng hệ thống pháp luật còn chưa thống nhất, chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu thực tiễn, TS.Nguyễn Khắc Định – Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng cần khắc phục tình trạng luật thiếu tính ổn định, chậm ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành. Đồng thời tang cường kiểm tra, giám sát, xử lý văn bản quy phạm pháp luật trái pháp luật; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, kiên quyết chống tiêu cực, “lợi ích nhóm” trong công tác xây dựng pháp luật.

TIẾP TỤC XÂY DỰNG VÀ HOÀN THIỆN NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN XHCN VIỆT NAM TRONG GIAI ĐOẠN MỚI

Hệ thống pháp luật chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu thực tiễn

Tại Hội nghị “Bồi dưỡng, cập nhật kiến thức dành cho đại biểu Quốc hội” TS.Nguyễn Khắc Định - Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, hiện nay, hệ thống pháp luật đã được hoàn thiện một bước cơ bản, đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, công khai, minh bạch, dễ tiếp cận, phù hợp, khả thi để kịp thời điều chỉnh toàn diện các quan hệ xã hội, đáp ứng yêu cầu của công cuộc đổi mới, phục vụ kiến tạo phát triển và hội nhập quốc tế sâu rộng. Cơ chế kiểm soát, bảo đảm việc tuân thủ Hiến pháp và pháp luật trong tổ chức, hoạt động của các cơ quan nhà nước đã được thiết lập, ngày càng hoàn thiện. Vai trò của pháp luật và việc thực thi pháp luật được chú trọng trong tổ chức, hoạt động của Nhà nước và xã hội. Công tác tổ chức, thi hành pháp luật đã có nhiều đổi mới, bảo đảm gắn kết chặt chẽ hơn với công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được trên vẫn còn tồn tại một số hạn chế, bất cập. Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, hệ thống pháp luật còn chưa thống nhất, chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu thực tiễn, tính ổn định, tính minh bạch và tính dự báo trên một số lĩnh vực chưa cao. Một số quyền con người, quyền công dân quy định trong Hiến pháp năm 2013 chưa được cụ thể hóa bằng pháp luật để bảo vệ và bảo đảm thực hiện; trách nhiệm của một số cơ quan nhà nước trong việc tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân chưa được thực hiện nghiêm túc. Cơ chế giám sát và bảo đảm tuân thủ Hiến pháp chưa hoàn thiện.

TS.Nguyễn Khắc Định - Phó Chủ tịch Quốc hội

Mặt khác, việc tổ chức thực hiện pháp luật vẫn là khâu yếu, nhiều tồn tại, hạn chế, chậm được khắc phục. Thượng tôn Hiến pháp và pháp luật chưa thực sự trở thành thói quen ứng xử phổ biến trong xã hội, kể cả trong một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức. Thi hành pháp luật có lúc, có nơi còn chưa nghiêm, chưa nhất quán đã làm ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, tác động xấu đến tăng trưởng và phát triển kinh tế, gây khó khan trong việc bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội. Mức độ hài lòng của Nhân dân, doanh nghiệp đối với hoạt động của đội ngũ cán bộ, công chức nói riêng và của bộ máy nhà nước nói chung chưa cao. Tham nhũng, lãng phí trên một số lĩnh vực, địa bàn vẫn còn nghiêm trọng, phức tạp, với những biểu hiện ngày càng tinh vi, gây bức xúc trong xã hội.

Kiên quyết chống tiêu cực, “lợi ích nhóm” trong công tác xây dựng pháp luật

Trước một số hạn chế, bất cập trên, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định lưu ý cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật và cơ chế tổ chức thực hiện pháp luật nghiêm minh, hiệu quả, bảo đảm yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững. Theo đó, xây dựng hệ thống pháp luật dân chủ, công bằng, nhân đạo, đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, công khai, minh bạch, ổn địn, khả thi, dễ tiếp cận, đủ khả năng điều chỉnh các quan hệ xã hội, lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, tổ chức, doanh nghiệp làm trung tâm, thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật trên tất cả các lĩnh vực, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc, khơi dậy, phát huy mọi tiềm năng và nguồn lực, tạo động lực mới cho phát triển nhanh và bền vững của đất nước.

Bên cạnh đó, tiếp tục đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật, bảo đảm chuyên nghiệp, khoa học, kịp thời, khả thi, hiệu quả. Quy định rõ hơn quy trình xây dựng chính sách, phân định rõ quy trình lập pháp và quy trình xây dựng văn bản dưới luật. Phát huy tính năng động, sáng tạo, tích cực, vai trò, trách nhiệm của các chủ thể, đặc biệt là Chính phủ trong quy trình lập pháp.

Quang cảnh Hội nghị

Xác định đúng, rõ các cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật, hạn chế đến mức thấp nhất sử dụng hình thức pháp lệnh để ban hành quy phạm pháp luật; luật hóa đến mức tối đa những vấn đề quan trọng của đất nước thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội. Tăng cường xây dựng các đạo luật có nội dung cụ thể, hiệu lực trực tiếp; khắc phục tình trạng luật thiếu tính ổn định, chậm ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành. Tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý văn bản quy phạm pháp luật trái pháp luật; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm, nhất là trách nhiệm người đứng đầu và kiên quyết chống tiêu cực, “lợi ích nhóm” trong công tác xây dựng pháp luật.

Ngoài ra, tiếp tục đổi mới công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Xây dựng mạng lưới, nâng cao năng lực của hệ thống dịch vụ pháp lý, trợ giúp pháp lý và hỗ trợ pháp lý để người dân và doanh nghiệp dễ tiếp cận pháp luật. Đổi mới cơ chế thi hành pháp luật, gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng pháp luật với thực hiện pháp luật, bảo đảm pháp luật được thực hiện công bằng, nghiêm minh, nhất quán, kịp thời, hiệu lực, hiệu quả.

Đồng thời, phát triển nguồn nhân lực pháp luật, hiện đại hóa phương thức, phương tiện xây dựng pháp luật và tổ chức thực hiện pháp luật. Củng cố, kiện toàn tổ chức pháp chế, tổ chức làm công tác pháp luật; nâng cao năng lực, trình độ, bản lĩnh chính trị của đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác xây dựng và thi hành pháp luật. Phát triển khoa học pháp lý, nâng cao chất lượng các cơ sở nghiên cứu và đào tạo pháp luật.

Để thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trên, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, cần thể chế hoá đầy đủ, kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; hoàn thiện hệ thống pháp luật và cơ chế tổ chức thực hiện pháp luật nghiêm minh, hiệu quả, bảo đảm yêu cầu phát triển đất nước nhanh, bền vững. Để triển khai các nhiệm vụ này, ngày 10/02/2023, Đảng đoàn Quốc hội đã ban hành Kế hoạch số 1392-KH/TW, trong đó xác định rõ mục đích, yêu cầu, các nhiệm vụ trọng tâm, tiến độ và phân công trách nhiệm của các cơ quan, cá nhân đối với từng nhiệm vụ./.

Minh Thành