Sáng 23/5, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội thảo luận về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.
Theo Tờ trình do Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày, đối với 03 dự án luật đã được Quốc hội khóa XIV cho ý kiến, bao gồm: Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Luật Đường bộ; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Chính phủ đề nghị bổ sung vào Chương trình năm 2023 và đã trình hồ sơ đầy đủ của 03 dự án.
Tại phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 4/2023, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét việc đề nghị Quốc hội cho bổ sung vào Chương trình năm 2023 đối với 03 dự án luật và nhận thấy, Chính phủ đã nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu, giải trình đầy đủ ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị, ý kiến của các cơ quan hữu quan và ý kiến của đại biểu Quốc hội khóa XIV, làm rõ cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn, sự cần thiết ban hành và nội dung chính của 03 dự án luật. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành trình Quốc hội xem xét, quyết định bổ sung 03 dự án luật này vào Chương trình năm 2023 và thống nhất với đề xuất của Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5, thông qua tại kỳ họp thứ 6 đối với dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày Tờ trình về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023
Thảo luận về nội dung này, đại biểu Thái Thị An Chung – Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An bày tỏ, đồng tình với việc bổ sung trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 và thông qua tại kỳ họp thứ 6 dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở. Theo đại biểu, việc xây dựng và ban hành dự luật là cần thiết nhằm xác định rõ địa vị pháp lý của lực lượng bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở. Đồng thời, sắp xếp, bố trí lực lượng này theo hướng thống nhất, đồng bộ, tinh gọn đầu mối để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động.
Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Xuân – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk cho biết, đây là dự án luật đã được Quốc hội khóa XIV kỳ họp thứ 10 xem xét, cho ý kiến tại Tờ trình số 476. Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với đề xuất của Chính phủ trình Quốc hội cho bổ sung dự án luật này vào chương trình năm 2023 để trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ thứ 5 và thông qua tại kỳ thứ 6.
Qua nghiên cứu các tài liệu có liên quan, đại biểu tỉnh Đắk Lắk cho rằng, việc Chính phủ tiếp tục trình Quốc hội xem xét, quyết định việc đưa dự án luật này vào chương trình năm 2023 là có cơ sở.
Đại biểu Nguyễn Thị Xuân – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk
Theo đại biểu, dự án luật nhằm kịp thời thể chế hóa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là nội dung tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý, cơ chế, chính sách về xây dựng lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở được nêu tại Nghị quyết 12 của Bộ Chính trị, phù hợp với Kế hoạch 81 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc nghiên cứu, xây dựng dự án luật này, đồng thời lực lượng này được thành lập theo hướng sắp xếp, kiện toàn thống nhất hai lực lượng là bảo vệ dân phố ở khu vực đô thị, công an xã bán chuyên trách khu vực nông thôn và các chức danh đội trưởng, đội phó, dân phòng sẽ bảo đảm sự tinh gọn, đúng yêu cầu của Nghị quyết 18 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII.
Bên cạnh đó, việc xây dựng và ban hành dự luật cũng phù hợp với các quy định của Hiến pháp về bảo đảm quyền con người, quyền công dân, trong đó có quy định tại Điều 47; Đáp ứng yêu cầu thực tiễn về đảm bảo an ninh trật tự ở cơ sở nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự tại địa bàn cơ sở trong tình hình mới.
Cũng theo đại biểu, trong thời gian vừa qua, dự án luật này đã được Chính phủ tích cực, nghiêm túc và cầu thị trong việc nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội khóa XIV và ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị để chỉnh lý, hoàn thiện, chuẩn bị hồ sơ đề nghị xây dựng luật đảm bảo theo đúng yêu cầu của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Dự án luật cũng đã được Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội xem xét cho ý kiến nhiều lần.
Ngoài ra, hiện nay lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự tại cơ sở là lực lượng đang có, được xây dựng và hoạt động có bề dày lịch sử, là lực lượng gần dân, sát dân và cũng cần thiết phải có một luật để điều chỉnh kịp thời, tạo cơ sở pháp lý để lực lượng này tiếp tục tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở địa bàn cơ sở.
“Với những lý do nêu trên, tôi cho rằng dự án luật đã được các cơ quan chuẩn bị kỹ lưỡng, có đầy đủ cơ sở chính trị, có căn cứ pháp lý khoa học, rõ ràng. Vì vậy, đề nghị Quốc hội cho bổ sung dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở vào chương trình năm 2023, trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 5 và trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 6”, đại biểu Nguyễn Thị Xuân – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk nhấn mạnh.
Trước đó, tại một số hội thảo, tọa đàm góp ý vào dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, nhiều ý kiến chuyên gia cũng bày tỏ tán thành cao với sự cần thiết xây dựng và ban hành dự án luật.
PGS.TS Nguyễn Thị Hoan - Trưởng khoa Quản lý hành chính, Học viện Cảnh sát nhân dân
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Hoan - Trưởng khoa Quản lý hành chính, Học viện Cảnh sát nhân dân, việc sớm ban hành Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là cần thiết. Đây là 1 văn bản Luật có giá trị cao, tuy nhiên chưa quy định cụ thể Công an xã bán chuyên trách và bảo vệ dân phố sẽ đảm nhiệm chức danh nào trong Tổ bảo vệ an ninh, trật tự.
PGS.TS Nguyễn Thị Hoan đề xuất, nên cân nhắc sửa tên gọi Tổ bảo vệ an ninh, trật tự thành Tổ bảo an hoặc Tổ trị an để Nhân dân dễ nhớ, dễ gọi tên đồng thời vẫn đưa ra đầy đủ các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn liên quan đến tên gọi này. Ngoài ra, cần chỉ ra rõ ràng hơn mối quan hệ giữa Tổ bảo vệ an ninh, trật tự với Công an cấp xã và lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy vì có sự đồng nhất giưa chức danh Đội trưởng, đội phó Đội dân phòng và Tổ trưởng, phó tổ trưởng Tổ bảo vệ an ninh, trật tự.
Đồng tình với sự cần thiết phải xây dựng và ban hành dự luật, TS. Nguyễn Thị Ngọc Linh - Học viện Hành chính Quốc gia nhấn mạnh, cơ quan chủ trì soạn thảo đã rất nỗ lực, làm việc nghiêm túc, thận trọng trong quá trình soạn thảo Dự án Luật nhằm hướng đến việc tăng cường, hoàn thiện quy chế pháp lý của Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của đội ngũ này để hỗ trợ hoạt động bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở trong thời gian tới.
Tuy nhiên, để đảm bảo ý nghĩa và hoàn thiện hơn nữa Dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, TS. Nguyễn Thị Ngọc Linh kiến nghị Ban soạn thảo nên cân nhắc, tiếp tục điều chỉnh một số nội dung và kỹ thuật lập pháp trong Dự thảo.
Khẳng định Luật Lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở có tầm quan trọng rất lớn và là khuôn khổ để cho lực lượng này hoạt động, các chuyên gia cũng lưu ý, cần rà soát, nghiên cứu kỹ lưỡng những quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ của lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở để dự án Luật khi được thông qua sẽ phát huy hiệu quả trong thực tiễn thi hành./.