TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIỀU 23/5: QUỐC HỘI THẢO LUẬN MỘT SỐ NỘI DUNG CÒN Ý KIẾN KHÁC NHAU CỦA DỰ ÁN LUẬT GIÁ (SỬA ĐỔI)

23/05/2023

Chiều 23/5, tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 5, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội nghe Tờ trình, báo cáo về việc giao danh mục và mức vốn cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH; giao, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 và phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2023 của chương trình mục tiêu quốc gia; Thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Giá (sửa đổi).

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG 23/5: QUỐC HỘI THẢO LUẬN DỰ KIẾN CHƯƠNG TRÌNH XÂY DỰNG LUẬT, PHÁP LỆNH NĂM 2024, ĐIỀU CHỈNH CHƯƠNG TRÌNH XÂY DỰNG LUẬT, PHÁP LỆNH NĂM 2023

Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV

Theo đó, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội sẽ nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình; Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội trình bày Báo cáo thẩm tra về việc giao danh mục và mức vốn cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; giao, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 và phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2023 của chương trình mục tiêu quốc gia.

Tiếp đó, trước khi tiến hành thảo luận, Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Giá (sửa đổi).

14h00: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp

Điều hành nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội sẽ nghe trình bày Tờ trình, Báo cáo thẩm tra việc giao danh mục và mức vốn cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; giao, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 và phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2023 của chương trình mục tiêu quốc gia. Tiếp đó, Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về dự án Luật Giá (sửa đổi). Phiên họp được truyền hình trực tiếp qua Truyền hình Quốc hội Việt Nam.

14h01: Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày Tờ trình

Trình bày Tờ trình về việc giao danh mục và mức vốn cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; giao, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 và phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2023 của Chương trình mục tiêu quốc gia, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, về số vốn còn lại của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, tại Nghị quyết số 43/2022/QH15, Quốc hội đã quyết nghị tăng chi từ nguồn NSNN tối đa 176 nghìn tỷ đồng, thực hiện chủ yếu trong 2 năm 2022 và 2023 để hỗ trợ, đầu tư các nhiệm vụ, dự án trong từng ngành, lĩnh vực. 

Căn cứ các kết luận của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đã giao kế hoạch đầu tư vốn NSTW của Chương trình là 161.848,315 tỷ đồng. Số vốn còn lại chưa phân bổ là 14.151,685 tỷ đồng. 

Về khả năng giải ngân vốn của Chương trình, Bộ trưởng cho biết, kế hoạch vốn NSTW năm 2023 đã được Quốc hội quyết nghị là 338.415 tỷ đồng, trong đó bố trí cho các nhiệm vụ, dự án của Chương trình là 137.844 tỷ đồng. Phần lớn các dự án thuộc Chương trình là dự án khởi công mới, khó có thể giải ngân hết số vốn được giao trong năm 2023. Trong khi đó, một số nhiệm vụ, dự án thuộc Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của các bộ, địa phương có nhu cầu bổ sung nguồn vốn để đẩy nhanh tiến độ, sớm đưa vào khai thác sử dụng. Do đó, việc điều hòa linh hoạt giữa kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và kế hoạch vốn thuộc Chương trình là hết sức quan trọng, cấp thiết.

Bộ trưởng cho biết, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự giám sát và đồng hành của Quốc hội, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, việc thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025, Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH đã tạo ra không gian phát triển mới, động lực mới, năng lực mới cho các ngành, lĩnh vực, các địa phương, góp phần quan trọng trong thúc đẩy tăng trưởng, phục hồi và phát triển kinh tế.

Tuy nhiên, việc hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án, việc phân bổ vốn vẫn còn chậm so với yêu cầu của Quốc hội tại Nghị quyết số 69/2022/QH15 có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó nguyên nhân chủ quan là chủ yếu.

Bộ trưởng kiến nghị Quốc hội giao Chính phủ chỉ đạo các địa phương rà soát, cân đối vốn NSNN để thu hồi toàn bộ số vốn ứng trước còn lại chưa được báo cáo, thu hồi theo quy định của pháp luật. Trên cơ sở đề nghị của địa phương, Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn NSTW giai đoạn 2021-2025, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh giao kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn NSĐP giai đoạn 2021-2025 để thu hồi vốn ứng trước của từng nhiệm vụ, dự án. Chính phủ báo cáo Quốc hội kết quả thu hồi ứng trước vào cuối kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

14h21: Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội - Lê Quang Mạnh trình bày Báo cáo thẩm tra về việc giao danh mục và mức vốn cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; giao, điều chỉnh, bổ sung KHĐTCTH vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 và phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2023 của CTMTQG

Trình bày Báo cáo thẩm tra về việc giao danh mục và mức vốn cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; giao, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn (KHĐTCTH) vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 và phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2023 của chương trình mục tiêu quốc gia, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh nhận thấy, việc Chính phủ rà soát, hoàn thiện Tờ trình về phương án phân bổ vốn Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, KHĐTCTH giai đoạn 2021-2025 và CTMTQG để trình Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV là cần thiết, theo đúng kết luận của UBTVQH và đúng thẩm quyền của Quốc hội. 

Ủy ban Tài chính, Ngân sách (TCNS) cho rằng, Chính phủ tổng hợp trình UBTVQH chậm, không đảm bảo quy định về thời hạn trình để các cơ quan của Quốc hội tiến hành thẩm tra và UBTVQH xem xét, cho ý kiến “trước ngày 31/3/2023” theo quy định tại Nghị quyết số 69 và Nghị quyết số 70/2022/QH15 của Quốc hội. Đề nghị Chính phủ rút kinh nghiệm và giải trình làm rõ nguyên nhân chủ quan, trách nhiệm đơn vị, tổ chức, cá nhân, nhất là trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tình trạng trên và báo cáo Quốc hội.

Về giao danh mục, mức vốn cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển KTXH (đợt 3), Chính phủ kiến nghị trình Quốc hội xem xét, quyết định phân bổ, giao danh mục sử dụng vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với tổng số là 13.369,468 tỷ đồng đối với 45 dự án đã hoàn thiện thủ tục đầu tư theo quy định, đủ điều kiện giao kế hoạch vốn.

Đa số ý kiến Ủy ban TCNS nhất trí việc rà soát, bố trí vốn đối với các dự án đã đủ thủ tục đầu tư, bảo đảm nguyên tắc theo quy định tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội. Đồng thời kiến nghị Chính phủ rà soát, hoàn thiện danh mục nhiệm vụ, dự án được phân bổ vốn, bảo đảm đúng thời hạn thực hiện và giải ngân vốn của Chương trình theo quy định của Nghị quyết số 43.

Liên quan đến phân bổ, giao KHĐTCTH nguồn vốn NSTW giai đoạn 2021-2025, Chính phủ kiến nghị phân bổ, giao KHĐTCTH vốn NSTW giai đoạn 2021-2025 là 87.359,227 tỷ đồng, trong đó: 80.590,227 tỷ đồng cho 4 nhiệm vụ, 180 dự án đã đáp ứng đủ điều kiện, hoàn thiện thủ tục đầu tư trước ngày 31/3/2023 và 6.769 tỷ đồng cho các 02 dự án Bộ Quốc phòng đã hoàn thiện thủ tục đầu tư sau ngày 31/3/2023.

Ủy ban TCNS nhất trí với đề xuất của Chính phủ, trình Quốc hội phân bổ kế hoạch vốn cho các dự án đã hoàn thiện thủ tục đầu tư, bảo đảm nguyên tắc, tiêu chí theo quy định của Luật Đầu tư công và Nghị quyết của Quốc hội. Tuy nhiên đề nghị lưu ý: Số vốn 24.594,3 tỷ đồng vốn bố trí cho 03 dự án quan trọng quốc gia, 01 dự án đường cao tốc đã được dự kiến phân bổ trong tổng số vốn KHĐTCTH vốn NSTW giai đoạn 2021-2025 của Bộ Giao thông vận tải.

Về phân bổ 444,407 tỷ đồng còn lại của CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi bố trí cho Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban TCNS nhất trí kiến nghị Quốc hội cho phép phân bổ đối với khoản vốn này, nhằm tạo điều kiện để thực hiện hiệu quả CTMTQG.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh cũng nhất trí đề xuất của Chính phủ, trình Quốc hội cho phép điều chỉnh KHĐTCTH vốn NSTW giai đoạn 2021-2025 trong nội bộ của bộ, cơ quan trung ương và địa phương.

Liên quan đến việc thu hồi vốn ứng trước NSTW trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, Ủy ban TCNS đề nghị Chính phủ rà soát kỹ, chịu trách nhiệm về số liệu cụ thể và xác định rõ trách nhiệm và xử lý trách nhiệm đối với các Bộ, địa phương và làm rõ căn cứ pháp lý để xử lý các tồn đọng này báo cáo Quốc hội theo quy định của pháp luật và các Nghị quyết của Quốc hội.

Về phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư vốn NSTW năm 2023 của CTMTQG, Chính phủ kiến nghị phân bổ 1.208,188 tỷ đồng kế hoạch đầu tư vốn năm 2023 còn lại của CTMTQG. Đa số ý kiến Ủy ban TCNS nhất trí trình Quốc hội phương án phân bổ số vốn này. Tuy nhiên đề nghị Chính phủ rút kinh nghiệm, phân bổ vốn sớm để có cơ sở thực hiện, đảm bảo khả năng giải ngân sớm.

Về việc điều hòa linh hoạt giữa KHĐTCTH giai đoạn 2021-2025 và kế hoạch vốn thuộc Chương trình phục hồi và phát triển KTXH, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh đề nghị Chính phủ tiếp tục quyết liệt triển khai thực hiện, bảo đảm đúng thời hạn thực hiện và giải ngân vốn của Chương trình theo quy định của Nghị quyết số 43, Luật Đầu tư công và đánh giá kỹ lưỡng tình hình thực hiện, các khó khăn, vướng mắc.

14h41: Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Giá (sửa đổi)

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Giá (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết, dự thảo Luật đã loại bỏ các quy định gây vướng mắc, tạo sự minh bạch trong quản lý nhà nước về giá, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, phù hợp với thông lệ quốc tế. Chỉnh lý, hoàn thiện theo hướng quy định rõ hơn nữa nguyên tắc thị trường trong quản lý giá, nguyên tắc định giá của Nhà nước; làm rõ quyền của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trong việc tự định giá hàng hóa, dịch vụ của mình. 

Dự thảo Luật cũng quy định cụ thể trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quản lý giá; quy định đúng bản chất hoạt động thẩm định giá; trách nhiệm pháp lý của các bên trong thực hiện; giá trị pháp lý của các kết luận, chứng thư; các quy định khác đã được hoàn thiện trên cơ sở tiếp thu ý kiến các vị đại biểu Quốc hội. Đến nay, dự thảo Luật cơ bản thể hiện ý kiến đa số các vị đại biểu Quốc hội, bảo đảm tính khả thi, minh bạch trong quản lý nhà nước về giá, tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, phù hợp với thông lệ quốc tế. 

Về áp dụng pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan có trách nhiệm rà soát kỹ; nghiên cứu các luật và các dự thảo Luật liên quan, chỉnh lý Điều 3 nhằm bảo đảm bao quát về phạm vi điều chỉnh, tuyệt đối không tạo khoảng trống pháp lý; bảo đảm tính thống nhất với pháp luật liên quan; tuân thủ nguyên tắc áp dụng luật theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Đối với một số lĩnh vực đặc thù như đất đai, sở hữu trí tuệ, điện, học phí, dịch vụ giáo dục, dịch vụ khám chữa bệnh, nhà ở, dự thảo Luật đã quy định rõ những vấn đề được thực hiện theo pháp luật chuyên ngành. Nội dung này được thể hiện tại khoản 4 Điều 3 của dự thảo Luật và Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá...

Đối với thẩm quyền quyết định Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá, dự thảo Luật giữ như quy định của Luật hiện hành, Quốc hội quyết định Danh mục. Trường hợp cần điều chỉnh, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định. Đồng thời bổ sung Phụ lục 01 quy định cụ thể những mặt hàng bình ổn giá, bảo đảm công khai, minh bạch. Dự thảo Luật cũng chỉnh lý các quy định có liên quan tại các điều, khoản khác để đảm bảo tính tương thích.

Đối với Quỹ bình ổn giá xăng, dầu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng trong điều kiện hiện nay nên duy trì Quỹ bình ổn giá xăng, dầu. Tuy nhiên, đề nghị cần đổi mới trong quản lý, điều hành giá mặt hàng xăng, dầu; đề cao tính công khai, minh bạch về thực trạng nguồn, việc sử dụng Quỹ, nâng cao tính kịp thời, hiệu quả trong điều hành, đồng thời đánh giá kỹ việc thực hiện Nghị định 95/2021/NĐ-CP; sớm đưa giá xăng, dầu của Việt Nam hoàn toàn vận hành theo quy luật thị trường.

Đối với quy định về thẩm định giá, dự thảo Luật đã hoàn thiện theo hướng quy định rõ trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức, cơ quan tương ứng với công việc mà mình thực hiện. Đồng thời, bổ sung 02 Điều bao gồm về quyền, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân thành lập Hội đồng thẩm định giá và quyền, nghĩa vụ của thành viên Hội đồng thẩm định giá; quy định rõ hơn về phạm vi thẩm định giá của Nhà nước; bổ sung quy định về nguyên tắc hoạt động của Hội đồng thẩm định giá.

Sau khi tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật cũng bổ sung quy định về quyền, nghĩa vụ của Hội đồng; bổ sung quy định những hành vi bị nghiêm cấm đối với Hội đồng thẩm định giá, thành viên Hội đồng thẩm định giá. Những quy định trên nhằm vừa tạo cơ sở pháp lý chặt chẽ, vừa bảo đảm tính khả thi, giúp các cá nhân, tổ chức yên tâm thực hiện đúng chức trách được giao.

15h00: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải gợi ý một số nội dung tập trung thảo luận.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội đã thảo luận tại tổ và hội trường về Dự án Luật Giá (sửa đổi) với 115 lượt ý kiến của đại biểu Quốc hội. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách để thảo luận về dự án luật và được gửi xin ý kiến của các Đoàn đại biểu Quốc hội. 

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị các vị đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận về các nội dung đã nêu trong Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật; các vấn đề các đại biểu Quốc hội quan tâm tập trung vào các nội dung có nhiều ý kiến khác nhau; đại biểu cho ý kiến về những vấn đề đã được báo cáo tương đối chi tiết như giá trần, giá sàn, các dịch vụ hàng không và một số nội dung theo gợi ý trong báo cáo của Ủy ban Tài chính, Ngân sách…  Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị các vị đại biểu phát biểu ngắn gọn, đi thẳng vào vấn đề; những nội dung trùng với ý kiến đại biểu Quốc hội đã phát biểu trước chỉ cần thể hiện chính kiến, tránh trùng lặp.

15h02: Đại biểu Tạ Văn Hạ - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam: Đề xuất bỏ giá trần, giá sàn đối với vé máy bay

Góp ý dự thảo Luật Giá (sửa đổi), ĐBQH Tạ Văn Hạ (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam) đề xuất bỏ giá trần, giá sàn đối với vé máy bay. Theo Đại biểu, nếu để giá trần, giá sàn sẽ không phù hợp với chủ trương tinh thần Nghị quyết 11, Hội nghị lần thứ 5 BCH Trung ương Đảng XII. Bên cạnh đó, việc bỏ giá trần, giá sàn đối với vé máy bay cũng sẽ tạo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các loại hình vận tải khác, đảm bảo các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia.

ĐBQH Tạ Văn Hạ cũng cho rằng vận tải hàng không không phải là dịch vụ thiết yếu. Cũng như vận tải đường sắt, các hãng vận tải phải có sự cạnh tranh công bằng trong dịch vụ vận tải, phản ánh đúng quy định thị trường và quy luật cung cầu. 

Do đó, từ kinh nghiệm quốc tế ĐBQH Tạ Văn Hạ cho rằng việc không quy định giá trần, giá sàn đối với vé máy bay sẽ tạo điều kiện để các hãng hàng không thực hiện chính sách giá vé linh hoạt, đưa nhiều chương trình giá phù hợp, tăng các mức giá rẻ nhằm kích cầu và khuyến khích người dân tham sử dụng dịch vụ vận tải hàng không.

15h09: Đại biểu Đỗ Văn Yên - Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu: Cần quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND cấp tỉnh trong việc quản lý nhà nước về giá

Phát biểu ý kiến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Giá (sửa đổi), ĐBQH Đỗ Văn Yên - Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, qua nghiên cứu dự thảo Luật, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung tại dự thảo Luật điều chỉnh cụm từ “giá dịch vụ giáo dục” thành “giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo” để thống nhất với quy định của Luật Giáo dục và Nghị định của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập, giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo…

Về nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan quản lý giá nhà nước tại dự thảo Luật, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung điều, khoản tại Chương III của dự thảo Luật này quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh trong việc quản lý nhà nước về giá. 

Bên cạnh đó, đại biểu cho biết, đối tượng áp dụng là tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ người tiêu dùng, cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân các liên quan đến hoạt động trong lĩnh vực giá, định giá, thẩm định giá trên lãnh thổ Việt Nam. Trong dự thảo Luật Giá (sửa đổi) có nội dung định giá nhưng trong phạm vi và đối tượng điều chỉnh của luật chưa điều chỉnh vấn đề định giá. 

Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét, quy định cụ thể các trường hợp thực hiện thẩm định giá theo quy định của pháp luật về ngân sách và pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.

15h13: Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy - Đoàn ĐBQH Tp.Đà Nẵng: Cần giải trình làm rõ ý kiến đại biểu Quốc hội liên quan đến giá sách giáo khoa

Quan tâm đến vấn đề giá sách giáo khoa, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy cho biết, trước đây khi trao đổi về giá sách giáo khoa đã nêu lên một thực tế là việc mua sách giáo khoa trở thành gánh nặng cho nhiều phụ huynh học sinh. Nguyên nhân chính là do các đơn vị phát hành sách thông qua nhà trường bao giờ cũng bán kèm sách giáo khoa với một số lượng sách tham khảo rất lớn. 

Do đó, đại biểu hoan nghênh Bộ Giáo dục - Đào tạo đã tiếp thu ý kiến của đại biểu để  ban hành chỉ thị yêu cầu chấm dứt tình trạng đóng gói chung sách giáo khoa và sách tham khảo để buộc học sinh mua sách tham khảo dưới bất kỳ hình thức nào. Đại biểu ghi nhận qua theo dõi thực tế cho thấy về cơ bản chỉ thị đã được thực hiện nghiêm túc.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy nêu rõ, tại Kỳ họp thứ 4, trong phiên thảo luận ở hội trường đã đề nghị Luật Giá (sửa đổi) giao Chính phủ quy định giá sách giáo khoa dưới hình thức khung giá bao gồm giá tối đa và giá tối thiểu như đối với các mặt hàng khác được Nhà nước định giá. Bộ trưởng Bộ Tài chính – Trưởng Ban soạn thảo Hồ Đức Phớc đã phát biểu trước Quốc hội tiếp thu ý kiến này. Tuy nhiên khi nghiên cứu dự thảo Luật trình ra Quốc hội lần này để xem xét thông qua, dự thảo không phản ánh ý kiến tiếp thu. Ban soạn thảo cũng không có giải trình ý kiến này. 

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy dẫn lại các quy định có trong Nghị quyết số 29 của Trung ương Đảng, Nghị quyết số 88 của Quốc hội về đổi mới Chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông quy định thực hiện xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa. Tuy nhiên, Luật Giáo dục sửa đổi năm 2019 thể hiện quan điểm khác với Nghị quyết 88 khi không trao quyền lựa chọn sách giáo khoa cho cơ sở giáo dục mà cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. 

Đại biểu đề nghị trong trường hợp Quốc hội nhận thấy chủ trương xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa mà Quốc hội khóa XIII đề ra có nhiều bất cập thì nên sửa Nghị quyết 88 chấm dứt việc thực hiện chủ trương này. Trong trường hợp ngược lại thì Quốc hội nên bổ sung những quy định cần thiết trong Luật Giá để bảo đảm sự nhất quán về chủ trương. Đại biểu đề nghị cần giải trình, làm rõ những vấn đề đã nêu trên.

15h17: Đại biểu Phạm Thị Kiều - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông phát biểu

Tham gia đóng góp ý kiến vào dự án Luật Giá (sửa đổi), đại biểu Phạm Thị Kiều  cho rằng những quy định trong luật đã cơ bản tháo gỡ được các vấn đề khúc mắc trong thẩm định giá, tạo điều kiện cho cơ quan quản lý nhà nước triển khai hiệu quả, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng thị trường lành mạnh, đáp ứng yêu cầu phát triển, hội nhập quốc tế. 

Để góp phần hoàn thiện, tránh sự lúng túng trong quá trình thực hiện, đại biểu cho rằng, cần bổ sung thêm quy định về cơ sở, nguyên tắc, phương pháp, quy trình thẩm định giá của Nhà nước tại Mục 3, Chương 6 của dự thảo Luật, giao Chính phủ quy định chi tiết.

Về nguyên tắc xác định giá dịch vụ thẩm định giá, Điều 57 của dự thảo Luật đang quy định: “Giá dịch vụ thẩm định giá thực hiện theo giao dịch dân sự giữa doanh nghiệp thẩm định giá với khách hàng thẩm định giá và được ghi trong hợp đồng thẩm định giá; đảm bảo nguyên tắc bù đắp chi phí thực tế hợp lý để thực hiện đầy đủ các hoạt động theo phạm vi công việc được quy định tại Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam”. 

Đại biểu cho biết, hiện nay, nhu cầu thuê tổ chức thẩm định giá để thực hiện thẩm định giá tài sản trong mua sắm tài sản công, xử lý các vấn đề liên quan đến định giá tài sản là rất lớn, tuy nhiên, mức giá dịch vụ thẩm định giá được xác định như thế nào lại chưa được quy định rõ, đại biểu đề nghị xem xét bổ sung quy định về căn cứ xác định giá dịch vụ thẩm định giá.

15h22: Đại biểu Nguyễn Quốc Luận - Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái: Cần quy định cụ thể về thẻ thẩm định viên về giá 

Góp ý vào dự án Luật này, đại biểu Nguyễn Quốc Luận – Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái cho rằng, quy định về thẻ thẩm định viên về giá như dự thảo Luật còn chung chung, quy định như vậy thì tất cả những người có bằng đại học đều có thể tham dự kì thi và trở thành thẩm định viên về giá là chưa hợp lý. Do vậy, đại biểu Nguyễn Quốc Luận đề nghị nên quy định cụ thể về bằng đại học một chuyên ngành cụ thể nào đó liên quan đến thẩm định giá sẽ có tính khả thi hơn. Đồng thời đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc quy định này, hoặc có thể giao Chính phủ quy định chi tiết để đúng ngành. 

Về hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá được quy định tại Phụ lục số 1 ban hành kèm theo dự thảo luận bao gồm 10 loại hàng hóa, dịch vụ, tuy nhiên, không bao gồm giá điện. Trong dự thảo Luật hiện nay, giá điện đang quy định tại Phụ lục 2 Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước quy định giá. Đại biểu cho rằng nên bổ sung giá điện vào Phụ lục số 1 vào Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá. Vì đây là hàng hóa, dịch vụ quan trọng liên quan trực tiếp đến đời sống người dân, liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của tổ chức, doanh nghiệp, tác động lớn đến kinh tế - xã hội, sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân. 

Thực tiễn thời gian qua cho thấy, loại hàng hóa này chỉ có tăng, không có giảm. Tuy nhiên, việc tăng giá điện này vẫn chưa đủ để bù đắp chi phí, dẫn đến ngành điện bị lỗ lớn, gây ra mất cân đối dòng tiền và kéo theo nhiều hệ lụy nghiêm trọng. Như vậy, đại biểu Nguyễn Quốc Luận đề nghị, loại hóa này cần được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện các giải pháp, biện pháp nhằm ổn định giá và đưa vào Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá thì hợp lý hơn.

Bên cạnh đó, tại Phụ lục số 2 Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, đại biểu Nguyễn Quốc Luận đề nghị bỏ Mục 40 dịch vụ theo yêu cầu liên quan đến việc công chứng do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh định giá tối đa. Đồng thời đề nghị không đưa dịch vụ theo yêu cầu liên quan đến việc công chứng vào Danh mục hàng hóa, dịch vụ cho Nhà nước định giá.

15h46: Đại biểu Nguyễn Thành Nam - Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ: Bảo đảm cạnh tranh lành mạnh trong cung ứng dịch vụ vận chuyển hành khách, hàng không nội địa

Đại biểu Nguyễn Thành Nam cơ bản thống nhất với báo cáo tiếp thu, giải trình về dự án Luật, đồng thời đánh giá dự thảo luật đã tiếp thu nhiều ý kiến của các đại biểu, đủ điều kiện thông qua tại Kỳ họp này.

Về dịch vụ vận chuyển hành khách, hàng không nội địa, đây là dịch vụ do nhà nước định giá, Bộ Giao thông vận tải quy định giá tối đa. Thống nhất với giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng, nhất là của nhiều đối tượng có thu nhập thấp được tiếp cận dịch vụ hàng không, qua đó giảm chi phí xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế, cần thiết có sự điều tiết của Nhà nước để đảm bảo cạnh tranh lành mạnh, không gây tác động xấu đến các doanh nghiệp hàng không.

Tuy nhiên, trong dịch vụ vận chuyển hành khách, hàng không nội địa, có nhiều hạng khác nhau, phục vụ nhiều đối tượng khách hàng khác nhau. Đại biểu đề nghị cần quy định rõ trong dự thảo luật, chỉ có dịch vụ vận chuyển hành khách hàng không nội địa hạng phổ thông thì mới thuộc danh mục dịch vụ do nhà nước định giá, còn hạng thương gia, phổ thông đặc biệt thì để doanh nghiệp tự định giá theo cơ chế thị trường, để bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, cung cấp dịch vụ ngày càng tốt hơn, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người dân.

15h51: Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình: Cân nhắc việc sửa đổi liên quan đến nội dung công khai thông tin về giá

Phát biểu ý kiến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Giá (sửa đổi), ĐBQH Nguyễn Mạnh Cường - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình cho rằng, dự thảo Luật Giá (sửa đổi) đã được chỉnh lý công phu, Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật rất chất lượng, mặc dù đây không phải dự án Luật quá lớn…

Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường cho rằng nội dung công khai thông tin về giá, thẩm định giá là nội dung rất quan trọng, vừa phục vụ công tác quản lý nhà nước, vừa bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng. Dự thảo Luật đang quy định về 3 loại chủ thể phải thực hiện trách nhiệm công khai thông tin về giá, thẩm định giá, đó là: cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ. Đại biểu nêu rõ, tuy có ba loại chủ thể khác nhau nhưng lại có một khoản chung là Khoản 5, Điều 6 quy định về hình thức công khai. Theo đó, công khai bằng hình thức đăng tải trên trang thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân hoặc các hình thức phù hợp khác.


Đại biểu cho rằng với quy định nêu trên thì trách nhiệm công khai thông tin về giá của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có thể sẽ là một bước lùi so với Luật Giá hiện hành, không bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Bởi theo dự thảo Luật, tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chỉ cần công khai bằng hình thức đăng tải trên trang thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân nếu có được coi là công khai. Trong khi đó, Luật hiện hành quy định tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thực hiện công khai thông tin về giá bằng hình thức niêm yết giá.

15h58: Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh - Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng: Tiếp tục rà soát các quy định cụ thể để bảo đảm tính thống nhất, khả thi

Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh cơ bản tán thành với các nội dung tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật và cho rằng các cơ quan đã tiếp thu chỉnh lý công phu, có căn cứ, có cơ sở, và tính thuyết phục cao. 

Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh đề nghị tiếp tục rà soát quy định trong giải thích từ ngữ như về hiệp thương giá, các doanh nghiệp, tổ chức cá nhân kinh doanh hàng hóa dịch vụ…để bảo đảm tính thống nhất; lưu ý rà soát quy định về hành vi bị nghiêm cấm.

Về nguyên tắc hoạt động thẩm định giá tại Điều 41 dự thảo Luật, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh đề nghị Ban soạn thảo giữ lại nguyên tắc đã được quy định tại Luật Giá hiện hành. Đó là nguyên tắc bảo mật thông tin. Theo đại biểu đây là một nguyên tắc rất quan trọng trong hoạt động thẩm định giá. Ngoài ra, liên quan đến việc dự thảo Luật quy định tuân thủ pháp luật, chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam, đại biểu cho rằng, quy định chuẩn mực thẩm định giá liệu có phù hợp với các quy định hiện tại hay không? Đại biểu cho biết, hiện nay, Bộ Tài chính đã ban hành 13 tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam, do đó, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc sử dụng cặp cụm từ “tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam” sẽ hợp lý hơn so với từ “chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam”. 

Về Hội đồng thẩm định giá quy định tại Điều 60, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh cho rằng dự thảo Luật quy định Hội đồng thẩm định giá có ít nhất 50% thành viên bao gồm Chủ tịch Hội đồng thẩm định giá có một trong các chứng nhận chuyên môn…là chưa đảm bảo điều kiện, năng lực để thực hiện quy trình, thủ tục thẩm định giá theo quy định. Trong khi trách nhiệm của Hội đồng thẩm định giá lại rất nặng, phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính đầy đủ, chính xác đối với kết quả thẩm định giá, chịu trách nhiệm về ý kiến nhận định, đánh giá của mình. Vì vậy, các thành viên của Hội đồng thẩm định giá phải có chứng chỉ chuyên môn nghiệp vụ về giá, nhất là Chủ tịch Hội đồng thẩm định giá. Do đó đại biểu đề nghị Ban soạn thảo xem xét quy định như trên nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng thẩm định giá nhà nước.

Ngoài ra, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh cũng đề nghị điều chỉnh Điều 67 dự thảo Luật về mục đích của hoạt động thanh tra chuyên ngành về giá, kiểm tra việc chấp hành hoạt động pháp luật về giá, thẩm định giá để thống nhất và phù hợp với tên gọi theo quy định của Điều 3 Luật Thanh tra 2022.

16h02: Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan - Đoàn ĐBQH Tp. Hồ Chí Minh: Không nên quy định cụ thể danh mục bình ổn giá trong dự thảo Luật Giá (sửa đổi).

Góp ý vào Danh mục bình ổn giá, Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan - Đoàn ĐBQH Tp. Hồ Chí Minh cho rằng, danh mục này vẫn chưa thực sự thuyết phục, tại sao chọn thịt lợn, vật tư phân bón của ngành nông nghiệp… vào danh mục bình ổn giá. Trong khi đó qua đợt dịch COVID-19 vừa qua cho thấy gạo, nước mắm, thực phẩm mới là thực phẩm thiết yếu. Vì vậy, không nên quy định cụ thể trong danh mục, nên chăng danh mục này nên mở để Bộ Tài chính quyết định trong trường hợp cần thiết.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan - Đoàn ĐBQH Tp. Hồ Chí Minh cũng nêu thực trạng sau khi mua bán thuốc, trang thiết bị y tế, các cơ quan điều tra có kết luận tăng giá bán bất hợp lý, đặc biệt trong tình trạng dịch bệnh, thiên tai, hỏa hoạn. Vì vậy, dự thảo luật cần quy định biên độ cụ thể về mức tăng giá để không xảy ra tình trạng tùy tiện, áp đặt trong quá trình điều tra, tránh trường hợp oan uổng hoặc không đủ dũng cảm cung ứng thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế.

16h08:  Đại biểu Triệu Quang Huy - Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn: Bổ sung đối tượng là viên chức không được tham gia thẩm định giá

Góp ý tại phiên họp, ĐBQH Triệu Quang Huy bày tỏ thống nhất với dự thảo đã được các ĐBQH góp ý tại Kỳ họp thứ 4, Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách và các Đoàn ĐBQH. Nhiều quy định của dự thảo luật đã được hoàn chỉnh, bổ sung, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, phù hợp với thông lệ quốc tế.

Góp ý vào một số nội dung cụ thể, ĐBQH Triệu Quang Huy cho biết, về các biện pháp bình ổn giá, Đại biểu đề nghị làm rõ, bổ sung các nội dung của cơ sở dữ liệu quốc gia về giá. Về đăng ký hành nghề thẩm định giá, ĐBQH Triệu Quang Huy đề nghị, bổ sung thêm đối tượng không được hành nghề thẩm định giá là viên chức để đảm bảo tính độc lập, khách quan trong quá trình thẩm định giá.

16h12: Đại biểu Thái Quỳnh Mai Dung - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc: Bổ sung quy định về cơ chế tiếp nhận kiến nghị của người tiêu dùng

Nhất trí cao với báo cáo giải trình, tiếp thu Dự án Luật Giá (sửa đổi) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Thái Quỳnh Mai Dung - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc đánh giá báo cáo đã được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, tiếp thu đầy đủ ý kiến của các đại biểu. Bên cạnh đó, đại biểu cũng đóng góp một số ý kiến về các vấn đề cụ thể trong Dự án Luật Giá (sửa đổi).

Cụ thể, tại Điều 10 về quyền của người tiêu dùng, khoản 4 có quy định, người tiêu dùng có quyền kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền điều chỉnh giá hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá khi các yếu tố hình thành giá thay đổi. Tuy nhiên, đại biểu cho biết, chưa có quy định cụ thể, hướng dẫn chi tiết việc thực hiện quyền này trong dự thảo Luật. Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp thu các ý kiến, bổ sung quy định về cơ chế tiếp nhận kiến nghị của người tiêu dùng liên quan đến thay đổi các yếu tố hình thành giá. 

Ngoài ra, về khái niệm “người tiêu dùng”, dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) có quy định, người tiêu dùng là người mua, sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng, dịch vụ của cá nhân gia đình, tổ chức, không vì mục đích thương mại. Đại biểu cho rằng dùng khái niệm như vậy sẽ còn thiếu sót, chưa bao quát hết phạm vi, đại biểu đề nghị xem xét lại việc sử dụng cụm từ “người tiêu dùng”, thay thế bằng cụm từ “tổ chức, cá nhân sử dụng, tiêu dùng sản phẩm, dịch vụ.”

16h15: Đại biểu Nguyễn Thị Sửu  - Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế: Rà soát, điều chỉnh thống nhất quy định về nhân lực thực hiện thẩm định giá

Góp ý vào dự án Luật Giá (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thị Sửu - Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế quan tâm đến quy định về nhân lực thực hiện thẩm định giá tại Điều 44 và thẩm định giá của Nhà nước tại Điều 60. Đại biểu cho rằng, các quy định này rất cần được Ban soạn thảo rà soát, nghiên cứu, điều chỉnh cho tương thích, thống nhất. Vì thực chất, quy định muốn trở thành thành viên Hội đồng thẩm định giá của Nhà nước hay ngoài Nhà nước đều phải có nghiệp vụ thẩm định giá. Đại biểu cũng kiến nghị nâng tỉ lệ từ 50% lên 70% thành viên Hội đồng thẩm định giá. Về hình thức chứng nhận chuyên môn, đại biểu Nguyễn Thị Sửu kiến nghị xem xét, sửa đổi theo hướng tích hợp trong đào tạo, bồi dưỡng. 

Về định giá, đại biểu nhất trí với quan điểm của UBTVQH về việc giữ quy định về giá trần và bỏ quy định về giá sản đối với dịch vụ vận chuyển hành khách hàng không nội địa. 

Tuy nhiên, đối với “mức giá 0 đồng” của hãng hàng không đã khẳng định rằng thực chất không có vé máy bay, giá 0 đồng, mức giá cộng đồng là chưa gồm thuế, phí và thực tế người tiêu dùng vẫn phải chi trả một khoản tiền nhất định. Thời gian qua, một số hãng áp dụng giá vé 0 đồng nghĩa là một hình thức ưu đãi chỉ áp dụng cho một số ít ghế, cho một chuyến bay và thực tế mức giá phải trả không phải là 0 đồng. Do vậy, đại biểu Nguyễn Thị Sửu đề nghị cần xem xét điều chỉnh thuật ngữ “mức giá 0 đồng” bằng những thuật ngữ phù hợp là giá ưu đãi hoặc giá khuyến mại nhằm tránh ngộ nhận, lợi dụng, lạm dụng và cũng thể hiện tính minh bạch trong Luật Cạnh tranh.

Về quy định chuyển tiếp tại Điều 75, đại biểu kiến nghị điều chỉnh thời hạn bảo đảm điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá ở khoản 1 của Điều này là từ ngày 1/7/2025 cho phù hợp và thống nhất.

Về danh mục nước sạch trong Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, đại biểu Nguyễn Thị Sửu kiến nghị điều chỉnh nước sạch sinh hoạt để phù hợp với mục đích sử dụng thực tiễn và luật định. Do vậy, đối với giá nước sạch không phục vụ cho mục đích sinh hoạt như sản xuất bia, dệt, nhuộm nước sử dụng cho các nhà máy trong khu công nghiệp, nước phục vụ tưới tiêu… do đơn vị cung ứng nước sạch quyết định. Trên cơ sở phương án giá được cấp có thẩm quyền phê duyệt, mức giá này thường cao hơn so với giá nước sạch sinh hoạt.

16h20: Đại biểu Nguyễn Công Long - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai phát biểu

Tham gia ý kiến về dự án Luật Giá (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Công Long cho rằng cần có điều chỉnh trong quy định về mục đích, yêu cầu kiểm tra yếu tố hình thành giá. 


Theo đó, khoản 2 Điều 31 của dự thảo Luật quy định, việc kiểm tra yếu tố hình thành giá thực hiện trong các trường hợp: Giá hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá, kê khai giá có biến động bất thường, ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội, hoạt động sản xuất, kinh doanh, đời sống người dân, mặt bằng giá thị trường; Các trường hợp phục vụ công tác quản lý, điều hành theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Đại biểu cho rằng quy định như vậy chỉ phù hợp với các điều kiện bình thường, chưa lường trước được các tình huống bất thường như trong việc phòng, chống dịch bệnh trong thời gian qua. đại biểu đề nghị cân nhắc rút ngắn lại quy định riêng về thời hạn kiểm tra hàng hóa, dịch vụ phòng chống dịch bệnh.

16h27: Đại biểu Võ Mạnh Sơn - Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa: Đề nghị giữ nguyên tên Luật 

Về tên gọi, đại biểu Võ Mạnh Sơn đề nghị giữ nguyên tên gọi của luật là Luật Giá. Bởi tên gọi này đã bao hàm đầy đủ những nội dung về quản lý, điều chỉnh hành vi hoạt động các chủ thể trong lĩnh vực giá. Nếu chúng ta dùng Luật Bình ổn giá, Luật Quản lý giá hoặc Luật Kiểm soát giá có thể sẽ làm hẹp phạm vi điều chỉnh của Luật mà chưa bao quát được các vấn đề có liên quan như niêm yết giá, kê khai giá hiệp thương, giá định giá của Nhà nước thẩm định giá được quy định tại điều chỉnh tại Luật này. 

Đại biểu Võ Mạnh Sơn đề nghị bổ sung thêm đối tượng là sản xuất hàng hóa; đề nghị bổ sung quy định cấm chuyển giá giữa các đơn vị của các đơn vị của các doanh nghiệp liên doanh hoặc các doanh nghiệp FDI.

Về quy định Hiệp thương về giá, đại biểu Võ Mạnh Sơn cho biết, dự thảo quy định về thẩm quyền và trách nhiệm cơ quan hiệp thương giá của Bộ và Sở quản lý ngành tương ứng hàng hóa dịch vụ thuộc phạm vi quản lý của bộ, ngành. Tuy nhiên, đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc phạm vi lĩnh vực quản lý của nhiều ngành, lĩnh vực thì chưa rõ thẩm quyền, trách nhiệm nghiệp thương giá thuộc cơ quan nào. Do đó, đại biểu đề nghị sửa đổi, bổ sung để làm căn cứ phân định rõ thẩm quyền, trách nhiệm nghiệp thương giá. 

Về đăng ký hành nghề thẩm định giá, đại biểu Võ Mạnh Sơn chỉ rõ, điểm b, khoản 1 Điều 45 dự thảo Luật về điều kiện đăng ký hành nghề, thẩm định giá của người có thể có thể thẩm định viên về giá là phải có hợp đồng lao động không xác định thời hạn. Theo đại biểu quy đinh này là khong phù hợp với thực tiễn. Do đó, đề nghị sửa đổi điều kiện quy định tại điểm b khoản 1 Điều 45 theo hướng chỉ cần có hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật về lao động.

Ngoài ra, cho ý kiến về điều kiện cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá, đại biểu Võ Mạnh Sơn bày tỏ băn khoăn khi dự thảo Luật đặt ra yêu cầu về điều kiện kinh doanh khắt khe hơn đối với doanh nghiệp thẩm định giá như tăng số lượng thẩm định viên về giá trong doanh nghiệp; yêu cầu các thành viên góp vốn đều là thẩm định viên về giá hay đặt ra điều kiện đối với người đại diện theo pháp luật… là chưa đủ bằng chứng là sẽ nâng cao chất lượng dịch vụ. Điều này có thể dẫn đến tình trạng số lượng doanh nghiệp thẩm định giá sẽ bị thu hẹp lại, tác động đáng kể đến thị trường cạnh tranh và quyền lựa chọn của khách hàng.

16h33: Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp: Quy định cụ thể danh mục hàng hóa dịch vụ bình ổn giá

Góp ý về thẩm quyền quyết định danh mục hàng hóa dịch vụ bình ổn giá, đại biểu cho rằng cần quy định cụ thể trong luật để hạn chế tối đa sự can thiệp của cơ quan nhà nước; khi cần thiết trình Ủy ban Thường vụ quyết định thay đổi danh mục này. Đối với mặt hàng điện, đại biểu đề nghị đưa vào danh mục hàng hóa dịch vụ bình ổn giá thay vì là mặt hàng do Nhà nước định giá, bởi đây là mặt hàng thiết yếu, tất cả người dân đều sử dụng.

Đồng tình với việc duy trì Quỹ bình ổn giá xăng dầu, nhưng đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng giao cho doanh nghiệp quản lý Quỹ là không phù hợp, cần giao Bộ Tài chính quản lý. Đại biểu cũng đề nghị quy định rõ thời điểm không tiếp tục duy trì Quỹ bình ổn giá xăng dầu để phù hợp với nền kinh tế thị trường.

Về định giá, đại biểu Phạm Văn Hòa thống nhất theo đề xuất của UBTVQH bỏ giá sàn nhưng cần thiết duy trì giá trần, để người dân được hưởng giá không quá cao. Đại biểu Phạm Văn Hòa cũng nhấn mạnh đến vai trò của Bộ Tài chính trong việc quản lý giá, định giá để ổn định giá cả các mặt hàng.

16h40: Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân - Đoàn ĐBQH Tp. Hồ Chí Minh: Phải có nguồn lực tài chính công và dự trữ hàng hóa phù hợp khi điều tiết giá

Tham gia đóng góp ý kiến về dự án Luật Giá (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thiện Nhân cho biết, dự thảo luật lần này đã tiếp thu nhiều ý kiến của các đại biểu. Tuy nhiên, đối với một trong các ý kiến đại biểu đã phát biểu tại phiên họp trước về việc điều tiết giá của Nhà nước, cơ quan thẩm tra cho rằng đề xuất là xác đáng, nhưng không thể tiếp thu vì lý do ngân sách nhà nước còn khó khăn.

Đại biểu cho rằng, Nhà nước phải có nguồn lực tài chính công và dự trữ hàng hóa phù hợp khi điều tiết giá, để việc Nhà nước điều tiết giá là phù hợp với quan hệ, quy luật cung cầu hàng hóa dịch vụ, và khả thi, không gây tổn hại cho các doanh nghiệp và người dân. Giá thị trường hàng hóa dịch vụ được hình thành trên cơ sở cân bằng cung cầu hàng hóa dịch vụ trong điều kiện cạnh tranh sẽ đem lại hài hòa các lợi ích của đất nước, người tiêu dùng, doanh nghiệp, chính phủ, tạo điều kiện phát triển mà không cần có sự can thiệp của Nhà nước. 

Tuy nhiên, Luật Giá hiện hành và dự thảo Luật Giá (sửa đổi) chưa quy định nguyên tắc quản lý điều tiết giá của Nhà nước, gây nhiều vướng mắc, bất cập trong việc điều tiết giá, đặc biệt là giá điện. Đại biểu đề nghị bổ sung nguyên tắc quản lý điều tiết giá của Nhà nước vào dự thảo luật, cụ thể, Nhà nước phải có nguồn lực tài chính công và dự trữ hàng hóa phù hợp với điều tiết giá, để Tập đoàn Điện lực Việt Nam, doanh nghiệp nhà nước quan trọng bậc nhất phải phát triển bền vững, trở thành doanh nghiệp nòng cốt thực hiện Quy hoạch Điện VIII.

16h47: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải giới thiệu Đoàn đại biểu Hạ viện Cộng hòa Séc 

 Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Đoàn đại biểu Hạ viện Cộng hòa Séc do Phó Chủ tịch Hạ viện Jan Batosek dẫn đầu đang cho chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam. Nhân dịp này, hôm nay đoàn đã tới dự khán phiên họp của Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV. 

Các đại biểu Quốc hội nhiệt liệt chào mừng Phó Chủ tịch Hạ viện Cộng hòa Séc Jan Batosek và Đoàn đại biểu Hạ viện Cộng hòa Séc.

16h48: Đại biểu Nguyễn Tuấn Thịnh - Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội: Cần quy định tiêu chuẩn để trở thành thành viên Hội đồng thẩm định giá

Góp ý về thẩm định giá của Nhà nước, đại biểu Nguyễn Tuấn Thịnh đề nghị cần quy định tiêu chuẩn để trở thành thành viên Hội đồng thẩm định giá là phải có chuyên môn thẩm định giá. Chủ tịch Hội đồng thẩm định giá phải là công chức, viên chức để đảm bảo chất lượng của Hội đồng thẩm định giá cũng như đảm bảo điều kiện để mỗi thành viên hoàn thành tốt nhiệm vụ khi tham gia Hội đồng thẩm định giá. 

Cùng với đó, quy định về thành phẩn Hội đồng thẩm định giá chỉ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2026 tại Điều 74 của dự thảo Luật, như vậy từ nay đến năm 2026 sẽ chưa được quy định là Hội đồng thẩm định giá thực hiện theo thành phần như thế nào. 

Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Tuấn Thịnh nhận thấy, quy định tại Điều 62 của dự thảo Luật như vậy sẽ khó khăn trong tổ chức thực hiện và chưa đảm bảo tính pháp lý xuyên suốt trong hoạt động giao, kết hợp đồng với các đơn vị cung ứng dịch vụ cho hoạt động thẩm định giá của Nhà nước. Do vậy, đại biểu Nguyễn Tuấn Thịnh đề nghị cân nhắc điều chỉnh theo hướng: Hội đồng thẩm định giá có quyền đề xuất với cơ quan thành lập Hội đồng thuê tổ chức có chức năng thực hiện giám định hoặc là chức năng thuê doanh nghiệp có chức năng thẩm định để thực hiện một phần hoặc toàn bộ công việc thẩm định giá.

Về giải thích từ ngữ, đại biểu Nguyễn Tuấn Thịnh đề nghị rà soát, làm rõ thêm quy định “mặt bằng giá thị trường” và “chỉ số giá tiêu dùng” trong dự thảo Luật.

16h55: Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu giải trình một số vấn đề các đại biểu quan tâm

Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trân trọng tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, đồng thời cho biết, các vấn đề cốt lõi được nêu ra tại các phiên họp trước đã được tiếp thu tương đối đầy đủ. 

Đối với giá sàn và giá trần của hàng không nội địa, Bộ trưởng cho biết việc giữ giá trần giúp giảm chi phí xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo điều kiện cho mọi người có thể tiếp cận dịch vụ hàng không nội địa. Vì vậy, cần giữ giá sản hàng không nội địa. Về giá sàn, qua tham khảo kinh nghiệm quốc tế, nhiều nước trên thế giới đã bỏ giá sàn, các hãng hàng không có dải giá rất rộng cho nhiều loại chuyến bay, nhiều hạng vé, cơ quan soạn thảo thống nhất bỏ giá sàn với dịch vụ này.

Về chi phí cho dịch vụ thẩm định giá, hiện nay có hơn 300 doanh nghiệp thẩm định giá, Bộ trưởng cho rằng cần để chi phí theo quy luật thị trường. Về việc công khai thông tin về giá, niêm yết giá, Bộ trưởng cho biết sẽ tiếp thu và thể hiện rõ hơn trong dự thảo Luật. 

Đối với một số mặt hàng bình ổn giá, trong dự thảo Luật có đề xuất Quốc hội quyết định các mặt hàng bình ổn giá, khi có biến động, Chính phủ sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội để từ đó thực hiện quy trình xem xét, quyết định. Về Quỹ bình ổn giá xăng dầu, xác định rằng việc duy trì Quỹ này là cần thiết, Bộ trưởng cho biết sẽ tiếp thu ý kiến các đại biểu để có quy định cụ thể, hợp lý về nội dung này.

17h03: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải kết luận nội dung thảo luận.

Phát biểu kết luận nội dung thảo luận về dự thảo Luật Giá (sửa đổi), Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, đã có 17 ĐBQH phát biểu, 1 đại biểu đăng ký nhưng do hết thời gian, đề nghị gửi ý kiến bằng văn bản. Bộ trưởng Bộ Tài chính đã giải trình các vấn đề đại biểu nêu.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, qua thảo luận các đại biểu đánh giá cao việc chuẩn bị Báo cáo tiếp thu, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và tham gia nhiều ý kiến để hoàn thiện dự án luật như áp dụng luật, tính đồng bộ, thống nhất với các luật khác các hành vi bị cấm, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan trong quản lý giá, Quỹ bình ổn giá, thẩm quyền quyết định mặt hàng bình ổn giá, nguyên tắc, căn cứ phương pháp, tiêu chí, thẩm quyền quyết định danh mục hàng hóa dịch vụ do Nhà nước định giá, loại bỏ hoặc bổ sung so với các quy định hiện hành, định giá đối với dịch vụ vận chuyển hành khách, hàng không nội địa, dịch vụ bốc dỡ container, thẩm định giá của Nhà nước, thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, thẩm định giá…

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải khẳng định, ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội đã được ghi âm, ghi chép đầy đủ. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo các cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra, các cơ quan có liên quan tiếp thu đầy đủ các ý kiến tham gia để hoàn thiện Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án luật, trình Quốc hội xem xét, thông qua.

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội