DỰ ÁN LUẬT GIAO DỊCH ĐIỆN TỬ (SỬA ĐỔI) VÀ DỰ ÁN LUẬT BẢO VỆ NGƯỜI TIÊU DÙNG (SỬA ĐỔI) ĐỦ ĐIỀU KIỆN ĐỂ TRÌNH QUỐC HỘI XEM XÉT THÔNG QUA TẠI KỲ HỌP THỨ 5
Ý KIẾN XUNG QUANH VIỆC GIẢI QUYẾT VỤ ÁN DÂN SỰ VỀ BẢO VỆ QUYỀN LỢI NGƯỜI TIÊU DÙNG
Sau gần 12 năm thực thi, các quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các văn bản hướng dẫn đã góp phần thay đổi mạnh mẽ, đồng thời kiến tạo các khung khổ, nền tảng cơ bản để thúc đẩy công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại Việt Nam. Luật có phạm vi tác động, ảnh hưởng rộng rãi, không chỉ đối với người tiêu dùng mà còn đối với cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân kinh doanh cung cấp các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ và các cơ quan, tổ chức có liên quan.
Bên cạnh các kết quả tích cực, các quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng đã bộc lộ những hạn chế, bất cập. Một số quy định không còn phù hợp với thực tiễn và hệ thống pháp luật hiện hành, trong đó có các quy định quan trọng liên quan đến phạm vi, đối tượng điều chỉnh, giao dịch giữa tổ chức, cá nhân kinh doanh và người tiêu dùng, giải quyết tranh chấp về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng... Mặt khác, nước ta đã và đang tiếp thục hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, có nhiều phương thức kinh doanh, tiêu dùng mới xuất hiện,… đòi hỏi phải đổi mới công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo đúng quan điểm, chủ trương của Đảng. Do đó, việc hoàn thiện quy định pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (trong đó quan trọng nhất là sửa đổi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng) và tăng cường hiệu quả thực thi pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là yêu cầu cấp thiết trong bối cảnh mới.
Đại biểu Quốc hội Tạ Đình Thi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường.
Tại Kỳ họp thứ 5 này, Quốc hội tiếp tục cho ý kiến, xem xét thông qua dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). Theo quan điểm của đại biểu Tạ Đình Thi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Tp.Hà Nội, việc bảo vệ quyền lợi tiêu dùng không chỉ là trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân kinh doanh cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ mà còn là nghĩa vụ, trách nhiệm của chính từng người tiêu dùng trong quá trình giao dịch với tổ chức, cá nhân kinh doanh. Ngoài ra, để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng được tốt hơn, cần nâng cao vai trò, trách nhiệm của Bộ, ngành, cơ quan, đoàn thể và các tổ chức xã hội.
Phóng viên: Thưa đại biểu, tại Kỳ họp thứ 5 này, Quốc hội tiếp tục cho ý kiến, xem xét thông qua dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). Xin đại biểu cho biết công tác thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đối với dự án Luật này cho đến nay như thế nào?
ĐBQH Tạ Đình Thi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường: Tại Kỳ họp thứ tư, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), có 148 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến ở Tổ và 23 lượt ĐBQH phát biểu ý kiến tại Hội trường. Đa số ý kiến ĐBQH tán thành về sự cần thiết ban hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) và cơ bản nhất trí với nhiều nội dung của dự thảo Luật.
Ngay sau kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường chủ trì, phối hợp với cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan quán triệt, bám sát các mục tiêu chính sách, quan điểm và yêu cầu đối với dự án Luật đã trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4, tiếp tục tổ chức các hội thảo, tọa đàm để có thêm cơ sở lý luận và thực tiễn cho việc hoàn thiện dự thảo Luật.
Tại Kỳ họp này, Quốc hội tiếp tục cho ý kiến, xem xét thông qua dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).
Ngày 15/02/2023, tại phiên họp thứ 20, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo Luật này. Dự thảo Luật cũng đã được cho ý kiến tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ngày 05/4/2023, được gửi xin ý kiến Chính phủ, các Đoàn ĐBQH, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Tòa án nhân dân tối cao. Tính đến ngày 19/5/2023, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã nhận được Báo cáo tổng hợp ý kiến góp ý dự thảo Luật của 54/63 Đoàn Đại biểu Quốc hội, của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, ý kiến nhất trí của Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Đến nay, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã tổ chức tiếp thu, hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội tiếp tục cho ý kiến, xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 5 này.
Nhiều quy định tạo điều kiện cho các tổ chức xã hội tham gia thực hiện bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
Phóng viên: Các tổ chức xã hội có vai trò rất quan trọng trong công tác bảo vệ người tiêu dùng. Vậy việc sửa đổi Luật lần này đưa ra những giải pháp nào để nâng cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức xã hội khi thực hiện những nhiệm vụ liên quan?
ĐBQH Tạ Đình Thi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường: Trong những lần lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức, chuyên gia, nhà khoa học, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhận thấy, nhiều ý kiến đề nghị cung cấp thêm thông tin, đánh giá đầy đủ nguồn lực về cơ sở vật chất, kinh phí, con người của các tổ chức xã hội có tôn chỉ, mục đích tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hiện nay cũng như khả năng đáp ứng của Nhà nước khi thực hiện quy định của Luật, bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành.
Đúng là các tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (thường được biết đến là các Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng) có vai trò quan trọng trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại Việt Nam. Tuy nhiên, hiện hoạt động của phần lớn các Hội đã và đang gặp nhiều khó khăn trong suốt thời gian vừa qua. Nguyên nhân chính của thực trạng trên là do đặc thù trong hoạt động của Hội, thành viên và đối tượng hướng tới của các Hội là người tiêu dùng và các Hội không thu phí thành viên như các tổ chức xã hội khác dẫn đến không có nguồn quỹ thường xuyên để duy trì, đảm bảo hoạt động. Vì vậy, để nâng cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức xã hội trong việc xây dựng cơ chế hỗ trợ cho các hội là cần thiết. Việc hỗ trợ kinh phí khi giao thực hiện các nhiệm vụ cho các hội sẽ được thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước. Theo đó, các tổ chức xã hội có tôn chỉ, mục đích tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được Nhà nước hỗ trợ kinh phí và các điều kiện khác theo quy định của pháp luật.
Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) đã được cho ý kiến tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách diễn ra vào tháng 4/2023.
Việc nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội bảo vệ người tiêu dùng là hết sức cần thiết. Do đó, dự án Luật đã có nhiều quy định để tạo điều kiện cho các tổ chức xã hội tham gia thực hiện bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (trong đó có Hội bảo vệ người tiêu dùng) như đại diện người tiêu dùng khởi kiện khi có yêu cầu và ủy quyền hoặc tự mình khởi kiện vụ án bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vì lợi ích công cộng (Điều 50), không phải nộp tiền tạm ứng án phí, tạm ứng lệ phí Toà án (Điều 71), tiền bồi thường thiệt hại trong vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng do tổ chức xã hội khởi kiện vì lợi ích công cộng được sử dụng để phục vụ cho các hoạt động chung vì quyền lợi của người tiêu dùng trong trường hợp không xác định được đối tượng thụ hưởng (Điều 73)… Đồng thời, dự án Luật đã quy định cụ thể các hoạt động của Hội khi tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và phân loại rõ các loại hình tổ chức xã hội để có căn cứ thực hiện việc Nhà nước giao nhiệm vụ, hỗ trợ kinh phí và các điều kiện khác theo quy định của pháp luật tại Điều 49 và Điều 53.
Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng không chỉ là trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân kinh doanh
Phóng viên: Việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng không chỉ là trách nhiệm của các tổ chức, doanh nghiệp sản xuất, cung ứng sản phẩm hàng hóa mà còn và ý thức, nghĩa vụ trách nhiệm của từng người dân. Xin đại biểu cho biết, yêu cầu này đã được đề cập cụ thể trong dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) như thế nào?
ĐBQH Tạ Đình Thi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường: Đúng vậy, việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng không chỉ là trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân kinh doanh cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ mà còn và ý thức, nghĩa vụ, trách nhiệm của chính từng người tiêu dùng, mà ở đây chính là từng người dân. Theo đó, người tiêu dùng có nghĩa vụ và trách nhiệm kiểm tra sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ trước khi nhận theo quy định của pháp luật; lựa chọn tiêu dùng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; tiêu dùng không vi phạm pháp luật, không trái với thuần phong mỹ tục và đạo đức xã hội, không gây nguy hại đến tính mạng, sức khỏe của mình và của người khác.
Người tiêu dùng cần tự nâng cao nghĩa vụ, trách nhiệm bảo về quyền lợi khi mua sắm sản phầm, hàng hóa, dịch vụ (ảnh minh họa: Internet).
Người tiêu dùng cũng phải có trách nhiệm tuân thủ các điều kiện, hướng dẫn vận chuyển, bảo quản, sử dụng của người cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; quy định về kiểm định, bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, người tiêu dùng phải thông tin cho cơ quan Nhà nước, tổ chức, cá nhân có liên quan khi phát hiện sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ lưu hành trên thị trường không bảo đảm an toàn, gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng; hành vi của tổ chức, cá nhân kinh doanh xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng. Ngoài ra, người tiêu dùng phải bảo đảm cung cấp chính xác, đầy đủ thông tin liên quan đến giao dịch giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh. Chịu trách nhiệm về việc cung cấp thông tin không chính xác hoặc không đầy đủ theo quy định của pháp luật cũng như thực hiện các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
Phóng viên: Tại Kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét việc thông qua dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). Xin đại biểu cho biết quan điểm để Luật thực sự áp dụng vào cuộc sống một cách hiệu quả?
ĐBQH Tạ Đình Thi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường: Sau nhiều lần thảo luận, thẩm tra, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhận thấy, dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) đã đáp ứng đủ điều kiện để trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 5 tới. Để Luật thực sự áp dụng vào cuộc sống một cách hiệu quả, theo tôi, Chính phủ, Bộ Công Thương, các Bộ, ngành và địa phương, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể và các tổ chức xã hội các cấp cần tiếp tục chủ động, tích cực thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của mình đã được Luật quy định trong quá trình hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Trong đó, trước hết cần khẩn trương ban hành các văn bản hướng dẫn theo thẩm quyền và phổ biến, tuyên truyền sâu rộng nội dung Luật cho các đối tượng liên quan trong xã hội.
Về phía các doanh nghiệp cần đẩy mạnh các hoạt động sản xuất, kinh doanh và cung ứng các sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ tốt, chất lượng cao, thân thiện với môi trường để phục vụ người tiêu dùng; chấp hành đầy đủ các quy định của pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đối với người tiêu dùng thì cần tự nâng cao nhận thức về các quyền của mình đã được pháp luật bảo hộ, thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật có liên quan.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đại biểu!