TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIỀU 24/5: QUỐC HỘI THẢO LUẬN MỘT SỐ NỘI DUNG CÒN Ý KIẾN KHÁC NHAU CỦA DỰ ÁN LUẬT PHÒNG THỦ DÂN SỰ
Cần có khoảng thời gian 5 tháng giữa 2 Kỳ họp để xem xét, thẩm tra kỹ lưỡng các dự án luật
Đại biểu Thạch Phước Bình – Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh phân tích, việc lập chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã được ghi nhận là một quy trình bắt buộc ngay từ khi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 1996. Theo đó, chương trình xây dựng luật, pháp lệnh bao gồm chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của cả nhiệm kỳ Quốc hội và chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hàng năm.
Thực tiễn thi hành các văn bản luật trên cho thấy quy định trên không mang tính khả thi. Bởi lẽ, do tính dự báo của các cơ quan lập chương trình chưa cao, chưa sát với nhu cầu, đòi hỏi của thực tiễn, hầu như đều dựa vào yếu tố chủ quan của các cơ quan liên quan ở thời điểm lập chương trình, trong khi cuộc sống thì luôn biến động, thay đổi, dẫn đến tình trạng điều chỉnh chương trình, bổ sung, rút, hoãn các dự án luật, pháp lệnh xảy ra thường xuyên và gần như là một sự tất yếu.
Đại biểu cho biết, có ý kiến cho rằng tình trạng điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, đặc biệt là gửi trình hồ sơ dự án chậm so với quy định, các cơ quan Quốc hội thường gọi là tình trạng "bắc nước chờ gạo" đã trở thành căn bệnh kinh niên, chưa có thuốc chữa.
Đại biểu Thạch Phước Bình – Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh
Qua nghiên cứu thực tiễn, đại biểu đề nghị nên nghiên cứu sửa đổi các quy định về dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hàng năm, sửa đổi các quy định về lập đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh. Song song với đó, cần xem xét việc thay chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hàng năm bằng việc lập dự kiến chương trình kỳ họp Quốc hội.
Cụ thể, đối với các dự án luật, Chính phủ, các cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội căn cứ vào thực tiễn tình hình soạn thảo, chuẩn bị các dự án luật, bao gồm cả các nghị quyết quy phạm pháp luật của Quốc hội, quyết định gửi Ủy ban Pháp luật của Quốc hội các hồ sơ dự án luật đã hoàn chỉnh về hồ sơ, quy trình, thủ tục, cũng như nội dung, chưa cần trình các cơ quan chuyên môn của Quốc hội. Ủy ban Pháp luật tiến hành thẩm tra sơ bộ về hồ sơ và quy trình, thủ tục soạn thảo dự án theo quy định, chưa thẩm tra về mặt nội dung, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến.
Trên cơ sở hồ sơ dự án luật và báo cáo thẩm tra sơ bộ của Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, nếu dự án đủ điều kiện theo quy định thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tổng hợp và lập dự kiến chương trình kỳ họp Quốc hội bao gồm các dự án luật cũng như các nội dung khác. Nếu dự án luật chưa đáp ứng được yêu cầu về quy trình, thủ tục, hồ sơ theo quy định thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội trả lại cơ quan trình luật. Dự kiến chương trình họp Quốc hội kỳ sau sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội lập và trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp trước.
Căn cứ vào đề nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cuối mỗi kỳ họp Quốc hội sẽ xem xét và thông qua dự kiến chương trình kỳ họp Quốc hội tiếp theo, trong đó có các dự án luật đã được Chính phủ cũng như các cơ quan, tổ chức, các đại biểu Quốc hội hoàn thiện trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Sau khi dự kiến chương trình kỳ họp Quốc hội đã được thông qua tại kỳ họp Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội mới bắt tay vào thẩm tra chính thức toàn diện các dự án luật. Như vậy, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội cũng như Ủy ban Thường vụ Quốc hội có thời gian khoảng 5 tháng giữa 2 Kỳ họp để xem xét, thẩm tra kỹ lưỡng các dự án luật này. Các cơ quan trình cũng có đủ thời gian để nghiên cứu, tiếp thu, giải trình.
Trước ngày khai mạc kỳ họp Quốc hội 1 tháng, căn cứ vào kết quả thẩm tra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét dự án nào có đủ điều kiện về thủ tục, hồ sơ cũng như chất lượng, nội dung đáp ứng yêu cầu thực tiễn thì đưa vào chương trình nghị sự chính thức của Quốc hội, nếu chưa đủ điều kiện thì kiên quyết loại bỏ hoặc có thể bổ sung những dự án cần thiết khác nếu đáp ứng đủ điều kiện theo quy định, đồng thời gửi tài liệu, hồ sơ các dự án luật đến các đoàn đại biểu Quốc hội để chuẩn bị cho kỳ họp.
Theo đại biểu, tại kỳ họp, khi xem xét cho ý kiến về các dự án luật, Quốc hội sẽ căn cứ vào chất lượng dự án, yêu cầu, đòi hỏi thực tiễn để quyết định việc thông qua hay chưa thông qua dự án luật. Quốc hội cũng như Ủy ban Thường vụ Quốc hội không xác định trước là dự án luật đó phải được trình 2 Kỳ họp theo chương trình như hiện hành. Tất nhiên, việc đổi mới theo định hướng trên cần phải nghiên cứu sửa đổi, bổ sung nhiều điều khoản có liên quan của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Bảo đảm tôn trọng quyền lập pháp của Quốc hội
Đối với các dự án pháp lệnh, Chính phủ, các cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội căn cứ vào thực tiễn tình hình soạn thảo, chuẩn bị các dự án pháp lệnh, bao gồm cả nghị quyết quy phạm pháp luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quyết định gửi Ủy ban Pháp luật của Quốc hội thẩm tra sơ bộ. Nếu đủ điều kiện thì Ủy ban Pháp luật trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa vào dự kiến chương trình phiên họp tiếp theo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sau đó các cơ quan Ủy ban chuyên môn của Quốc hội tiến hành thẩm tra toàn diện về hồ sơ cũng như quy trình, thủ tục và nội dung dự án pháp lệnh trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến và thông qua.
Trường hợp dự án pháp lệnh chưa đủ điều kiện thông qua thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội ra nghị quyết giao lại cho cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan thẩm kiểm tra tiếp thu, giải trình, trình lại Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Toàn cảnh phiên họp
Nếu thay chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hàng năm bằng việc lập dự kiến chương trình kỳ họp Quốc hội cũng như dự kiến chương trình phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội như quy trình đề xuất như trên sẽ cơ bản chấm dứt được tình trạng xin điều chỉnh, rút hoặc hoãn trình dự án, có bổ sung theo yêu cầu thực tiễn, điều này là không thể tránh khỏi. Các cơ quan của Quốc hội cũng có đủ thời gian thẩm tra kỹ lưỡng các dự án luật, pháp lệnh, chấm dứt được tình trạng "bắc nước chờ gạo" tồn tại lâu nay vì không còn đất tồn tại cho tình trạng gửi hồ sơ dự án muộn so với thời gian quy định, đồng thời cũng tiết kiệm được nhiều thời gian, công sức và tiền bạc trong quy trình soạn thảo các dự án luật, pháp lệnh, từ đó sẽ tăng cường được tính nghiêm túc, kỷ luật, kỷ cương trong xây dựng pháp luật, bảo đảm tính khả thi của dự kiến chương trình kỳ họp Quốc hội. Điều quan trọng hơn cả là khắc phục được mâu thuẫn trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật hiện hành và bảo đảm tôn trọng tuyệt đối quyền lập pháp, quyền quyết định luật của Quốc hội.