TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIỀU 29/5: QUỐC HỘI TIẾP TỤC THẢO LUẬN VỀ CÁC NGUỒN LỰC PHỤC VỤ CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG DỊCH COVID -19; Y TẾ CƠ SỞ, Y TẾ DỰ PHÒNG
ĐBQH Văn Thị Bạch Tuyết - Đoàn ĐBQH Tp. Hồ Chí Minh
Phát biểu ý kiến tại Kỳ họp thứ 5, ĐBQH Văn Thị Bạch Tuyết - Đoàn ĐBQH Tp. Hồ Chí Minh bày tỏ thống nhất cao với các nội dung của Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng, cũng như các nội dung của dự thảo Nghị quyết.
Tuy nhiên, đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết cũng đưa ra những kiến nghị. Trong đó, đề nghị trong thời gian tới, cần quan tâm đến việc đổi mới cơ chế tài chính, cơ chế tự chủ cơ sở y tế công lập… Đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết cho rằng, việc đổi mới cơ chế tài chính, cơ chế tự chủ của các cơ sở khám, chữa bệnh, các đơn vị sự nghiệp thuộc lĩnh vực y tế công lập sẽ giúp tăng cường đầu tư trang thiết bị y tế và nhân lực cho cơ sở y tế cấp cơ sở và y tế dự phòng, góp phần tăng cường năng lực khám, chữa bệnh và năng lực làm công tác dự phòng của các cơ sở này.
Trong thời gian vừa qua, tình trạng quá tải của các bệnh viện tuyến trên kéo dài, đến thời điểm hiện nay ngành y tế cũng chưa có giải pháp để khắc phục tình trạng này. Trong khi hệ thống y tế cơ sở được bố trí rộng khắp nhưng lại không đủ điều kiện để triển khai thực hiện tốt công tác khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Bệnh nhân từ các tỉnh đổ về các thành phố lớn để được chăm sóc sức khỏe để được thăm khám và điều trị. Trong khi đó, hệ thống các bệnh viện ở cơ sở thì lại không có đủ nguồn thu, không có đủ nguồn lực để đảm bảo cho các hoạt động của mình. Vì vậy, đại biểu cho rằng, cần phải có giải pháp sớm đổi mới cơ chế tài chính và cơ chế tự chủ của các cơ sở y tế công lập.
Ngoài ra, đại biểuVăn Thị Bạch Tuyết cũng kiến nghị Quốc hội sớm xem xét sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế nhằm khắc phục những bất cập hiện nay. Đại biểu, qua khảo sát và nắm bắt tình hình cơ sở, đã cho thấy những vướng mắc, khó khăn xuất phát từ các quy định chưa thật phù hợp trong thanh toán bảo hiểm y tế nhưng chưa nhận được sự quan tâm, đánh giá và xử lý thỏa đáng của các cơ quan chức năng.
Các đại biểu Quốc hội tại phiên họp
Theo phản ánh của cử tri ngành y tế, đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết cho biết, các bác sĩ hiện nay không phải là người quyết định điều trị như thế nào mà nhân viên ngành bảo hiểm, những người không có chuyên môn lại có ý kiến rất nhiều về việc phải điều trị bệnh nhân như thế nào. Cụ thể, trong các trường hợp, nhân viên bảo hiểm sẽ hỏi chất vấn các bác sĩ điều trị, tại sao lại cho thuốc này không phải là cho thuốc khác? Tại sao bệnh này thì phải tổ chức chẩn đoán hình ảnh…? Trong khi đó, chúng ta đang phải đối mặt với tình trạng quá tải các bệnh viện. Tại các thành phố lớn, số bệnh nhân rất đông và bác sĩ không thể từ chối khám bệnh khi số lượng bệnh nhân vẫn còn. Nếu không chẩn đoán hình ảnh cho họ và để tới ngày hôm sau, bệnh nhân sẽ phải quay lại thì sẽ rất tốn kém chi phí cho người bệnh. Đây là những vấn đề đặt ra, đại biểu nhấn mạnh.
Đối với việc thanh toán bảo hiểm y tế, đại biểu cho biết, đang thiếu sự phối hợp giữa Bộ Y tế và cơ quan bảo hiểm để giải quyết các vấn đề này cho các bệnh viện cũng như giải quyết tình trạng quá tải của các bệnh viện tuyến trên trong một thời gian dài vừa qua.
Đại biểu đề nghị phải giải quyết dứt điểm các vướng mắc, khó khăn trong đấu thầu mua sắm và chấm dứt tình trạng thiếu thuốc và vật tư y tế, không thể chấp nhận việc thiếu vaccine cho Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia hay các loại vaccine khác để ngừa các loại bệnh có thể gây tử vong cho người dân hoặc để lại di chứng sau này. Đại biểu nhấn mạnh, việc thiếu vaccine kéo dài thời gian qua đã gây nhiều hệ lụy.
Riêng về việc thiếu thuốc, trang thiết bị y tế, thời gian vừa qua chúng ta xử lý, giải quyết vấn đề này quá lâu, mất gần 2 năm mới có văn bản hướng dẫn. Trong khi đó, đây vấn đề gây ảnh hưởng lớn đến người dân, đến sức khỏe, tính mạng của người dân. Do vậy cũng cần có giải pháp xử lý dứt điểm./.