QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ DỰ ÁN LUẬT SỬA ĐỔI 2 LUẬT VỀ XUẤT NHẬP CẢNH CỦA CÔNG DÂN VIỆT NAM VÀ NGƯỜI NƯỚC Ở VIỆT NAM
Toàn cảnh phiên họp
Phát biểu trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm nêu rõ, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 16/1/2017 về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; góp phần thể chế hóa chủ trương phấn đấu đến năm 2030 hoàn thành xây dựng Chính phủ số, đứng trong số 50 quốc gia hàng đầu thế giới và xếp thứ ba trong khu vực ASEAN về Chính phủ điện tử kinh tế số.
Đồng thời, việc xây dựng luật còn đáp ứng yêu cầu của Quốc hội tại Nghị quyết số 76/2022/QH15 để bổ sung thông tin nơi sinh vào hộ chiếu và khắc phục những khó khăn, vướng mắc khi thi hành Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân năm 2019 và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014, sửa đổi, bổ sung năm 2019.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm nhấn mạnh mục đích của việc sửa đổi Luật này là tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam và người Việt Nam xuất cảnh ra nước ngoài phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm tiếp thu, giải trình một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm
Hồ sơ dự án luật được xây dựng theo quy định Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trên cơ sở tổng kết thực tiễn, tiếp thu ý kiến của các Bộ, ngành, các địa phương và đã được Chính phủ thống nhất thông qua.
Điểm lại các ý kiến đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận tại tổ và hội trường, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm nêu rõ, các ý kiến sẽ được các cơ quan chủ trì soạn thảo, phối hợp với các cơ quan chức năng của Quốc hội để tổng hợp, tiếp thu, giải trình, báo cáo cấp có thẩm quyền. Đồng thời bày tỏ mong muốn các đại biểu Quốc hội, các cơ quan, tổ chức có liên quan tiếp tục quan tâm, cho ý kiến đối với dự án luật. Cơ quan chủ trì soạn thảo có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với cơ quan của Quốc hội, hoàn thiện hồ sơ dự án luật trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp này.
Cũng trong phiên thảo luận hội trường, tán thành các nội dung được đề xuất, sửa đổi đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ, nêu quan điểm về cấp hộ chiếu gắn chip điện tử, đại biểu Nguyễn Phương Thủy – Đoàn ĐBQH TP.Hà Nội nêu rõ, từ ngày 01/3/2023, Bộ Công an đã thực hiện việc cấp hộ chiếu gắn chip. Tại 2 cửa khẩu quốc tế quan trọng là Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài và Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đang thực hiện việc lắp đặt cổng kiểm soát tự động để triển khai tự động hóa thủ tục kiểm tra, kiểm soát đối với việc nhập cảnh của công dân Việt Nam có sử dụng hộ chiếu gắn chip mà không cần có cán bộ quản lý xuất, nhập cảnh. Như vậy, hộ chiếu gắn chip có tính thực tế cao, tạo thuận lợi hơn cho người dân, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế của đất nước.
Đại biểu Nguyễn Phương Thủy - Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội
Tuy nhiên, khoản 2, Điều 6 của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam hiện đang quy định hộ chiếu gắn chip chỉ được cấp cho công dân Việt Nam từ 14 tuổi trở lên khi có yêu cầu và không cấp cho công dân dưới 14 tuổi. Đại biểu Nguyễn Phương Thuỷ nhận thấy, việc quy định như vậy là chưa phù hợp, nhất là khi dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi) cũng do Bộ Công an soạn thảo và trình Quốc hội tại Kỳ họp này đã đề xuất việc cấp thẻ căn cước công dân cho cả trẻ em chưa đủ 14 tuổi. Do đó, đại biểu đề nghị xem xét, sửa đổi, bổ sung quy định tại Điều 6 và một số điều khoản có liên quan ngay trong lần sửa đổi này để bảo đảm đồng bộ hóa các quy định, tạo thuận lợi tối đa cho công dân trong thực hiện thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh.
Các đại biểu nhất trí với việc nâng thời hạn tạm trú và thị thực điện tử cho người nước ngoài là phù hợp với tình hình thực tế hiện nay, khi nhu cầu vào Việt Nam dài ngày tăng lên.
Đại biểu Lê Nhật Thành – Đoàn ĐBQH TP.Hà Nội cho rằng, qua thời gian cấp thị thực điện tử thí điểm từ giai đoạn năm 2017 đến nay, số lượng người nước ngoài đề nghị cấp thị thực điện tử ngày càng tăng. Tuy nhiên, thời hạn thị thực điện tử ngắn nên chưa thu hút được nhiều người nước ngoài. Do vậy, việc Chính phủ đề nghị nâng thời hạn thị thực, tạm trú nhằm đáp ứng nhu cầu lưu trú dài ngày của khách du lịch quốc tế, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài muốn vào Việt Nam nghiên cứu, khảo sát thị trường, xúc tiến đầu tư,... là rất phù hợp với tình hình thực tiễn.
Đại biểu Lê Nhật Thành - Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội
Một số ý kiến cho rằng, hiện nay, Việt Nam đơn phương miễn thị thực có thời hạn đối với công dân của 25 nước là thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực, đề nghị mở rộng hơn diện và điều kiện đơn phương miễn thị thực cho công dân các nước, vùng lãnh thổ. Có ý kiến đề nghị nâng thời hạn tạm trú lên để có thể linh hoạt hơn trong việc cấp chứng nhận tạm trú.
Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng – Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho rằng, việc sửa đổi về thời gian tạm trú của người nước ngoài tại Việt Nam và miễn thị thực chưa tăng nhiều thời gian so với các quốc gia trong khu vực. Vì vậy, đại biểu đề nghị ban soạn thảo cân nhắc thêm về nội dung này, cần tăng thời gian về tạm trú, thị thực cho người nước ngoài.
Thực tế, các nước như Thái Lan, Singapore... đang áp dụng chính sách miễn thị thực với thời hạn tạm trú từ 45 ngày đến 90 ngày. Do đó, việc nâng thời hạn đơn phương miễn thị thực lên 45 ngày mới đạt mức trung bình trong khu vực; do đó, cần tạo thuận lợi hơn nữa cho khách du lịch quốc tế, giúp họ chủ động thời gian, lịch trình tham quan, nghỉ dưỡng dài ngày ở Việt Nam.
Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng - Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
Về cấp thị thực cho người nước ngoài và thời hạn thị thực, ĐBQH Nguyễn Thanh Phương (TP. Cần Thơ) thống nhất với việc tăng thời gian thị thực cho người nước ngoài được cấp mã thị thực EV, tức là cấp thị thực điện tử từ 30 ngày sang 3 tháng. Tuy nhiên, theo đại biểu, nên ghi trong dự thảo Luật là “90 ngày” vì đối với các nước khi cấp thị thực ngắn hạn đều ghi theo ngày mà không ghi theo tháng. Thị thực này có giá trị 1 lần trở thành có giá trị 1 hay nhiều lần, theo đại biểu, cũng là điều rất thuận lợi.
Dẫn báo cáo của Bộ Công an, đại biểu Nguyễn Thanh Phương nêu rõ, khi nước ta khôi phục chính sách xuất, nhập cảnh như thời điểm trước dịch COVID-19 thì từ ngày 15/3/2022 đến nay, số lượng cấp thị thực điện tử tăng gấp 46,6 lần so với cùng kỳ trước đại dịch. Điều này cho thấy nhu cầu và tính thuận lợi về việc thêm thị thực điện tử cho người nước ngoài.
Bên cạnh đó, Chính phủ đã xây dựng dự thảo Nghị quyết về danh sách 156 nước và vùng lãnh thổ cấp thị thực điện tử và danh sách 13 cửa khẩu đường sông, 13 cửa khẩu đường bộ và 13 cửa khẩu đường biển cho phép người nước ngoài được nhập cảnh bằng thị thực điện tử kèm theo dự thảo Luật lần này.
Đại biểu Nguyễn Thanh Phương - Đoàn ĐBQH Tp.Cần Thơ
Theo đại biểu Nguyễn Thanh Phương, điều đó cho thấy nước ta đang tạo điều kiện rất thuận lợi cho người nước ngoài đến với Việt Nam, đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng dài hạn của khách du lịch nước ngoài, người nước ngoài muốn vào Việt Nam nghiên cứu, khảo sát thị trường, tìm kiếm, xúc tiến đầu tư hoặc các hoạt động khác. Từ đó, tác động tích cực đến ngành du lịch và các lĩnh vực khác như giáo dục, khoa học và kinh tế của đất nước.
Nhiều đại biểu cho rằng, chính sách mở cửa trong tiếp nhận người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam sẽ là “đòn bẩy” lớn để thu hút du lịch, đầu tư, hợp tác doanh nghiệp và nghiên cứu khoa học. Đây là những động lực quan trọng để phát triển nền kinh tế của đất nước trong giai đoạn hiện nay và tương lai.
Các đại biểu đề nghị rà soát các thông tin trên giấy tờ xuất, nhập cảnh để bảo đảm tính ổn định, phù hợp với thông lệ quốc tế, tạo thuận lợi thống nhất, kết nối liên thông giữa các cơ sở dữ liệu, đặc biệt là Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về căn cước công dân.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương kết luận nội dung thảo luận
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương không khí thảo luận sôi nổi, dân chủ, khách quan, thẳng thắn và có nhiều thông tin, có căn cứ chính trị pháp lý và thực tiễn rõ ràng, sâu sắc toàn diện, thể hiện sự quan tâm và trách nhiệm cao của các đại biểu đối với các nội dung dự án luật. Bộ trưởng Bộ Công an đã thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo phát biểu tiếp thu.
Các vị đại biểu cơ bản tán thành với tờ trình và hồ sơ cũng như dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, nhất là về tính cấp thiết để mở cửa hội nhập, phát triển kinh tế - xã hội nói chung, kinh tế du lịch nói riêng và tăng cường quản lý nhà nước trên lĩnh vực này.
Ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội đã được ghi âm, ghi chép đầy đủ. Tổng Thư ký Quốc hội sẽ có báo cáo tổng hợp đầy đủ ý kiến thảo luận, tranh luận của đại biểu để nghiên cứu, tiếp thu. Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan chủ trì soạn thảo, các cơ quan liên quan nghiêm túc tiếp thu đầy đủ ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật và báo cáo tiếp thu, giải trình một cách thuyết phục để tạo được sự đồng thuận cao, báo cáo cấp có thẩm quyền và chỉnh lý dự thảo luật trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp này theo đúng quy định, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ.
Một số hình ảnh tại phiên thảo luận:
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên họp
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tham dự phiên họp
Các đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận
Đại biểu Vương Thị Hương - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang
Đại biểu Hoàng Hữu Chiến - Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang
Đại biểu Nguyễn Hải Anh - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp
Đại biểu Vũ Hồng Luyến - Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên
Đại biểu Vũ Tiến Lộc - Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội
Đại biểu, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm - Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội
Đại biểu Bùi Xuân Thống - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai
Đại biểu Lê Hoàng Anh - Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương kết luận