HOÀN THIỆN CÁC TRỤ CỘT CỐT LÕI ĐỂ HÌNH THÀNH TRUNG TÂM TÀI CHÍNH QUỐC TẾ TP.HCM

07/06/2023

Tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh. Tham gia thảo luận tại các phiên thảo luận tổ về nội dung này, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng cần hoàn thiện các trụ cột cốt lõi để hình thành trung tâm tài chính quôc tế Tp.Hồ Chí Minh.

Tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh. Thảo luận về nội dung này tại phiên thảo luận tổ, đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cho rằng, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 54/2017/QH14 thí điểm cơ chế chính sách đặc thù đối với TP. HCM đã có chuyển biến tích cực trên tất cả các lĩnh vực, nhưng thực tế chỉ triển khai được trong 3 năm (2 năm dồn sức chống dịch COVID-19), hơn nữa các cơ chế đặc thù chưa có điểm khác biệt so với cơ chế đặc thù của một số địa phương đã được Quốc hội cho phép nên vẫn còn bị ràng buộc với các quy định của luật hiện hành.

Đại biểu Phan Đức Hiếu – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình

Theo đại biểu Phan Đức Hiếu – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình, việc ban hành Nghị quyết cũng nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 31-NQ/TW của Bộ Chính trị khẳng định rõ: “Đảng đoàn Quốc hội lãnh đạo ban hành Nghị quyết của Quốc hội (thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14) để cho phép thí điểm cơ chế, chính sách vượt trội phát triển Thành phố Hồ Chí Minh” và Nghị quyết số 76/2022/QH15 của Quốc hội quy định: “Giao Chính phủ nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, trình Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14 trong thời gian sớm nhất”. Bên cạnh căn cứ chính trị, cơ sở pháp lý, căn cứ thực tiễn, đại biểu cho rằng việc ban hành nghị quyết còn là mong đợi của cử tri và Nhân dân cả nước, không riêng gì chính quyền và Nhân dân TP.Hồ Chí Minh.

Góp ý về các nội dung cụ thể của dự thảo Nghị quyết, điều được đại biểu Phan Đức Hiếu quan tâm nhất không phải là nội dung của nghị quyết, mà đề nghị Chính phủ tập trung nhiều công sức hơn nữa cho việc triển khai thực hiện nghị quyết. Bởi nếu nghị quyết được ban hành, các quy định càng chi tiết, cụ thể, thì khâu tổ chức triển khai thực hiện sẽ được rút ngắn. Cùng quan điểm về vấn đề này, đại biểu Phạm Thúy Chinh – Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang cũng lo ngại, nếu nghị quyết không đủ rõ sẽ rất lâu nữa các quy định mới đi vào thực tiễn.

Đại biểu Nguyễn Thành Trung – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái phát biểu tại phiên họp

Cũng tán thành với sự cần thiết ban hành Nghị quyết, đại biểu Nguyễn Thành Trung – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái nhận thấy, cơ quan soạn thảo đã phối hợp với chính quyền Thành phố nghiên cứu, xây dựng Dự thảo Nghị quyết có 02 nhóm chính sách với 44 nội dung cụ thể. Theo đó, dự thảo Nghị quyết đã kế thừa các chính sách đã được quy định tại Nghị quyết 54/2014/QH14 và các Nghị quyết cơ chế đặc thù đã được áp dụng hoặc đang quy định tại các dự thảo Luật trình Quốc hội. Các chính sách mới lần đầu tiên được quy định tại dự thảo Nghị quyết với 04 nhóm vấn đề gồm đầu tư; tài chính - ngân sách; quản lý đất đai, quy hoạch và tổ chức bộ máy.

Tuy nhiên, đối chiếu với yêu cầu của Nghị quyết 31-NQ/TW của Bộ Chính trị về nhiệm vụ, giải pháp là “có cơ chế, chính sách, hạ tầng kỹ thuật phù hợp để sớm xây dựng thành công Trung tâm Tài chính quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh”, đại biểu Nguyễn Thành Trung nhận thấy, các nhóm chính sách đưa ra trong dự thảo Nghị quyết chưa thể hiện được nhiệm vụ này. Theo đánh giá của các chuyên gia, Thành phố Hồ Chí Minh hiện đã là trung tâm tài chính của Việt Nam dù vẫn chưa hoàn chỉnh. Để hình thành trung tâm tài chính quốc tế hoàn chỉnh cần hoàn thiện ba trụ cột cốt lõi.

Đầu tiên là trụ cột thị trường tiền tệ và hệ thống ngân hàng, đại biểu cho biết, hiện nay, trên địa bàn thành phố chỉ mới có hệ thống ngân hàng thương mại mà thiếu ngân hàng đầu tư chuyên hoạt động trên thị trường vốn, thị trường tài chính trung và dài hạn. Đối với trụ cột thị trường vốn còn manh nha, sơ khai, mới hình thành dạng trái phiếu ở một số lĩnh vực, trong đó, chủ yếu là ngành bất động sản. Cần hoàn thiện hệ thống pháp lý để thị trường này hoạt động đầy đủ tất cả ngành nghề. Cuối cùng là trụ cột về thị trường hàng hóa phái sinh, tại địa bàn thành phố vẫn chưa có trụ cột này.

Thống nhất cao với việc sửa đổi, thay thế Nghị quyết 54/2014/QH14, đại biểu Vũ Ngọc Long – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước cho biết, việc xây dựng dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh sẽ giúp thành phố thực sự là đầu tàu, trung tâm kinh tế, thương mại, tài chính, văn hóa, khoa học-công nghệ lớn nhất cả nước. Tuy nhiên, về sự cần thiết, Tờ trình của Chính phủ có nêu sự phát triển của Thành phố Hồ Chí Minh có dấu hiệu chững lại, đại biểu nhận thấy, sự chững lại không hoàn toàn do Nghị quyết 54/2014/QH14 mà còn do sự triển khai trên thực tế.

Đại biểu cho rằng, sự chững lại trên cũng do chưa có sự liên kết vùng, chưa có định hướng tốt để Thành phố Hồ Chí Minh để thực sự trở thành đầu tàu của vùng và cả nước. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo đề chỉnh lại về sự cấn thiết ban hành Nghị quyết để các vị đại biểu Quốc hội thuyết phục được cử tri; đồng thời nhận được sự đồng thuận cao khi Quốc hội thông qua Nghị quyết.

Đại biểu Hoàng Văn Cường, Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội

Đóng góp ý kiến vào dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Tp.Hồ Chí Minh, đại biểu Hoàng Văn Cường, Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội cho rằng, trong dự thảo Nghị quyết cần có thêm cơ chế để Chính phủ đặt hàng đầu tư các dự án để Tp.Hồ Chí Minh phát triển bứt phá theo hình thức đầu tư công. Mặt khác, cần phát triển các dự án phat triển giao thông gắn với phát triển đô thị và nên để các nhà đầu tư thiết kế theo phương thức xây dựng đô thị hiện đại.

Ngoài ra, dự thảo Nghị quyết giao Thành phố quyết định linh hoạt trong việc quy hoạch bố trí nhà ở xã hội phù hợp thực tiễn, theo đó UBND Thành phố không nhất thiết phải dành 20% tổng diện tích đất đầu tư xây dựng nhà ở thương mại dành để xây dựng nhà ở xã hội. Pháp luật quy định dự án xây dựng nhà ở thương mại phải dành 20% tổng diện tích đất để xây dựng nhà ở xã hội.

Đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, trong một số trường hợp, quy định này chưa phù hợp thực tiễn, nhất là những dự án có quy mô nhỏ hoặc nằm trong khu đất có giá trị thương mại lớn; gây khó khăn cho người thuộc đối tượng ở nhà ở xã hội khi phải trả phí dịch vụ cao cấp. Để tạo chủ động, tán thành thí điểm giao Thành phố linh hoạt trong bố trí nhà ở xã hội, song cần quy định rõ nghĩa vụ của các chủ đầu tư trong xây dựng nhà ở xã hội, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân. Ngoài ra, việc xây dựng nhà ở xã hội phải đảm bảo các điều kiện khác để người dân thuận tiện trong sinh hoạt, làm việc, học tập...

Minh Hùng