THẢO LUẬN TỔ 04 VỀ DỰ ÁN LUẬT VIỄN THÔNG (SỬA ĐỔI): CHÚ TRỌNG LẤY Ý KIẾN CÁC ĐỐI TƯỢNG CHỊU SỰ TÁC ĐỘNG

10/06/2023

Theo chương trình Kỳ họp thứ 5, sáng 10/6, thảo luận tại Tổ 04 gồm các Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh Cà Mau, Lai Châu, Thừa Thiên – Huế và Tp.Hải Phòng về dự án Luật Viễn thông (sửa đổi), các đại biểu đều nhất trí với sự cần thiết ban hành luật, song cũng lưu ý đến công tác rà soát để bảo đảm thống nhất và việc lấy ý kiến các đối tượng chịu sự tác động của luật.

CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: TRÁCH NHIỆM XÂY DỰNG LUẬT PHẢI NHÌN SÂU, RỘNG, TÁC ĐỘNG TOÀN DIỆN, NHIỀU CHIỀU CỦA CHÍNH SÁCH

Toàn cảnh phiên thảo luận tại Tổ 04

Cho ý kiến đối với dự án Luật này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, bên cạnh việc thuyết minh rõ ràng phạm vi điều chỉnh của hoạt động viễn thông, cần phân tích rất kỹ bối cảnh xây dựng chính sách, phân tích chính sách, tác động của chính sách và lợi ích của quốc gia, của doanh nghiệp trong nước cũng như doanh nghiệp của các thành phần kinh tế thuộc phạm vi áp dụng của luật này.

Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết Luật này liên quan đến rất nhiều luật trong hệ thống pháp luật và cả các điều ước quốc tế, các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên. Do đó, cần lưu ý rà soát để bảo đảm các nguyên tắc có các quy định bắt buộc để thực hiện các cam kết quốc tế bởi đã cam kết rồi thì không thể không làm được; bảo đảm không có các quy định trái hoặc đi ngược với các cam kết quốc tế, nếu có thì sẽ nằm ở trường hợp ngoại lệ được phép áp dụng hoặc có lộ trình. Đồng thời dự lường những phản ứng từ các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp để kịp thời thông tin rõ ràng và hài hoà các khái niệm, định nghĩa trong luật.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại phiên thảo luận Tổ

Chủ tịch Quốc hội cho biết, qua rà soát cho thấy dự án luật này liên quan đến 205 văn bản quy phạm pháp luật còn hiệu lực, trong đó có 64 luật, 72 nghị định, 65 thông tư và 4 thông tư liên tịch; ngoài ra còn liên quan đến 12 điều ước quốc tế. Chủ tịch Quốc hội cho biết, Bộ Thông tin - Truyền thông đã có rà soát kĩ và đưa ra phương án xử lý mối quan hệ giữa các văn bản. Tuy nhiên do phạm vi ảnh hưởng lớn nên cần tiếp tục rà soát nhất là các nội dung cũng đang được sửa đổi, được Quốc hội thảo luận.

Chủ tịch Quốc hội trao đổi thực tiễn có tình trạng trong quá trình làm luật, đưa dự thảo luật ra lấy ý kiến không thấy có ý kiến nhưng đến khi luật được ban hành lại thấy có mẫu thuẫn. Vì vậy cần đề cao trách nhiệm trong việc tổ chức lấy ý kiến các đối tượng chịu sự tác động và bị tác động, nhất là đối với những luật chuyên sâu như luật này.

Cùng quan điểm, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung – Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên – Huế nêu rõ không thể đòi hỏi tất cả người dân biết hết để cho ý kiến hết vào các luật nhưng trong quá trình làm luất rất cần huy động lấy ý kiến những đối tượng có lợi ích liên quan, những người có điều kiện nghiên cứu, có nhận thức và có điều kiện tham gia góp ý. Việc không được lấy ý kiến đầy đủ hoặc lấy ý kiến nhưng không tham gia góp ý cũng ảnh hưởng đến chất lượng của luật, có thể dẫn đến tính không ổn định của pháp luật.

Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung – Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên – Huế

Do đó, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung đề nghị các cơ quan Quốc hội, Chính phủ ngoài đăng tải dự thảo luật lên cổng thông tin điện tử theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, có thể tổ chức mời những người có liên quan trực tiếp đến để đóng góp ý kiến,.

Đại biểu Nguyễn Chu Hồi – Đoàn ĐBQH Tp.Hải Phòng cho rằng dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi) còn nặng về yếu tố kĩ thuật, cần luật hóa các nội dung mang tính kĩ thuật. Trong khi tác động xã hội của dự án Luật này là rất lớn cả về đối nội, đối ngoại.

Đại biểu Nguyễn Chu Hồi cho biết, có nhiều ý kiến trong đó có các nước phát triển cho rằng trong quá trình ứng dụng thành tựu của cách mạng công nghệ mà kiểm soát tốt sẽ phát huy được cơ hội, thúc đẩy sự phát triển, kể cả kinh tế - xã hội và các mặt khác nhưng nếu không kiểm soát tốt thì sẽ đối mặt với nhiều thách thức, rủi ro, mặt trái của công nghệ.

Đại biểu Nguyễn Chu Hồi – Đoàn ĐBQH Tp.Hải Phòng

Đại biểu đề nghị rất cần cân nhắc về quan điểm khi xây dựng luật này là cố gắng luật hóa những nội dung kĩ thuật nều không vẫn nặng về kĩ trị thì sẽ khó áp dụng. Đại biểu Nguyễn Chu Hồi nêu rõ, pháp luật điều chỉnh hành vi xã hội nó dựa trên điều chỉnh các nhóm quan trọng là chủ thể quản lý, kể cả nhà nước; đối tượng cần điều chỉnh và các yếu tố tác động đến chủ thể quản lý và đối tượng liên quan. Nếu không làm rõ được các nhóm vấn đề này thì khi soạn thảo sẽ vẫn nghiêng về phía cơ quan quản lý. Đại biểu chỉ rõ ngay trong chính dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi) lần này, quyền được bảo đảm an toàn trong quá trình tham gia hoạt động viễn thông điều chỉnh rất ít. Hay như trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) nói về quản lý nhà nước là liệt kê các nhiệm vụ quản lý nhà nước nhưng lại thiếu quy định về chế tài xử lý chủ thể quản lý không thực hiện được nhiệm vụ.

Đại biểu Nguyễn Chu Hồi nhấn mạnh phải làm rất rõ các quyền và nghĩa vụ của chủ thể quản lý, quyền và nghĩa vụ của đối tượng bị điều chỉnh bởi pháp luật và điều chỉnh hành vi của những tác động vào cả hai chủ thể quản lý và đối tượng áp dụng. Khi đó, văn bản luật mới bảo đảm cân đối, bảo đảm các chủ thể công bằng trước pháp luật, bảo đảm cho hiệu quả luật khi được thông qua sẽ đi vào cuộc sống.

Đại biểu Nguyễn Hải Nam - Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên – Huế

Đại biểu Nguyễn Hải Nam - Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên – Huế cho rằng, luật cần có sự tính toán đầy đủ, kỹ lưỡng, rà soát các vấn đề về bảo mật thông tin để có sự thống nhất về mặt quan điểm so với các luật của quốc tế và quy định của các tổ chức quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Ngoài ra, các dịch vụ viễn thông bình thường xem xét lại việc đầu tư hạ tầng và phải tính toán lại về dịch vụ và giá. Đại biểu cho biết, theo Quyết định 316/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ năm 2021 thì mobile money, momo được phép thanh toán qua tài khoản viễn thông thanh toán, song mới thí điểm cho những hàng hóa, dịch vụ nhỏ. Do đó, đề nghị, Ban soạn thảo phối hợp với Chính phủ có đánh giá, rà soát lại, nếu đủ “chín” nên quy định gợi mở trong luật lần này trong bối cảnh hội nhập, các dịch vụ thanh toán này đang phát triển nhanh.

Một số hình ảnh tại phiên thảo luận Tổ:

Toàn cảnh phiên thảo luận tại Tổ 04

Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên - Huế Lê Trường Lưu điều hành thảo luận

Các đại biểu Đoàn ĐBQH Tp.Hải Phòng

Đại biểu Đinh Ngọc Minh - Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau

Các đại biểu Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên - Huế

Các đại biểu Đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu

Các đại biểu Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau

Toàn cảnh phiên thảo luận.

Bảo Yến - Phạm Thắng