CẦN MINH ĐỊNH RÕ CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH NGAY TRONG ĐỀ XUẤT XÂY DỰNG LUẬT, PHÁP LỆNH

15/06/2023

Tại Phiên thảo luận tòa thể ở Hội trường về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, các đại biểu Quốc hội kiến nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành hình thành rõ ràng những cơ chế, chính sách ngay trong các đề xuất xây dựng luật, pháp lệnh, đồng thời xem xét, duyệt và chịu trách nhiệm về các chính sách trong các dự án luật, pháp lệnh được đưa vào chương trình để Quốc hội thông qua.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIỀU 24/5: QUỐC HỘI THẢO LUẬN MỘT SỐ NỘI DUNG CÒN Ý KIẾN KHÁC NHAU CỦA DỰ ÁN LUẬT PHÒNG THỦ DÂN SỰ

Thảo luận tại Hội trường về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình năm 2023, đại biểu Nguyễn Văn Huy, Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình cho rằng, mặc dù Nhà nước ta đã ban hành được nhiều văn bản pháp luật mới và sửa đổi, bổ sung nhiều văn bản pháp luật hiện hành, song hệ thống pháp luật vẫn chưa đồng bộ, chưa hoàn chỉnh; tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn trong hệ thống văn bản pháp luật vẫn là điều cần phải được quan tâm, chú trọng. Một số quy định có tính khả thi không cao, phải điều chỉnh sửa đổi, bổ sung nhiều lần. Điều đáng lưu ý là trong các văn bản pháp luật còn nhiều quy định mang tính nguyên tắc chung, chưa cụ thể để áp dụng thi hành được ngay mà còn phải ban hành nhiều văn bản để cụ thể hóa hướng dẫn thi hành.

Trong khi đó việc ban hành các văn bản này thường rất chậm, không kịp thời nên pháp luật chậm đi vào đời sống. Trong áp dụng thực thi lại tồn tại tình trạng nhiều cách hiểu, cách làm khác nhau dẫn đến một thực trạng khác là địa phương thì ra văn bản hỏi bộ thì bộ trả lời đề nghị địa phương thực hiện theo quy định của pháp luật, như trong Báo cáo số 1878 thẩm tra, đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022, tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2023 cũng đã nêu về nội dung này.

Đại biểu Nguyễn Văn Huy, Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình

Thực tiễn cho thấy, cùng một hệ thống quy định pháp luật nhưng giữa các bộ, ngành, địa phương thực hiện thì đem lại nhiều kết quả rất khác nhau. Từ hạn chế nêu trên sẽ dẫn đến những sơ hở, lợi dụng trong việc thi hành pháp luật và đây cũng là nguyên nhân cơ bản dẫn đến những yếu kém trong công tác quản lý nhà nước, tệ tham nhũng, lãng phí.

Để việc xây dựng luật, pháp lệnh được đồng bộ, pháp luật nhanh chóng đi vào đời sống, đại biểu kiến nghị Quốc hội, Chính phủ giao nhiệm vụ cho các cơ quan chuyên môn để trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, việc xây dựng chính sách pháp luật của các dự án luật phải cơ bản hoàn thành cùng với việc thông qua chương trình.

Bên cạnh đó, đại biểu kiến nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành hình thành rõ ràng những cơ chế, chính sách ngay trong các đề xuất xây dựng luật, pháp lệnh. Đồng thời xem xét, duyệt và chịu trách nhiệm về các chính sách trong các dự án luật, pháp lệnh được đưa vào chương trình để Quốc hội thông qua chương trình, đồng thời cũng phê chuẩn các chính sách do Chính phủ đề xuất và từ đó thì có điều kiện để giám sát việc luật hóa các chính sách trong các dự án luật, pháp lệnh được sát hơn. Điều đó cũng góp phần thực hiện phương châm lập pháp chủ động, vào cuộc từ sớm, từ xa.

Toàn cảnh phiên họp

Đại biểu Nguyễn Văn Huy nhấn mạnh, khối lượng công tác lập pháp cần hoàn thành trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV theo Kế hoạch số 81 là rất lớn, chưa kể đến việc có thể còn phải bổ sung các nhiệm vụ lập pháp mới theo các yêu cầu tại các văn kiện của Đảng và để đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn. Nhưng thời gian còn lại của nhiệm kỳ sau khi Quốc hội thông qua Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 thì chỉ còn quỹ thời gian là 2 kỳ họp Quốc hội năm 2025. Do đó, đề nghị các cơ quan tiếp tục nỗ lực tập trung chỉ đạo công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, bảo đảm chất lượng, tiến độ các dự án được giao, đề xuất sáng kiến, giải pháp để Quốc hội có thể hoàn thành cơ bản chương trình công tác lập pháp của nhiệm kỳ, bảo đảm chất lượng, đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn.

Cùng với đó, để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành cần chủ động hơn nữa, cần lập chương trình xây dựng nghị định, văn bản hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh song hành với chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hàng năm.

Ngoài ra, theo đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần tăng cường việc giải thích pháp luật, bảo đảm cho các quy định trong văn bản pháp luật được hiểu đúng và được thi hành nghiêm chỉnh, thống nhất. Có như vậy mới có thể góp phần đẩy nhanh tốc độ và nâng cao chất lượng ban hành các văn bản pháp luật, sớm xây dựng hệ thống pháp luật đầy đủ, đồng bộ, bảo đảm chất lượng, đáp ứng được mong mỏi của cử tri, Nhân dân và doanh nghiệp, cũng như đáp ứng được các yêu cầu của thực tiễn đời sống đặt ra.

Tại phiên thảo luận, đóng góp ý kiến nhằm đảm bảo tính ổn định, nâng cao chất lượng chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh đề xuất Chính phủ cần chỉ đạo tổ chức việc rà soát để xem xét chặt chẽ về sự cần thiết khi cho ý kiến về đề nghị chương trình xây dựng luật, pháp lệnh. Các bộ, cơ quan đề xuất phải làm rõ sự cần thiết, tác động của các chính sách cơ bản và phạm vi điều chỉnh, trách nhiệm sàng lọc thuộc về Bộ Tư pháp, Chính phủ và các cơ quan của Quốc hội trước khi trình Quốc hội xem xét thông qua các đề nghị xây dựng các dự án luật.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh

Bên cạnh đó, Chính phủ cần tăng cường hơn nữa kỷ cương trong công tác xây dựng pháp luật. Yêu cầu cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan của Chính phủ phải nghiêm túc tuân thủ theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Các bộ chủ trì đề xuất Bộ Tư pháp, Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội cùng đồng hành từ giai đoạn đầu lập, đề nghị xây dựng luật, kiên quyết không đưa vào chương trình các dự án luật khi chưa được chuẩn bị kỹ càng, chưa đủ điều kiện, chưa rõ về chính sách cơ bản và phạm vi điều chỉnh. Cơ quan chủ trì soạn thảo phải phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp, các cơ quan của Quốc hội từ khi nghiên cứu, đề xuất xây dựng dự án luật, phối hợp từ sớm, từ xa để thường xuyên cập nhật dự thảo mới sau khi tiếp thu, chỉnh lý ở từng giai đoạn để có phản ứng nhanh, kịp thời, nhất là trong giai đoạn tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua.

Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội cần kiên quyết hơn nữa, chỉ đưa vào chương trình những dự án luật thực sự cần thiết nhưng có tính đến số lượng luật tối đa được đưa vào chương trình trong từng kỳ họp để không vượt quá ngưỡng, quá tải về số lượng, có thể ảnh hưởng tới chất lượng của văn bản luật. Đồng thời, kiên quyết trả lại hồ sơ những dự án luật chưa được chuẩn bị kỹ lưỡng hoặc quá chậm về thời gian trình so với quy định.

Minh Hùng