PHÁT BIỂU ẤN TƯỢNG TẠI PHIÊN CHẤT VẤN BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG, THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
Nhân lực y tế phân bổ không đồng đều
Tham gia thảo luận ở hội trường về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh – Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng cơ bản tán thành với báo cáo của Đoàn giám sát, đồng thời cho biết, Đảng ta đã xác định đầu tư cho bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân là đầu tư cho phát triển, mang lại lợi ích chung và lâu dài cho toàn xã hội. Chủ trương này của Đảng đã được chỉ ra tại một số nghị quyết, chỉ thị của Đảng, như Nghị quyết số 4 ngày 14/1/1993 của Hội nghị Trung ương 4 khóa VII về những vấn đề cấp bách của sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, Chỉ thị số 06 ngày 22/1/2022 về củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở, Nghị quyết số 46 ngày 23/2/2005 của Bộ Chính trị về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới đã đưa ra quan điểm đột phá về đổi mới tài chính y tế là xây dựng và thực hiện chính sách viện phí phù hợp trên cơ sở tính đúng, tính đủ các chi phí trực tiếp phục vụ bệnh nhân.
Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh – Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng
Nghị quyết số 20 ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương 6 khóa VII về tăng cường công tác bảo vệ và chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới đã khẳng định: "Xây dựng hệ thống y tế công bằng, chất lượng, hiệu quả và hội nhập theo phương châm phòng bệnh hơn chữa bệnh, y tế dự phòng là then chốt, y tế cơ sở là nền tảng, phát triển vững chắc hệ thống y tế cơ sở hướng tới thực hiện bao phủ chăm sóc sức khỏe và bảo hiểm y tế toàn dân.
Đồng thời, thực hiện giải pháp đổi mới mạnh mẽ cơ chế và phương thức hoạt động của y tế cấp xã để thực hiện vai trò là tuyến đầu trong phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Tuy nhiên, thực tiễn công tác chống dịch vừa qua bộc lộ những vấn đề như hệ thống y tế cơ sở chưa được quan tâm, đầu tư đúng mức, chưa đáp ứng được yêu cầu đảm đương công việc. Khó khăn lớn nhất là về mô hình tổ chức, cơ chế hoạt động, cơ chế chính sách và phát triển nguồn nhân lực đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng công tác phòng bệnh, khám bệnh, chữa bệnh.
Người dân đến với y tế cơ sở để được chăm sóc sức khỏe ban đầu, được tư vấn về sức khỏe lại chiếm tỷ lệ rất thấp. Có nhiều nguyên nhân mà nguyên nhân trực tiếp là chất lượng dịch vụ và lòng tin của người dân và nguyên nhân gián tiếp phải nói đến cơ chế, chính sách và đầu tư của Nhà nước. Cơ chế, chính sách chưa thật sự tạo điều kiện cho y tế cơ sở phát huy khả năng và tiềm năng. Điều đó dẫn tới người dân sẽ lại tiếp tục vượt tuyến, chịu chi phí cao cho chăm sóc sức khỏe.
Đại biểu cũng cho biết, các bệnh viện tuyến trên lại tiếp tục quá tải và sự hài lòng của người dân khó được cải thiện. Bên cạnh đó, nhân lực y tế, vấn đề được xem là một tiêu chí rất quan trọng, quyết định sự thành công trong định hướng phát triển y tế của tuyến cơ sở là lực lượng tuyến đầu trong công tác phòng, chống dịch bệnh luôn theo sát người dân nhất, chăm sóc sức khỏe từng hộ gia đình, người dân, thực hiện nhiệm vụ quản lý và theo dõi người bệnh ngay tại các xã, phường, thị trấn còn rất thiếu về số lượng và yếu về chất lượng. Đến thời điểm hiện nay có 11% số trạm y tế chưa có bác sĩ cơ hữu tại trạm.
Toàn cảnh phiên họp
Do đó, ngành y tế đã phải có giải pháp là cử bác sĩ của các đơn vị tuyến trên về hỗ trợ tăng cường và làm việc, nhiều xã, phường của thành phố, đặc biệt là khu vực đang đô thị hóa nhiều khu chung cư mật độ dân số cao, có trên 30.000 dân, có nơi trên 50.000 dân cũng chỉ có tối đa 10 cán bộ trên một trạm y tế. Với số lượng cán bộ như vậy chỉ thực hiện theo dõi, quản lý sức khỏe đảm bảo cho tối đa từ 13.000 đến 15 ngàn dân, trên 15 ngàn dân sẽ quá tải, chưa kể những lúc dịch bệnh xuất hiện có tính chất lây lan nhanh. Theo đó định mức này đã không còn phù hợp trong giai đoạn hiện nay.
Thử nghiệm mô hình mới, ứng dụng công nghệ thông tin phát triển y tế cơ sở
Tham gia phát biểu, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định phản ánh đoàn công tác giám sát của Quốc hội đến các trạm y tế xã, những khó khăn, nổi trội nhất vẫn là nhân lực, thu nhập, chất lượng khám, chữa bệnh và cơ sở vật chất. Tuy nhiên, theo đại biểu tăng lương, xây cơ sở đẹp, mua máy móc không giải quyết được gốc rễ vấn đề, lương không thể tăng mãi, cơ sở khang trang mà không có bệnh nhân, máy móc hiện đại mà không ai biết sử dụng, cuối cùng là lãng phí rất lớn.
Đại biểu cho biết, Trạm y tế xã có hai nhiệm vụ nhiệm vụ. Thứ nhất là dự phòng như tiêm chủng, phòng, chống dịch, giáo dục, tuyên truyền. Nhiệm vụ thứ hai là điều trị, chăm sóc sức khỏe người bệnh, quản lý các bệnh mãn tính, sơ cứu, cấp cứu tại cộng đồng.
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định
Tuy nhiên, nhiệm vụ thứ hai ngày càng teo tóp, khiến cho việc hoàn thành nhiệm vụ thứ nhất trở nên bội phần khó khăn so với trước. Dự phòng là mục tiêu quan trọng nhưng chữa bệnh cũng cần được coi là chìa khóa để y tế cơ sở có đủ sức tồn tại và phát triển trong nền kinh tế thị trường ngày hôm nay. Tuy nhiên nhiệm vụ thứ hai ngày càng khó khăn để thực hiện.
Vậy làm cách nào để một hệ thống dày công xây dựng từ nhiều thế hệ đi trước không bị teo tóp và mất hoàn toàn chức năng điều trị. Theo đại biểu, cần nên thử nghiệm mô hình mới, coi trạm y tế xã, phường là phòng khám của trung tâm y tế huyện, các tiêu chuẩn con người là tương đương nhau, cả người bệnh và nhân viên y tế. Các bác sĩ trung tâm y tế huyện sẽ có buổi khám ngoại trú cố định ở các xã, phường, đặc biệt các bệnh mãn tính không lây nhiễm như huyết áp, đái đường, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. v.v.. Đồng thời, sẽ có buổi khám về ngoại sản, nhi để tư vấn cho người bệnh đi chữa đúng địa chỉ, thăm khám sau khi đã chữa tại cơ sở y tế của tuyến huyện, tuyến cao hay những vấn đề đơn giản có thể xử lý luôn ở trạm y tế xã, phường.
Ngoài ra, với từng địa phương cần có kế hoạch chi tiết tới từng trạm y tế theo địa chính trị, cần may đo cẩn thận, không mặc đồng phục cho tất cả trạm y tế trong cả hệ thống. Ví dụ, một trạm trưởng giỏi về siêu âm cần đầu tư máy để người ta phát huy khả năng của mình; một y sĩ y học cổ truyền giỏi châm cứu cần có phương tiện chuyên biệt để họ triển khai; một trạm y tế vùng cao không thể trang bị như một trạm y tế mà cách bệnh viện huyện có vài kilomet, giao thêm quyền và trách nhiệm cho trưởng trạm y tế động viên họ để phát triển thế mạnh của mình, khi đã vận hành trơn tru, chúng ta có thể tiến lên bước nữa là phối hợp giữa các bệnh viện tỉnh và các trung tâm y tế quận, huyện. Các bác sĩ giỏi ở tỉnh sẽ về huyện làm định kỳ trong tuần, những bệnh nhân sau mổ sẽ được khám lại ở huyện.
Khi hệ thống đã liên thông thực sự, việc này rất nhiều các bệnh viện tuyến tỉnh đã tiến hành với tuyến trung ương. Các bác sĩ đầu ngành đã có buổi khám tại các bệnh viện địa phương theo lịch, tuy nhiên vẫn làm theo cách cá nhân nhỏ lẻ, chưa có hệ thống hướng dẫn cụ thể. Đại biểu cho rằng, số hóa ngành y tế bao gồm quản lý sức khỏe, khám, chữa bệnh từ xa sẽ là chìa khóa thành công cho hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu. Công nghệ thông tin còn giúp cho rất nhiều trong đào tạo liên tục.
Tới đây, khi Luật Khám bệnh, chữa bệnh được sửa đổi chính thức có hiệu lực, 50 giờ CMA bắt buộc sẽ tiếp tục gia hạn để gia hạn giấy phép hành nghề là động lực cho các lớp học trực tuyến tổ chức có hiệu quả, tiết kiệm là trách nhiệm của trường đại học và các bệnh viện thực hành, đầu tư phần cứng, máy tính, camera, đường truyền và phần mềm là trách nhiệm của chính quyền địa phương. Không đào tạo thiếu cập nhật kiến thức, kém phần phản biện là nguồn gốc của sự đi xuống của bất kỳ hệ thống nào. Đại biểu mong muốn Quốc hội, Chính phủ, người dân có góc nhìn khách quan, cảm thông để ủng hộ ngành y hoàn thành nhiệm vụ vô cùng quan trọng là chăm sóc sức khỏe người dân ngày một tốt hơn.