PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN KHẮC ĐỊNH TIẾP XÚC CỬ TRI HUYỆN QUỲNH PHỤ, TỈNH THÁI BÌNH
Tại kỳ họp, Quốc hội đã thông qua 8 luật, 17 nghị quyết; cho ý kiến đối với 9 dự án luật; giám sát tối cao chuyên đề “việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng”; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn; xem xét, quyết định các vấn đề về nhân sự, kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước; xem xét báo cáo về tổng hợp kiến nghị của cử tri và nhân dân, báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri cùng một số nội dung quan trọng khác.
Đại biểu Nguyễn Văn Huy, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình phát biểu thảo luận.
Hoàn thành 112/137 nhiệm vụ nghiên cứu lập pháp của cả nhiệm kỳ
Tại kỳ họp, Quốc hội đã xem xét kỹ lưỡng, biểu quyết thông qua 8 luật, 3 nghị quyết quy phạm pháp luật; cho ý kiến lần thứ hai, hoàn thiện một bước cơ bản đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và cho ý kiến lần đầu đối với 8 dự án luật khác.
Với kết quả công tác lập pháp tại kỳ họp này, đến nay, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan đã hoàn thành 112/137 nhiệm vụ nghiên cứu lập pháp của cả nhiệm kỳ, đạt 81,8%; trong đó, 32 nhiệm vụ đã được ban hành thành luật, pháp lệnh, nghị quyết quy phạm pháp luật; 29 dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết đã được đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 và năm 2024.
Nhiều quyết sách quan trọng thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội kịp thời
Sau khi xem xét kết quả tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước, Quốc hội có nhiều quyết sách rất quan trọng để thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp như tiếp tục thực hiện giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng đến hết năm 2023 để kích cầu, thúc đẩy thị trường nội địa; cho phép tiếp tục phân bổ hơn 100.000 tỷ đồng còn lại của kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025; chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và chương trình mục tiêu quốc gia; đồng thời, cho phép linh hoạt điều hòa vốn giữa các nhiệm vụ, dự án của chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với các nhiệm vụ, dự án thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 để đẩy nhanh phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công; quyết định và điều chỉnh chủ trương đầu tư một số dự án quan trọng thuộc thẩm quyền của Quốc hội, quyết định đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; sửa đổi, bổ sung căn bản các thủ tục, quy định về xuất nhập cảnh của công dân Việt Nam và người nước ngoài ở Việt Nam để tạo thuận lợi hơn nữa cho công dân và kích cầu du lịch... Đây là các nghị quyết có ý nghĩa quan trọng giúp cho việc tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ, dự án sử dụng vốn đầu tư công, vốn của chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đã được chuẩn bị đầy đủ thủ tục, đủ điều kiện để giao và một số dự án cấp bách có yêu cầu bảo đảm công tác đối ngoại, an sinh xã hội...
Với quy trình, thủ tục chặt chẽ, trên cơ sở quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước, Quốc hội đã xem xét, quyết định công tác nhân sự đối với chức danh Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhiệm kỳ 2021 - 2026, phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm 1 thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
Giám sát là khâu trọng tâm, then chốt trong đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội
Trong 2,5 ngày, Quốc hội đã tiến hành chất vấn Phó Thủ tướng Chính phủ, 3 bộ trưởng và trưởng ngành. Phiên chất vấn và trả lời chất vấn diễn ra nghiêm túc, dân chủ, trách nhiệm, có tính xây dựng cao. Các vị đại biểu Quốc hội đã nêu câu hỏi ngắn gọn, cụ thể, rõ ràng, ít trùng lặp, có đối thoại, tranh luận thẳng thắn, mang tính xây dựng và sát thực tế diễn biến của đời sống nhân dân và nguyện vọng của cử tri. Với ý thức trách nhiệm cao, các Phó Thủ tướng Chính phủ, các bộ trưởng, trưởng ngành khác đã tham gia giải trình nghiêm túc, giúp làm sáng tỏ thêm nhiều vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.
Quốc hội đã thông qua nghị quyết về hoạt động chất vấn, theo đó xác định cụ thể các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, thời hạn hoàn thành, làm cơ sở để giám sát việc thực hiện, yêu cầu Chính phủ và các thành viên Chính phủ thực hiện nghiêm các cam kết trước Quốc hội và cử tri cả nước, vừa kịp thời khắc phục hiệu quả những yếu kém, hạn chế trước mắt vừa phải tạo được chuyển biến thực chất, căn cơ và lâu dài trong từng lĩnh vực được chất vấn.
Trên cơ sở kết quả giám sát chuyên đề, Quốc hội đã ban hành nghị quyết giám sát chuyên đề về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng, trong đó, Quốc hội yêu cầu sớm hoàn thiện thể chế liên quan đến lĩnh vực y tế cơ sở, y tế dự phòng, phòng thủ dân sự và tình trạng khẩn cấp; khẩn trương rà soát, tổng hợp, phân loại để xử lý các tồn đọng, vướng mắc trong công tác quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; tăng cường khả năng cung ứng dịch vụ y tế cơ sở, y tế dự phòng, nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh gắn với đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực y tế, nhất là trong sản xuất vắc-xin và thuốc điều trị trong nước; có giải pháp để hoàn thành mục tiêu mọi người dân đều được theo dõi, quản lý sức khỏe toàn diện theo lộ trình; có lộ trình tăng mức đóng bảo hiểm y tế, đồng thời mở rộng danh mục dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, danh mục thuốc, vật tư y tế ở y tế cơ sở do quỹ bảo hiểm y tế chi trả; giải quyết triệt để những vướng mắc trong thanh toán, quyết toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế...
Tại kỳ họp này, lần đầu tiên Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ tư và báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XV; xem xét báo cáo về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022 và một số báo cáo khác theo quy định; thông qua nghị quyết về chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024 và các nghị quyết thành lập đoàn giám sát của Quốc hội.
Tại kỳ họp, các đại biểu Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình đã tích cực tham gia xem xét, quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước, đã đóng góp 56 lượt ý kiến về các lĩnh vực kinh tế - xã hội, thảo luận về các dự án luật, chất vấn Chính phủ và các thành viên của Chính phủ. Nội dung các ý kiến đều đã phản ánh tâm tư, nguyện vọng chính đáng của cử tri, đồng thời thể hiện trách nhiệm, tâm huyết của đại biểu Quốc hội. Cùng với việc tham gia tích cực vào các nội dung của kỳ họp, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình đã tổ chức các buổi làm việc, gặp gỡ để trình bày, kiến nghị trực tiếp những khó khăn, vướng mắc với Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành trung ương trong việc thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội và huy động, thu hút nguồn lực để đầu tư xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh.