NHÌN LẠI KỲ HỌP THỨ 5 QUỐC HỘI KHÓA XV: NHỮNG CON SỐ ẤN TƯỢNG VÀ THÔNG ĐIỆP ĐƯA QUYẾT SÁCH CỦA QUỐC HỘI VÀO CUỘC SỐNG, GẮN KẾT CHẶT CHẼ GIỮA XÂY DỰNG PHÁP LUẬT VỚI THỰC HIỆN PHÁP LUẬT
TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIỀU 31/5: QUỐC HỘI TIẾP TỤC THẢO LUẬN VỀ TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI, NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC
TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIỀU 21/6: QUỐC HỘI TIẾP TỤC THẢO LUẬN DỰ ÁN LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI)
Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV thành công tốt đẹp, hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra
Sau 23 ngày làm việc với tinh thần đổi mới, đoàn kết, dân chủ, trí tuệ, khẩn trương và trách nhiệm cao, kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra với kết quả: thông qua 08 luật, 17 nghị quyết, cho ý kiến lần 2 đối với 01 dự án luật, cho ý kiến lần đầu đối với 08 dự án luật khác; giám sát tối cao chuyên đề “việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng”; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn; xem xét, quyết định các vấn đề về nhân sự, kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước; xem xét báo cáo về tổng hợp kiến nghị của cử tri và Nhân dân, báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, cùng một số nội dung quan trọng khác.
Thành công chung của kỳ họp có sự đóng góp tích cực, trách nhiệm, hiệu quả của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long. Tham gia đầy đủ 46/46 buổi làm việc trực tiếp tại Nhà Quốc hội, các đại biểu đã phát biểu trực tiếp 24 lượt ý kiến tham gia thảo luận và chất vấn, trong đó, có 18 nội dung ý kiến tham gia tại Tổ thảo luận; 05 nội dung ý kiến tham gia tại Hội trường và chất vấn Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội về giải pháp để triển khai tốt công tác an sinh xã hội; nguyên nhân việc quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa gắn với quy hoạch phát triển nhân lực, với quy hoạch, kế hoạch phát triển của ngành, địa phương và giải pháp trong thời gian tới.
Các đại biểu Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long tại phiên họp toàn thể hội trường tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV
Nội dung thảo luận của các đại biểu Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long tập trung về các vấn đề như: Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023; Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022, dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm của Quốc hội, Hội đồng nhân dân đối với các chức danh do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi) và các dự án Luật trình Kỳ họp (Luật Nhà ở sửa đổi; Luật Tài nguyên nước sửa đổi; Luật Đất đai sửa đổi; Luật Viễn Thông sửa đổi; Luật Căn cước công dân sửa đổi...).
Với đặc điểm trên địa bàn tỉnh có nhiều khu công nghiệp với 05 khu công nghiệp được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch, hai khu công nghiệp đã hình thành và đi vào hoạt động với tỷ lệ lấp đầy doanh nghiệp đạt 96,8% là Khu công nghiệp Hòa Phú và Khu công nghiệp Bình Minh. Trước thềm Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tổ chức tiếp xúc cử tri chuyên đề với công nhân lao động khu công nghiệp. Nhiều ý kiến, kiến nghị của cử tri được các đại biểu Quốc hội ghi nhận.
Đại biểu Nguyễn Thanh Phong - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long phát biểu tại phiên thảo luận tổ
Trong phiên thảo luận toàn thể tại hội trường về kinh tế - xã hội, những tâm tư, nguyện vọng của cử tri đã được các đại biểu Quốc hội mang đến nghị trường. Phát biểu tại hội trường, chiều 31/5, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Thị Minh Trang nêu rõ, trong những tháng đầu năm 2023 bình quân 1 tháng có 19,2 nghìn doanh nghiệp rút khỏi thị trường, không chỉ doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp vừa gặp khó mà cả những doanh nghiệp lớn, đa ngành, đa lĩnh vực cũng đối diện với tình trạng thiếu đơn hàng, áp lực trả nợ lớn nên phải ngưng hoạt động, giải thể hoặc chuyển nhượng doanh nghiệp, bán cổ phần. Hệ lụy liền kề là người lao động bị giảm, giãn việc, mất việc diễn ra tại nhiều khu công nghiệp, trong số đó số người rút bảo hiểm xã hội một lần tăng 20% so với cùng kỳ năm 2022. Thực trạng đó cho thấy trong giai đoạn này, cả doanh nghiệp và người lao động đang cần những chính sách hỗ trợ vượt trội.
Do đó, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Thị Minh Trang đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết liệt chỉ đạo các ngành chức năng tiếp tục rà soát, nghiên cứu, đánh giá, dự báo các yếu tố ảnh hưởng, xu hướng vận động cũng như là khả năng phát triển của các lĩnh vực đầu tư kinh doanh để kịp thời điều chỉnh các cơ chế, chính sách về tín dụng, thuế, phí, lệ phí, đất đai, đầu tư kinh doanh. Ưu tiên nguồn lực và tạo động lực tăng trưởng để tăng khả năng tiếp cận hấp thụ vốn của doanh nghiệp. Đơn giản hóa thủ tục hành chính, không ban hành chính sách quy định mới làm phát sinh chi phí thủ tục, thời gian không cần thiết ở tất cả các lĩnh vực, để doanh nghiệp có môi trường sản xuất kinh doanh thuận lợi, có điều kiện phục hồi, phát triển và tham gia thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, chăm lo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động.
Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Thị Minh Trang phát biểu tại hội trường
Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Thị Minh Trang nhấn mạnh cùng với việc chỉ đạo các ngành hữu quan nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các dự án luật có liên quan trực tiếp đến quyền, nghĩa vụ, lợi ích chính đáng, hợp pháp của người lao động, cần chú trọng công tác đẩy mạnh các biện pháp thanh, kiểm tra chủ sử dụng lao động về việc chấp hành chính sách pháp luật về lao động, việc làm. Tăng cường đối thoại với người lao động để kịp thời gỡ khó, đảm bảo sự cân đối, hài hòa về quyền lợi, nghĩa vụ của doanh nghiệp và người lao động.
Đặc biệt, cần quyết liệt chỉ đạo triển khai các biện pháp đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhất là các chính sách thí điểm ưu đãi tích hợp trong huy động vốn, tín dụng gắn với các chính sách về quỹ đất, định hướng quy hoạch sử dụng đất, vị trí triển khai các dự án để đảm bảo đồng bộ về hạ tầng kiến trúc, góp phần hiện thực hóa Đề án xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội đến năm 2030. Đây là một chương trình lớn mang tính nhân văn sâu sắc, giúp người lao động có thu nhập thấp an cư lạc nghiệp, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Thị Minh Trang nêu rõ.
Các ý kiến của các đại biểu được đánh giá cao, đảm bảo chất lượng, tâm huyết, trúng và sát với tình hình thực tiễn, được tổng hợp đầy đủ chuyển tới các cơ quan của Quốc hội để nghiên cứu tiếp thu.
Đại biểu Trịnh Minh Bình - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long phát biểu tại hội trường
Có được kết quả này là nhờ sự chuẩn bị từ sớm, từ xa của Đoàn ĐBQH tỉnh. Trước thềm Kỳ họp thứ 5, Đoàn ĐBQH của tỉnh đã tiến hành tiếp xúc cử tri, tiếp xúc cử tri chuyên đề. Đồng thời tổ chức nhiều hội nghị lấy ý kiến đóng góp vào các dự án Luật sẽ được trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp như Hội nghị lấy ý kiến về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) (tháng 4/2023); Hội nghị lấy ý kiến về dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) (tháng 4/2023); Hội nghị lấy ý kiến về dự án Luật Phòng thủ dân sự (tháng 3/2023).
Các đại biểu đã thực hiện nghiêm túc Nội quy kỳ họp Quốc hội, Quy chế hoạt động của Đoàn ĐBQH, sự chỉ đạo, điều hành của Trưởng đoàn; thực hiện đầy đủ các nội dung chương trình hành động đã báo cáo với cử tri, tại Kỳ họp thứ 5, các đại biểu Quốc hội của Đoàn ĐBQH tỉnh đã đầu tư nghiên cứu tài liệu kỳ họp, ý kiến, kiến nghị của cử tri, tham vấn chuyên gia và các đề xuất kiến nghị của Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Uỷ ban nhân dân tỉnh, các cơ quan, đơn vị, địa phương để chuẩn bị nội dung ý kiến tham gia phát biểu sâu sắc, xác đáng, chất lượng, thẳng thắn, có tính xây dựng và đề xuất nhiều kiến nghị, giải pháp thiết thực, khả thi, đặc biệt là đã chuyển tải tâm tư, nguyện vọng của cử tri tỉnh nhà đến Quốc hội để những quyết sách tại kỳ họp đúng đắn, hợp lòng dân.
Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long phát biểu tại hội trường
Bên cạnh đó, bên lề Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV diễn ra nhiều hoạt động gặp gỡ, giao lưu, trao đổi công việc với các ĐBQH là lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành trung ương, Đoàn ĐBQH các tỉnh, thành phố…; Lãnh đạo Đoàn ĐBQH tỉnh đã thực hiện tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo các hoạt động của Đoàn ĐBQH để các đại biểu tham gia đầy đủ các hoạt động; duy trì tốt mối quan hệ, tăng cường học tập kinh nghiệm, trao đổi thông tin phục vụ các hoạt động của đại biểu tại kỳ họp và chuyển tải các ý kiến, kiến nghị của cử tri tỉnh Vĩnh Long nhằm tranh thủ sự quan tâm, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho tỉnh. Bên cạnh đó, các ĐBQH chủ động, tích cực tham gia các hoạt động khác trên các diễn đàn Quốc hội (tại Ủy ban Văn hóa, Ủy ban Đối ngoại, Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Tư pháp; Nhóm Nữ đại biểu Quốc hội trẻ Quốc hội khóa XV…) đóng góp chung cho thành công của kỳ họp./.